Họa sĩ Mai Hương: Chỉ khi cảm xúc thăng hoa mới chạm được trái tim khán giả
Đối với hoạ sĩ Mai Hương, hội hoạ đã là một niềm cứu rỗi, nhưng cũng là một chốn thăng hoa để chị cất cánh những giấc mơ ngọt ngào, đau đớn nhưng cũng đầy khát vọng. Chị đã có hai cuộc triển lãm, tham gia nhiều triển lãm tranh quốc tế. Chị quan niệm, giá trị của hội hoạ dù ở đề tài nào, chất liệu nào đi chăng nữa cũng là mong muốn mang đến cho khán giả một cách nhìn nhân ái, bao dung và đầy thông điệp nhân văn về tình yêu con người, cuộc sống...
- Thưa họa sĩ Mai Hương, chị vừa trở về từ một cuộc triển lãm tranh quốc tế, nay lại đang chuẩn bị cho một cuộc cuộc triển lãm mới, những chuyến đi mới. Phải thừa nhận, chị là một người rất có duyên với những "đấu trường" quốc tế?
+ Tôi vinh dự và lấy làm tự hào khi tác phẩm của tôi được Ban giám tuyển nghệ thuật quốc tế lựa chọn tham gia Olympia Fine Arts International Exhibition and Symposium 2016 - India (Triển lãm và Hội thảo Mỹ thuật Quốc tế Olympia 2016) với chủ đề: "Green Earth" (Trái đất Xanh). Là người Việt Nam duy nhất tham gia sự kiện này, tôi vinh dự đã mang được lá cờ Việt Nam đứng trong sự kiện lớn về Mỹ thuật được toàn thế giới quan tâm.
Các bạn yêu nghệ thuật trên thế giới hiểu thêm về mỹ thuật đương đại thông qua các tác phẩm nghệ thuật của 33 họa sĩ thành viên OFAA + 47 Master Artists. Năm nay 2016, Ấn Độ tự hào đăng cai tổ chức sự kiện "Olympia Fine Arts International Exhibition and Symposium", sự kiện đã được ghi vào lịch sử Mỹ thuật Ấn Độ. Cũng trong dịp này, cuộc họp OFAA đã diễn ra và bầu Ông Utpal Barua làm chủ tịch nhiệm kỳ mới 2016- 2020".
Họa sĩ Mai Hương vẽ vườn đào. |
- Ngay từ năm 1985, mới 20 tuổi chị đã được giải Nhì cuộc thi vẽ Quốc tế do Ba Lan tổ chức. Đặc biệt, năm 1993, chị được trao Giải Nhất cuộc thi Biểu trưng APAN do ASIAN tổ chức. Đáng chú ý năm 2012, chị cũng giành Huy Chương vàng danh dự và Giấy chứng nhận "Đại sứ Mỹ thuật Việt Nam 2012", tại Liên hoan Mỹ thuật Quốc tế, tổ chức tại Korea. Mới đây chị đã đoạt Giải Xuất sắc tại triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Hàn Quốc, năm 2013... Chị là người không thích ồn ào dù bên cạnh mình là rất nhiều giải thưởng. Điều này dường như là một nét tính cách khác biệt?
+ Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa có mơ ước nào khác ngoài nghề vẽ của cha tôi và các anh trai tôi. Tôi cũng chưa từng thử xem liệu mình có thể làm nghề khác không? Hoạ sĩ Nguyễn Thuỷ Tuân - Cha tôi - đã truyền dòng máu yêu hội họa cho tôi, chính vì vậy ngay từ hồi còn bé, tôi đã hăng hái tham gia các cuộc triển lãm tranh trong nước và Quốc tế. Giành được giải hay không, không quan trọng. Cái chính là được thể hiện mình trong tác phẩm. Cũng may vài lần tôi đoạt được giải nhất nhì trong các cuộc thi vẽ trong và ngoài nước. Điều đó khuyến khích tôi tự tin và mặc định con đường đi của mình là nghệ thuật hội họa.
- Hội họa luôn có ngôn ngữ riêng của nó. Tranh của chị có gam màu vừa ấm nóng, lúc lại thâm trầm, có lúc tươi vui, lúc lại cô đơn. Thường thì những tính cách này khó có thể dung hòa và chị đã làm được điều đó một cách dễ dàng trong những bức tranh của mình. Vậy thường thì chị có vẽ tranh theo tâm trạng hiện thời cần được bộc lộ hay đơn giản, chị nghĩ gì, cảm gì thì vẽ nấy không theo một chủ đích nào cả?
+ Cảm xúc tùy thuộc vào tâm trạng, chính vì vậy nó cũng có cung bậc biểu cảm của người nghệ sĩ khi sáng tác. Mình chỉ vẽ khi thực sự cảm xúc đến với mình. Sáng tác tùy thuộc vào cảm hứng và kết quả của nó không có thời gian cố định, có bức tranh mình vẽ 15 phút, nhưng cũng có bức mất 2 năm mới hoàn thành và có bức dang dở chẳng biết có hoàn thành nổi hay không.
Cảm xúc người nghệ sĩ khi sáng tác rất thú vị vì như bạn biết đấy, đôi khi chỉ là duyên cớ, đôi khi nhập hồn, lúc thì lãng đãng thực hư, lúc thì hình hài cụ thể, có những lúc nghe một làn điệu dân ca làm mình thức dậy một kí ức xa xăm, có những khi nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ, một câu truyện hay bỗng dưng nhìn bông hoa dại bé xíu cũng đủ làm nghệ sĩ rung động… nên không bao giờ là vay mượn, chỉ có thể sống với cảm xúc thực của chính mình mà thôi.
Tôi vốn là họa sĩ, biên tập mỹ thuật tại NXB Thanh Niên, mình lại là người yêu sách, vì thừa hưởng gen của bố mình, họa sĩ Thủy Tuân, ông cụ vốn là người rất yêu sách và có tiếng ở Hà Nội từ xưa về thú sưu tầm sách, cụ có nhiều cuốn sách quý vô giá. Nên mình luôn trân trọng các tác phẩm, tác giả và thích thú được trao đổi với các tác giả nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hay một nhà khoa học để đồng cảm, học hỏi, qua đó giúp cho công việc sáng tạo của mình.
- Ngoài những đề tài đương đại, chị còn vẽ nhiều về đề tài miền núi, và trong tranh của chị thường xuất hiện thêm những "phụ kiện" thật được lấy từ nguyên mẫu ngoài đời như chuông, giải lụa…. Điều gì khiến chị "mê mẩn" đề tài này đến vậy?
+ Điều này có lẽ tiềm ẩn trong mình điều gì đó rất tâm linh. Mình rất thích và đam mê đến mức có lần đi thực tế vẽ ở vùng cao Mù Căng Chải, Lai Châu, Sapa, Đkrong … mình như bị bỏ "bùa mê" mình uống rượu, nhảy múa ca hát cùng đồng bào dân tộc và tưởng chừng như thế giới âm, dương hòa làm một. Cuộc sống ở đó thật thích, trong trẻo, thiên nhiên với con người được hòa quyện với nhau.
Năm 2013 tôi giành giải Giải Xuất sắc tại triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Korea - Hàn Quốc với tác phẩm mang tên "Tơ" (chất liệu Acylic, kích thước vuông 1mx1m). Đây là một cuộc triển lãm với hàng trăm tác phẩm của các họa sĩ trên thế giới được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại thành phố Ansan (Hàn Quốc). Bức tranh "Tơ"được đánh giá cao bởi ngoài ngôn ngữ của hội họa, nó hiện hữu cả một đời sống. Tôi vẽ "Tơ" trong một lần đi thực tế ở miền núi, gặp những người đang dệt vải, thấy những sợi tơ óng ánh đẹp quá, tôi đã mua tất cả búi sợi chưa dệt thành sản phẩm để mang về.
Một tác phẩm của họa sĩ Mai Hương. |
Khi bức tranh hoàn thành, tôi gắn búi tơ ấy lên tác phẩm của mình, một tác phẩm mà sau này mang tên của chính nó "Tơ". Có thể đối với mọi người, búi sợi này không có giá trị nhưng với tôi, đó là cả linh hồn của bức tranh. Trong quan niệm của tôi, ngôn ngữ trong tranh, ngoài đường nét, màu sắc thì còn cả hơi thở của cuộc sống đang cựa quậy, đó là hơi thở đương đại. Trong quá trình sáng tác, có những khi mình nhận ra rằng chất liệu thực của vật thể có ngôn ngữ riêng của nó chính vì vậy mình muốn đưa nó vào tác phẩm của mình để biểu đạt, đó cũng là ngôn ngữ tạo hình của mình nhưng nó phải hợp lý.
- Trong làng hội hoạ, chị không phải là một tên tuổi nổi bật, nói đến là nhớ, không phụ thuộc vào việc đó là một hoạ sĩ giỏi hay không, nhưng tôi thích cái cách mà chị tiếp cận với khán giả, chỉ giản đơn là một người hoạ sĩ có cảm xúc đặc biệt với sắc màu và khi vẽ tranh đã tạo được hiệu ứng cho người xem tranh. Chị không sợ mình sẽ bị chìm vào "bể người" nghệ sĩ hôm nay hay sao?
+ Tôi có sở trường theo đuổi chất liệu Acrylic, một chất liệu hội đủ khả năng nắm bắt trực tiếp những hình sắc vốn có của tự nhiên. Cộng với sự quan sát đến độ thuộc lòng, tôi đã vẽ theo sự rung cảm của trái tim mình và thường thì vẽ bằng tất cả cảm hứng sáng tạo từ giai điệu cảm xúc ấy.
Đầu xuân 2010, tôi đã mở một cuộc triển lãm 14 ngày mang tên "Sắc cảm" tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền (9/1 - 23/1). Hôm đó, gặp nhà thơ Phan Cung Việt (từng làm việc tại báo Tiền Phong), anh nhận xét: "Kẻ ngoại đạo hội hoạ, dù là nhà gì và say đắm bao nhiêu, cũng chỉ nên bước đến và đề ngoài phòng tranh của lâu đài thế giới hội hoạ. Một cây cọ tươi sắc, cẩn trọng, độc đáo và nhiều duyên thầm… Tôi biết Mai Hương từ những ngày đầu bom đạn Mỹ giội xuống Hà Nội, trong vai nhà báo mới ra trường của báo Tiền Phong, tôi đạp xe tìm đến ngõ Vạn Kiếp gần Ga Hàng Cỏ.
Cái ngõ Tràng An rộng mà sâu, lạnh mà đẹp, xa vắng mà trầm uất, giấu kín mà phô bày… Tôi đi gặp và viết về nữ họa sĩ đoạt giải Nhất của báo Tiền Phong hồi ấy. Bố cô, sau tôi mới biết cái gien hội hoạ, ông cũng là một hoạ sĩ tên tuổi, họa sĩ Thủy Tuân, ông cụ vốn là người rất yêu sách và có tiếng ở Hà Nội từ xưa về thú sưu tầm sách, cụ có nhiều cuốn sách quý vô giá, trìu mến bảo: anh cứ đưa xe vào nhà chờ em. Em nó ôn thi và vẽ ở ngay Yết Kiêu. Nó về đúng giờ đấy. Khiếp, con gái đã tài sắc lại nghiêm cẩn vậy.
Họa sĩ Mai Hương cho đến nay đã có những đóng góp qúy giá cho hội hoạ, thiết kế sách và bìa sách… Ở chất liệu nào cũng dễ nhận ra chị, tinh tế như thơ văn, khoẻ như sơn dầu, sắc hoạt như bút sắt. Biển cả, giông bão, sóng thần, cây cầu sắt thế kỷ, dàn hoa tigôn… đều hiện lên trên toan màu của chị". Tôi nghĩ, một nhà thơ đã dành cho mình những lời khen ngợi như thế đã là một hạnh phúc của người hoạ sĩ như tôi. Vì đơn giản là tôi gặp được những trái tim đồng cảm.
- Người ta nói rằng, phụ nữ làm nghệ thuật thường gặp nhiều chông gai và trắc trở trong tình duyên, số phận… Chị lại biết bình ổn cho mình trong cuộc sống đời thường, có một người chồng là bác sĩ, đại tá, Phó Giám đốc bệnh viện Công an Hà Nội, yêu chiều và một gia đình hạnh phúc, bình lặng. Theo chị, để có được một sự nghiệp tốt, một gia đình hạnh phúc, người phụ nữ phải rất khéo léo để xoay xở?
+ Làm nghệ thuật, nghề nghiệp mà cảm xúc chi phối rất lớn, giống như một câu thơ mà mình là họa sĩ nên rất nhớ:"Anh hỏi em yêu màu xanh hay tím/ Em biết nói sao yêu màu tím hay xanh/ Khi xuân về hoa nở trên cành/ Muôn sắc muôn hương/ Muôn màu rực rỡ"… Vậy nên những gì mình có, mình biết trân trọng. Với tôi, rất may mắn là anh ấy - chồng tôi - là một bác sĩ nhưng lại rất yêu hội họa. Anh luôn khuyến khích, tạo điều kiện, thậm chí cũng vẽ luôn cùng tôi khi có thời gian. Và giờ đây, cô con gái bé nhỏ của tôi cũng vẽ cùng.
Thực ra, trong cuộc sống riêng tôi có một sự mất mát lớn là sự ra đi của cậu con trai thứ hai khi cháu vừa lọt lòng. Đó là một nỗi đau không gì bù đắp được trong gia đình và đặc biệt là đối với tôi, một người mẹ. Tôi đã bắt đầu vẽ nhiều để như giải toả những đau đớn quặn xé trong mình. Và bên giá vẽ, tôi trải lòng được trong hư không cuộc đời. Tôi nhận ra rằng, nỗi đau khi đã nén lại, lại được trải lên bằng cảm xúc đích thực, thì bao giờ cũng có những giây phút thăng hoa để tranh của mình chạm được đến trái tim của khán giả.
- Xin cảm ơn chị!