NSND Thanh Vân: Tôi sợ thương hiệu Hãng Phim truyện sẽ bị xóa sổ

Chủ Nhật, 24/09/2017, 12:53
NSND Thanh Vân gửi cho tôi bản tâm thư anh viết trong một đêm không ngủ, nêu những suy nghĩ về sự thiếu minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa của Hãng Phim truyện Việt Nam, nơi anh và những thế hệ nghệ sĩ gắn bó và coi nó như máu thịt của mình. 


Trong cuộc trò chuyện với tôi, đôi khi anh phải dừng lại, hít một hơi thật sâu để nước mắt không chảy ra.

- Tôi nhớ, cách đây một năm, trong cuộc trò chuyện với anh khi Hãng Phim truyện Việt Nam đang trong tiến trình cổ phần hóa, anh đã rất lo lắng, khi con đường phía trước khá mờ mịt?

+ Thời điểm đó, tôi nghĩ, vấn đề cổ phần chỉ là câu chuyện nhỏ thôi, quan trọng hơn là tương lai của một nền điện ảnh. Cổ phần là một xu hướng tất yếu. Nhiều năm nay Hãng Phim truyện Việt Nam gần như vắng bóng trên thị trường phim, các nghệ sĩ không có lương, họ cũng không đến cơ quan.

Hãng phim truyện Việt Nam có nguy cơ bị xóa sổ.

Cơ sở vật chất, máy móc đã lỗi thời, gần như là con số không tròn trĩnh. Chỉ có duy nhất một tài sản đáng giá là nguồn nhân lực thì càng ngày càng mai một. Đã đến lúc phải thay đổi. Nhưng ai sẽ làm được điều đó, Mạnh Thường Quân nào vừa có tiền, vừa có tầm nhìn văn hóa?

- Anh từng sợ sự thay đổi đó không đến đầu đến đũa, lại chỉ là "bình mới rượu cũ" mà thôi?

+ Tôi nghĩ cổ phần hóa là một cuộc chơi thương hiệu. Còn những người thực sự nghĩ đến việc đóng cổ phần để sống và hoạt động bằng nghề làm phim thì người ta sẽ ngần ngại vì họ không nhìn thấy một con đường rõ rệt trong tương lai. Thay đổi Hãng Phim truyện, cổ phần hóa là tất yếu, nhưng thay đổi như thế nào cần tính rất thận trọng và kỹ lưỡng.

Tôi lo rằng, sau cổ phần chúng ta sẽ làm gì. Phải có những người có Tâm, không có Tâm thì không thể làm được, bởi định giá thương hiệu của Hãng phim không phải là định lượng mà còn là định tính, nếu không có tâm thì những giá trị vô hình đó sẽ giảm thấp hay nâng cao lên bao nhiêu cũng đúng. Trên thực tế, ở thế giới, một hãng phim muốn tồn tại phải dựa trên nhiều lợi thế, không có hãng phim nào trên thế giới chỉ sản xuất phim để nuôi nhau.

Họ có hệ thống PR, rạp, hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ đoàn phim và để kinh doanh. Đó là một trong những điều kiện để cho hãng phim phát triển bình thường chứ không thể chỉ trông chờ vào làm phim, phải lấy những thứ khác nuôi phim và chấp nhận một lộ trình một năm, hai năm, một phim, hai phim lỗ. Và sẽ có những phim có lãi. Nhưng không làm phim bằng mọi giá phải lãi. Thực tế, điện ảnh thế giới cũng vậy thôi, những phim được các giải thưởng danh giá không phải là phim đông khách.

- Và những lo lắng, bất an của anh đã thành sự thực khi sau 3 tháng cổ phần, đơn vị sở hữu nhiều cổ phần nhất của Hãng phim, Tổng công ty vận tải thủy đã có những động thái khiến các nghệ sĩ bức xúc?

+ Không chỉ là sự bức xúc. Tôi đang tự hỏi, họ thực sự mong muốn điều gì ở đây, phải chăng là hàng nghìn mét  vuông đất ở một vị trí vàng của Hà Nội. Liệu công ty này, với tiềm lực kinh tế kiểu cò con, chỉ cho thuê mướn,  không đưa ra lộ trình đường dài thì làm sao đầu tư vào điện ảnh. Họ giao cho chúng tôi phòng nghệ thuật tự lập một chi nhánh riêng tự làm phim và nuôi nhau. Còn các bộ phận khác thì cho thuê đất mở hàng càfê, bán phở...

Đạo diễn, NSND Thanh Vân.

- Những nghệ sĩ cả cuộc đời gắn bó với Hãng phim truyện như anh chắc sẽ cảm thấy đau lòng khi thương hiệu Hãng Phim truyện với bề dày truyền thống 60 năm  được đánh giá bằng một con số vô cảm: 0 đồng?

+ Chúng tôi luôn phản biện về vấn đề này, nhưng họ cố tình lờ đi. Thực tế, có hai vấn đề lớn của Hãng Phim truyện Việt Nam là đất đai và thương hiệu. Không thể đánh giá bằng con số 0. Tôi đã tìm hiểu và biết, thực chất, theo thông lệ có tính quốc tế, có 5 cách để đánh giá một thương hiệu.

Ban cố vấn cổ phần Hãng Phim truyện đã lựa chọn một cách tiếp cận không đúng nhất, coi Hãng Phim như một đơn vị sản xuất cốc chén hay vành xe đạp, mũ dép, có định lượng cụ thể. Đó là cách áp dụng đưa đến hệ lụy thương hiệu bằng 0 vì người ta chỉ tính trong 5 năm trở lại đây (không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng là dựa trên bề dày lịch sử gần 60 năm). 5 năm không thể định vị ra một lịch sử, một truyền thống được.

Áp dụng đó không phù hợp với tính đặc thù của Hãng phim. Lẽ ra phải áp dụng điều 2, tức chi phí xây dựng thương hiệu, đó là những bộ phim được giải thưởng trong nước và quốc tế, là bao nhiêu nghệ sĩ đi học ở Nga, Đức, Tiệp về đã cống hiến cho điện ảnh và trở thành Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, rồi rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước và sự đóng góp của họ cho nền điện ảnh nước nhà. Tất cả những điều đó làm nên giá trị thương hiệu của Hãng phim. Họ cố tình lờ đi.

Cho nên, tôi nghĩ, cốt lõi vẫn cần người có tâm khi đầu tư vào văn hóa, sau đó mới đến có tầm. Giữa cái tâm và tầm đó mới đưa ra được giá trị đích thực của Hãng phim. Với Tổng công ty Vận tải Thủy, sau 3 tháng họ vẫn chưa đưa ra một lộ trình nào. Họ đề nghị chúng tôi, những người làm ở phòng nghệ thuật thành lập một công ty con, tự làm phim và nuôi nhau.

Và như chị thấy, trong các cuộc tranh luận trực tiếp với họ, tư duy của họ vẫn chỉ nhăm nhăm đến chuyện kiếm tiền một cách manh mún, cò con. Họ thực sự muốn gì khi nhảy vào dành cổ phần ở Hãng phim, chắc ai cũng hiểu. Rõ ràng, họ không có ý định làm phim, vực dậy cả một Hãng phim đang bị trì trệ.

- Nghĩa là sự thay đổi này đang mang đến những hệ lụy đi ngược lại với mong muốn được làm phim và góp phần phát triển nền điện ảnh nước nhà của các nghệ sĩ ở Hãng Phim truyện Việt Nam?

+ Đúng thế, chúng ta phải thay đổi nhưng thay đổi như thế này thì bi thảm hơn nhiều. Một trong những điều tôi nhìn thấy trước hết là chúng ta sẽ mất hãng phim và cuối cùng đặt lại vấn đề là Nhà nước có thấy thương hiệu Hãng Phim truyện giá trị trong hành trình phát triển tiếp theo của điện ảnh Việt Nam hay không.

Chúng ta sẽ mất đi một địa chỉ làm phim nghệ thuật, mất niềm tin của các nghệ sĩ, họ không còn gắn bó và tâm huyết với điện ảnh. Cú ráp nối này cho thấy, như trong một công viên mà chúng ta nhét chung những con ngựa vằn, con linh dương, con nai rất đẹp đẽ chung với những con kền kền, linh cẩu.

Đó là sự ghép nối thô bạo. Và sự thô bạo này là mối liên kết giữa văn hóa và lợi ích. Điều mà Tổng công ty Vận tải Thủy này không đạt được yêu cầu để cầm trịch cho Hãng phim phát triển trong tương lai nằm ở hai khía cạnh tầm mức văn hóa và tiềm năng tài chính.

-Vậy mong muốn lớn nhất của anh, một người gắn bó lâu năm, sống chết với Hãng phim là gì, bởi chúng ta phải nhìn vào thực tế là nhiều năm qua, Hãng đã gần như không hoạt động và chúng ta không thể sống mãi với hào quang của quá khứ?

+ Chúng tôi đề nghị làm lại quá trình cổ phần hóa một cách minh bạch, ở chỗ xác định giá trị thương hiệu đúng của hãng phim. Phải đưa các giá trị thật của hãng phim vào, sau đó công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng, lúc đó sẽ có nhiều người có tâm và có tầm, có tiền vào cuộc một cách  đàng hoàng, không lùm xùm, núp bóng. Lúc đó, các nghệ sĩ rất vui vẻ thôi. Bởi xét cho cùng, những nghệ sĩ như chúng tôi chỉ muốn được làm nghề và có một mức sống tốt hơn.

Câu trả lời thuộc về ban quản lý, công ty cổ phần, họ có nhìn ra sai trái này không. Hệ lụy của nó là vĩnh viễn mất đi hãng phim, nhân lực sẽ tan nát, họ không thể làm việc. Và một ngày đẹp trời, biết đâu NSND, đạo diễn Thanh Vân sẽ được điều đi phụ trách quán cà phê ở Hồ Tây. Tôi lên tiếng vì lợi ích căn bản cho sự phát triển của nền điện ảnh chứ không phải lợi ích trước mắt.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Ngày 9-9-2017, anh chị em nghệ sĩ trực thuộc Chi hội Điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu lên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và Ban lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam về những lùm xùm và thiếu minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau khi cổ phần hóa, hãng phim có rất nhiều sự xáo trộn về cơ sở vật chất. Ví dụ như kho đạo cụ, tất cả những huân, huy chương, cúp, phòng kịch bản... biến mất. Lương nghệ sĩ không có, đất đai bị chia nhỏ cho thuê bán hàng phở....

Đơn kêu cứu kiến nghị các đơn vị chức năng kiểm tra lại tiến trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, tìm được cổ đông chiến lược chính xác sau khi thương hiệu và lợi thế vị trí đất của hãng được tính vào giá trị doanh nghiệp nhằm mục đích thực hiện đúng, đầy đủ, minh bạch quá trình rà soát lại việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu việc cổ phần không nghiêm túc, Hãng Phim truyện được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập và phát triển 60 năm với nhiều tác phẩm điện ảnh đi cùng với các sự kiện lớn của đất nước sẽ bị biến mất, bị phá hủy bởi những người không tôn trọng truyền thống, không tôn trọng công sức đóng góp của các nghệ sĩ.

Các nghệ sĩ gạo cội của ngành điện ảnh như NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSND Thế Anh... cũng lên tiếng bảo vệ Hãng phim và đề nghị các đơn vị có thẩm quyền vào cuộc để bảo vệ sự sống còn của Hãng Phim truyện Việt Nam.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.