NSND Lê Khanh: "Dan díu" một cuộc tình

Thứ Bảy, 10/08/2013, 14:02

Gặp Lê Khanh nhiều lần, nghe Lê Khanh nói chuyện nhiều lần, mà chả khi nào thấy chán. Bởi mỗi lần câu chuyện chị nói lại mang đến cho ta một thứ ánh sáng khác nhau. Những câu chuyện thực nhất, đời thường nhất, vào ngôn ngữ của chị cũng vẫn luôn mang cho người đối diện một chút ảo trong đó. Nó giống như cảm giác khi ta xem Lê Khanh biểu diễn trên sân khấu...

Sẽ thật chán khi sân khấu chỉ tồn tại những cái thật đang bày ra. Nơi những diễn viên đang đứng và kể với khán giả một câu chuyện. Sân khấu bao giờ cũng nhiều hơn, đầy hơn cái không gian mà nó chứa, dẫu là khán phòng có hàng ngàn khán giả đi nữa. Đó là cái ảo. Cái ảo nấp đằng sau cái thật đang diễn ra. Là những rung động, những nhói đau, những hân hoan, những ám ảnh. Nó quyện chặt vào giác quan người xem, nó tra vấn người xem, và nó hối thúc sự trả lời nào đó.

Cái ảo của sân khấu không phải là cái giả. Nó là sự huyền hoặc quyền năng chỉ có những nghệ sĩ tài năng mới có đủ sức mạnh để tạo ra. Thì Lê Khanh có quyền năng ấy. Không chỉ trên sân khấu, mà ngay cả trong đời thường.

Tôi thường gặp Lê Khanh trong những buổi ra mắt sách của bạn bè văn nghệ. Chị vốn mê sách từ thời còn bé tí. Làm diễn viên đọc sách đã là đương nhiên, nhưng khi đứng trên bục giảng tham gia công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ, và khi làm đạo diễn thì việc đọc càng trở thành một nhu cầu bắt buộc hơn với chị.

Lê Khanh thích những tác giả trẻ, những tác giả mới, có tìm tòi trong cách viết. Chị đọc họ, như một cách để tự định vị mình trong đời sống đang chảy đi, rằng mình có tham gia vào dòng chảy ấy, không hề ở lại phía sau, không hề lạc hậu. Chị đọc, còn là để tìm kiếm những chất liệu mới cho công việc của mình.

Sân khấu đang trong những tháng năm buồn, khó khăn chồng chất, từ kịch bản đến người biểu diễn, người xem. Những đạo diễn như chị khát kịch bản hay, mà tìm đỏ mắt không thấy.

Cũng chính là việc đọc, cho chị cơ duyên gặp được kịch bản của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp. Và chị mang cái "Nhà ôsin" trên giấy của ông nhà văn "Tướng về hưu" lên sân khấu. Mang với toàn bộ yêu thương, nâng niu, trân trọng và khám phá.

Lê Khanh trong phim “Người Hà Nội”.

Dù là tác phẩm đầu tiên từ khi dấn thân vào công việc đạo diễn, dù là không ít người can ngăn chị đừng đụng vào kịch bản này. Vì hai lý do: ông nhà văn khó tính và kịch bản thiếu kịch tính, thiếu xung đột. Nhưng chị đã không ngại ngần bước vào cuộc chơi. Và thành quả là không mất lòng tác giả kịch bản và hài lòng khán giả.

"Nhà ôsin" chính thức là một cuộc trình làng của Lê Khanh trong vai trò đạo diễn. Một vở kịch tưởng như không kịch tính, mà lấy được cảm tình của khán giả. Dù không cố tình, nhưng hình như Lê Khanh đã mang đến cho người xem một quan niệm mới về cái gọi là xung đột kịch.

Chị chia sẻ: "Tôi sợ nhất những vở diễn, đọc qua kịch bản thì cảm giác như một mặt hồ bằng phẳng. Nhưng thực ra là nó có sóng ngầm ở dưới, tầng bậc lớp lang ở dưới. Cũng giống như 35 năm trong nghề biểu diễn của mình, tôi sợ nhất những nhân vật tưởng như có mà lại như không có. Những nhân vật mà đời sống của nó phức tạp đến nỗi, thoạt nhìn ta tưởng như không có gì.

Như nàng Đan Thiềm trong vở "Vũ Như Tô" tôi từng sắm vai. Chất ngất những dằn vặt, tư tưởng, bi kịch trong con người của nàng. Nhưng hình ảnh nàng trên sân khấu thì như quá đơn giản, như không thể có gì cho mình diễn. Vậy, phải vượt qua khoảng trống ấy, vượt qua cái đơn giản để ám vào khán giả một sự phức tạp vốn là bản chất thật của nhân vật, mình phải làm gì".

Đôi khi người diễn viên trên sân khấu đi qua một cuộc đời nhân vật như đi qua một sa mạc. Thấm hết sức nóng của mặt trời, nỗi khốn khổ của cơn khát, và cả cảm giác của sự vượt thoát nữa. Lê Khanh, trong sự nghiệp của mình, chị đã nhiều lần đi qua cảm giác đó. Nó khiến chị yêu nghề không dứt ra được. Nó buộc chị phải dan díu, hơn cả một cuộc tình.

Trong sân khấu Việt Nam hiện đại, người được hào quang tìm đến như Lê Khanh đâu có nhiều. Chị đã có một thương hiệu đẳng cấp vào bậc nhất. Vì những mê hoặc mà chị tạo ra, trong suốt một thời kỳ dài của sân khấu hoàng kim, vào thời điểm mà khán giả có thể đến nhà hát vào mỗi buổi tối, chờ xem một vở diễn với toàn bộ niềm háo hức.

Vậy chị ngoặt sang con đường làm đạo diễn để làm gì. Phải chăng, chị cần một thứ ánh sáng mới... Lê Khanh bảo, nào phải vậy. Chị đi học đạo diễn chỉ để mình hiểu thêm trọn vẹn cái nghề mà cả đời mình đã dành say mê cho nó. Hơn 40 tuổi đời còn làm thí sinh đi thi. Năm thi đầu tiên chị trượt oạch, vì chủ quan, tưởng NSND thì không phải thi.

Đang đi diễn ở Sài Gòn, chồng chị gọi về, "luyện thi" cho vợ đúng một buổi. Vào phòng thi môn văn, chị thấm cái cảnh thi cử nước mình. Thí sinh xé phao chép văn mẫu. Chị thì viết theo cách của mình. Và tất nhiên cái cách của "nghệ sĩ làm văn" nó sẽ chẳng giống với bất cứ ba-rem chấm điểm nào của giám khảo. Ngày biết tin mình thi trượt, chị vui. Chị bảo: "Ừ thì mình đã chọn cách đó, cách hoặc thắng to hoặc chẳng là cái gì cả". Năm sau chị vùi đầu vào luyện thi, và thi đỗ. 4 năm đèn sách, chúng ta có một đạo diễn Lê Khanh, ngoài một diễn viên Lê Khanh,

Bây giờ thì không chỉ làm đạo diễn, Lê Khanh còn ngồi vào ghế Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ngồi đợi chị trong căn phòng nhỏ, thấy chị tất bật với sự vụ, giấy tờ. Chao ôi là mệt. Chị cười, công nhận làm lãnh đạo khổ. Nó xé nhỏ thời gian của mình ra vì những việc không phải nghệ thuật. Chị hóm hỉnh: "Xưa nay mình vốn không thiện cảm lắm với ý nghĩ phụ nữ làm lãnh đạo, làm đạo diễn hay phải đi kiếm tiền. Thì giờ mình vướng vào công việc đạo diễn, lãnh đạo thật. Thế chứ.

Mỗi ngày về nhà tự nhiên thấy số phận mình cứ "mong manh thế nào". Trước mình có nhiều thời gian ở nhà chăm chút cho tổ ấm, thấy vai trò mình oai phong lắm. Giờ về đứng trước các tình yêu, mình cứ thấy "hèn hèn" thế nào. Chồng thì càng ngày càng bận, con thì đang ở giai đoạn học hành, hướng nghiệp cần mẹ nhiều hơn. Cũng may là công việc lãnh đạo cũng chủ yếu xoay quanh chuyện nghệ thuật là chính. Mình hằng ngày vẫn được làm nghề, tiếp xúc với nghề, chăm lo cho các thế hệ diễn viên trẻ của nhà hát để các em trưởng thành và kế cận mình".

Lê Khanh cùng chồng và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (giữa) cùng duyệt vở “Nhà ô sin” do chị làm đạo diễn.

Nói về các diễn viên trẻ, Lê Khanh có một cái nhìn bình đẳng. Người ta cứ đổ lỗi cho các bạn trẻ hôm nay không yêu nghề, không tài năng, không bằng các thế hệ cha anh đi trước. Nhưng nào phải vậy. Các nghệ sĩ trẻ đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức.

Cả một tuổi trẻ, những vai diễn được tham gia có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì sân khấu đang ở vào thời kỳ khủng hoảng, không có khán giả. Đời sống ồn ào tốc độ với bao nhiêu lựa chọn, mời gọi. Những người bám trụ với nghề là những người yêu nghề, đắm say nghề và chịu nhiều thiệt thòi vô cùng. Chị rất xót xa các em. Chị mong muốn khán giả đến với sân khấu đông hơn để Nhà hát có thể dựng nhiều vở hơn, đỏ đèn nhiều đêm trong tuần hơn để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội rèn nghề.

Hỏi Lê Khanh, chị có hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Chị bảo, không hài lòng cũng không còn cách nào khác. Đã mang lấy nghiệp vào thân rồi. Phải đi hết sự lựa chọn của mình, không than vãn điều gì. Làm nghệ thuật ở nước mình lương bổng không cao, nên hình ảnh người nghệ sĩ đôi khi nó không được sang trọng lắm. Đôi khi phải lo lắng dúi dụi chuyện miếng cơm manh áo giữa chợ đời.

Nhưng cũng may là trời cho người nghệ sĩ tính hồn nhiên. Họ vượt qua được những khó khăn thường nhật, vì nghệ thuật là một nghề có tính ma dụ. Nó luôn hắt một thứ ánh sáng bí ẩn để mời gọi. Khi đã đứng dưới ánh đèn, những chật vật của đời sống bỗng nhiên tan như mây khói. Ở đó, chỉ còn lại người nghệ sĩ đứng đối diện với nhân vật của mình. Để trải nghiệm những buồn vui, khổ đau hay hạnh phúc. Để thấm thía thân phận con người trong cuộc đời vốn nhiều trạng huống như ma trận. Và để yêu lấy những gì mình đã có...

Lê Khanh cười, đôi mắt bắt đầu những dấu chân chim, gương mặt với những vết tàn nhang lấm tấm. Tuổi 50 đã gõ cửa chào chị. Nào có hề gì. Chị yêu những thứ thuộc về mình. Mỗi quãng đường đời chị sẽ tận hưởng hương vị của nó. Những đứa con lớn lên. Niềm vui mà công việc ban tặng. Tình cảm mến mộ của khán giả. Những tài sản đó, để có được, thì đương nhiên phải có giá của nó.

Tuổi già khẽ khàng sau lưng, ai trong chúng ta mà không có ngày chạm vào nó. Lê Khanh đã sống quá đầy một tuổi trẻ. Đã sống với nhiều cuộc đời khác nhau, đã băng qua nhiều số phận nhân vật khác nhau trên sân khấu thánh đường. Thì giờ đây với chị, tuổi tác là an nhiên, là quà tặng hơn là nỗi ngậm ngùi, luyến tiếc...

Mà ngay cả tuổi tác cũng không phải là câu chuyện thực của Lê Khanh. Vì chị là người luôn gieo cho tôi một cảm giác ảo nào đó. Không khi nào những cái thật có thể trụi trần, trong cách ứng xử của Lê Khanh.

Chị ngồi đó, đôi khi chị là chị, mà đôi khi tôi lại ngỡ chị đang ở trong vai một nhân vật nào đó chị đã từng. Bởi những câu chuyện cứ ở ngoài đường biên của thông lệ đời sống. Cái ảo đó, cái vượt thoát đó, chỉ có chị, một nghệ sĩ lớn, mới đủ quyền năng gây cho ta một "dư chấn" mà thôi...

Bình Nguyên Trang
.
.
.