Nghệ sĩ Hồng Vy: Khi tình yêu và đam mê dẫn lối

Thứ Năm, 17/05/2018, 14:30
Hồng Vy vốn là giọng hát nổi bật của dòng nhạc thính phòng giao hưởng. Hai năm trước, công chúng TP HCM đã được thưởng thức chương trình âm nhạc thính phòng cổ điển mang tên "Tình yêu và đam mê -Plaisir d'Amour" do chính Hồng Vy và những người thầy, người bạn tâm huyết của cô thực hiện. 


"Tình yêu và đam mê" trở thành một dự án âm nhạc của những nghệ sĩ nặng lòng với dòng nhạc thính phòng cổ điển. Ngày 17 và 18 tháng 5 tới đây, chương trình sẽ tiếp tục đến với công chúng thủ đô tại Trung tâm văn hóa Pháp. 

Trong chương trình lần này, Hồng Vy sẽ biểu diễn cùng nghệ sĩ Đăng Dương, chủ nhân của Giải thưởng Cống hiến 2017 vừa qua và nhạc sĩ piano Thuyên Hà. Nói về âm nhạc thính phòng cổ điển, Hồng Vy như lạc vào một cõi khác, đủ để người đối diện nhận ra, cho dù có những tháng năm khá im lặng, nhưng tình yêu và niềm đam mê dành cho âm nhạc của cô chưa bao giờ vơi cạn.

- Hồng Vy có thể cho khán giả biết, chương trình "Tình yêu và đam mê-Plaisir d'Amour" sắp diễn ra tại Hà Nội sẽ mang đến cho khán giả những điều đặc biệt gì?

+ Biểu diễn chính trong đêm nhạc "Tình yêu và đam mê" lần này có  tôi, anh Đăng Dương và nghệ sĩ Thuyên Hà. Sẽ là một chương trình đúng tính chất của giao hưởng thính phòng. Đêm nhạc diễn ra dưới hình thức các nghệ sĩ sẽ biểu diễn và trò chuyện xung quanh các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Tôi và anh Đăng Dương sẽ biểu diễn các tác phẩm âm nhạc Việt Nam tiêu biểu trong khoảng 60 năm trở lại đây, Thuyên Hà ngoài đệm piano sẽ solo thêm 3 tác phẩm khác. 

Những bài hát được sáng tác trong chiến tranh, trong thời bình, và trong cả thời kỳ đương đại chúng ta đang sống đây, là những bài hát có sức nặng nhất về nghệ thuật cũng như kỹ thuật thanh nhạc, phù hợp với chất giọng của từng nghệ sĩ. Cộng với rất nhiều yếu tố hoàn chỉnh khác về âm thanh, ánh sáng, tôi hy vọng khán giả yêu  dòng nhạc thính phòng cổ điển sẽ cảm thấy hài lòng khi thưởng thức đêm nhạc.

- Bắt đầu từ đâu mà Hồng Vy có ý tưởng làm chuỗi chương trình này?

+ Đã từ lâu tôi có một băn khoăn là, trong khi các chương trình âm nhạc giải trí quá nhiều, quá bội thực thì những chương trình biểu diễn các ca khúc theo dòng nhạc thính phòng giao hưởng quá ít. Người yêu âm nhạc họ không biết nghe các ca khúc thuộc dòng nhạc này ở đâu. Các chương trình mang tính nhà nước nếu được tổ chức thì lại quá quy mô, và thường chỉ dành cho khí nhạc là chính, chứ ít dành cho thanh nhạc. 

Khi tôi nói ra những suy nghĩ này của mình với những nghệ sĩ cùng dòng nhạc với mình, cũng là những người bạn thân thiết như Đào Mác, Duyên Huyền thì họ rất ủng hộ, chia sẻ. Chúng tôi ngồi với nhau và quyết tâm sẽ làm một điều gì đó, dù nhỏ, nhưng thật đặc biệt để thỏa mãn niềm đam mê của mình. 

Hồng Vy cùng các nghệ sĩ thính phòng nổi tiếng Đào Mác, nhạc trưởng Lê Ha My, Đăng Dương và Duyên Huyền.

Và dự án "Tình yêu và đam mê" ra đời. Kim chỉ nam của chúng tôi là sẽ là tổ chức các chương trình đúng nghĩa thính phòng giao hưởng trong quy mô nhỏ. Nhỏ nhưng phải đúng giá trị, không biến tướng, không chạy theo thị hiếu, xu hướng khán giả. Chất liệu thanh nhạc cho mỗi chương trình phải là những ca khúc giàu tính nghệ thuật, có nội dung sâu sắc, nhân văn, thể hiện được trình độ kỹ thuật thanh nhạc của người nghệ sĩ. Đây sẽ phải trở thành một không gian âm nhạc đúng nghĩa để những người nghệ sĩ đến chơi và ở lại. 

Là nơi để họ được làm nghề đúng nghĩa, sống với nghề đúng nghĩa. Rất may cho chúng tôi là ý tưởng này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ chia sẻ của rất nhiều người, từ các mạnh thường quân đến các nghệ sĩ tên tuổi, những người anh, người thầy của tôi trong dòng nhạc thính phòng giao hưởng. Hai năm trước, chương trình đầu tiên của chúng tôi tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự yêu mến đặc biệt của khán giả. Điều đó cho chúng tôi động lực để tiếp tục dự án của mình, cho dù chúng tôi biết rằng trước mắt có rất nhiều khó khăn.

- Ở nước ta, thị trường nghệ thuật vốn không ưu ái những chương trình gắn với thính phòng, giao hưởng, cổ điển, bởi khó khăn cả về tài chính lẫn khán giả. Hồng Vy làm thế nào để có thể duy trì lâu dài một chương trình như vậy, nếu bạn không đủ mọi tiềm lực?

+ Vâng, đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng sứ mệnh của chúng tôi là phải đi, vì niềm đam mê với dòng nhạc mình đã chọn. May mắn lớn đối với chúng tôi trong hiện tại là luôn có những người đồng hành tin cậy. Âm thanh chuẩn và ánh sáng chuẩn cho chương trình đã được nhận tài trợ 100% từ những chuyên gia giỏi. Đây là khâu quan quan trọng, bởi vì sẽ không thể có một chương trình đúng nghĩa thính phòng giao hưởng nếu không có yếu tố đầu tiên là âm thanh, ánh sáng chuẩn. 

Khi có những mạnh thường quân như vậy chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng, nhóm chúng tôi yên tâm rất nhiều. Về yếu tố nghệ sĩ thì chúng tôi tự tin mình có. Những nghệ sĩ của dòng nhạc luôn sẵn sàng hợp tác. Những người như thầy Quang Thọ, anh Đăng Dương, nhạc trưởng Lê Ha My và nhiều anh em nghệ sĩ khác đã thắp lửa cho chúng tôi. Khi đã được những người có tâm, có tầm, có tài trong dòng nhạc ủng hộ hết mình, chúng tôi vô cùng hạnh phúc.

Trong một môi trường mà lòng tin là một điều gì đó rất tiết kiệm, chúng tôi hiểu mình phải giữ gìn niềm tin đó bằng cách phải làm việc, lao động, cống hiến một cách nghiêm túc. Câu chuyện của chúng tôi là phải làm ra những chương trình mang tính chất giao hưởng thính phòng đúng nghĩa để người nghệ sĩ khi họ đến với sân chơi của mình họ không thất vọng, họ được sống đúng với đam mê của họ.

- Gần 10 năm qua Hồng Vy sống và hoạt động nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh. Chương trình đầu tiên của dự án này cũng được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Thông  thường, mọi người hay nghĩ, ở thị trường phía Nam âm nhạc giải trí chiếm thị phần là chủ yếu, sẽ không có chỗ cho dòng nhạc đỏ, dòng nhạc giao hưởng thính phòng, cá nhân Vy thấy điều này có chính xác không?

+ TP Hồ Chí Minh là thành phố hiện đại, đất rộng người đông và chất liệu âm nhạc nào cũng có đất sống. Khi chưa vào sống và hoạt động ở đây, tôi cũng nghĩ là những ca sĩ hát nhạc giao hưởng thính phòng vào đây sẽ "chìm nghỉm". Chắc chắn nhiều người cũng nghĩ như tôi nên ít người dám Nam tiến. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Chuyển vào TP Hồ Chí Minh, tôi làm việc ở Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố. Nhà hát của tôi rất mạnh, mỗi năm đều dựng nhiều vở và nghệ sĩ có nhiều cơ hội để biểu diễn.

Chúng tôi cũng được học hỏi rất nhiều từ các chương trình biểu diễn, đào tạo của nhà hát. Một ví dụ sinh động là nghệ sĩ Đào Mác - một học trò của anh Đăng Dương. Khi Nam tiến, Đào Mác đã có những bước phát triển vượt bậc, mà khi còn ở ngoài Hà Nội, chính bạn ấy cũng không dám nghĩ đến. 

Tôi thích tư duy của khán giả TP Hồ Chí Minh, đến với nghệ thuật dù loại hình nào cũng là để giải trí và sẵn sàng trả tiền. Khán giả ngoài Bắc thì nói thật là vẫn muốn xem nghệ thuật miễn phí là chính. Tôi muốn phải làm thế nào thay đổi được thói quen đó của công chúng để những nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề.

- Vừa lo công tác tổ chức vừa là nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, liệu Hồng Vy có ôm đồm quá không?

+ Tôi nghĩ, không ai hiểu công việc của mình bằng chính mình. Là một người học thanh nhạc thính phòng giao hưởng từ nhỏ, tôi hiểu được mình cần phải làm gì cho một chương trình "nguyên chất" giao hưởng thính phòng. Ý tưởng của chúng tôi không mới. Chúng tôi không định tạo ra một cái gì lớn lao để tuyên ngôn. Nhưng cái khó nhất phải chinh phục đó là đúng nghĩa chương trình âm nhạc giao hưởng thính phòng. 

Trước đây đã có người theo đuổi ý tưởng này, nhưng có thể vì họ không hiểu thấu đáo thế nào là giao hưởng thính phòng nên họ đã không giữ chân được các nghệ sĩ muốn làm nghề thực thụ. Nếu người làm tổ chức không có kiến thức, hiểu biết ngọn ngành về giao hưởng thính phòng thì chương trình dễ biến tướng. 

Chương trình của chúng tôi, một nghệ sĩ hát với piano thôi cũng đã phải tập cả tháng trời. Phải chau chuốt từng câu từng chữ, phải hát sao cho chuẩn mực, khúc thức. Nghĩa là phải chuyên nghiệp thực sự, chứ không có chuyện chỉ đến tập luyện sơ sài ghép tông, nhận show là xong được.

- Cha của Hồng Vy, NSND Doãn Tần có ảnh hưởng thế nào đến bạn?

+ Có thể nói, người thầy đầu tiên của tôi là bố. Ngày nhỏ tôi suốt ngày hát nghêu ngao theo bố. 17 tuổi, tôi vào học trường nghệ thuật quân đội, là học trò của chú Quang Huy, một người bạn thân của bố, rồi sau đó học cô Hà Thủy. Cô Hà Thủy là người đầu tiên kiên nhẫn dạy dỗ và hướng cho tôi hát thanh nhạc thính phòng cổ điển. Sau này sang nhạc viện, tôi học cô Diệu Thúy. Những người thầy cô giáo đó, đối với tôi như là những người cha, người mẹ. 

Cùng với bố Doãn Tần, các thầy cô đã trở thành người thắp lửa, luôn dõi theo con đường đi của tôi. Bố tôi ít khen con lắm. Khi bố tôi còn khỏe hơn bây giờ, và tôi đã đi hát, hôm nào mà nhận được điện thoại bố gọi bảo: "Vy ơi, hôm nay nghe con hát cũng tạm được đấy" là tôi mừng cả tuần. Bởi có những quý nhân ở cạnh động viên, tiếp lửa như vậy nên tôi không bao giờ rời xa âm nhạc được.

Hồng Vy hy vọng chương trình sẽ làm hài lòng khán giả yêu nhạc thính phòng cổ điển thủ đô.

Lửa đam mê trong tôi lúc nào cũng cháy, chỉ là khi âm ỉ, lúc bùng lên, chứ không bao giờ nguội tắt. Ngay cả những thời điểm lòng đầy chán nản, như rã ra, ngọn lửa vẫn được khơi lên bởi những người thân yêu để tôi tiếp tục con đường.

- Theo đuổi dòng nhạc thính phòng gian nan mọi bề: thời gian đào tạo lâu, kiếm tiền khó, khán giả ít, theo Hồng Vy đó có phải là lý do để nhiều bạn trẻ nản, học xong ra trường thường "chuyển hướng" sang dòng nhạc khác?

+ Những người như tôi hay anh Đăng Đương không còn nghĩ nhiều đến hai chữ gian nan nữa. Chúng tôi xác định gian nan ngay từ khi bước chân vào con đường, và trải qua từng đó năm tháng nghĩa là có thể sống được trong gian nan. Xét cho cùng, con đường nào cũng nhiều cái khó, không phải mỗi đường mình đang đi.

Đối với tôi, đơn giản là hãy làm tốt nhất có thể công việc của mình. Còn các bạn trẻ, tôi nghĩ, một khi đã đi theo con đường này, các bạn chắc chắn đã lường hết những khó khăn. Việc tiếp tục dài lâu hay chuyển hướng giữa chừng là lựa chọn của cá nhân từng người. Và tôi nghĩ, chỉ có niềm đam mê cháy bỏng mới dẫn mình đến với thành công.

- Xin cảm ơn Hồng Vy về cuộc trò chuyện!.

Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.