Nghệ sĩ opera Đào Tố Loan: Tôi thuộc típ người lạc quan
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích: Tìm trong xưa cũ
- Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang: Nếu chơi đàn chỉ vì danh tiếng sẽ rất áp lực
- Chúc mừng Tố Loan vừa trở về từ cuộc thi "Singapore Lyric Opera 2018". Opera Việt Nam rất ít tên được xướng danh trên đấu trường quốc tế, sau Bích Thủy, Ninh Đức Hoàng Long, Khánh Ngọc và bây giờ là Tố Loan. Cảm xúc của chị như thế nào?
+ Đến bây giờ tôi vẫn có cảm giác đó là một giấc mơ, bởi khi sang Singapore, nghe các bạn hát lúc luyện tập, tôi giật mình vì họ hát quá tốt, tôi không có nhiều hy vọng. Nhưng cuối cùng tôi đã được xướng tên giải nhất. Ban giám khảo nói họ muốn tìm kiếm một giọng hát chuyển tải được nhân vật, hòa quyện cả tâm hồn và kỹ thuật chứ họ không tìm kiếm một cái máy hát.
Thực tế, tôi đã tìm hiểu kỹ từng nhân vật và chỉ khi hiểu nhân vật thì mới xử lý theo cách riêng của mình không giống ai. Tôi chọn 8 arias trong 8 vở nhạc kịch đồng nghĩa với việc tôi phải dịch hiểu cả 8 vở nhạc kịch và đi sâu vào aria của mình, dịch từng chữ để hiểu. Tôi rất hạnh phúc và đã bật khóc trên sân khấu, bởi tôi đi thi không phải vì giải thưởng mà còn là danh dự. Khi cái tên Tố Loan đến từ Việt Nam được xướng lên ở một nơi không phải là đất nước mình, cảm giác rất khác, rất tự hào.
- Chị là người trải nghiệm qua khá nhiều cuộc thi ở nước ngoài, từng có thời gian học ở Châu Âu, chị có nghĩ người Việt chúng ta khá tự ti trong lĩnh vực opera hay không?
+ Tâm lý của người Việt khá tự ti khi ra đấu trường quốc tế. Nhưng tôi đi khá nhiều, tham dự nhiều cuộc thi, tôi thấy kỹ thuật của chúng ta không hề thua kém nước ngoài. Nhưng có một điều chúng ta thua, đó là nền tảng, sự hiểu biết về âm nhạc.
Tôi tham gia một khóa học ở Na Uy, các nghệ sĩ đến từ nhiều nước, họ có thể nói 5- 6 thứ tiếng, tự đệm đàn piano và hát. Chúng ta không có điều kiện học như họ. Nhưng tôi tự tin vì chúng ta có nhiều giọng đẹp, kỹ thuật không hề thua kém họ.
- Ở Việt Nam không có nhiều người theo đuổi opera hoặc nếu có theo đuổi, họ cũng lựa chọn thính phòng cổ điển của Việt Nam để tiếp cận công chúng (tất nhiên, con số đó cũng không nhiều). Còn chị, vì sao chị vẫn kiên định con đường của mình?
+ Tôi may mắn vì tôi chịu được khổ và bên cạnh tôi có chồng cùng chung lưng đấu cật, vượt qua khó khăn, mới có thể sống với nghề. Cũng có nhiều người khuyên tôi nên thế này thế kia, nhưng tôi tự tin vào con đường của mình nên dù người khác có phủ nhận, tôi vẫn tin là mình sẽ làm được. Sự tự tin rất quan trọng. Khi tôi dạy học sinh, tôi luôn nói điều này với các em. Khi em đứng trên sân khấu mà thiếu tự tin, hát sẽ không thể hay, còn nếu tự tin vào bản thân, ngoại hình và giọng hát của mình thì chắc chắc các em sẽ thu hút khán giả.
- Chị hát nhạc Tây nhiều, điều đó có làm khó chị khi tiếp cận khán giả Việt Nam?
+ Tôi đủ tự tin hát cho khán giả Việt Nam. Chỉ chờ khán giả và công chúng cho tôi cơ hội tiếp cận thôi. Tất nhiên mỗi nghệ sĩ đều có lượng khán giả của mình và khán giả của tôi họ đều yêu quý khi tôi hát những ca khúc Việt Nam lẫn nước ngoài. Tôi thấy rất hạnh phúc và may mắn.
Nghệ sĩ opera Đào Tố Loan trong chương trình “Điều còn mãi”. |
- Tôi từng nghe chuyện chị chịu khó ăn mì tôm chứ nhất quyết không đi hát các dòng nhạc khác. Thực hư thế nào?
+ Đó là thời sinh viên, tôi mới học kỹ thuật hát cổ điển cho nên tôi chấp nhận không đi hát các dòng nhạc khác, vì tôi muốn thành thục kỹ thuật cổ điển. Nếu mình chạy show sẽ dễ bị mất giọng và không thể toàn tâm toàn ý theo đuổi con đường của mình. Tôi vốn chịu khổ được. Mẹ tôi mất sớm, mấy chị em tự đùm bọc nuôi nhau. Rồi sau này tôi đi theo opera, khó khăn đủ đường vì không có tiền. Thế mà tôi vượt qua được.
Khi mình vượt qua một ngọn núi cao, lúc ngoảnh lại tự hỏi không hiểu tại sao mình vượt qua được. Có những lúc tôi bị lôi kéo chứ, các bạn bảo đi hát như thế này nhiều tiền lắm, tôi vẫn nhất quyết không.
Không phải vì tôi chê dòng nhạc đó, mà tôi sợ đi hát quá nhiều sẽ bị mất kỹ thuật mà tôi đã học. Hồi sinh viên tôi như thế nào thì bây giờ tôi vẫn thế, giản dị trong cách ăn mặc hay trang điểm. Nhưng trong âm nhạc tôi cực kỳ khó tính, tôi cẩn trọng, chỉn chu từng đoạn, từng nốt nhạc. Tôi dành năng lượng để làm âm nhạc nên tối giản mọi thứ trong cuộc sống đời thường.
- Nghèo thế, khó khăn thế, vì sao chị vẫn chọn dòng nhạc kén khán giả này?
+ Đó là cái duyên và là thứ tôi đam mê. Khi tôi học opera, mỗi ngày nó cứ ngấm và cuốn hút tôi. Cô giáo dạy thanh nhạc của tôi nói rằng tôi là một "con đỉa dai" trong opera. Bao nhiêu khó khăn mà tôi vẫn không từ bỏ, đến giờ phút này, nghĩ lại tôi thấy mình kiên cường. Tôi theo opera hơn 8 năm rồi, khán giả không đông, thậm chí có khi đi hát mà khán giả không hiểu mình hát gì. Tôi vẫn chấp nhận và theo đến cùng.
Khi đã xác định rõ ràng con đường mình theo đuổi thì kể cả khi tự dưng có một khán giả bảo chị đang hát gì đấy, tôi cũng thấy bình thường, không bị cảm xúc làm ảnh hưởng nữa. Với tôi, mỗi lần tôi diễn xong bất kỳ ở sân khấu nào, khán giả thích và đón nhận, đó là hạnh phúc và hạnh phúc ấy khiến mình không cần gì hơn thế nữa.
- Có lần tôi trò chuyện với NSND Trung Kiên, ông rất buồn vì những chuẩn mực của opera đang bị sai lệch. Theo chị, nguyên do vì đâu?
+ Tôi nghĩ là do khán giả. Nghệ sĩ chúng tôi cũng biết điều đó nhưng đôi khi họ phải thay đổi để tiếp cận khán giả. Lượng khán giả của mình phần đa như thế nên không trách nghệ sĩ được. Đành phải có những sự hy sinh dần dần, bây giờ nhiều người biết opera hơn là vui rồi.
Một vai opera của Tố Loan. |
- Những người trẻ theo đuổi opera ở Việt Nam có lẽ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay?
+ Hiện nay có một số bạn trẻ như Đào Mác, Duyên Huyền, Khánh Ngọc, Hương Diệp. Nhưng tôi chưa thấy ai đủ độ "điên" về nghề. Phải "điên" nữa cơ thì mới ra vấn đề được. Tôi đi thi ở Singapore khi mới sinh em bé, nên vừa bế con vừa tập bài. Tôi chọn 8 aria trong 8 vở, tương đương phải tìm hiểu 8 vở nhạc kịch. Tôi làm việc đó khi con đã ngủ và đến 2, 3h sáng là chuyện bình thường. Sáng hôm sau, 7h vẫn dậy lo cho con và sau đó dạy học trò. Cứ thế mà tôi không thấy chán và mệt mỏi.
- Chị có nhắn nhủ gì với những bạn trẻ đang theo đuổi opera hiện nay?
+ Tôi mong các bạn trẻ biết nuôi dưỡng cảm hứng của mình để không mất cảm hứng với opera và thính phòng. Cảm hứng luôn luôn phải được nuôi dưỡng, nhiều khi phải tự tạo ra. Nhiều lúc con ốm, tôi phải thức mấy đêm liền, hát kiểu gì đây?
Tôi ngồi trong tĩnh lặng 30 phút, thở thật sâu và nghĩ về một bầu trời trong lành, cây cối xanh tươi và có nhiều hoa như một thiên đường. Sau đó tôi hát mấy câu luyện thanh để khởi động ngày mới. Vì thế, sau những chuỗi ngày mệt mỏi, tôi vẫn hát như thường. Nhiều người bảo sao tôi khỏe và nhiều năng lượng thế. Tôi thuộc típ người lạc quan, luôn nghĩ tới những điều tươi đẹp của cuộc sống.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.Đào Tố Loan giành giải nhất Sao Mai 2011 dòng nhạc thính phòng. Chị được đánh giá là một giọng hát thính phóng đẳng cấp với chất giọng soprano cực hiếm, cao vút và âm vực rộng. Năm 2014, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia, Tố Loan là nghệ sĩ opera trẻ nhất của Việt Nam được mời tham gia dự án "Transposition" của Na Uy, trong đó cô được chọn tham gia khóa tập huấn Opera quốc tế tại nhà hát Opera Quốc gia thủ đô Oslo. Hiện nay, Đào Tố Loan là nghệ sĩ opera của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam. |