NSND Nguyễn Hữu Tuấn và “Những thước phim trong suốt”

Thứ Tư, 04/03/2020, 15:10
Ông là môt người rất đỗi tài hoa. Ở lĩnh vực điện ảnh, ông quay hơn 30 bộ phim và được phong tặng danh hiệu NSND.

Rồi ông chụp ảnh, cả một kho tàng ảnh được lưu giữ cẩn thận trên tầng hai nhà ông và đang được số hóa. Những lúc buồn, thỉnh thoảng lôi toan ra vẽ và bây giờ ông lại viết sách, ra mắt sách, “Những thước phim trong suốt”.

Ông là nhà quay phim duy nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này ra mắt sách, một cuốn truyện ký chứ không phải sách hướng dẫn làm phim. Và lạ lùng, cuốn sách cuốn hút tôi từ đầu đến cuối trang sách bởi lối kể chuyện dung dị, dí dỏm và sâu sắc của ông. 

NSND Nguyễn Hữu Tuấn nói rằng, ông là người tự do, không bao giờ quan trọng cái gì quá. “Viết sách là tôi làm liều, vì tôi là người tung tăng, tôi tung tăng trên đường đi, tôi tung tăng trên trang giấy, trên toan, vì tôi tự do”. Nhưng chính cái sự “tự do”, làm liều không mục đích của ông lại để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Còn với NSND Nguyễn Hữu Tuấn, con người luôn hăm hở với cuộc đời, dường như còn không biết mình đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thoắt cái ông đang ở Yên Bái, thoắt cái đã sang Hà Giang… 

Ông hăm hở đi, hăm hở sống và luôn trăn trở: “Khi lớn tuổi và buông tay máy, tôi luôn tự hỏi mình rằng, mình làm việc đó có giúp được gì cho ai không? Tôi quay hơn 30 bộ phim rồi nhưng xong phim nào tôi cũng tự hỏi, phim này có điều gì không đúng với lòng mình không. 

Làm phim tôi luôn băn khoăn một điều, nó đúng với mình chưa, còn điều gì nói dối khán giả, chiều lòng bán vé, chiều lòng cấp trên hay không? Cuộc đời là những câu hỏi tự vấn mình. Cuốn sách này như một cuốn phim không có hình, tôi để nó trong suốt, trung tính. Đó là cái giá của tôi trong hơn 40 năm quay phim, nó không màu sắc, không ngọt, không mặn…” 

Đằng sau sự trong suốt, mà theo ông là không mùi, không vị ấy là nhưng dư vị của cuộc sống, về một thời nghèo khó nhưng tràn đầy tình yêu, sự vô tư. Cuốn sách giúp độc giả hình dung bối cảnh làm phim trong những ngày đất nước còn gian khó. 

Không có ký ức của chàng trai ấy ta khó có cái nhìn toàn vẹn về bối cảnh ảnh điện ảnh nước nhà những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, đơn sơ, mộc mạc và đáng yêu. Và lịch sử nghệ thuật Việt Nam sẽ không đầy đủ nếu thiếu những cuốn sách như thế. 

Nói như đạo diễn Nguyễn Hoàng Diệp, hẳn ông đã sống đủ đầy một cuộc đời, đủ trưởng thành, đủ tài năng, đủ thấu hiểu, mới nếm được cái mùi của vô vi. Những mảnh ký ức mà NSND Nguyễn Hữu Tuấn gọi là trong suốt ấy là những số phận, những cuộc đời bé nhỏ. 

Đó là “Đại lý và cô gái điếm nhỏ” kể câu chuyện về những cô gái điếm loay hoay sửa chữ “độ” trong cái tên quán “Nữ nhân 37” thành hình trái tim. Đó là những con người ông gặp trên con đường đi tìm bối cảnh phim, một cô bé ở vùng đất Hà Tĩnh xa xôi mà ông gặp trong chuyến đi làm phim về Ngã ba Đồng Lộc. Cô bé ấy sau này trở thành con nuôi của ông, ra Hà Nội ăn học và giờ định cư tận trời Tây. 

Rồi còn có câu chuyện đại tự sự như cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, nhưng lại được kể thông qua câu chuyện của Tiểu Quyên, một cô gái quen ở Trung Quốc. Trong “Những thước phim trong suốt”, Nguyễn Hữu Tuấn không ngần ngại kể ra những câu chuyện cá nhân. Dường như thời gian đã đủ xa để tác giả bình tĩnh kể lại những khoảnh khắc, những động chạm rất đỗi con người của hai kẻ cô đơn trong đêm Mỹ đánh bom Hà Nội năm 1972.

y>
Cuốn sách mới của NSND Nguyễn Hữu Tuấn.
NSND Nguyễn Hữu Tuấn (giữa) trò chuyện về cuốn sách mới.

Sách hay ảnh, NSND Nguyễn Hữu Tuấn luôn hướng ngòi bút và ống kính của mình đến những con người bé nhỏ, vô danh. 

“Tôi luôn thấy họ đẹp, và tôi yêu những con người đó, yêu đất nước đã sinh ra những con người như vậy. Cũng như tôi đã đi qua nhiều vùng quê Việt Nam, chụp ảnh về những con người, những ngôi làng… Tôi thấy, không có nơi nào đẹp hơn đất nước chúng ta bởi chính những con người bình dị đó”. Ông chia sẻ. 

Với ông, chính những mảnh đời bé nhỏ ấy, những câu chuyện dung dị ông đã gặp trong cuộc đòi đã nuôi dưỡng tình yêu cuộc sống của ông, để trong những thăng trầm của số phận, ông chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống.

Rồi sẽ có những cuốn sách khác của ông, có thể là nhiều chữ hay chỉ toàn là ảnh. Bởi với NSND Nguyễn Hữu Tuấn, điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa hay viết chỉ là phương thức để ông diễn đạt lòng mình, nói về tình yêu của mình mà thôi. Cả cuộc đời ông làm cái gì cũng đến tận cùng. 

Tâm hồn người nghệ sĩ ấy luôn rung động trước vẻ đẹp của cuộc đời, hăm hở với cuộc đời. Như buổi chiều hôm đó, tôi ngồi trò chuyện cùng ông trên ban công nhỏ ở tầng 2, phía trước là một khoảng trời tự do của cây cảnh và chim. Ông chưa bao giờ cảm giác mình già và ơn trời, nếu còn sức khỏe, ông lại lên đường, viết tiếp những cuốn sách tin yêu về cuộc đời. 

Dịch giả Trịnh Lữ

Bạn đọc đang có trong tay những mảnh ký ức của người đàn ông hình như chả biết mình đang bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Những mảnh ký ức mà anh từng bảo với tôi rằng, chỉ có ngôn ngữ mới có thể diễn tả được. 

Tôi thấy anh là một nghệ sĩ dấn thân, bẩm sinh không thể tách rời đời sống xã hội. Điều tôi thích nhất ở anh là bản năng hướng thiện - nguồn năng lượng tích cực đang ngày càng bị hao mòn vì tâm lý danh lợi cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật của thời đại chúng ta. 

Bản năng ấy khiến cho những mảnh ký ức của anh không bị vẫn đục bởi mọi thứ ngoa ngôn biện hộ thua đủ với đời. Đối với tôi những người làm nghệ thuật không quan trọng lắm ở sản phẩm của mình mà còn ở lối sống của họ. 

Một người biết cái này chụp ảnh mới hay, cái kia viết mới hay, còn cái nọ vẽ mới hay, hiếm lắm. Tôi và anh có nhiều đồng cảm vì chúng tôi luôn tâm niệm rằng làm cái gì, ra cái gì không quan trọng bằng việc cứ sống đúng với mình và thấy cái gì thích thì làm, thể loại tùy thuộc vào cái mình muốn diễn đạt.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Tôi là bạn học với NSND Nguyễn Hữu Tuấn từ lớp 1, rồi sau này chúng tôi làm phim cùng nhau. Cuốn sách có một thái độ rất hay, anh trân trọng con người và không hề oán trách, phê phán, chửi bới ai, kể cả thời cuộc nghèo khổ, lận đận. Người ta thấy được tình cảm của tác giả với con người, với cuộc đời. 

Ngôn ngữ của anh trong sáng, giản dị, chẳng rõ thể loại gì nhưng để lại cảm xúc sâu sắc, chẳng văn chương gì nhưng dễ đọc và chia sẻ. Ở đó, mang bóng dáng, câu chuyện của thế hệ chúng tôi, đọc rưng rưng xúc động.

Họa sĩ Thành Chương

Tôi chứng kiến Tuấn làm nhiều lĩnh vực, có nhiều lĩnh vực thành tên tuổi lẫy lừng, Tuấn vẽ, chụp ảnh, rồi Tuấn viết. Cái gì anh làm cũng rất hay, chụp ảnh cũng hay, đồ cổ cũng là người tinh tường. Nhưng nói thật, Tuấn viết thì tôi hơi “choáng”, giật mình, không ngờ anh viết hay như thế. 

Tài năng một phần thôi, nhưng trong nghệ thuật, có những thứ trời ban, không lý giải được. Cũng chữ ấy, ngôn ngữ ấy, nhưng người khác viết không truyền cảm cho mình, còn Tuấn lại làm cho tôi xúc động. Chữ nghĩa của Tuấn có tinh thần trời ban cho như thế. 

Tôi không nói quá vì mọi người ở đây đều làm nghệ thuật, mọi người sẽ đọc và cảm nhận được điều đó. Và có lẽ, Tuấn cũng không hình dung được chữ nghĩa của mình lại khiến mọi người xúc động thế, nó dung dị như không nhưng lại rất sâu sắc, thấm thía.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

NSND Nguyễn Hữu Tuấn là nghệ sĩ quay phim lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh ra mắt sách. Những gì ông viết ra rất xứng đáng được người khác đọc, xứng đáng được giới thiệu với công chúng một cách nghiêm túc, trân trọng, thậm chí không cần đính kèm với cái tên NSND của ông. Nó xuất hiện độc lập hoàn toàn như một tác phẩm văn học. 

Ông là một người bạn vong niên của tôi, bằng tài hoa, chắt chiu và bằng cả sự may mắn của định mệnh, ông đã làm ra những thứ giá trị. Chúng ta hãy thử đặt mình vào màu trong suốt ấy, những thước phim không có mùi, vị, nhưng tôi tin con người ta phải trưởng thành, đủ thấu hiểu và tài năng mới nếm được mùi của vô vi. 

Ông là một ví dụ cho điểm chạm giữa văn chương, nhiếp và hội họa. Trong văn chương của ông có điện ảnh, hội họa. Nếu ai từng một lần được xem kho ảnh của ông, sẽ thấy ngay cả trong nhiếp ảnh được sắp xếp đủ đầy, theo từng chủ đề ấy cũng sẽ là một hình thái của văn chương.

V. Hà
.
.
.