NSƯT Khánh Hòa: Hát bolero không phải vì trào lưu
- Chị từng chia sẻ về tình yêu với bộ đội, với Trường Sa và chị cũng đã thành danh với hình ảnh một nghệ sĩ của Trường Sa và bộ đội, sao bỗng dưng chị lại chuyển sang hát bolero? Xem chừng, hai dòng nhạc này không liên quan gì đến nhau?
+ Tôi đã thỏa nguyện với hai dự án lớn nhất của cuộc đời, làm xong phần trách nhiệm công dân và cũng là đam mê của mình, dành cho lính đảo Trường Sa và những người lính biên phòng. Tôi may mắn khi có duyên với họ, nó mang lại cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt trong cuộc đời nghệ sĩ.
Còn bây giờ, tôi muốn hát cho riêng mình, thỏa mãn đam mê cá nhân của mình. Tôi vừa phát hành online album “Trả lại thời gian”, gồm những ca khúc kinh điển của bolero như “Hoa nở về đêm”, “Biển tình”, “Nếu đời không có anh”… Tôi không muốn bó hẹp mãi theo một chủ đề. Cuộc đời người nghệ sĩ là được cống hiến cho khán giả. Có lẽ, với bolero, tôi hát cho chính mình, từ đam mê của mình khi mới bắt đầu vào nghề.
- Nhưng bây giờ đang có trào lưu hát bolero, người người, nhà nhà bolero, chị có nghĩ là mình cũng chạy theo thị hiếu không?
+ Tôi đi con đường của mình, thích thì làm thôi, bởi với tôi, điều quan trọng nhất là mình phải thích đã, chứ không chạy theo trào lưu. Mình thích mới lan tỏa được cảm xúc cho khán giả. Trong thời trang, nếu chọn một trang phục đẹp nhưng không vừa, không hợp với mình thì dù là hàng hiệu đắt tiền đến mấy, cũng là không đẹp. Khánh Hoà thực hiện album này là chọn cho mình chiếc áo vừa vặn với bản thân mình, với những gì mình có, chứ không dám liều làm cái gì ngoài khả năng của mình.
Tôi tin những gì từ trái tim sẽ đến được trái tim, đó là con đường ngắn nhất để chinh phục khán giả. Mình hãy luôn là mình, đừng chạy theo thị hiếu của đám đông. Sự nổi tiếng hay ngôi sao cũng chỉ là hào quang nhất thời. Điều còn lại là tiếng hát, có thể sẻ chia được với ai đó.
- Nhiều ý kiến cho rằng, nghệ sĩ đổ xô đi hát bolero là một sự thụt lùi của âm nhạc Việt Nam, chị nghĩ sao?
+ Tôi không nghĩ vậy, tôi hát bằng tư duy, thẩm mỹ âm nhạc của mình. Dòng nhạc này có nhiều người hát, ai cũng hát được, nhưng hát ra chất, ra màu bolero không dễ. Tôi có ý định làm album bolero từ năm 2016, nhưng thấy mình chưa đủ độ đằm và chín, hát còn sượng lắm nên không vội vàng.
Một năm qua, tôi đóng cửa ở nhà nghe, nghiên cứu về bolero và tự luyện, tự thu thanh. Âm nhạc có thụt lùi hay không là do người hát, chứ không phải do âm nhạc, người hát mà tư duy âm nhạc của họ văn minh, thẩm mỹ âm nhạc tốt thì không thụt lùi đâu.
Mỗi dòng nhạc đều có giá trị của nó và nhạc sến tồn tại trong đời sống cũng có lý do. Âm nhạc là gì nếu nó không chạm tới cảm xúc của người nghe. Vì thế, tôi nghĩ, việc nhiều người hát nhạc sến không có nghĩa là làm âm nhạc Việt Nam tụt hậu. Hát nhạc sến tôi phải học lại, học kỹ, mỗi lĩnh vực có cái chất riêng và hát cũng phải nghiên cứu về nó, đó là một sự học hỏi chứ không thụt lùi.
- Dòng nhạc này đã có rất nhiều gương mặt trẻ định danh, chị có nghĩ là mình ôm đồm và mạo hiểm khi bắt đầu một cái mới khi không còn trẻ?
+ Mỗi người có cách hát khác nhau, một cảm xúc khác nhau khi hát, vì thế, tôi nghĩ không có gì là muộn quá nếu mình thực sự yêu và đắm đuối với nó. Dòng nhạc này có sức sống mãnh liệt. Cứ đắm đuối với nó, vô tư, hồn nhiên mà hát, cả đời làm nghệ thuật cơ mà, có phải ngày một ngày hai đâu mà lo muộn hay không…
Tôi nghĩ, cuộc đời của một người nghệ sĩ không bao giờ muộn cả, mình làm cả đời mà, tôi vào nghề lâu năm rồi và đây là sản phẩm tiếp theo trên hành trình khám phá của mình, tôi sẽ hát, sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng.
Cách đây 17 năm, tôi từng đi hát ở vũ trường New Century. Ngày đó, tôi là người hát dân ca duy nhất ở Hà Nội chạy sô các vũ trường, quán bar, gần như không có ai thay thế cả. Hồi đó, đang là sinh viên.
Nhiều người bảo tôi cứ theo đuổi dòng nhạc đó, chắc bây giờ nổi tiếng hơn. Nhưng tôi không bao giờ ân hận, cuộc đời nghệ sĩ, được hát đã là hạnh phúc, không bao giờ đắn đo, giá như thế này, giá như thế kia để nổi tiếng hơn. Duyên nghề đã đưa tôi đến với bộ đội, với Trường Sa và bây giờ là bolero, nếu chọn lại tôi vẫn làm như thế.
Khánh Hòa rất thành công với những bài hát về Trường Sa. |
- Có một thực tế, rất nhiều nghệ sĩ hát dòng nhạc chính thống, ngay cả nghệ sĩ Lan Anh, nữ hoàng của opera cũng đang có dự định lấn sân bolero, trong khi đó, các nghệ sĩ thành danh với bolero lại không hề lấn sân ''nhạc đỏ''. Mỗi người đều thờ một ngôi đền của mình. Chị có nghĩ gì về trào lưu “lấn sân” đó?
+ Nghệ sĩ như con tằm rút ruột nhả tơ, cứ cố gắng làm tốt nhất để sau này không ân hận. Ở thời điểm này có nhiều giọng ca thành danh cùng hát bolero vô tình tạo nên một trào lưu trong làng nhạc, tôi cũng không ngoại lệ trong sự vô tình đó.
Tuy nhiên, tôi không đưa mình vào thử thách, tôi thích sự tự nhiên và an toàn cho mình, tôi tự biết chiếc áo của nhạc sến có vừa với mình không, mình vừa với nó không. Còn chị hỏi tại sao những ca sĩ đóng đinh với nhạc sến lại không hát nhạc đỏ, vì muốn hát nhạc chính thống phải qua đào tạo kỹ trong trường mới hát được.
Các ca sĩ ngoài Bắc đa phần được đào tạo bài bản, có nền tảng rồi và họ muốn thử sức mình qua nhiều thể loại âm nhạc. Nói thẳng ra là các ca sĩ hát nhạc sến không hát nhạc đỏ vì họ không hát được. Còn các ca sĩ Bắc có nền tảng, chỉ cần nghiên cứu kỹ quy luật của nhạc sến, nguồn gốc xuất xứ, cách phát âm, làm việc thật nghiêm túc là họ có thể hát được.
- Nhưng việc một nghệ sĩ thính phòng đi hát bolero có làm mình “mất thiêng” hay không, bởi hai dòng nhạc này nằm ở hai đẳng cấp khác nhau?
+ Âm nhạc, đơn giản là chạm tới cảm xúc của người nghe, gợi lên trong họ những ký ức, những kỷ niệm, vui buồn. Âm nhạc là gì nếu nó không đánh thức trong ta những xúc cảm đẹp về cuộc đời.
Tôi nghĩ, trong âm nhạc, không có sang hay hèn. Mà chỉ có cảm xúc mà thôi. Tôi không nghĩ, một nghệ sĩ thính phòng suốt đời buộc phải chung thủy với dòng nhạc đó, mà thực tế ở Việt Nam không có nhiều người nghe. Họ có thể mở rộng khán giả của mình bằng cách hát nhiều thể loại âm nhac khác nhau. Nghệ sĩ không nên tự bó hẹp mình.
Dòng nhạc nào không quan trọng bằng việc mình có thật nhiều cảm xúc về nó hay không. Tôi vẫn luôn để cảm xúc dẫn lối trong mọi sự lựa chọn của mình. Và đến bây giờ, tôi vẫn thấy con đường đó đúng.
- Việc hát bolero có mang lại cho chị thu nhập cao hơn là hát những bài hát chính thống hay không. Đó có là lý do để một nghệ sĩ chính chuyên như chị lại đi “ngoại tình”?
+ Từ trước đến nay, tôi không đặt nặng vấn đề cát xê khi diễn, tôi khá thoải mái và dễ thỏa hiệp. Tôi nghĩ, họ thấy giọng hát mình xứng đáng thế nào thì trả thôi. Tất nhiên, hát bolero là hát cho đại chúng, đông khán giả thì cát xê cũng sẽ cao hơn.
Thực tế, tôi thấy nhiều người đi hát vì tiền, vì chạy theo thị hiếu chứ không hẳn vì đam mê. Nhưng với dòng nhạc này, nếu không đam mê, không tìm hiểu nó thật kỹ thì rất khó để hát ra chất bolero, nhất là với các nghệ sĩ miền Bắc. Đừng nghĩ nó mộc mạc nên ai cũng có thể hát được.
Người nghệ sĩ luôn hướng đến việc làm sao mình có nhiều show diễn, nó cũng phần nào đánh giá thành công của nghệ sĩ. Nhưng mình phải biết khả năng đến đâu, không thể bất chấp mọi giá, để có nhiều show. Tôi có khả năng hát dòng nhạc này và tôi yêu nó nên mới làm. Tôi nghĩ, các bạn trẻ, nếu muốn làm nghệ thuật dài lâu, đừng dễ dãi chạy theo thị hiếu, chiều thị hiếu đám đông. Phải lắng nghe mình trước khi để khách quan tác động đến mình.
- Liệu nó có làm mất đi màu của Khánh Hòa hay không, hoặc chị sẽ bị ảnh hưởng khi quay trở lại với âm nhạc chính thống? Hình ảnh Khánh Hòa trong tương lai sẽ thế nào?
+ Người nghệ sĩ phải hướng tới sự chuyên nghiệp, hát dòng nhạc nào phải ra chất dòng nhạc đó, như diễn viên phải đóng nhiều vai diễn, phải nắm vững tất cả quy luật của dòng nhạc mình thể hiện, không được nhào trộn. Với bolero, phải để cảm xúc dẫn dắt, giấu kỹ thuật trong cảm xúc của mình còn khi hát thính phòng và cổ điển, chú trọng hơn kỹ thuật.
Tôi đã đi một hành trình khá dài với âm nhạc và con đường không được rải hoa hồng. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi, hãy làm việc và cống hiến để mình không phải hối tiếc.
Với người nghệ sĩ, quan trọng là mình được hát, được mang tiếng hát của mình đến cho mọi người, làm cho ai đó buồn vui, sẻ chia với họ. Hát bằng tình yêu, bằng đam mê, đừng toan tính nhiều thiệt hơn. Bởi đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ, một hạnh phúc mà tôi may mắn được ông trời ban tặng.
Tôi vẫn hát dòng nhạc chính thống, tình yêu đó không bao giờ thay đổi. Trong 9 bài hát này, tôi cũng chọn một bài dành tặng bộ đội để họ không nghĩ rằng, Khánh Hòa đã “thay lòng đổi dạ”.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.