Họa sĩ Hoàng A Sáng: Thiền trong tranh

Thứ Ba, 02/05/2017, 18:18
Với A Sáng, vẽ là công cuộc đi tìm mình. Có thể phải mất nhiều năm tháng, bao nhiêu đi nữa cũng không quan trọng. Chỉ khi nào Sáng cảm thấy tìm ra mình anh mới bắt đầu mang tác phẩm ra công chúng. Chả thế mà ngoài 40 tuổi, chàng họa sĩ người dân tộc Tày này mới triển lãm cá nhân. Ðó là thời điểm Sáng thấy mình, nhận ra mình thực sự.


Có gì thật dịu dàng mê hoặc khi ta ngắm nhìn những bức tranh của Hoàng A Sáng. Những gương mặt người ngủ trong sen, trong thiền định. Từ họ tỏa ra một sự ấm áp lạ lùng. Đến nỗi nhìn tranh, ta không thể không yêu lấy cuộc đời mình đang sống, kiếp sống mình đang trải qua. 

Sáng thường dùng các gam màu nhẹ, không chủ định chói lóa gây sốc, gây ấn tượng. Tranh của Sáng giống như nhạc sóng não Delta, làm ta muốn chìm sâu vào thiền, vào trống không. Mọi ý nghĩ như được gột rửa, buông bỏ, và ta bất chợt nhìn thấy cốt lõi thẳm sâu trong mình. 

Xem tranh của A Sáng, không hiểu sao tôi nghĩ, những người hay nổi nóng, không thể kiềm chế cảm xúc trước những vấn đề của đời sống, hãy treo tranh của Sáng trong nhà. Những người đã từng bị tổn thương trong tinh thần cũng nên treo tranh của Sáng trong nhà. Năng lượng đẹp từ những bức tranh tỏa ra có thể sẽ giúp họ bình tâm, vượt qua những cú sốc và sống thanh thản hơn.

Họa sĩ Hoàng A Sáng.

Nghệ thuật thực sự luôn ẩn chứa một sức mạnh lớn lao. Người ta sống thì cần ăn, cần thở. Vật chất cần để duy trì sự tồn tại của mình, nhưng nghệ thuật thì cao hơn, nó có khả năng nâng đỡ. Những bức tranh đậm chất Thiền của A Sáng đầu tiên đã nâng đỡ anh, chính người sáng tạo ra chúng. Tiếp sau đó, nó mang sự nhẹ nhàng thanh thản đến cho công chúng.

Sáng bảo, anh không định kể chuyện gì rắc rối trên tranh. Anh cũng chẳng chủ trương đổi mới hay cách tân gì hết. Không theo đuổi trường phái này nọ. Không bị lệ thuộc vào bất cứ lý thuyết nghệ thuật nào. Anh đơn giản là vẽ những gì trong mình. Đó là cuộc đi vào trong, nhìn sâu sắc vào bên trong, sau khi tất cả sự nhìn ra ngoài đã biến mất. 

Thời trẻ tuổi hơn, Sáng cũng từng “đủ trò” với hội họa. Đuổi theo cái mới này, cái mới kia. Vẽ “ngáo ộp” cũng có. Thích một sự căng thẳng, ấn tượng, muốn gây ép-phê với chính mình, với người xem. Nhưng con đường dài 20 năm âm thầm vẽ tranh và kiếm sống bằng nghề báo đã giúp Sáng nhận ra rằng mọi thứ mình cố trong nghệ thuật không mang đến điều gì ngoài sự thất vọng. Nghệ thuật phải là điều gì đó tự nhiên, một thứ suối nguồn tuôn chảy bên trong người nghệ sĩ. Nghệ thuật chỉ đến với người nào đó khi anh ta không cố để trở thành nghệ sĩ.

A Sáng quả quyết rằng, người họa sĩ và tranh của họ phải đồng nhất, phải là một mà không thể là hai. Nếu tác phẩm và người nghệ sĩ không là một, thì đó chỉ là họ đang hướng ra ngoài, đang trình diễn. Họ nhìn vào đám đông và cung cấp thứ nghệ thuật thỏa mãn đám đông.

Không ít lần Sáng đi xem triển lãm tranh của bạn bè về và suy ngẫm. Anh thấy rằng, tác phẩm và tác giả không hề đồng nhất. Người họa sĩ đang cố làm một điều gì đó khác mình. Họ đuổi theo một xu hướng nào đó. Họ dùng đầu óc tỉnh táo để hướng đến đám đông, và vẽ trong mong muốn có được đám đông đó. 

Và cho dù triển lãm đông vui, công chúng thấy lạ, truyền thông được mời rầm rộ, báo chí đưa tin, nhưng Sáng chắc chắn một điều rằng người họa sĩ khi tự đối diện với mình họ sẽ thất vọng. Họ không biết họ thực sự là thế nào. Họ đang đi phía ngoài mà chưa thực sự bước vào trong, chưa nhìn thấy cái cốt lõi của mình. 

Bởi theo Thiền, học Thiền nên A Sáng tin rằng mỗi con người đều có một cái “nhân”, được hình thành qua nhiều kiếp sống. Nó giống như viên ngọc nằm sâu trong lòng con trai dưới đáy biển. Để nhìn thấy viên ngọc đó, người ta phải biết gạt bỏ cái bên ngoài, làm một cuộc hành trình khó khăn để tìm phía bên trong, phía không có ánh sáng, phía nhiều bóng tối, phía không có “niềm vui giả tạo”,  mà chỉ có “nỗi buồn đích thực”.

Sáng kể, anh rời bản Pác Thay, một bản của người Tày (Cao Bằng) xuống Hà Nội năm mới ngoài 20 tuổi. Chẳng có gì trong tay ngoài một tình yêu dành cho hội họa. Nhưng đời sống chốn thị thành cần bao nhiêu thứ để tồn tại. Anh mất gần 10 năm nổi loạn, tìm kiếm, thất bại và thất vọng. Có lúc ân hận vì đã không nghe theo lời của cha mẹ, muốn Sáng học ngành nông nghiệp để quay về nhà làm một kỹ sư nông nghiệp. 

Rồi Sáng đi làm báo. May mắn gặp được những người anh lớn trong nghề báo. Ban đầu Sáng chỉ là họa sĩ trình bày báo. Rồi Sáng phát hiện ra mình viết tốt. Thế là viết. Rồi làm đủ loại công việc liên quan đến nghề báo. Làm hăng say, miệt mài, như một con trâu cày ruộng không tiếc công tiếc sức. Bù lại, nghề báo có thể nuôi sống anh và gia đình, hết những ngày long đong miếng cơm manh áo. 

Việc vẽ, Sáng chỉ dành dụm vào ban đêm. Hầu hết những bức tranh đều được vẽ trong đêm, khi những công việc của một ngày làm báo đã hoàn thiện. Vẽ rồi bỏ, rồi vẽ. Suốt đoạn đường dài âm thầm tìm mình trong hội họa đó, Sáng không tham gia một cuộc triển lãm tranh nào, dù là triển lãm chung. Đến nỗi mọi người biết Sáng là người làm báo nhiều hơn là họa sĩ. Đơn giản là Sáng chưa thấy mình trong hội họa.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng.

Rồi Thiền đưa Sáng đến một cõi khác. Đấy là khi cuộc sống xảy ra nhiều chuyện không như ý muốn. Sáng kể, có giai đoạn anh bị trầm cảm nặng. Gia đình có biến cố. Áp lực của cuộc sống khiến anh vô cùng mệt mỏi. Có lúc như không thể gượng dậy được. Anh bắt đầu đọc sách về Thiền và tìm đến Thiền như một phương pháp cải thiện sức khỏe. 

Càng đi sâu vào Thiền định Sáng càng nhận ra mình có sự biến đổi. Mọi thứ dần dần trở lại ổn định. Những khó khăn tinh thần Sáng có thể vượt qua, khi cái Tôi trong anh được buông bỏ, những vấp ngã dần dần mất đi. Và đặc biệt trong nghệ thuật có một sự thay đổi khác biệt. Sáng nhìn ra mình thực sự mỗi khi chìm đắm vào hội họa. Những bức tranh bắt đầu nói tiếng nói thực sự của người họa sĩ có tên Hoàng A Sáng. Chúng bắt đầu có phong cách riêng, có một đường link như sợi chỉ xuyên suốt trong tinh thần của Sáng.

Hàng đêm Sáng bước vào phòng vẽ của mình như một nghi lễ. Sáng chìm trong màu sắc. Nếu trước đây với Sáng, vẽ có khi là bức bối, điên rồ, cố gắng, thì giờ đây vẽ đối với Sáng là hạnh phúc, là niềm vui. Trước khi những bức tranh có thể đến với người xem, Sáng thấy anh được rất nhiều từ công việc sáng tạo. 

“Tôi trở nên yêu thương, ấm áp với người thân hơn, với mọi người xung quanh hơn, và với chính mình nữa. Sự hằn học, tự ti không còn nữa. Tôi như trở thành một người khác so với trước đây”.

Bây giờ thì A Sáng đã bán được tranh. Con người hội họa của anh đã được biết đến nhiều hơn con người làm báo. Trên trang cá nhân, mỗi khi anh đưa một bức tranh mới lên giới thiệu, có rất nhiều người xem đợi sẵn để yêu thích, để ngắm, để tìm bình an từ đó. 

Hỏi Sáng, niềm vui của việc bán tranh đối với anh như thế nào, Sáng bảo, không thể tả hết thành lời. Không phải chuyện bán tranh có tiền đâu. Bán tranh có tiền thì cũng thích, nhưng cao hơn cả là vui vì năng lượng của mình có thể lan tỏa đến nhiều người. Sáng thực ra đã có thể đủ tiền sống yên ổn giữa thủ đô nhờ những tháng năm miệt mài làm báo. Anh một lúc làm nhiều tờ báo khác nhau, tổ chức bài vở nhanh nhạy theo xu hướng thị trường.

Đời sống này vốn đẹp và luôn mời gọi những người muốn tìm kiếm cái đẹp như một ý nghĩa để tồn tại. A Sáng nói, nếu có giai đoạn nào hạnh phúc nhất trong cuộc đời thì chính là giai đoạn anh đang sống. Một gia đình êm ấm, hai cô con gái nhỏ, và mỗi ngày được bước vào phòng vẽ, nhập vào những bức tranh. 

Nhân nói về hai cô con gái, A Sáng khoe con với một niềm vui lấp lánh trên gương mặt. Sáng bảo, cảm ơn cuộc đời vì đã cho anh 2 đứa con gái. Chúng bù lấp vào tất cả những tính cách của Sáng, luôn khiến cho anh được trở lại dịu dàng như anh muốn. 

“Khi mình nổi nóng, chúng nó vẫn bình thản như thường. Khi mình điên, chúng nó lao vào ôm mình. Khi mình uống rượu, chúng nó đứng cạnh nhắc bố uống ít thôi. Mình Thiền được cũng nhờ chúng nó. Con gái giống như quà tặng của thượng đế dành cho những người làm cha như mình. Không có tình yêu nào so sánh được”.

Câu chuyện của Sáng, một người đi tìm kiếm chính mình và tìm thấy mình mang đến cho mỗi người trong chúng ta rất nhiều suy ngẫm. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy ắp tiện nghi, tràn ngập thông tin. Luôn luôn có nhiều thứ hấp dẫn bề ngoài để dẫn dụ cặp mắt chúng ta hướng vào đó. Đôi khi vì mải đuổi theo những thứ bên ngoài, chúng ta đã quên mất đường quay trở lại. Và bởi vậy, càng đuổi theo những cái bên ngoài, đường trở về chính mình càng xa.

Với A Sáng, những bức tranh thiền chính là “đường về nhà” của anh. Về lại với bản nguyên của chính mình...

Bình Nguyên Trang
.
.
.