NSƯT Trung Anh: sân khấu là tình yêu lớn nhất

Thứ Sáu, 01/07/2016, 09:50
Tôi nhìn thấy nỗi buồn và những bất an trong câu chuyện của anh, về con đường phía trước của Nhà hát Kịch Việt Nam, về giấc mơ cho sân khấu chính kịch dường như đang rời xa. Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu, với NSƯT Trung Anh, tình yêu đó đã trở thành máu thịt.


Vì thế, tôi càng hiểu sâu hơn nỗi buồn của anh, nỗi buồn của một người đã nhận ra mình đang đứng ngoài dòng chảy của cuộc sống, khi sân khấu đang phải vật lộn trong cuộc mưu sinh.

- Tôi và nhiều khán giả rất yêu quý anh khi thấy anh xuất hiện trên sân khấu trong vở Hamlet và mới đây là "Khát vọng". Rõ ràng, anh và thế hệ anh vẫn thể hiện một đẳng cấp sân khấu. Điều gì giữ cho anh sự bền bỉ đó?

+ Tôi nghĩ, chỉ có thể là tình yêu và đam mê mà thôi. Với tôi, sân khấu vẫn là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời, sau đó mới đến điện ảnh. Tôi nghĩ, sân khấu hội tụ những yếu tố xuất sắc nhất của người diễn viên, với sân khấu không thể gặp may mà trở thành một diễn viên giỏi được.

Điện ảnh thì có thể, vì một lý do may mắn nào đó ngoài tài năng mà họ có thể nổi tiếng, còn sân khấu, không học hành bài bản, không có tài thì đi ra sân khấu còn vấp ngã. Không thể nói là gặp may mà trước hết là bản lĩnh, tài năng và đam mê.

Tôi vẫn nói với các bạn trẻ rằng, năng khiếu chỉ là đầu vào, nếu anh không có tình yêu để học hỏi, đầu tư tìm tòi thì không thể diễn sâu sắc được. Một diễn viên giỏi, phải có cả chính họ trong vai diễn chứ không chỉ có đạo diễn, tác giả. Muốn hay dở thì trước hết phải là tình yêu nghề, nếu chỉ dựa vào năng khiếu để diễn thì chỉ là cái vỏ thôi. Làm nghề này phải đam mê và nhiệt huyết.

Với vở "Khát vọng", tôi nhìn thấy đam mê của những người trẻ, được nhen nhúm, tôi rất mừng. Vở kịch tập đúng lúc tôi được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Liên hoan phim năm ngoái, trong "Những đứa con của làng" nhưng tôi không vào nhận giải. Tôi luôn dành sự ưu tiên đầu tiên cho sân khấu.

- NSƯT Trung Anh, NSND Hương Bông, diễn viên Quốc Khánh thuộc thế hệ vàng của nhà hát Kịch Việt Nam. Anh nhớ gì thời vàng son đó?

+ Tôi nghĩ, phải là thế hệ trước bọn tôi, thế hệ những NSND Trọng Khôi, NSND Anh Dũng, NSND Thế Anh… mới được gọi là thế hệ vàng của sân khấu kinh điển Việt Nam.

NSƯT Trung Anh trong vở kinh điển “Hamlet”.

Thời đó, các đạo diễn nước ngoài như Nga sang làm việc còn kính nể họ. Thế hệ tôi lác đác sót lại vài người còn có tâm với nghề. Nói thì có vẻ bi quan, nhưng không còn nhiều người tâm huyết. Sự nối tiếp truyền thống sẽ tạo nên thương hiệu của nhà hát. Nhưng bây giờ truyền thống đang bị đứt gãy.

Thứ mà chúng ta đang tiếp nối đã bị biến hóa, lai căng đi nhiều, không còn thuần túy là chính kịch như ngày xưa. Tôi thấy chúng ta cứ cãi nhau kịch Nam hay Bắc hay hơn, tôi nghĩ sao phải cãi nhau, mỗi nơi phát triển một cách để tạo nên sự đa dạng cho sân khấu, cho khán giả nhiều lựa chọn. Quan trọng là anh có kiên định với con đường của mình hay không và cố gắng làm tốt nhất có thể, chứ không phải nhất thiết tất cả chúng ta đều đi một con đường.

- Nhưng rõ ràng, trong xu thế xã hội hóa, các nhà hát đang phải bươn bả bằng nhiều con đường khác nhau để tồn tại. Theo anh, điều này có phù hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam?

+ Thế hệ tôi nữ về hưu gần hết, tôi còn 5 năm nữa thôi. Đợt vừa rồi tôi định xin nhà hát về hưu sớm, nhưng họ không đồng ý. Tôi vẫn dành cuộc đời mình cho sân khấu. Với sân khấu là tình yêu vô điều kiện, nhưng phải được làm việc trong môi trường mình thích thú. Bây giờ có nhiều điều làm mình nản, mệt mỏi. Nản vì thiếu sự chuyên nghiệp. Điều tôi lo nhất là sự kế thừa truyền thống.

NSƯT Trung Anh trong vở “Khát vọng”.

Phải làm sao giữ được chất riêng của nhà hát. Tôi sợ rằng, khi thế hệ tôi nghỉ hết, nhà hát cũng sẽ mất bản sắc, trong khi điều quan trọng của mỗi nhà hát là bản sắc riêng, nếu không giữ được cái đó thì coi như mất nhà hát. Nhà hát Kịch Việt Nam phải là chính kịch, kịch hàn lâm, được thế giới coi là mẫu mực.

Các đạo diễn nước ngoài đến Việt Nam làm việc với nhà hát kịch Quốc gia, họ sẽ hiểu được thực trạng nền sân khấu và sâu xa hơn, văn hóa của đất nước đó đang như thế nào, sau đó họ mới xem hài kịch và các thể loại khác. Nhưng nhà hát kịch quốc gia bây giờ thế nào, mọi thứ đều lỡ dở. Tôi rất sợ sau thế hệ bọn tôi, người kế tiếp sẽ đứng ở đâu và đi theo cái gì.

- Vì sao anh lo lắng đến thế?

+ Vở kinh điển Hamlet là một nỗ lực của NSND Anh Tú, hiện tại vẫn còn giữ được chút bản sắc của dòng chính kịch, nhưng Anh Tú cũng chỉ còn 5 năm nữa thôi. Tôi lo khi nhìn đường dài sẽ tan nhà hát. Kể cả khi mình nghỉ hưu, về xem lại nhà hát như thế cũng sẽ rất buồn.

Tôi hơn 30 năm gắn bó với sân khấu. Từ năm 1984, tôi đã trải qua thời kỳ đỉnh cao của nhà hát, diễn không phải nghĩ, cuối những năm 80 thế kỷ trước, sân khấu lúc nào cũng đầy ắp người, bán 300-400vé/đêm còn kêu ít.

Còn bây giờ, nếu bán tay bo 10 vé cũng khó khăn. Tôi muốn chuyên nghiệp hóa là phải tạo ra đêm diễn để kéo khán gỉa đến rạp, chứ không chỉ diễn cho các hội nọ, hội kia xem. Vấn đề lớn nhất là phải tổ chức ra đêm diễn, để kéo khán giả đến rạp, nếu chúng ta không đi thì không bao giờ đến cả.

Lãnh đạo nhà hát phải thực sự quan tâm đến điều đó. Bán vé để khán giả đến mua, họ yêu và thích nhà hát, họ sẽ tự mua vé, tôi muốn gây dựng điều đó dần dần, thậm chí chấp nhận lỗ vài năm để có những khán giả riêng của nhà hát. Tôi muốn sân khấu đỏ đèn đúng thực chất.

- Anh lo lắng rằng nhà hát Kịch sẽ đánh mất bản sắc của mình để chạy theo xu hướng tự chủ và xã hội hóa. Anh có cực đoan quá chăng?

+ Tôi vẫn muốn sân khấu phải có khán giả, nhà hát Tuổi Trẻ kéo khán giả bằng hài kịch, nhà hát chính kịch kéo khán giả bằng chính kịch. Tôi nghĩ có thể không đông nhưng vẫn có khán giả, đi theo con đường chính kịch sẽ cam go hơn nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được, vấn đề là chúng ta đã bỏ qua, không làm.

Tôi chỉ tiếc thời kỳ thật sự chuyên nghiệp của sân khấu quá ít, từ sau 1995 trở đi, sân khấu không còn giữ được chất của nó nữa, từ kịch bản, chạy theo thị trường, rồi kéo theo đạo diễn và áp đặt cho diễn viên. 20 năm đi qua, thế hệ sau sẽ tiếp nhận những điều không còn thuần túy nữa, thậm chí đã bị mai một đi rất nhiều rồi.

- Vâng, sân khấu chính kịch vẫn là một thánh đường đòi hỏi người diễn viên phải tuân thủ nghiêm cẩn những giá trị chuẩn mực của nó. Trong khi bây giờ, các diễn viên lo chạy show nhiều quá chăng?

+ Tôi cho rằng, nếu ai đó đã chọn về nhà hát kịch, họ phải chấp nhận điều đó, chứ không thể bắt nhà hát phải thay đổi theo họ được. Nhà hát kịch cứ đi theo con đường của mình, diễn viên thấy phù hợp thì về, chứ không thể bắt nhà hát chạy theo thị trường được.

- Nghĩa là diễn viên phải hy sinh?

+Tôi nghĩ, chúng ta nghĩ chưa thấu đáo khi dùng từ hy sinh. Nếu anh giỏi chính kịch, anh có thể kiếm sống bằng phim ảnh rất tốt. Đó là sự tương tác và không thể nói là hy sinh được. Sân khấu chính kịch có những giá trị riêng của nó, không thể là thứ hổ lốn, tạp nham được.

Gia đình NSƯT Trung Anh.

Bây giờ mọi người cứ cãi nhau tại sao sân khấu không có khách, rồi đổ lỗi cho diễn viên kém, kịch bản kém, nhưng rõ ràng chúng ta chưa có một đường lối, chiến lược phát triển rõ ràng, làm những vở diễn tiền tỷ để tiêu ngân sách mà chẳng có khán giả.

- Hình như tôi có cảm giác anh đang bị lạc thời?

+ Đó là cảm giác của cả thế hệ chúng tôi, luôn coi sân khấu chính kịch là những chuẩn thước, nghiêm ngắn, đó phải là những tác phẩm chạm sâu tới trái tim con người.

- Nhiều diễn viên thế hệ anh đã chuyển sang làm đạo diễn, còn anh vẫn giữ lại nghiệp diễn viên. Vì sao vậy?

+ Cuộc đời tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội, ngày trẻ khá lông bông, nên lấy vợ muộn, rồi có con, cuộc sống khó khăn, phải lo kinh tế, khó khăn quá, việc đi học cứ lần lữa mãi, cuối cùng bỏ qua nhiều cơ hội.

Tôi từng học đạo diễn điện ảnh, hồi đó, thời điểm nhà hát có nhiều chuyện lùm xùm, tôi định bỏ sân khấu, chuyển sang điện ảnh, nhưng rồi cuối cùng vẫn ở lại với nó, đúng là duyên, là nghiệp rồi.

- Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu và điện ảnh, nếu được chọn một vai diễn, anh thích nhất vai diễn nào?

+ Vai diễn nào xem lại tôi cũng nghĩ mình có thể diễn hay hơn, nhất là với điện ảnh. Đó cũng là tâm lý chung của những người làm nghề. Trên sân khấu tôi thường vào những vai diễn xù xì, phức tạp về nội tâm.

Có những vai diễn nặng quá, diễn xong rất mệt, vì tôi luôn sống bằng cảm xúc thật của mình và với mỗi nhân vật, đều có tôi trong đó. Vì thế, xong mỗi vai diễn, tôi đều học cách quên đi nhân vật của mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.