NSND Thúy Mùi: Sân khấu đang bỏ quên khán giả
- Vì sao chị có ý tưởng cho một "Đêm Gala Ngôi sao sân khấu" nhân dịp kỷ niệm 60 năm Sân khấu Việt Nam, một chương trình bán vé hẳn hoi chứ không phải mang tính "cúng cụ" như thường lệ?
+ Lần đầu tiên có một chương trình lớn hội tụ những ngôi sao sân khấu ba miền diễn ra tại Hà Nội. 60 năm là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của một hội nghệ thuật. Đây là chương trình làm ấm lên không khí sân khấu, để cho mọi người thấy rằng, dù khó khăn, chật vật nhưng trong những năm qua, sân khấu vẫn bền bỉ tồn tại.
Và chúng tôi chọn những ngôi sao là những người đang lăn lộn với sân khấu, có nhiều trải nghiệm và đóng góp cho sân khấu, được khán giả ghi nhận. Trong chương trình này có một màn đặc biệt, đó là sự xuất hiện của những nghệ sĩ gạo cội như NSND Hoàng Dũng, NSND Tiến Thọ, NSND Lan Hương...
Họ là những cây đa, cây đề sẽ chia sẻ với khán giả về hành trình 60 năm sân khấu đã đóng góp được gì trong đời sống văn hóa, nó có sức nặng như thế nào và hiện nay như thế nào. Đây là một lần thử sức và thăm dò khán giả để hướng cho nghệ sĩ có nhiều cơ hội hội tụ với nhau hơn.
- Chị có kỳ vọng đêm diễn sẽ thu hút được khán giả vì khá lâu rồi, sân khấu gần như thiếu vắng người xem?
+ Vì chúng tôi không xây dựng chương trình theo kiểu "cúng cụ" nên chắc chắn sẽ đảm bảo yếu tố hấp dẫn. Hấp dẫn thực sự để thu hút mọi người bỏ tiền ra mua vé chứ không phải cầm giấy mời và thích thì đi không thích thì thôi.
Sân khấu miền Nam làm tốt công tác xã hội hóa còn miền Bắc rất khó khăn, tôi muốn thử sức mình, tạo ra những sân chơi cho các nghệ sĩ được làm nghề, nếu đảm bảo nguồn thu sẽ có nhiều chuỗi chương trình như thế để đảm bảo cát xê cho nghệ sĩ chứ không miễn phí mãi được.
NSND Thúy Mùi làm đạo diễn chương trình “Đêm Gala Ngôi sao sân khấu” sẽ diễn ra tại Hà Nội. |
- Có nhiều ý kiến cho rằng, đêm Gala này thiếu vắng những gương mặt trẻ để thấy sự tiếp nối, kế cận của sân khấu?
+ Vì đây là chương trình đầu tiên và có nhiều nghệ sĩ tham gia, thời lượng chương trình lại có hạn nên chúng tôi chưa đưa được những gương mặt trẻ, mới. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác phát triển. Hiện nay chúng ta đẩy mạnh bảo tồn nhưng chưa phát triển.
Tôi nghĩ chúng ta cần hỗ trợ cho diễn viên trẻ và tài năng trẻ để các bạn ấy kế tục được nghiệp và có niềm tin hơn ở phía trước. Tôi mong mình có đủ uy tín để các nghệ sĩ cùng vào cuộc cùng với mình, gìn giữ nghệ thuật truyền thống bằng cách hỗ trợ những tài năng trẻ, điều đó làm cho sân khấu luôn có sự chuyển tiếp, nó nhuần nhụy và không bị ngắt quãng.
- Thực tế bây giờ nó đang bị ngắt quãng?
+ Có một thời gian khá dài chúng ta không coi trọng công tác xây dựng khán giả. Nhưng nếu một việc quan trọng như thế mà chỉ các đơn vị nghệ thuật cố gắng thì không thể. Chúng tôi cần sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý. Hiện nay sân khấu chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả, có nhiều đề tài quá cũ, thành lối mòn, không tạo được ấn tượng cho khán giả, đương nhiên họ sẽ không thích.
Các nhà quản lý phải có tư duy mới, trăn trở với sân khấu. Hiện nay ta vẫn Nhà nước giao gì làm nấy, thậm chí làm chưa tới, vậy sao khán giả đến với mình được. Nhà nước có chủ trương bảo tồn nhưng đôi khi chỉ là xây dựng các vở cổ rồi để đó, cũng gọi là bảo tồn.
“Quan Âm thị Kính”- một vở chèo kinh điển của Nhà hát Chèo Hà Nội. |
Nhưng nếu như thế chỉ làm được công tác diễn viên thôi. Còn bảo tồn trong khán giả, bảo tồn sống thì không ai làm. Và chủ yếu mọi người quan tâm đến các thủ pháp nghệ thuật nhiều thành ra cứ thiếu vắng khán giả và họ mất đi thói quen đi xem. Sân khấu một thời gian dài đã bỏ quên khán giả của mình, giờ muốn lấy lại cần rất nhiều thời gian và tâm huyết.
- Chứ không phải khán giả ngoảnh mặt với sân khấu?
+ Bây giờ nhiều diễn viên trẻ tài năng nhưng không được biểu diễn, không cọ xát tài năng sẽ hao mòn, diễn mà không có ai xem sẽ không còn nhiệt huyết. Khán giả rất quan trọng, hôm nay có người khen tôi một câu thôi thì tôi đã có thể lăn xả làm việc rồi. Được khán giả biết đến và yêu quý là động lực để nghệ sĩ quên mình cống hiến, nếu ta không chủ động xây dựng đi tìm khán giả thì dần dần sân khấu sẽ bị lãng quên.
- Sân khấu chủ động đi tìm khán giả, hành trình đó rất gian nan và Nhà hát Chèo Hà Nội là một trong ít các nhà hát đã khá thành công. Chị có thể chia sẻ về hành trình đó?
+ Ở Nhà hát Chèo Hà Nội, 80% đến 90% nghệ sĩ sống bằng nghề ở nhà hát. Đó là một hành trình dài vất vả, nhọc nhằn. Nó không đơn giản là những kinh nghiệm được tích lũy lâu năm mà là nỗi trăn trở, làm thế nào để có khán giả, liên tục phải tìm cách hâm nóng tình yêu của khán giả với chèo Hà Nội. Không dễ.
Tôi đã thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể làm kinh tế cho mình thì đơn giản, nhưng để anh em có nghề, có đời sống bằng nghệ thuật là điều vô cùng khó, kinh nghiệm quan trọng nhất là sự trăn trở liên tục và không phải chỉ hâm nóng tình yêu của khán giả riêng thôi đâu mà còn phải hâm nóng tình yêu của nghệ sĩ với nghề và tạo được một nếp quen làm việc liên tục và tạo được lửa cho nghệ sĩ, giữ được khán giả yêu mình rồi, lôi kéo, cộng hưởng và thuyết phục.
Khâu quảng bá đã đành, sự thân tình của nghệ sĩ đối với khán giả bằng chất lượng đêm diễn, bằng những ứng xử của nghệ sĩ đối với khán giả. Đó là điều quan trọng. Những đối tượng có ảnh hưởng và khả năng lôi kéo khán giả như các Câu lạc bộ yêu Chèo, chúng tôi giúp không tính toán.
Có khó khăn gì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ để họ nhân lên tình yêu chèo trong nhân dân và mình có thêm khán giả. Đó là những điều không phải ai cũng làm được, phải sẵn lòng với nghệ thuật, nếu tính toán, hời hợt thì họ không nhớ đến mình. Mọi sự tính toán sẽ không đem lại tình yêu và sự nể trọng.
- Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có truyền thống 60 năm thì những nghệ sĩ như chị cũng có hơn 30 năm làm nghề. Nhìn lại chặng đường gian nan đã qua, chị có suy nghĩ gì?
+ Tôi đi qua thời vàng son và cả thời gian nan của sân khấu. Thời hoàng kim muốn mua vé xem chèo ở Nhà hát Chèo Hà Nội phải mang sổ hộ khẩu hay chứng minh thư, xếp cả hàng dài mỗi buổi sáng để mua vé.
Tôi là diễn viên đi qua hàng dài đó tự hào, kiêu hãnh lắm. Lúc đó đang trẻ trung xinh đẹp, khán giả nhờ mua cho đôi vé, ngày hôm sau họ tranh nhau mua xôi, mời đi ăn phở, uống cà phê. Rồi có những thời điểm cả năm chẳng có một buổi nào diễn chèo, tôi đã bỏ sang đi hát dân ca, có những ngày chạy 8 show, nhưng không hát bài chèo nào.
Đó là thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc đó thấy đau lòng lắm, tự đẻ ra những tiểu phẩm hài thu hút khán giả. Hiện nay, chúng ta đang làm tốt công tác bảo tồn vốn cổ nhưng đó mới chỉ là một vế thôi, phần phát triển còn hạn chế, để khán giả đến với mình còn nhiều yếu tố, chúng ta thiếu vắng những tác phẩm mang tính dự báo.
Phải nhiều sáng tạo hơn nữa, tìm kiếm những đề tài mới phản ánh hơi thở của cuộc sống đương đại, đó mới là điều khán giả cần. Làm thế nào để sân khấu có nhiều tác phẩm hay, để những tài năng sân khấu sống bằng nghề, đó là điều tôi trăn trở.
- Có lẽ điều đó phụ thuộc rất lớn vào người cầm trịch ở các nhà hát?
+ Đa số, hiện nay, quản lý các nhà hát là những nghệ sĩ giỏi nhưng công tác quản lý kém không mang lại đời sống cho anh em. Giỏi nghề nhưng phải có khả năng quản lý mới tạo được sân cho anh em hoạt động.
Tôi mong muốn phía quản lý nhà nước có cái nhìn thấu đáo hơn về vấn đề này. Đừng mang đi một nghệ sĩ giỏi mà đưa về một nhà quản lý tồi. Bởi Giám đốc Nhà hát là nhạc trưởng của một đơn vị nghệ thuật. Nếu chỉ ngồi chờ Nhà nước rót tiền làm mà không có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn là gì, chiến lược phát triển ra sao thì đơn vị không khá được
- Chị đang làm tốt cả hai việc, vừa là diễn viên nổi tiếng, vừa là nhà quản lý giỏi đó thôi?
+ Tổ nghiệp đã cho ăn lộc cả hai, nhưng tôi luôn nghĩ, mình không hơn ai cả, lúc nào cũng cần thiết sự hỗ trợ của người đi trước, học hỏi người đi trước, giỏi hơn mình. Tôi rất ngưỡng mộ thời anh Thuật làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, tại sao anh có thể sử dụng được những người giỏi như anh Lê Hùng, chị Lê Khanh, chị Lan Hương, anh Chí Trung, anh Anh Tú và Nhà hát luôn đỏ đèn là điểm đến số 1 của sân khấu Hà Nội. Đó là điều mà bất cứ vị lãnh đạo nào cũng phải suy nghĩ, quy tụ và sử dụng người tài trong sân khấu vô cùng quan trọng.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.