NSƯT Diệu Hương: Tôi chọn con đường vắng

Thứ Hai, 26/02/2018, 08:00
Diệu Hương nói, ca Huế chọn chị và chị sẽ đi cùng với nó đến cuối con đường. Câu chuyện đầu năm của chúng tôi với Diệu Hương là câu chuyện về việc gìn giữ một di sản và cách đưa di sản đó sống trong đời sống hiện đại hôm nay.


- Chúc mừng Diệu Hương một năm mới an lành. Chúc mừng album ca Huế đầu tiên của chị, một sản phẩm khá độc đáo giữa đất Hà thành. Tôi biết chị ấp ủ đứa con tinh thần này từ rất lâu rồi. Mối duyên nào đưa chị, một nghệ sĩ nhạc nhẹ gắn bó với ca Huế?

+ Đúng là một mối lương duyên khi sự nghiệp ca hát của tôi lại gắn liền với ca Huế. Tôi ra Hà Nội và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách mảng dân ca Bình Trị Thiên. Lúc đó, mảng này ở đài đã để trống 4 năm không có người làm. Tôi lặn lội vào lại Huế tìm đến nghệ nhân Tuyết Tuyết để học, bà không chỉ dạy cách hát, cách nhả chữ mà còn truyền cho tôi tình yêu với ca Huế.

Phải hiểu và ngấm mới yêu được. Có lẽ, ca Huế chọn tôi bởi chất giọng, tâm hồn của một người con miền Trung cùng những trải nghiệm không bình lặng trong đời sống riêng khiến giọng hát của tôi hợp với ca Huế lạ lùng. Tôi hiểu từ cái gió, cái nắng, từ địa hình của mảnh đất mình sinh ra. Nó ngấm vào tâm hồn tôi tự lúc nào.

- Ra album đầu tay về ca Huế lại là những ca khúc kinh điển như "Cổ bản", "Lý Tử vi - Lý Hành vân", "Phẩm Tuyết", "Mười thương" (Theo điệu Lý Tình tang), Liên khúc: Hò Mái nhì - Lý Qua đèo - Lý Ngựa ô, chị có áp lực khi bị so sánh với thế hệ đi trước?

+ Tôi cũng có chút áp lực vì biết rằng, khi theo đuổi con đường này, tôi sẽ bị so sánh với những tiếng hát đã trở thành kinh điển của ca Huế. Nhưng tôi có cách hát riêng của mình. Tôi nghĩ, mỗi thời điểm, mỗi giọng hát đều có một giá trị riêng.

Tôi là một người trẻ hát ca Huế và tôi muốn tiếp cận với những bạn trẻ để cho các bạn thấy rằng, âm nhạc truyền thống có những giá trị thú vị, sâu sắc, nó không chỉ thuộc về những người lớn tuổi. Tôi vẫn giữ được những khúc thức, tiết tấu của ca Huế.

Nhưng tôi không chỉ hát những bài kinh điển của ca Huế mà dựa vào những khúc thức đó để hát những lời hát hiện đại, mang không khí của đời sống hôm nay. Điều này khá thú vị. Rất nhiều lời mời đã được khán thính giả gửi đến và được đón nhận. Âm nhạc là một dòng chảy không ngừng. Thế hệ chúng tôi không chỉ làm công việc bảo tồn mà còn phải sáng tạo để cho dòng chảy đó luôn được khơi thông.

- Chị có nghĩ mình đang đi ngược dòng không vì âm nhạc truyền thống, lại là ca Huế rất xa lạ với công chúng Hà thành?

+ Tôi không nghĩ mình đang đi ngược dòng bởi âm nhạc truyền thống có những giá trị bền lâu và rất sâu sắc. Ca Huế đã chọn tôi và tôi hiểu, mình có trách nhiệm lưu giữ lại những giá trị tinh hoa của ông cha. Càng tìm hiểu, tôi càng yêu nó bởi những giá trị sâu sắc ẩn sâu trong âm nhạc và lời ca. Tôi hát với tâm thế của một người trẻ, cởi mở hơn, để tiếp cận với những người trẻ, để âm nhạc dân tộc mà cụ thể là ca Huế không bị đứt quãng quá xa. Tôi muốn người trẻ nghe được, đó là thành công. Nhạc trẻ ai cũng làm được nhưng dòng nhạc này không phải ai cũng có thể theo đuổi. Tôi tin mình đang đi đúng con đường.

- Chọn ca Huế để định hình mình nhưng ở một góc độ khác đó cũng là cách chị tự hạn chế mình. Chị làm thế nào để tiếp cận với khán giả?

+ Tôi biết, khi lựa chọn con đường này, tôi sẽ tự hạn chế mình, bởi ở Hà Nội, không nhiều người biết đến ca Huế. Nhưng tôi có một lượng khán thính giả rất lớn, ở khắp mọi miền của Tổ quốc, những nơi nghèo khó, ở đó họ có thể không biết đến những cái tên đang rất hot như Sơn Tùng, Hồ Quỳnh Hương nhưng họ biết đến một nghệ sĩ Diệu Hương của ca Huế. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Tôi không hướng tới số đông và sự ồn ào. Con đường mình đi cứ chậm rãi vậy thôi, nhưng ai đã yêu tiếng hát của Diệu Hương chắc sẽ không thể quên.

- Thực tế, cũng có nhiều nghệ sĩ chọn âm nhạc truyền thống để làm đá lát đường cho mình, làm sang cho mình chứ không thực sự yêu và đắm đuối với nó. Còn chị, chị có nghĩ mình sẽ đi đường dài với ca Huế?

+ Tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam và công việc của tôi gắn bó với ca Huế. Thực tế, tôi được mời đi hát ở Hà Nội, không mấy ai biết tôi theo đuổi dòng nhạc này, họ chỉ mời tôi hát nhạc nhẹ, dân ca. Và những lúc như thế, tôi tranh thủ tặng họ thêm một bài ca Huế. Họ khá  thích vì nó lạ và hay. Hàng đêm, ở phố đi bộ, tôi hát ca Huế cùng nhóm Xẩm Hà thành.

Tôi rất vui vì nhiều khán giả đã nán lại nghe. Họ không nói những câu như: "Lại ca Huế à", mà ai cũng lắng nghe thích thú. Đó là điều đáng mừng để tôi có động lực tiếp tục làm việc và cống hiến. Công việc của tôi giản dị vậy thôi, cố gắng từng ngày, rót vào tai khán giả một vài lời ca. Tôi tin, ai đã nghe và hiểu ca Huế sẽ rất yêu nó, vì ca Huế đẹp và sang trọng. Nó là opera của dân gian.

- Một con đường khá đơn độc khi chị theo đuổi ca Huế giữa  đất Hà thành. Tôi thấy nhiều người tiếc cho Diệu Hương vì một ca sĩ có thanh và sắc như chị sẽ có nhiều cơ hội rộng mở hơn?

+ Tôi chọn ca Huế để định hình mình và để tiếp tục dòng chảy của âm nhạc dân tộc không bị ngắt quãng. Nhưng để mưu sinh, tôi vẫn phải hát nhiều dòng nhạc khác. Thậm chí là đi hát tiệc. Nhiều người định kiến với đi hát tiệc, cho nó là xấu. Nhưng tôi không nghĩ vậy, hát tiệc cũng dăm bảy loại. Tôi vẫn thường tranh thủ những dịp như thế để quảng bá ca Huế.

Với tôi, dù hát ở sân khấu nhỏ, chỉ một người nghe mà họ thực sự yêu tiếng hát của mình thì đó cũng là hạnh phúc. Thực tế, ai cũng mơ ước được đứng trên những sân khấu lớn, nhưng nếu mình không nằm trong một ê kíp nào đó thì không bao giờ có cơ hội. Ca Huế giúp tôi định danh mình và tôi không ân hận khi lựa chọn con đường vắng đó.

Tôi có những bất lợi khi ra Hà Nội lập nghiệp khá muộn và bắt đầu một dòng nhạc ít người biết. Nhưng tôi không hướng tới số đông. Nếu tôi định hình ở dòng nhạc khác cũng dễ lẫn vào đám đông nhạt nhòa. Làm âm nhạc truyền thống không thể nổi tiếng, hot như các dòng nhạc khác nên thôi cứ sống và làm nghề đàng hoàng, chỉn chu, nghề sẽ không phụ. Giống như mình chăm cây ấy, sẽ có ngày cây xanh tốt và trả lại cho mình ô xy.

Ảnh bìa chính album Ca Huế Mười thương của Diệu Hương.

- Nhưng nghe ca Huế thật buồn. Có lúc nào chị nghĩ, nỗi buồn ấy đã vận vào đời mình?

+ Nỗi buồn trong ca Huế là nỗi buồn đẹp, nó không làm cho con người ta bi lụy, sầu thảm. Buồn nhưng không sến.  Người nghệ sĩ nếu không có tình yêu và tâm huyết thì không hát được, phải rút ruột ra mới hát được ca Huế. Nó đầy sức nặng. Còn nỗi buồn ư, tôi không nghĩ nó vận vào đời mình mà tôi tìm thấy nhiều sự đồng cảm, chia sẻ trong đó.

Thực tế, tôi là người lạc quan, mạnh mẽ. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, đừng để số phận dẫn mình đi mà phải nỗ lực không ngừng để thay đổi số phận. Tôi không ngừng tin yêu đời sống. Niềm tin đó giúp tôi đi qua những giông bão của cuộc đời mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị. Chúc chị một năm mới an lành.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Muốn Hương hát đúng sở trường

Năm 2004, tôi thực hiện một dự án DVD Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế do Nhà nước đặt hàng, khi ấy chúng tôi có hơn 1 năm tìm hiểu và trực tiếp ăn ở khoảng gần 1 tháng tại Huế để thực hiện.

Vì đặc thù của dự án nên tôi tập trung vào các bản nhã nhạc. Tuy nhiên, trong đợt làm việc ấy, tôi đặc biệt chú ý đến ca Huế. Ca Huế lạ ở chỗ nó vừa đậm đà chất dân tộc nhưng lại đòi hỏi người nghệ sĩ thể hiện phải có một kỹ thuật hát vững vàng, có hơi thở và vị trí âm thanh; đồng thời, ca Huế đề cao mặt cảm xúc và màu sắc âm nhạc. Từ đấy, tôi ao ước sẽ thực hiện một dự án nào đó về ca Huế với các nghệ sĩ ở vùng đất cố đô này.

Bẵng đi cũng chừng hơn 10 năm, một ngày tôi đã sững người khi bất ngờ được nghe "Phẩm tuyết" và "Mười thương" của Huế giữa lòng Hà Nội. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Diệu Hương. Diệu Hương có làn hơi dồi dào, chất giọng vừa tình nhưng cũng lại rất mực thước và toát lên một sự sang trọng của thể loại ca hát thính phòng đặc biệt này.

Diệu Hương khi tôi gặp lần đầu ấy đã rời vị trí một nghệ sĩ, một giảng viên thanh nhạc ở Huế để gắn bó với Hà Nội, chị đang muốn khám phá nhiều dòng nhạc khác nhau. Và Hương muốn chọn một dòng nhạc có nhiều khán giả hơn. Tuy nhiên, tôi muốn Hương hát đúng sở trường của mình, ít nhất là trong một dự án tâm huyết ở thời kỳ sung sức nhất của sự nghiệp ca hát. Vì tôi tin, dù không phải là một điều gì to tát nhưng nó vẫn sẽ là một điểm nhấn cho thấy đóng góp của Diệu Hương cho cuộc đời này.

V. Hà (thực hiện)

.
.
.