NSƯT Tạ Minh Tâm: Không thể hát thiếu suy nghĩ

Thứ Tư, 31/08/2016, 11:48
"Thể hiện tác phẩm âm nhạc cũng là công việc sáng tạo, ca sĩ làm sao phải thể hiện được tư duy, đẳng cấp, chứ bắt chước mà không tới và không hiểu." - Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Minh Tâm tâm sự.

Gần mươi năm kể từ khi ra mắt hai album Tình Ca Ðỏ 1 và 2, được coi như một dấu mốc đổi mới cách thể hiện những ca khúc cách mạng, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Minh Tâm trao đổi với CSTC chung quanh những đổi mới của dòng nhạc đỏ…

- Là Phó Giám đốc Nhạc viện TpHCM, ông thấy vai trò và trách nhiệm của Nhạc viện tác động vào âm nhạc thị trường như thế nào?

+ Nhạc viện có nhiệm vụ định hướng chuyên môn, cân bằng nghệ thuật âm nhạc thị trường.  Đi theo hướng nào cũng phải có nền tảng nghệ thuật. Nhạc viện đứng ngoài thị trường, nhưng tác động ngấm ngầm vào đời sống nghệ thuật của xã hội.

Tác động của nhạc viện là về nghệ thuật, một cách bài bản. Nhiều công ty cũng đào tạo ca sĩ, nhưng theo hướng có lợi cho họ chứ không phải nhằm nâng cao dân trí. Nhạc viện đào tạo bài bản về chuyên môn, nghệ thuật, từ đó truyền đạt lan tỏa rộng đến công chúng, hướng công chúng đến thưởng thức nghệ thuật chân thiệt mỹ…

- Đào tạo khó nhất và cần nhất là đào tạo công chúng…

+ Đúng vậy. Phải làm lan tỏa từ từ. Nhạc viện đào tạo ca sĩ, nhạc công… trình độ cao. Các nghệ sĩ này truyền lại cảm hứng cho công chúng, hướng công chúng tới nghệ thuật…

- Nhạc viện đã tồn tại và phát triển 60 năm. Trong 60 năm ấy, có những thành tựu gì đáng nhớ?

+ Trong 60 năm qua, nhạc viện chủ yếu làm công tác đào tạo, định hướng, cập nhật trình độ nghệ thuật cho giới biểu diễn, âm thầm tác động trình độ nghe cho công chúng…

Nhạc viện đào tạo nền tảng nghệ thuật trình độ cao, làm công tãc lý luận, phê bình, đào tạo tại địa phương… Âm thầm đưa trình độ thưởng thức nghệ thuật lan tỏa khắp nơi, len vào chiều sâu, ứng dụng cao…

Nhạc viện cũng cung cấp cho xã hội nhiều gương mặt ca sĩ được nhiều người mến mộ như Võ Hà Trâm, Mỹ Tâm, Thanh Thủy…

- Cả nước có hai nhạc viện, tại Tp.hcm và Hà Nội. Có điều gì khác biệt giữa hai nhạc viện này?

+ Cả hai đều là trung tâm đào tạo chuyên môn sâu, trình độ cao. Ở miền Bắc, phong cách chơi nhạc điêu luyện, chứa chan, xúc động, mô phạm, nghiêm túc, chính thống, không thị trường. Còn ở miền Nam, phong cách lả lướt hơn, không hàn lâm, tính học thuật không cao nhưng sôi động, cập nhật, phong cách nghệ sĩ thay đổi đa dạng, gần gũi với người xem.

- Ông được coi là một ông hoàng về nhạc đỏ. Năm 2007 ông có cho ra hai album Tình Ca Đỏ 1 và 2, được coi như một dấu mốc đổi mới cách thể hiện dòng nhạc đỏ…

+ Đừng gọi tôi là ông hoàng, ông vua gì. Tôi chỉ là tôi. Vâng Tình ca đỏ 1&2 của tôi là một dấu ấn, đổi mới cách phối nhạc, phong cách biểu diễn thổi hơi thở mới cho dòng nhạc cách mạng. Tôi cũng phải đầu tư dữ lắm, trước hết là đầu tư trí tuệ, suy nghĩ nhiều mặt…

- Sau gần mười năm, ông thấy dấu mốc ấy chuyển như thế nào? Nó có thành một xu hướng, một trào lưu mới?

+ Sau Tình ca đỏ, nhiều ca sĩ thị trường cũng lao vào nhạc đỏ, thực hiện nhiệm vụ  chính trị thông qua nghệ thuật thời thượng. dùng nghệ thuật thu hút công chúng đến với mục tiêu.

Tình ca là tình cảm, xúc cảm. Nó đi vào trái tim nhiều hơn vào khối óc. Nghệ thuật làm đổi mới dòng nhạc này. Giá trị nghệ thuật đem lại cảm xúc nghê thuật. Công chúng nhận ra những ca khúc cách mạng không còn như những hành khúc khô khan, mà là những bản tình ca, về tình yêu đất nước, con người, cuộc sống và những giá trị nhân văn.

- Trước và sau dấu mốc Tình ca đỏ, các ca khúc cách mạng đã chuyển mình như thế nào?

+ (Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Minh Tâm mở đĩa những bài hát cách mạng tiêu biểu cho từng thời gian. Với những tai nghe ngoại đạo, chúng tôi chỉ nhận ra được thời trước là những ca khúc nhè nhàng, mượt mà, tự sự, rồi đến những ca khúc ken dày giai điệu, nhịp điệu khúc quân hành… và đến lượt các ca khúc mới dặt dìu, sâu lắng mang dấu ấn thời đại…). Rồi ông nói: nhẹ nhàng, “sạch sẽ”. Và giải thích: làm được điều này là “cực khó luôn”.

- Vậy đâu là những nét đặc trưng của nhạc cách mạng được đổi mới từ gần mười năm qua?

+ Trước hết, việc áp dụng kiến thức âm nhạc, kỹ thuật thể hiện được nâng lên  tầm cao mới.

Việc thể hiện ca khúc, cả phối âm, phối khí được nhuần nhuyễn, tinh tế hơn, gần gũi cuộc sống, tự nhiên hơn

Thứ hai, cảm xúc thể hiện tinh tế hơn, khắc họa rõ hơn hơi thở thời đại

Thứ ba, ngôn ngữ âm nhạc phối âm hoàn toàn hiện đại, gần gũi với âm nhạc, tính học thuật cao hơn, trình độ cao dẫn đến cảm xúc sâu, gần cảm xúc với mọi người.

Dấu ấn rõ nét là phong cách nâng lên đẳng cấp nghệ thuật. Như người ta hay nói phong độ có thể nhất thời đẳng cấp mới là mãi mãi... Bước ngoặt được tạo ra bởi thay đổi cả cách phối âm- thanh nhạc- phong cách. Nó hòa quyện lại tạo cảm xúc mạnh, đạt tới độ nhuần nhuyễn, đẳng cấp kỹ thuật trở về tự nhiên.

- Cái gì thúc đẩy ông làm điều ấy và làm như thế nào?

+ Nền tảng kiến thức âm nhạc rất quan trọng. Có nền tảng này sẽ có thúc đẩy sáng tạo. Rồi đầu tư suy nghĩ nhiều, phân tích ra mà làm.

Có tư duy phân tích tác phẩm có chiều sâu, có ngôn ngữ âm nhạc, văn học, chăm chút từng ca từ, chứ không phải hát như tập đọc. Cảm nhận được cảm xúc hình tượng văn học mới xử lý ca từ, phân tích, xử lý giai điệu hết sức ý trí, tinh tế.

Ca sĩ giỏi thời nay phải có kiến thức xã hội, trình độ tư duy, lịch sử văn học cộng với đẳng cấp thanh nhạc và kỹ thuật.

- Ông có thể cho thí dụ cụ thể?

+ Thí dụ, không có kiến thức văn học, xã hội, lịch sử, không phân tích được câu từ, làm sao hiểu được “sao vuông” là gì trong câu hát “Sao vuông mũ mẹ mũ em sao gì” hay hoa Pơ lang là hoa gì, như thế nào. Hoặc “Chiếc hôn trên lá đỏ”, tưởng là cái hôn tình của nam nữ, không hiểu thì làm sao tình cảm người chiến sĩ cách mạng thong dong trong dữ dội, bình thản giữa cái chết…

… Chưa hiểu thì lấy cái quái gì mà có cảm xúc, chẳng qua đọc như bản năng.

Hát, hình ảnh hiện về, không có thì không có cảm xúc hình ảnh, dẫn tới xử lý thô thiển, đối chọi. Không thể hát thiếu suy nghĩ được.

Thể hiện tác phẩm âm nhạc cũng là công việc sáng tạo, ca sĩ làm sao phải thể hiện được tư duy, đẳng cấp, chứ bắt chước mà không tới và không hiểu.

- Không ít người nói về phong cách Tạ Minh Tâm và nghiện phong cách ấy? Nó như thế nào?

+ Tôi không phải là một phong cách mà thể hiện một nền tảng nghệ thuật, một ứng dụng vào ca hát, nâng nhạc đỏ lên một nghệ thuật ca hát. Tôi không chủ trương tạo phong cách riêng.

- Trong ba yếu tố kỹ thuật, thanh nhạc, phong cách biểu diễn thì thanh nhạc, hay ca sĩ phải làm gì để phối hợp với hai yếu tố trên để trình bày tác phẩm thành công?

+ Ca sĩ, nghệ sĩ phải có nên tảng nghệ thuật và tri thức rộng. Phải chuẩn bị, phân tích kỹ về ngữ cảnh, ca từ, lịch sử, kiến thức văn học, cách nhả chữ phát âm chứ không phải quăng đại chữ ra. Nhạc là nhạc, phải nâng tầm nghệ thuật mới truyền tải được cảm xúc tới công chúng.

- Ông nhìn thấy hiện trạng âm nhạc hiện nay thế nào?

+ Có chứ không phải không có những viên ngọc quý, nhưng bị lẫn lộn trong mớ hổ lốn, khó nhận ra.. Khán giả phải có trình độ mới nhận biết được giá trị quý. Phải biết ăn sành điệu mới biết và thưởng thức được những món ngon bổ.

Nhưng buồn vì nay có cả “Âm nhạc ráy tai”. Ráng ráy cho người ta sướng. “Nhạc thị trường” và các “ca sĩ thị trường” hiện nay đủ chiêu trò để nổi tiếng, để kiếm tiền.

Chức năng giáo dục của âm nhạc, nghệ thuật bị tước bỏ một cách thô bạo, tính năng hướng tới chân thiện mỹ  bị bào mòn., gây độc hại, bị đầu độc ghê gớm.

Nhạc bây giờ thỏa mãn nhu cầu kiếm tiền, giá trị kinh doanh chứ giá trị giáo dục rất yếu. Đó là vấn đề thiếu trình độ, không hoàn toàn đúng. Không ít “công ty nhạc làm nhạc công ty”, được đầu tư không ít nhưng chức nang giáo dục không có, hiếm hoi lắm.

- Xin cám ơn NSUT Tạ Minh Tâm

Long Viên
.
.
.