Nghệ sĩ Tricia Nguyễn: Tự vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình

Thứ Năm, 09/05/2019, 07:00
Tricia Nguyễn tên thật là Nguyễn Thanh Trang, là con gái của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Thanh Bình. Không nối nghiệp bố để trở thành họa sĩ, cô tập trung vào nghệ thuật đương đại.


Sinh năm 1991, tại TP Hồ Chí Minh 9 tuổi, cô sang Anh học tại Trường Rossall, Lancashire và sau đó tiếp tục học chuyên ngành thiết kế dệt và thời trang tại Đại học Huddersfield. Sau đó, cô về nước, theo học tại Trường múa TP Hồ Chí Minh và làm việc tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. 

Cuối năm 2016, cô tiếp tục làm việc với Nhóm Múa Đương đại Hà Nội trình diễn vở múa đương đại Dependence tại The Factory. Hiện Tricia Nguyễn là Giám đốc nghệ thuật cho Phòng trưng bày Open House, nơi trưng bày các tác phẩm của cha mình và sáng lập Dự án “Wintercearig” (Sầu đông) vào năm 2017 để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần tại Việt Nam qua nghệ thuật đương đại, các buổi tọa đàm và hội thảo.

- Chào Tricia Nguyễn, mới đây bạn có buổi nói chuyện về dự án “Wintercearig” (Sầu đông) - dự án nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần thông qua nghệ thuật tại không gian của Salon Saigon. Được biết, đây là năm thứ 3 của dự án.

+ Trong lần ra mắt đầu tiên của dự án là tại The Factory Contemporary Art Center năm 2017, Nguyễn Ngọc Đan đã giới thiệu series tranh nhạy cảm nhất, nói về quãng thời gian khó khăn với căn bệnh trầm cảm của chính cô ấy. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện hai vở múa: “Trầm cảm”, “Rối loạn lo âu” bằng những tấm vải trắng từ trên tường trải xuống dưới đất, dựa vào sự di chuyển của tấm vải đó để chúng tôi thể hiện cảm xúc của mình như thế nào khi chúng tôi bị trầm cảm. 

Đa số những vũ công đều là những vũ công chuyên nghiệp, đều là những người trải qua bệnh trầm cảm. Đó là những tác phẩm có ý nghĩa lớn với tôi, vì tôi đã chia sẻ câu chuyện của tôi ở đó và kể một cách xuyên suốt thông qua chuyển động. 

Có một điều ngạc nhiên là, khi tôi chia sẻ câu chuyện đó, mọi người cũng bắt đầu đi lên chia sẻ câu chuyện của mình. Đối với văn hóa khép kín và khá cá nhân ở đây, tôi rất bất ngờ về điều đó. Sau đó chúng tôi có một wordshop về chuyển động, may vá, vẽ. Những việc này khiến chúng tôi rất thư giãn, thoải mái. Có nhiều người đã đến chia sẻ câu chuyện của họ không phải qua lời nói.

Năm 2018, chúng tôi tổ chức một chương trình “Rừng” bao gồm có triển lãm sắp đặt, hội họa và múa. Tất cả cùng chung một chủ đề liên quan đến “rừng”, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh với sự góp mặt của các nghệ sĩ như Florian Sông Nguyễn (Pháp), Hoàng Nam Việt (TP Hồ Chí Minh), Thu Trần (Hà Nội) và 3 nghệ sĩ Chung Nguyễn, Khánh Chinh và Thịnh Thiệu từ TP. Hồ Chí Minh. “Rừng” ở đây, không có nghĩa là một khu rừng âm u dễ lạc lối và đầy hiểm nguy… rừng, còn là nơi chốn chỉ nơi tận sâu của tâm thức. 

Năm nay, chúng tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt hơn và hướng đến đối tượng thanh - thiếu niên vì đây là đối tượng đang trải qua rất nhiều áp lực về học hành, gia đình, bạn bè cũng như xã hội. Chủ đề vẫn là “Rừng” nhưng là “Đi ra khỏi rừng”.

- “Đi ra khỏi rừng”, cụ thể là gì, bạn có thể nói rõ hơn?

+ Ở dự án này, tôi muốn kể một cách chi tiết hơn nữa so với câu chuyện năm ngoái. Sau khi nghiên cứu rõ hơn, tôi nhận ra, có rất nhiều thứ miêu tả bệnh trầm cảm. Thứ gần nhất với tôi chính là rừng. 

Trong một thời gian khá dài, tôi đã phải chật vật với điều này cho tới khi chấp nhận nó. Tôi không biết rõ, mọi người biết rõ ý nghĩa của từ “rừng” hay không. Đó là nơi chúng ta đi vào và cảm thấy rất lạc lõng, tối tăm và chúng ta nghĩ, chúng ta thuộc về nơi đó nhưng thực ra không phải vậy. Tôi đã vào rừng quốc gia và chụp tấm hình đó. 

Rừng là một nơi rất đen tối và hỗn loạn, tôi quyết định làm một câu chuyện về rừng, về việc đi vào đó và đi ra khỏi đó. Hình ảnh tượng trưng cho bệnh trầm cảm và rối loạn tâm lí. Vì vậy, năm nay tôi tập trung hơn về nghệ thuật thị giác. Tôi đã mời thêm 3 họa sĩ nữa cùng tham gia và cùng nhau hợp tác kể về quá trình đi vào rừng và đi ra khỏi rừng. 

Tôi muốn nói với mọi người rằng, khi bạn nhận được sự giúp đỡ của một người nào đó, luôn có nơi nào đó có ánh sáng và đang chờ đón mình. So với dự án năm ngoái, năm nay sẽ có bốn dự án về nghệ thuật, âm nhạc, nghệ thuật thể chất và chuyển động.

- Hành trình dự án năm nay ra sao?

+ Dự án dài 6 tháng, mỗi tuần sẽ có chương trình diễn ra để học sinh, sinh viên có thể đến và tham gia những hoạt động này. Sẽ có những chuyên gia đến từ Singapore, Thụy Điển sang, để hướng dẫn chúng tôi làm những hoạt động này; để từ đó, chúng tôi hướng dẫn ngược lại các em học sinh, sinh viên cách thể hiện bản thân mình mà không cần qua lời nói, vẫn giải quyết được những vấn đề nội tâm của họ một cách bình an hơn. 

Đặc biệt, mỗi tháng một lần, chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện ở trường đại học để mọi người biết chúng tôi làm gì, ngoài giúp đỡ các bạn học sinh, sinh viên trong học tập, còn giúp gia đình và nhà trường làm thế nào để hỗ trợ các bạn. 

Chúng tôi sẽ phối hợp cùng với nhóm Diều Ngược Gió cùng tổ chức dự án trị liệu qua nghệ thuật Diều Đông với sự hỗ trợ của Beautiful Mind Việt Nam, có mục tiêu hỗ trợ các bạn trẻ ở Việt Nam đối phó với Trầm cảm và Rối loạn lo âu thông qua các buổi trị liệu nghệ thuật với các hình thức như vẽ, thủ công, âm nhạc, nhảy múa, kịch,... 

Các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong quá trình trị liệu sẽ được trưng bày tại triển lãm The Clearing vào tháng 11-2019 dưới sự đồng thuận của người tham gia.

Qua triển lãm này, tôi muốn mọi người thấy được rằng, việc thể hiện cảm xúc có ý nghĩ vô cùng quan trọng. Và nghệ thuật là nơi mọi người có thể thể hiện cảm xúc của mình một cách thoải mái nhất, là nơi mà họ cảm thấy rằng mình không một mình, họ có thể giúp đỡ lẫn nhau, họ được đồng cảm và thông cảm. 

Chúng tôi muốn mọi người thấy nghệ thuật không đơn thuần là một sở thích hoặc một môn học nào đó, ta học xong rồi thôi mà nghệ thuật có thể len vào cuộc sống của chúng ta, làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn.

- Chính bản thân Tricia Nguyễn cũng từng trải qua căn bệnh trầm cảm. Trong quá trình thực hiện “Wintercearig”, hẳn bản thân bạn cũng tự chữa lành cho chính mình?

+ Tôi ra nước ngoài học từ khi 9 tuổi cho tới khi biết mẹ bị ung thư. Tôi chọn quay về để có thời gian ở bên bà nhiều hơn. Sau khi bà mất, tôi đối mặt với những đau đớn của bản thân và đủ thứ áp từ mọi thứ xung quanh. 

Tôi gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cảm xúc của mình. Nhờ múa, tôi dần đối mặt được những nỗi đau đó. Tôi nhận ra, nghệ thuật là nơi rất an toàn để tôi có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình một cách thoải mái, tự do mà không sợ ai phán xét mình. Đó là nguyên nhân bắt dầu dự án “Wintercearig”. 

“Wintercearig” là một từ tiếng Anh rất cũ tôi tìm thấy, có nghĩa là “Sầu đông”, thể hiện một sự lạnh buồn, dài dẳng của mùa đông. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần cũng như mang lại cho cộng đồng những trải nghiệm mới về một hình thức trị liệu tâm lý khác truyền thống: trị liệu nghệ thuật. Và tôi đã bắt đầu dự án đầu tiên với những họa sĩ mà tôi biết và những bạn bè của tôi. Tôi phải thú nhận một điều, đây là dự án mà tôi cần rất nhiều sự can đảm để bắt đầu.

So với ở nước ngoài, ở Việt Nam, tôi để ý thấy nhiều người không thoải mái khi tự chia sẻ câu chuyện của mình. Và sống trong một xã hội thường phủ nhận sự tồn tại của các vấn đề về sức khỏe tinh thần, khi trải qua những chấn thương cá nhân, làm thế nào để thể hiện cảm xúc của bạn mà không sợ sự phán xét? Tôi đã đến nghệ thuật và tự vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Nó đã giúp tôi và rất nhiều người khác phục hồi. 

Chúng tôi đã kể những câu chuyện của mình và chia sẻ cảm xúc thông qua sự sáng tạo của bản thân. Bản thân phản chiếu và chấp nhận đã khiến chúng tôi tự do khỏi gánh nặng của mình. Hơn nữa, với tôi, lời nói, chữ viết nhiều lúc cũng không thật. Ta có thể nói những thứ mà người khác trông đợi ta muốn nói hơn là những điều bản thân muốn nói. 

Với nghệ thuật, mọi thứ thật hơn vì ta khó nói dối qua cơ thể của chúng ta. Nghệ thuật không đưa ra áp lực bắt buộc bạn phải làm cái này hay phải như thế kia. Bước vào thế giới nghệ thuật, mọi người tự trải nghiệm, tự lắng nghe, tự chữa lành vết thương chính mình.

- Cảm ơn chia sẻ của bạn! 

Tháng Sáu (thực hiện)
.
.
.