Nghệ sĩ Piano Lưu Đức Anh: Cản trở lớn nhất chính là thái độ của khán giả
Đó là con đường Lưu Đức Anh lựa chọn để cống hiến và lan tỏa niềm đam mê của mình đến với khán giả.
- Chúc mừng Lưu Đức Anh trở về trong một đêm hòa nhạc vào cuối tháng 3 này. Hình như đây cũng là lần đầu tiên, Đức Anh độc tấu ở Nhà hát Lớn. Anh có thể chia sẻ về điều này?
+ Ngày 31-3 tới đây, tôi sẽ có buổi độc tấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần đầu tiên tôi thực hiện một mình một chương trình tại đây. Trước đây, tôi cũng đã diễn nhiều lần cùng dàn nhạc hoặc cùng với các nghệ sĩ khác.
Đây sẽ là một trải nghiệm mới. Tôi vừa trở về từ Thụy Điển và đang luyện tập cho đêm nhạc. Lấy chủ đề "GRANDIOSO" (dịch ra tiếng Việt là bao la, hùng vĩ, trong âm nhạc còn chỉ sự cao thượng) làm không khí xuyên suốt cả chương trình, tôi sẽ gửi đến khán giả những tác phẩm kinh điển nhất viết cho piano.
- Anh có chia sẻ rằng, anh muốn làm những điều lớn hơn một buổi biểu diễn. Đó là gì?
+ Ngoài những buổi biểu diễn quy mô vừa và lớn, tôi cũng đang lên kế hoạch nhiều dự án lớn hơn. Cụ thể dự án là gì thì xin phép chưa được tiết lộ, nhưng nó sẽ là một chuỗi những sự kiện diễn ra liên tục, gần như là một festival. Có lẽ sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị và tiến hành nhưng hiện nay tôi cũng đang có bước khởi đầu tốt.
- Được biết, đêm hòa nhạc sắp tới cũng là một trong những hoạt động thường niên của nhóm Maestoso - một dự án về âm nhạc cổ điển mà anh là người khởi xướng nhằm đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng?
+ Đây là buổi hòa nhạc đầu tiên của nhóm Maestoso trong năm 2018 và cũng là buổi thứ ba từ khi chính thức khai trương. Chúng tôi đã tổ chức thành công 2 buổi đầu tiên vào tháng 12 vừa rồi.
Buổi đầu tiên là buổi độc tấu Piano mang tên "Reminiscenza" của nghệ sĩ Nguyễn Đức Anh, cũng là một sáng lập viên của nhóm; buổi thứ hai là buổi hòa nhạc giáng sinh Christmas Concert tại Nhà thờ lớn với sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhóm và rất nhiều nghệ sĩ khách mời khác, đây cũng là lần đầu tiên một buổi hòa nhạc cổ điển quy mô lớn được tổ chức bên trong thánh đường của Nhà thờ lớn.
- Những khởi đầu sẽ luôn khó khăn, nhất là môi trường âm nhạc cổ điển của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sau một thời gian trở về và có những đêm diễn ở Việt Nam, anh có thấy những dấu hiệu lạc quan ?
+ Âm nhạc cổ điển ở Việt Nam ngày càng có nhiều thay đổi tích cực trong những năm gần đây. Số lượng nghệ sĩ nước ngoài tới Việt Nam biểu diễn ngày càng cao cũng như những nghệ sĩ Việt Nam làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam biểu diễn.
Số lượng buổi hòa nhạc ngày càng nhiều hơn. Nhiều học sinh, nghệ sĩ trẻ của Việt Nam đi thi tại các cuộc thi quốc tế và giành giải cao. Sự đầu tư của tư nhân với nhạc cổ điển cũng bắt đầu xuất hiện, họ còn thành lập được cả dàn nhạc.
Đó là những yếu tố quan trọng để phát triển môi trường âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Đây cũng là cả một quá trình dài từ nhiều năm với rất nhiều sự hi sinh của các nghệ sĩ. Đã có quá nhiều người tài năng nhưng phải hi sinh sự nghiệp vì nhiều yếu tố như tài chính, thời gian,…
Tôi rất vui vì cuối cùng đã bắt đầu có người nhận ra sự bất công đó và đang đầu tư vào âm nhạc cổ điển ở Việt Nam.
- Nhiều khó khăn, nhiều cản trở, nhưng một nghệ sĩ như Lưu Đức Anh lại coi việc đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng Việt Nam là trách nhiệm, lý tưởng sống của mình. Vì sao anh lựa chọn con đường khó khăn đó?
+ Tôi đã theo học về âm nhạc cổ điển từ lâu và nhận ra những điều vĩ đại mà nó có thể mang đến cho mỗi con người và thậm chí là mỗi quốc gia. Tôi thấy tôi may mắn hơn mọi người, kể cả về hoàn cảnh, điều kiện lẫn khả năng nên tôi phải có trách nhiệm thực hiện những gì lớn lao hơn. Một lí tưởng sống, một mục tiêu đúng đắn sẽ làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên ý nghĩa và tôi tin là đã tìm được điều đó cho mình.
- Tôi được biết, để theo đuổi âm nhạc cổ điển, tài năng chỉ chiếm môt phần, mà còn cần điều kiện kinh tế và sự hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình. Anh hội đủ tất cả những yếu tố đó.
Còn thực tế, ở Việt Nam, có những người tài năng, nhưng vì không có điều kiện nên họ cũng gặp nhiều hạn chế trên con đường phát triển sự nghiệp.
+ Âm nhạc cổ điển thực sự cũng có rất nhiều rủi ro và bấp bênh, không thể nói trước được điều gì. Ngoài điều kiện kinh tế ra, còn một yếu tố nữa tôi nghĩ rất nhiều học sinh, nghệ sĩ trẻ của Việt Nam bị lệch lạc trong đam mê của mình.
Có sự khác nhau rất lớn giữa đam mê nghệ thuật thực sự và đam mê ánh đèn sân khấu. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ luôn nói mình thích làm nghệ sĩ cổ điển, nhưng thực chất họ chỉ thích ánh hào quang trên sân khấu và tiếng vỗ tay của khán giả thôi.
Là người đã học và biểu diễn loại hình nghệ thuật này nhiều năm, tôi nhận ra điều đó khá dễ dàng. Đam mê nghệ thuật thực sự thể hiện ở sự cầu tiến, luôn luôn muốn tìm hiểu, học hỏi những điều mới trong âm nhạc, luôn sẵn sàng chấp nhận bất cứ thiệt thòi, khó khăn, rủi ro trên con đường này mà không chút hối hận.
Còn những người chỉ thích sân khấu, đến một ngày họ nhận ra thứ âm nhạc này thực sự vượt quá xa mục đích giải trí đơn thuần. Họ sẽ nhanh chóng nản chí và sẽ tìm những cách nhanh hơn để có tiền hay được lên sân khấu. Thích lên sân khấu cũng không có gì sai cả nhưng nên xác định rõ từ đầu để có con đường đi đúng đắn.
- Ở nước ngoài, những tài năng trẻ có nhận được hỗ trợ từ phía chính phủ hay nhà nước không? Theo anh, để phát triển tài năng ở Việt Nam, chúng ta cần điều gì, bởi nhiều tài năng lóe sáng rồi tắt vì thiếu định hướng?
+ Âm nhạc cổ điển ở nước ngoài nhận được sự đầu tư rất nhiều của nhà nước. Mỗi dàn nhạc đều có phòng hòa nhạc riêng và lương nhạc công khá cao, không thua kém gì những nghề khác, thậm chí còn cao hơn rất nhiều nghề. Ở Việt Nam, sự đầu tư lớn nhất hiện vẫn ở phía tư nhân và từ gia đình mỗi nghệ sĩ.
Chúng ta không thiếu nghệ sĩ tài năng và đẳng cấp, nhưng thứ lớn nhất đang cản trở họ chính là thái độ của khán giả. Âm nhạc cổ điển vẫn bị cô lập, hầu hết khán giả đều rất ngại mua vé, mặc dù rất muốn đi nhưng vẫn chỉ tìm cách xin được vé miễn phí.
Có một sự đối lập rất đáng buồn giữa Việt Nam và nước ngoài là ở nước ngoài, nghệ sĩ biểu diễn xong luôn được khán giả cảm ơn vì công sức chuẩn bị và đã cho họ được thưởng thức âm nhạc, còn ở Việt Nam, nghệ sĩ phải đi cảm ơn khán giả vì đã đến.
Tôi nghĩ khán giả Việt Nam nên có cái nhìn cởi mở hơn về loại hình nghệ thuật này, điều đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho nghệ sĩ biểu diễn ở Việt Nam rất nhiều.
Lưu Đức Anh trong một chương trình hòa nhạc. |
- Hành trình 20 năm gắn bó với cây đàn piano của anh có vai trò rất lớn của bố anh, nghệ sĩ Lưu Quang Minh và mẹ - một doanh nhân. Nền tảng gia đình có ý nghĩa như thế nào đối với con đường nghệ thuật của anh.
+ Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật, bố là nghệ sĩ, nhà sư phạm giàu kinh nghiệm, mẹ là doanh nhân thành đạt. Bố mẹ tôi cũng không quá trẻ khi tôi sinh ra nên có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, giúp tôi có được hướng đi đúng đắn ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Tất nhiên định hướng cũng chỉ là một phần, muốn trở thành nghệ sĩ thì phải tự mình có được đam mê chứ không phải do người khác ép. Gia đình đã cho tôi điều kiện để tiếp cận với âm nhạc, còn đam mê âm nhạc thì hoàn toàn được hình thành bởi chính tôi.
Nhiều gia đình cũng có điều kiện, nhưng vì con cái không tìm được đủ đam mê trong âm nhạc nên cũng không theo được lâu dài. Đam mê cũng như là duyên số với âm nhạc, không thể cứ muốn là có được.
- Lưu Đức Anh từng nói rằng, đừng để mình thành nô lệ của cây đàn. Anh có thể chia sẻ về điều này.
+ Âm nhạc chính là cuộc sống, từ cuộc sống mà ra. Nếu như chúng ta không thực sự sống, không đi ra ngoài đời để trải nghiệm thì không thể nào hiểu hết được về âm nhạc.
Tôi từng gặp nhiều người cả ngày chỉ ngồi trên đàn không làm gì khác, như vậy họ chỉ có thể học được cách chơi đàn giỏi chứ không thể trở thành một nghệ sĩ thực thụ để truyền tải hết mục đích của âm nhạc tới khán giả được.
- Nếu không làm nghệ sĩ piano, anh sẽ làm gì?
+Tôi rất thích phim ảnh, có lẽ nếu không theo âm nhạc, tôi sẽ cố gắng trở thành đạo diễn phim hay nhà viết kịch bản gì đó.
- Cảm ơn nghệ sĩ Lưu Đức Anh. Chúc buổi diễn sắp tới của anh thành công.
Đêm 31-3-2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình độc tấu Piano của nghệ sĩ Lưu Đức Anh, một trong những thành viên sáng lập của Maestoso. Anh là một trong những nghệ sĩ piano trẻ nổi bật của Việt Nam hiện nay với nhiều giải thưởng quốc tế và cũng là người tiên phong trong việc thực hiện các buổi hòa nhạc theo chuyên đề. Năm 2016 với Franz Liszt và năm 2017 với Johannes Brahms. Ngoài những buổi biểu diễn tại Việt Nam, anh xuất hiện thường xuyên trên các sân khấu ở nước ngoài như Bỉ, Pháp, Hà Lan, Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Ý, Úc, Nhật... Năm 2018, anh sẽ biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Helsingborgs, Thuỵ Điển và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Với những thành tích xuất sắc, anh đã được bình chọn là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô và Mười gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc năm 2017. |