Họa sĩ Thành Chương: Đừng nhân danh bảo tồn để phá hủy văn hóa

Thứ Năm, 12/07/2018, 10:13
Kênh truyền hình CNN mới đây phát sóng chương trình "Điểm đến Hà Nội" (DESTINATION HANOI), trong đó dành một thời lượng đáng kể để nói về Việt Phủ Thành Chương, một địa chỉ văn hóa đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô và cả nước.


CNN đánh giá Việt Phủ Thành Chương là một trong những bộ sưu tập ấn tượng về lịch sử văn hóa Việt. Nhân sự kiện này, họa sĩ Thành Chương chia sẻ về những trăn trở của ông trong việc bảo tồn, phát triển cũng như giới thiệu các giá trị văn hóa Việt ra thế giới.

Bảo tồn văn hóa của chúng ta đang "điên" như thế đấy

- Thưa họa sĩ, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN vừa qua, họa sĩ có nói đến những lo ngại của ông trong vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - một trong những bức xúc dẫn đến "cú hích" ông bắt tay xây dựng Việt Phủ Thành Chương. Cụ thể sau nhiều năm, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền ở ta có điều gì thay đổi tích cực hơn không, theo như quan sát của của ông?

+ Tôi cho rằng những di sản văn hóa, nghệ thuật mà cha ông bao đời để lại cho chúng ta là vô cùng to lớn, và thật sự rất đáng tự hào. Việc giữ gìn bảo tồn các giá trị văn hóa đó ở nước ta hiện nay, theo tôi, là rất đáng lo ngại. Không ít di tích lịch sử bị tàn phá trong chiến tranh. Giờ hòa bình lâu rồi, no cơm ấm áo rồi, các giá trị văn hóa vẫn không ngừng bị phá hủy.

- Phải chăng các chính sách bảo tồn văn hóa của chúng ta hiện nay đang có vấn đề?

+ Những người có trách nhiệm với văn hóa đang quan niệm rất sai lạc về việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Nhiều hoạt động nhân danh trùng tu, bảo tồn văn hóa, tiêu tiền của nhà nước rất nhiều nhưng bản chất thực là sự phá hủy văn hóa. 

Thử dẫn chứng một câu chuyện như thế này, chúng ta đang có một chiếc Thạp gốm hoa nâu tuyệt đẹp từ thời Lý, cao đến cả thước, cực kỳ đẹp, cực kỳ quý giá. Nhân danh bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, chúng ta đập nó đi. 

Rồi qua Bát Tràng làm một cái thạp mới thay chiếc thạp cổ giá trị 1.000 năm kia. Nghe chuyện này ai cũng bảo là điên à? Sao lại đập đồ thật quí giá 1.000 năm rồi làm cái đồ giả thay vào mà gọi là bảo tồn. Nhưng đó là chuyện đã xảy ra và sự thực, việc bảo tồn văn hóa của ta đang diễn ra như thế đấy. Rồi chính những người làm việc điên rồ đó, khi được hỏi, họ lại vẫn trả lời, điên mà làm như thế à? Tôi nói không quá đâu, cái cách gọi là bảo tồn ấy đang phá đi các di sản văn hoá của đất nước một cách chóng mặt. Xây thì rất lâu, bảo tồn thì khó, chứ phá đi thì nhanh lắm.

- Thiết nghĩ, với những công trình văn hóa đã đổ nát vì thời gian và nhiều lý do khách quan khác, việc phá bỏ để xây dựng các công trình văn hóa mới mang bóng dáng của hôm nay cũng cần chứ, thưa họa sĩ?

+ Tôi tiếc là những gì chúng ta đang xây mới trên nền tảng của cái cũ đã đập đi còn đáng lo ngại hơn là không xây gì. Bởi lẽ, chúng ta đang xây những cái mới không thuần Việt, không chứa những giá trị nguyên gốc Việt, mà là những thứ mô phỏng văn hóa ngoại lai, văn hóa Tàu. Đang có một sự xâm lăng trong văn hóa mà đau xót nhất là chúng ta đang tự xâm lăng. Cứ thử nhìn vào các ngôi chùa mới mọc lên trên đất nước ta mà xem, đó đâu phải là chùa Việt. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa tôi có thể kể ra…

- Vậy gốc rễ của các giá trị văn hóa Việt, theo ông là những yếu tố gì?

+ Văn hóa của người Việt mình vốn là văn hóa của những người nông dân, là văn hóa dân gian. Đã là văn hóa dân gian thì gắn liền với sự mộc mạc, bình dị, hồn nhiên, trong sáng. Triết lý của ông cha ta là con người cũng như muôn loài gần gũi, hòa nhau thân thiện. Cho nên, chúng ta nhân danh trùng tu phát triển mà xây sửa những giá trị mới, hoành tráng, lai căng là không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt.

- Trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vai trò của người quản lý theo ông quan trọng như thế nào?

+ Tôi nghĩ rằng, chắc không tồi tệ đến mức là các nhà quản lý văn hóa muốn các giá trị văn hóa quí giá của dân tộc mình mất đi, xóa sổ đi. Nguyên nhân nằm ở chỗ, họ làm quản lý văn hóa nhưng không hiểu sâu sắc, thấu đáo về văn hóa cội nguồn dân tộc mình. Vì không hiểu nên những quyết sách của họ nhiều khi sai lệch, mang đến những hệ lụy rất tiếc.

Vợ chồng họa sĩ tại Việt Phủ Thành Chương.

Việt Phủ là một tác phẩm, một bức tranh rất lớn của tôi

- Quay về câu chuyện liên quan đến Việt Phủ Thành Chương, kênh truyền hình CNN Travel đánh giá đây là một trong những bộ sưu tập ấn tượng về lịch sử văn hóa Việt, còn họa sĩ lại xem đây là một "tác phẩm" của mình? Họa sĩ lý giải về cách gọi đó thế nào?

+ Tôi gọi Việt Phủ là tác phẩm, đơn giản bởi đó là một sáng tạo của cá nhân tôi. Sáng tạo để làm nên một không gian riêng mang đậm dấu ấn đời sống và giá trị văn hoá nghệ thuật Việt. Ngay từ khi bắt tay làm Phủ, tôi đã phải đứng trước câu hỏi, mình sẽ làm theo mô hình như thế nào và thấy lúng túng vô cùng. 

54 dân tộc anh em, đưa hết về những giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc về thành một bảo tàng ở đây, thì tiền tấn tiền tỷ của Nhà nước cũng chưa chắc đã làm nổi. Đơn cử, riêng cái cổng Phủ thôi, tôi đã thấy khó khăn rồi. Vì mỗi ngôi làng Việt có một kiểu kiến trúc cổng làng khác nhau. 

Hơn 1 lần tôi phải phá bỏ cái cổng Phủ đã làm để làm lại. Và cái cổng Phủ hiện nay mang rất nhiều hình ảnh cổng làng Việt trong đó. Nó là tập hợp các kiến trúc, nghệ thuật, tính năng, công năng của nhiều cổng làng Việt. 

Bạn không thể tìm thấy một cái cổng như vậy ở bất cứ đâu trong các ngôi làng Việt. Một cái cổng mang dấu ấn sáng tạo của Thành Chương, và quan trọng là nó rất Việt Nam. Từ "chìa khóa" là cái cổng Phủ đó, tôi áp dụng cho mọi không gian trong phủ. 

Các di vật văn hóa dân gian, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống được bài trí, sắp xếp, sáng tạo theo cách riêng của tôi, để nó có thể kể câu chuyện thú vị về văn hóa Việt. Cho nên, đối với tôi, quần thể văn hóa Việt Phủ chính là một tác phẩm sáng tạo mang hồn cốt văn hoá Việt và phong cách sáng tạo của tôi.

- Việt Phủ từ lâu đã hoạt động phục vụ du khách vào tham quan, thưởng ngoạn. Ông có thể nói gì về kết quả kinh doanh một sản phẩm văn hoá nghệ thuật đặc thù như vậy? Ông và vợ phải căn chỉnh ra sao không bị thương mại hoá. 

+ Kết quả tích cực hiển hiện ngay trong mắt nhìn. Việt phủ năm nay đẹp hơn năm ngoái, và hơn năm trước nữa. Cái đẹp của việc được để ý, quan tâm lo lắng, chăm chút từng ngày. 

Mọi chỗ đều sạch sẽ chỉn chu. Mỗi năm đều có cái gì đó mới. Có thể nói, việc kết quả đã dần tích cực về nhiều mặt.  Đáp lại cách làm đúng và sự kiên nhẫn, cây cũng đến lúc cho ta trái ngọt. Mọi việc không thể vội vàng được. 

Thành quả đến từng chút từng chút một và chúng tôi rất tự hào về điều đó. Có thể gọi việc kinh doanh ở đây là phi lợi nhuận. Mọi lợi nhuận được vợ tôi quay lại dành cho việc duy trì và bồi đắp cho nó càng ngày càng đẹp hơn. Thực tế, Việt Phủ đã được bảo tồn và duy trì rất tốt, mỗi lần quay lại mọi người đều trông thấy điều đó, chứ không phải là một nơi nhếch nhác đi, cũ nát đi.

Khi có ý định kinh doanh một phần trong Việt Phủ, tôi  đã cực lực phản đối. Nhưng vợ tôi đã giúp tôi hiểu ra rằng, đó là việc đặt tác phẩm văn hoá nghệ thuật của mình vào môi trường của qui luật tự nhiên, khách quan của cung và cầu, của cho và nhận, để tồn tại và phát triển. 

Bảo tồn, tôn vinh di sản, văn hoá, nghệ thuật hay gì đi nữa mà không có tiền thì mục đích đó không thể thành hiện thực được. Đó là sự căn chỉnh về quan niệm. Đối với vợ chồng tôi, lợi nhuận và bảo tồn, nâng cao giá trị văn hoá cùng song hành, không thể tách rời. 

Đừng nghĩ thương mại văn hoá là tiêu cực. Chỉ có cách làm, phương pháp thực thi đúng hay sai mới khiến cho cái văn hoá đẹp đáng được tốt lên thì lại trở nên xấu đi. Phổ biến ở nước ta là như vậy.

Vợ chồng họa sĩ Thành Chương cùng nhà sản xuất chương trình Hanoi Destination của kênh CNN Travel.

- Có vẻ như có một sự rạch ròi về vai trò trong gia đình họa sĩ. Ông  là người chịu trách nhiệm mọi vấn đề về nghệ thuật. Phần quản trị, điều hành Việt Phủ thuộc về chuyên môn của vợ ông?

+ Nếu ví von tôi như người cha sinh ra một đứa con, thì vợ tôi chính là người dưỡng dục đứa con đó. Ở những thời điểm quan trọng nhất, vợ tôi là người quyết đoán, và luôn đưa ra những quyết định hợp lý. 

Cô ấy rất có năng lực, người lý trí chứ không cảm tính, nhưng rất có tâm, và quan trọng nhất là hiểu về văn hoá sâu sắc để biết mình phải làm gì để giữ gìn các giá trị mà chúng tôi đã dày công tạo dựng. Việt Phủ ngày càng đẹp đẽ hơn, trở thành một địa điểm thu hút là có công sức rất lớn của cô ấy.

- Vợ chồng họa sĩ có kế hoạch gì trong việc giới thiệu văn hóa Việt cũng như hình ảnh Việt Phủ Thành Chương ra thế giới?

+ Khi truyền hình CNN đặt vấn đề xin phép tới quay và phỏng vấn, tôi có hỏi điều gì khiến họ biết đến Việt Phủ. Họ trả lời, họ biết qua bài viết của báo The New York Times, của báo Anh, và qua những nguồn tìm hiểu cá nhân khác. Tôi và vợ vẫn thích tin vào chữ "hữu xạ tự nhiên hương". 

Mình cứ chuyên chú chăm lo làm cho Việt Phủ của mình thật đẹp, thật tốt, thật hay, thật thú vị thì mọi người sẽ đến. Đến rồi mà họ yêu, họ thích thì chính họ sẽ đem tiếng tốt lan truyền đi cho mình. Không có cách quảng bá nào tốt hơn và phù hợp hơn được.

- Giả sử nếu có cá nhân hay tổ chức nào đó, có thể trong và ngoài nước, muốn mua lại Việt Phủ Thành Chương với một giá tiền vô cùng hấp dẫn, liệu ông có gật đầu chuyển giao?

+ Tôi nghĩ mọi thứ đều có thể. Tôi có thể tặng, có thể bán. Như tôi đã nói, tôi quan niệm Việt Phủ là một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh rất lớn của mình. Việc trao quyền sử dụng, sở hữu nó cho một người khác nếu có thể  là một điều tốt và nên làm khi có thể. Đó cũng là một sự căn chỉnh nữa. Vợ tôi nói, từ giờ đến cuối đời, một  trong những việc lớn nhất của chúng tôi là lo cho tương lai sau này của Việt Phủ, nhất là khi các con tôi sẽ có những lựa chọn cá nhân riêng, không nhất thiết giống với mong muốn của bố mẹ. Tôi là một người sáng tạo, trong đầu luôn ăm ắp các ý tưởng. Có tiền tôi sẽ lại tiếp tục thực hiện được nhiều tác phẩm lớn khác nữa. Thế thì tại sao không?    

- Xin cảm ơn họa sĩ Thành Chương về cuộc trò chuyện thú vị này. 
Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.
.