Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Đi tìm sự hoàn hảo của viên ngọc

Thứ Năm, 28/02/2019, 14:36
Gần 30 năm định cư ở Tp HCM, năm nay họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đón Tết ở Hà Nội. Chị dành thời gian tĩnh lặng để hoàn thành dự án "Chân dung bạn bè và những người cùng thời". Đó là một cuộc Thiền của chị trong dòng chảy nghệ thuật mà chị miệt mài đi.


- Hà Nội bây giờ chắc khác nhiều so với những ngày chị sống ở đây. Sự thay đổi là cần thiết, nhưng những người gắn bó với Hà Nội, với văn hóa Hà Nội như chị có cảm thấy mất mát?

+ Cuộc sống bây giờ có nhiều thay đổi, càng ngày càng hiện đại, tiện lợi. Những cái được về vật chất chúng ta có thể nhìn thấy, đo đếm được, còn những mất mát về tinh thần, rất vô hình nhưng lại là mất mát rất lớn. 

Tôi đi sang nước Nhật, chưa thấy nước nào hiện đại ở đỉnh cao và cổ truyền cũng ở đỉnh cao như Nhật Bản và tôi học được ở họ điều đó, chúng ta càng sâu bao nhiêu thì càng cao bấy nhiêu. Tôi thấy người Nhật có những thứ cổ truyền hai ba trăm năm họ vẫn giữ. Nếu một dân tộc không còn lại những bản sắc dân tộc như thế, khi muốn định vị mình, họ không còn cái riêng nữa. 

Tôi đi qua rất nhiều nước, phòng tắm vệ sinh giống nhau, điều hòa, tủ lạnh cũng giống nhau, nói chung, những tiện nghi giống nhau. Điều giúp mình nhận ra mình đang ở nước nào chính là một vài bày biện những giá trị văn hóa. Tôi nghĩ, giá trị mạnh nhất của một đất nước là bảo tồn được văn hóa nghệ thuật và tiến tới hòa đồng với thế giới đương đại.

- Vâng, văn hóa làm nên giá trị cốt lõi của một cá nhân và lớn hơn, một dân tộc, nhưng có vẻ như chúng ta đang bỏ quên văn hóa. Ngay những ngày đầu năm, đi lễ hội đang trở thành vấn nạn?

+ Ở nước ta, lễ hội có quá nhiều mặt trái. Sự tham, sân, si còn quá lớn. Tôi đi lễ chùa ở Myamar, Thái Lan rất thanh tịnh, sạch sẽ. Còn ở ta, khói hương nghi ngút. Tôi nhớ vài năm trước, tôi đi chùa Hương, một nơi phong cảnh hữu tình, linh thiêng như thế nhưng trên đường đi lủng lẳng đủ các thứ thịt hai bên đường, hòm công đức quá nhiều.

Ở Myamar, vào đến cổng chùa là cởi dép, cởi tất, ai mặc váy thì quấn sà rông vào, không khấn vái, hương đèn sì sụp. Họ vào chùa để buông bỏ những tham, sân, si, để thanh lọc tâm hồn, còn ta vào đó để cầu xin, khấn vái loạn cả lên. Ngày xưa vào dịp Tết, tôi cũng hay lên chùa nhưng giờ đông đúc quá, tôi không dám đi nữa.

- Thế hệ chị, những con người sinh ra ở Hà Nội vẫn luôn hoài niệm về quá khứ, về sự bình yên và trong trẻo của ngày xưa. Nhưng xã hội phải phát triển và con người cũng nên tiệm cận với cái mới chứ?

 + Tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1984, thời đó Hà Nội còn bình yên lắm. Xã hội thay đổi, có nhiều thứ tốt và không tốt. Trái đất bây giờ là một thế giới phẳng, nếu mình hòa đồng quá rất dễ hòa tan, nhưng nếu không thay đổi, không mới, chúng ta sẽ lạc hậu. Nghệ sĩ cũng vậy, điều quan trọng nhất của người nghệ sĩ là họ phải là chính mình. 

Khi tôi đi triển lãm ở Tây Ban Nha, tôi nhìn các họa sĩ đương đại vẽ, tôi cảm giác họ đang loay hoay tìm mình. Hóa ra cái độc đáo nhất không ai làm thay được đó chính là cái của mình, vì thế tôi quan niệm mô đéc, hiện đại, quy bích, lập thể gì không quan trọng, cứ vẽ những cái tôi cảm thấy chính là tôi, bất cần ai đánh giá thế nào. Vì thế, công chúng sẽ thấy một đặc điểm trong gia đình cụ Kim Lân có 5 đứa con là họa sĩ, hai cháu họa sĩ và hai con rể họa sĩ nhưng không ai giống ai. Điều đó cho thấy cá tính của mỗi người rất mạnh. 

Trong hội họa bây giờ có rất nhiều trào lưu, nhưng nếu chạy theo trào lưu chúng ta sẽ đánh mất chính mình. Chúng ta cứ ngẫm nghĩ từ những việc nhỏ nhất đến quan điểm trong sáng tạo sẽ nhận ra sự đồng nhất, đồng bộ. Ngày xưa tôi cũng vẽ một số tranh lấy tên là "Đồng bộ", đa dạng trong sự đồng bộ. Cứ chạy theo phát triển chưa chắc đã đồng bộ. Nước Nhật bỏ Tết lúc mới mở cửa là họ không đồng bộ, họ muốn cải tổ đất nước, văn minh hiện đại nhưng họ nhầm lẫn.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị HIền.

- Năm nay chị dành nhiều thời gian ở Hà Nội để hoàn thiện dự án cuối cùng của cuộc đời "Chân dung bạn bè và những người cùng thời". Chị có thể chia sẻ về dự án của mình?

+ Trước đây tôi rất thích vẽ chân dung, từng vẽ nhiều chân dung của các chính khách ở hơn 20 quốc gia, từ ông hoàng, kỹ sư đến các đại sứ, con đại sứ. Như một mối lương duyên. Biết tôi vẽ nhiều cho khách nước ngoài, bác Nguyễn Tuân kéo tôi ra phố Trần Hưng Đạo, bảo, cháu vẽ cho bao nhiêu người nước ngoài, cháu phải vẽ cho bác một bức chân dung. 

Bác Nguyễn Văn Bổng vào Sài Gòn cũng bảo thế. Rồi cuộc sống cuốn đi, tôi cứ yên chí rằng mình vẽ lúc nào cũng được. Đến một ngày, những người bạn của bố tôi lần lượt ra đi, tôi nhận ra mình có món nợ rất lớn với cuộc đời, nếu không làm mình cũng không yên. Tôi nhớ thời mới ra trường, tôi vẽ bác Nguyên Hồng, khi bác mất, cả nhà rước bức tranh đi trước linh cữu, rất cảm động.

Tôi đã không kịp vẽ chân dung các bác khi họ còn sống nên tôi nảy ra ý vẽ chân dung bạn bè và những người cùng thời. Những người cùng thời với bố, tôi cũng chẳng chọn nhân tài hay đánh giá gì ai. Tôi bắt đầu làm tài liệu và dựng hình, vẽ bằng ký ức và hình ảnh. Rồi nhà văn Nguyễn Khắc Phục - bạn tôi mất, quá sốc. 

Tôi không có lý do gì để không vẽ. Tôi vẽ những người đã gắn bó với cuộc đời mình. Tôi vẽ vì tôi có kỷ niệm với họ, họ để lại những kỷ niệm trong cuộc đời của tôi. Đó là thế hệ bạn của cụ Kim Lân, rồi những người bạn lớn của tôi như Đào Trọng Khánh, Thụy Kha, Nguyễn Khắc Phục, Lưu Quang Vũ, Dương Tường, Trần Đỉnh, Nguyễn Xuân Khánh…

- "Chân dung bạn bè và những người cùng thời" vẫn nối tiếp mạch chảy trong dòng chảy nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Vì sao chị coi đó là vệt cuối cùng?

+ Làm nghệ thuật không phải lúc nào mình cũng đi được thẳng đường, có nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống, những được và mất. Nghệ thuật đôi khi cũng chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, cũng như mùa đông phải mặc áo ấm, mùa hè phải có quạt. Điều giữ được anh nhất đó chính là quyết tâm tìm cái của mình. Đã có lúc tôi cũng muốn làm những thứ hiện đại cho hợp thời, nhưng cuối cùng tôi thấy vẫn không phải là của mình. 

Cái của mình là những thứ mình có từ xưa, mình không sao chép ngày xưa nhưng đó là mình chân thực nhất. Dòng chảy nghệ thuật của tôi cũng vậy, nó là một dòng chảy nối liền, đến với mỗi bến bờ của thời gian, nó là tôi của hiện tại, có kết nối với tôi trong quá khứ và những điều tôi chiêm nghiệm từ hiện tại.

Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

- Hiện tại của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền có hình hài như thế nào trong sự kết nối đó?

+ Tôi vẽ 99 chân dung, như một bộ tiểu thuyết có chủ ý, sắp xếp. 99 dáng ngồi khác nhau, thể hiện cá tính của từng nhân vật. Tôi làm bằng tất cả tấm lòng mình bởi đó là món nợ với cuộc đời, với những người bạn của mình. Tôi vẽ với lòng thương yêu và quý trọng những người bạn đó. Đó là hành trình đi tìm sự hoàn hảo của viên ngọc. Mỗi người ẩn giấu bên trong một viên ngọc sáng, tôi đi tìm sự hoàn hảo của chính họ và khi tôi tìm ra chính họ là tôi tìm thấy mình. Đấy là hạnh phúc.

Bộ chân dung giống như một cuộc Thiền của tôi, quay lại sâu lắng bên trong mình để nhìn lại. Hai cuộc triển lãm Hiền Minh làm cho tôi trước đó, "Những gì còn sót lại" và "Một chặng đường" như gõ vào đầu tôi rằng, hãy ngồi lại, không việc gì phải chạy, phải đi nhanh. Hãy ngồi đi, thiền đi, sâu lắng vào trong tâm hồn mình để tìm lại chính mình và tôi đã làm được điều đó. Tôi thấy hạnh phúc. 

Sau hai cuộc triển lãm đó, tôi bừng tỉnh ra nhiều. Tại sao tranh của tôi bán được nhiều ở châu Âu, vì ở đó họ đi qua thời kỳ hiện đại, họ đang đứng để nhìn lại mình. Tôi một lần nữa định vị lại mình, tôi vẫn là tôi đây, tôi hiện đại hơn tôi ngày xưa nhưng tôi vẫn là gạch nối của tôi trong quá khứ. Tôi nhớ lời cụ Kim Lân dặn rằng: "Ngày xưa, khi con ở Hà Nội, con nổi tiếng, để lại nhiều dấu ấn nên bây giờ con vẽ, con phải làm thế nào để gánh được cả quá khứ của con lẫn hiện tại của con bây giờ".

- Chị đi qua nhiều biến động của cuộc sống, nhưng vì sao chị vẫn giữ được cái nhìn hồn hậu, yêu thương cuộc đời?

+ Đôi lúc tôi muốn ẩn dật, thậm chí không gặp gỡ, lặng lẽ làm việc. Tôi tâm niệm, nếu làm hết lòng mình và có thể để lại một vệt nào đó khi mình ra đi là hạnh phúc. Vệt đó có giá trị thế nào thuộc về cuộc đời, nếu có giá trị thì họ giữ mà không thì cũng không vì thế mà buồn vì mình đã sống trọn lòng mình rồi. Trong cuộc đời có những người mình thương yêu và trân trọng, còn gì hạnh phúc bằng. Tất cả mọi thứ đối với tôi, sự thù hận, buồn bã đều được xóa bỏ. Tôi chỉ giữ lại trong mình tình yêu với cuộc đời, với con người.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị! 
V. Hà (thực hiện)
.
.
.