NSƯT Quang Thắng: Tôi là "cơm sạch bình dân"

Thứ Năm, 25/02/2016, 14:00
NSƯT Quang Thắng lúc nào cũng thế, giản dị, cởi mở, chân thành. Anh cũng không ngại bộc bạch những nỗi niềm của đời nghệ sĩ mà mình cho rằng "nước mắt trước, nụ cười sau". Quang Thắng tự nhận mình là "cơm sạch bình dân", giản đơn vậy thôi, bởi anh tâm niệm, không phải làm nghệ sĩ để tìm kiếm sự giàu sang hay danh vọng.


- Chúc mừng anh vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT, đến bây giờ mới được phong tặng danh hiệu, anh có nghĩ là quá muộn, bởi nhiều bạn bè anh đã lên NSND?

+ Việc phong tặng danh hiệu đối với nghệ sĩ chúng tôi rất thiêng liêng, không phải mình muốn mà được, đó phải là sự cống hiến, đóng góp của nghệ sĩ. Tôi không quá bận tâm đến chuyện danh hiệu, cũng không bao giờ nghĩ rằng vì sao mình nổi tiếng thế mà chưa được phong tặng. Nhiều người cứ có ý kiến này nọ với Tự Long, nhưng họ không nhìn nhận một cách công tâm. Họ chỉ biết Tự Long của những vai diễn hài mà không hiểu rằng, Long là một nghệ sĩ chèo tài hoa, hát chèo rất hay, những năm qua, Long đã vào nhiều vai diễn lớn như Chu Văn An, Nguyễn Chí Thanh. Mọi người không để ý cứ tưởng là hài thì đóng góp được gì.

Bản thân tôi, mấy năm qua cũng diễn khá nhiều vai chính kịch ở đoàn kịch Hải Phòng. Phải có huy chương, được ghi nhận thì mới được danh hiệu chứ. Tôi thấy bình thường mà, không hiểu sao thiên hạ cứ ì xèo chuyện này mãi thế. Như Vân Dung ấy, không quan trọng danh hiệu này nọ, điều ý nghĩa nhất đối với Vân Dung là làm thế nào để khán giả yêu quý mà thôi. Mỗi người có một quan niệm, một cách cống hiến khác nhau.

- Nhưng rõ ràng, diễn viên hài cũng chịu nhiều thiệt thòi, như có lần anh từng nói, họ mang tiếng cười cho thiên hạ, nhưng nhiều khi trong lòng lại nuốt nước mắt?

+ Đời nghệ sĩ hài là thế, có nhiều người mang tiếng cười cho thiên hạ, nhưng cuộc sống thật buồn. Đó là nghiệp chướng không tránh khỏi. Cuộc sống của họ có những nỗi buồn không chia sẻ được. Tôi nghĩ, ông trời bắt diễn viên hài phải như vậy rồi, như NSND Lê Hùng nói, nghệ sĩ bị giời đày. Mua vui cho mọi người nhưng mình nhận lại được gì? Cũng là số phận cả thôi. Thế nên, tôi không định hướng cho các con đi theo nghiệp diễn, đôi khi chua chát lắm.

- Hình như anh rất nỗi niềm? Anh từng mong muốn lên Hà Nội nhưng điều kiện kinh tế không cho phép, giờ anh còn ý định đó không?

+ Ai chẳng có những nỗi niềm, tuy nhiên đời tôi đơn giản lắm, chẳng có mơ ước gì nhiều. Tôi bây giờ yên bề gia thất ở Hải Phòng rồi, việc đi lại cũng đơn giản hơn. Tôi thích sự tĩnh lặng ở đây, thoải mái, bình yên. Tính tôi vốn chân chất, nên tôi không thích cuộc sống xô bồ, ồn ã ở Hà Nội. Tiền đối với tôi cũng không còn quan trọng như ngày xưa nữa, không bằng mọi cách, mọi giá để kiếm tiền, để giàu có. Sống đơn giản, bình thường thế thôi. Hàng ngày tôi vẫn tự lái xe đi diễn rồi về nhà. Hà Nội- Hải Phòng giờ đi lại đơn giản, bon chen làm gì cho mệt.

- Nhưng tôi thấy nghệ sĩ hài giờ cũng khá đấy chứ. Vân Dung, Tự Long đều có nhà đẹp, xe đẹp cả, đâu phải nghèo như các nghệ sĩ ngày xưa nữa?

+ Đó là những hào nhoáng bề ngoài, còn bên trong thế nào thì ai biết được. Các bạn ấy có nhà cửa thật, nhưng chắc gì đã phải của Tự Long, Vân Dung mua. Mai kia về già, liệu rồi chúng tôi có được như bác Trần Hạnh, bác Phạm Bằng hay không. Ai mà biết được. Đừng nhìn những hào nhoáng bề ngoài mà đánh giá cuộc sống của nghệ sĩ. Tôi đã nói rồi, đời nghệ sĩ mà, "mua vui cũng được một vài trống canh" mà thôi. Đừng có ai tị hiềm, hay soi mói gì với họ, vì vốn dĩ sinh ra là nghệ sĩ đã phải chịu đủ trăm điều  buồn bã, thiệt thòi rồi. Chỉ còn lại tình yêu của khán giả mới giúp họ giữ được niềm đam mê của mình mà thôi.

- Chương trình Táo quân năm nay gây được ấn tượng tốt trong lòng khán giả, nhưng rõ ràng, nó cũng chịu quá nhiều áp lực từ truyền thông lẫn người xem. Anh cảm giác thế nào? Anh có thấy chán vì 13 năm miệt mài với một chương trình như thế không?

+ Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng khoác cho chương trình Táo quân một chiếc áo quá rộng, cứ đòi hỏi phải làm những điều đao to, búa lớn. Đây chỉ là một chương trình hài cuối năm, mục đích chỉ là vui vẻ, nên chúng tôi không thể ôm đồm tất cả các vấn đề theo nguyện vọng của người dân, không thể đi úp tròn từng chiếc vung. Tôi ra đường, nhiều người bảo, sao các anh không "chửi" mạnh vào vấn đề rau sạch, an toàn thực phẩm, sao không thế nọ, sao không thế kia. Rất khó chịu. Chúng tôi đâu phải đi làm thuê cho điều đó.

Chúng tôi đều cảm thấy mệt rồi. Tôi năm nay đã 50, mỗi năm một tuổi, không còn sức khỏe để thức đêm thức hôm, hào hứng như ngày xưa nữa. Tôi rất mong có những gương mặt mới thay thế cho chúng tôi, chứ cứ diễn mãi khán giả cũng chán mà mình cũng thấy oải. Rất tiếc là ở Việt Nam chả có trường lớp nào đào tạo diễn hài cả, và thế hệ kế cận rất hiếm hoi những tài năng. Chẳng có ai như thế hệ chúng tôi, dám đánh đổi, dám sống với những đam mê của mình mà không vướng bận chuyện tiền bạc, danh vọng.

- Anh diễn hài từ bao giờ nhỉ?

+Tôi học nghệ thuật từ năm 1986, sau đó về đoàn kịch Hải Phòng. Nhưng phải chờ đến khi lên Hà Nội, diễn với các đàn anh như Chí Trung, Phạm Bằng, tôi mới được khán giả biết đến và yêu quý. Ngót nghét mấy chục năm rồi, miệt mài làm việc, lao động, chưa nghỉ một ngày nào. Ngày đó làm chương trình "Gặp nhau cuối tuần", tuần nào khán giả cũng được một trận cười. Tôi và đội hài của chúng tôi nổi tiếng từ đó. Tôi vẫn luôn tâm niệm làm thế nào để được khán giả yêu quý, đó là điều quan trọng nhất. Bởi trong cuộc đời, nếu mình cứ muốn cái nọ, cái kia thì mệt lắm.

Chạy theo sở thích và vui thú của cá nhân thì sao mà hết được. Nên tôi cứ sống bình thường, giản đơn và vui với những gì mình có. Vậy là vui rồi. Hàng ngày tôi vẫn đi chợ, đón con đi học, sống cuộc đời bình thường, không cố tạo khoảng cách giữa diễn viên và khán giả để rồi thấy mình xa lạ với đời sống. Tôi luôn tâm niệm, sân khấu là sân khấu, cuộc đời là cuộc đời, không bao giờ mang những hào nhoáng của sân khấu vào đời để thấy mình hụt hẫng.

Quang Thắng cùng các nghệ sĩ trong Táo quân 2016.

- Nhiều bạn bè thế hệ anh giờ đã lên chức quản lý rồi, trong khi Quang Thắng vẫn là diễn viên thôi. Anh có buồn vì điều đó?

+ Tôi là người sùng bái chủ nghĩa tự do, nghệ sĩ là nghệ sĩ, chứ nghệ sĩ làm lãnh đạo mệt lắm. Tôi không thấy thoải mái với điều đó. Làm nghệ sĩ có sự tự do, tự tại, vui mà.

- Diễn hài chừng ấy năm, có bao giờ anh tự thấy chán mình không?

+ Nếu tôi tự chán mình thì làm sao khán giả còn yêu quý tôi được nữa. Tôi luôn có ý thức thay đổi, làm mới mình trong từng vai diễn không thì khán giả sẽ đào thải mình luôn. Vẫn là Quang Thắng diễn hài nhưng mỗi vai diễn, nếu bạn để ý sẽ có một cách khác nhau để mang tiếng cười cho khán giả. Tôi làm nghề chừng ấy năm rồi, mỏi mệt có, oải có, nhưng chán thì chưa, vì tôi vẫn yêu nghề. Đời tôi sinh ra để dành cho những vai diễn, tôi cũng không biết làm gì khác để kiếm tiền ngoài làm nghề diễn. Thế đấy, nó cũng mang lại cho tôi nhiều thứ, tình yêu của khán giả, sự sẻ chia, đồng cảm. Tiền bạc rồi cũng đến thế, giàu có cũng chỉ đến thế, nhưng được sống một cuộc đời có ý nghĩa quan trọng lắm chứ.

Quang Thắng và bạn diễn ăn ý Vân Dung.

- Vâng, những nghệ sĩ như bọn anh đã sống một cuộc đời ý nghĩ mang đến tiếng cười cho mọi người, xoa dịu những nỗi buồn. Nếu có một ước muốn cho riêng mình, anh sẽ ước điều gì?

+ Tôi sống đơn giản lắm, chẳng có mơ ước gì nhiều. Ở tuổi này rồi, còn tham sân si làm gì nữa. Không có nhiều tham vọng, cuộc sống con người ta thật nhẹ nhõm, bình an. Tôi là "cơm sạch bình dân" chứ không phải cao lương mỹ vị gì cả đâu, cứ đơn giản thế thôi mà sống. Hàng ngày tôi vẫn làm tròn nghĩa vụ với gia đình, thậm chí đi chợ, nấu cơm. Sống cuộc đời thanh nhàn, vui vẻ. 

- Bây giờ thiên hạ dùng mạng xã hội ầm ầm, các nghệ sĩ hài cũng đều có facebook, mà hình như Quang Thắng vẫn đứng ngoài cuộc, anh gần như là số ít nghệ sĩ còn sót lại không dùng facebook, đấy?

+ Tôi không thích dùng vì cá nhân tôi cho rằng, nó chẳng mang lại cho mình điều gì, chỉ là những chuyện tầm phào, nhăng nhố mà thôi, mất thời gian lắm. Cũng có nhiều người mượn danh tôi lập facebook, hoặc các fan hâm mộ tự lập nên, nhưng tôi chả quan tâm. Tôi gần như đứng ngoài cuộc những thứ đó, nó là thế giới ảo mà, chẳng có tác động gì đến tôi cả.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.