Nhạc sĩ Dương Thụ:

Họa mi kiên trì hót, bất chấp mọi cơn mưa

Thứ Ba, 08/12/2015, 14:00
Với nhạc sĩ Dương Thụ, Hà Nội là nơi trở về của ký ức, của kỷ niệm. Lần này trở về Hà Nội với "Bài hát ru mùa đông", nhạc sĩ hy vọng sẽ mang lại một đêm nhạc tươm tất cho người Hà Nội với một ê kíp làm việc đơn thuần vì nghệ thuật.

- Cuộc "trở về" thực sự trong âm nhạc vẫn là tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Có phải nhạc sĩ ưu ái với Hà Nội nhiều hơn, dù ông sống tại TP Hồ Chí Minh? Nhạc sĩ có thể chia sẻ ký ức của mình về Thủ đô? Ký ức đó ảnh hưởng như thế nào đến sáng tác của ông?

+ Tôi nhớ Hà Nội thuở thiếu thời. Vừa đi học vừa đi làm. Làm nhiều hơn học. Rét, thiếu ăn, ít ngủ. Nhớ những lúc kéo xe ba gác chở đầy nứa trên con đê dài từ Phà Đen đến Chèm, rồi qua ngả cầu Long Biên theo đường 5 đến tận Bần Yên Nhân, tối đánh xe về qua những con phố im lặng, trong giá rét mưa phùn, tới ngõ chợ Khâm Thiên nhơ nhớp bùn, để trả xe cho chủ. Nhớ những lúc ngồi trên xe điện Bờ Hồ-Cầu Giấy vẽ ký họa những gì nhìn thấy, chân dung người Hà Nội thuở ấy, lành, bình dị và có phần khờ khạo như tôi. Nhớ những lúc ngồi nghe nhạc cổ điển cùng anh Diệp Hàng Gai, xúc động, mơ mơ, bay bổng dường như quên hết cái vất vả thường nhật. Nhớ căn hầm trú ẩn nổi lên dọc phố ngay trước cửa nhà, hố cá nhân trên vỉa hè, tiếng còi báo động vang trên nóc Nhà Hát Lớn, chưa bao giờ ranh giới giữa cái sống với cái chết mỏng manh như thế. Nhớ cây piano Moutri Shangai cũ kỹ tôi bỏ lại khi phải lên miền núi dạy học, chuột vào làm tổ trong thùng đàn, chạy nhảy va chạm vào dây đàn bật ra những âm thanh thật buồn... 

Rồi những cuộc trò chuyện tưởng như không dứt với các bậc đàn anh: Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh, có bữa thâu đêm suốt sáng. Và cả với lũ bạn đồng lứa: Trọng Khôi, Chu Hoạch, Lương Vĩnh, Nguyễn Cường... cứ gặp nhau là chè chén vỉa hè để từ "Trường Sơn, lên Tam Đảo (thuốc lá) qua Lào (thuốc lào)" rít khói như điên, say sưa tri kỷ những khát khao sáng tạo.

Nhạc sĩ Dương Thụ - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng.

Cái mùa đông ấy, quãng đê dài mưa phùn, gió bấc, dãy phố đêm im lặng của những năm tháng khốn khó. Cái chân dung ấy, cái hồn vía lúc nghe nhạc thuở ấy, cái thời bom đạn ấy, cây đàn cũ và những cuộc trò chuyện "điên khùng" ấy đã đi vào nội tâm tôi, làm thành ký ức tôi, cái "ký ức Hà Nội". Năm tháng trôi qua nó biến thành chiều sâu, thành nền tảng thành bề dày cho những gì tôi viết ra dù là ''Lắng nghe mùa xuân về'', ''Tìm biển'', ''Bài hát ru mùa đông'', ''Đánh thức tầm xuân'', ''Xa xăm'', ''Mây trưa đã ngủ'' hay ''Bay vào ngày xanh''... những bài hát tôi lựa cho chương trình.

- Ông có cách gọi rất hay "gia đình âm nhạc của tôi". Tiêu chí chọn lựa nghệ sĩ tham gia gia đình âm nhạc ấy là gì? Với vai trò là người sản xuất, nhạc sĩ đánh giá như thế nào về sự tái ngộ giữa "Mỹ Linh- Bằng Kiều- Nguyên Thảo"?

+ Gia đình là sự gắn bó tự nhiên (bố mẹ không lựa chọn con cái, anh em không lựa chọn nhau). Với một nguyên cớ nào đó, Lệ Quyên (lớn-đã định cư ở Pháp từ năm 1988) gặp tôi và trở thành người "khai sinh" cho cái tên Dương Thụ với bài "Tiếng sóng biển", "Hơi thở mùa xuân", "Họa mi hót trong mưa", tôi coi Quyên như em gái mình. Gặp Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Khánh Linh lúc họ ở độ tuổi rất trẻ và chưa có tiếng tăm gì. Họ thích nhạc của tôi, gắn bó với tôi như những người cháu ruột. Tôi làm nghệ thuật cùng họ và giúp họ những gì có thể, từ chuyện ca hát đến chuyện đời có khi rất riêng tư. Và họ cũng vậy. Hồng Nhung đã từng tuyên bố: "Khi nào nghỉ hát, cháu sẽ sản xuất âm nhạc cho chú". Mỹ Linh rất thương tôi, luôn tìm cách giúp chú Thụ chuyện gì cũng được miễn là chú Thụ cần. Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Khánh Linh cũng gần gũi thân thiết như thế. Bằng Kiều mỗi lần về nước vào TP Hồ Chí Minh, đều gọi điện thoại rủ chú Thụ đi hút thuốc lào... Vì lẽ đó tôi coi họ như những người trong gia đình, cái gia đình âm nhạc như bạn nhắc đến ấy.

Là giám đốc nghệ thuật, tôi tiếc là không đủ thời gian để dàn dựng một tiết mục chung cho cả  Mỹ Linh, Bằng Kiều, Nguyên Thảo. Làm được cái này thì thú vị lắm vì cả 3 chưa khi nào cùng hát trong một chương trình. Lần này trong "Bài hát ru mùa đông", trên cùng một bằng âm nhạc, chắc chắn mỗi người sẽ cho khán giả những cảm giác khác hơn là khi họ hát ở những chương trình khác nhau.

- Rất nhiều người muốn làm chương trình với các ca sĩ nổi tiếng để thu lợi nhuận. Hay gọi là "bầu sô", kiếm tiền dựa trên sự nổi tiếng của người khác.  Vậy, nhưng nhạc sĩ Dương Thụ lại đơn thuần theo đuổi nghệ thuật, đặc biệt hào hứng với những chương trình văn hóa lành mạnh cho cộng đồng, không đặt nặng lợi nhuận. Có ai nói ông "khùng" chưa ?

+ Các "bầu sô" không làm nghệ thuật mà là kinh doanh nghệ thuật. Các nghệ sĩ cần họ để sống. Cả hai đều cần nhau. Nói họ "kiếm tiền dựa trên sự nổi tiếng của người khác" là không ổn. Dĩ nhiên cũng có "bầu sô" không tử tế, nhưng nghệ sĩ cũng vậy thôi. Tất cả những người làm nghệ thuật thực sự  đều "đơn thuần theo đuổi nghệ thuật, đặc biệt hào hứng với những chương trình văn hóa lành mạnh cho cộng đồng, không đặt nặng lợi nhuận" chứ không chỉ có tôi. Làm như thế là bình thường. Có cái gì mà "khùng".

- Còn nhớ, trong đêm Cửa sổ âm nhạc No.1, nhạc sĩ Dương Thụ rưng rưng xúc động: "Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm nhạc sĩ và không tưởng tượng có đêm nhạc cho mình". Thực tế chứng minh thấy, ông đã làm rất xuất sắc , và thăng hoa với nghệ thuật. Ông có thể chia sẻ, một Dương Thụ trong No3 đã thay đổi và hoàn thiện như thế nào?

+ Già rồi. Còn thay đổi gì nữa. Cố mà làm cho xong những cái mình đang còn dở dang. Dở dang nhiều lắm. Giá bây giờ tôi chỉ mới 50... Nghĩ cũng buồn. Lúc còn trẻ, dư giả thời gian và năng lượng thì không có điều kiện. Giờ có điều kiện thì...

Tôi viết nhiều, từ rất sớm. Khi mấp mé U60 các bạn mới ""nghe" được những gì tôi làm, nhưng chỉ nghe được một phần thôi. No1, No2, một ít, No3 thêm ít nữa và chắc còn nhiều No nữa. Ký ức âm nhạc đang trở lại. Những tìm tòi của tôi cách đây nửa thế kỷ so với những cái các bạn đã nghe được trong các No vẫn không bị cũ. Nghệ thuật là sáng tạo. Nhu cầu sáng tạo vẫn còn  mạnh lắm, nó giúp tôi quên tuổi, quên tiền, và khiến tôi quên nhiều thứ. Lần này các bạn sẽ được nghe ''Biển mặn'', ''Xa Xăm'', ''Mây trưa đã ngủ'', ''Bài hát buồn'', ''Tìm biển''.v.v các bạn hãy nghe và làm quen với nó.

- Chính nhạc sĩ cũng chia sẻ, ông tự kiếm tiền, tự tổ chức liveshow không có ai đầu tư cho cả. Động lực gì giúp ông theo đuổi và gắn bó lâu dài đến thế ?

+ Sống. Khao khát sống. Chỉ có âm nhạc mới khiến tôi cảm thấy được sống nhiều nhất. Viết, làm album, tổ chức chương trình nếu duy trì được có nghĩa là tôi đang sống. Các cụ nói sinh nghệ tử nghệ. Cái này đúng.

Nhạc sĩ Dương Thụ và các ca sĩ gắn bó với âm nhạc của ông.

- Có một điều dễ thấy, các nghệ sĩ trẻ nói chung "dễ ngủ quên trên chiến thắng", các hoạt động sáng tạo thường bị lặp lại nhau và lặp lại chính mình. Nhạc sĩ nghĩ sao về vấn đề này ?

+ Người hoạt động nghệ thuật không phải ai cũng là nghệ sĩ. "Thợ" nhiều lắm. Mà nghệ sĩ có sáng tạo cũng hiếm. Chúng ta nói đến chuyện sáng tạo một cách quá dễ dãi. Người sáng tạo nhìn ra cái người khác không nhìn thấy, nghĩ ra cái mà người khác ít khi nghĩ đến. Loại người này thường không thỏa mãn với thành công, họ luôn tìm tòi để vươn tới, luôn mở rộng để thu nạp, cho nên nói: "các nghệ sĩ trẻ nói chung "dễ ngủ quên trên chiến thắng", các hoạt động sáng tạo thường bị lặp lại nhau và lặp lại chính mình" chưa hẳn đúng. Tôi biết một số nghệ sĩ trẻ có hoạt động sáng tạo thật sự, có thành công đáng nể nhưng họ vẫn chưa bằng lòng với mình. Tôi ngưỡng mộ họ.

- Có thể nói, nhiều doanh nghiệp thường mượn văn hóa để đánh bóng thương hiệu rồi quẳng văn hóa đi, nhưng Salon văn hóa Cà phê thứ 7 của ông không thế. Một cách làm văn hóa rất riêng, mang thương hiệu Dương Thụ. Ông có thể chia sẻ về điều này?

+ Tôi là kẻ thích "la cà cà phê" . Bây giờ uống cà phê kém rồi (vì lý do tim mạch). Nhưng thích tới quán vì cái "không khí cà phê" của nó. Tôi nhớ quán cà phê "Lâm toét" phố Nguyễn Hữu Huân, cà phê cô Minh phố Trần Hưng Đạo thuở nào, nơi các bậc đàn anh văn nghệ thường tìm đến. Nhà văn Nguyễn Tuân "tán" về cách ăn của người Hà Nội, họa sĩ Diệp Minh Châu khoái chuyện đờn ca tài tử Nam bộ, họa sĩ  Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái mặn mà chuyện tranh pháo, nhà thơ Dương Tường "cà phê" thơ, nhà văn Xuân Khánh "cà phê" triết lý phật giáo v.v... Ngồi hầu cà phê với các "bố" ấy vô cùng thú vị và tôi học được nhiều điều.

Hơn chục năm trước thì không, nhưng 10 năm trở lại đây cuộc sống tạm ổn tôi bắt đầu mơ mở một hệ thống quán cà phê kiểu ấy ở những đô thị trung tâm để "các bác nhà ta" có chỗ đàm đạo tri kỷ. Ở đó diễn ra các hoạt động văn hóa phi lợi nhuận nên miễn phí hoàn toàn. Sáng hoặc chiều thứ bảy hàng tuần có chương trình Cà Phê Gặp Gỡ & Đối Thoại, gặp gỡ các nhân vật là các học giả,  các văn nghệ sĩ trí thức hàng đầu ở mọi lĩnh vực: Văn hóa, xã hội, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, kinh tế và môi trường với đủ các đề tài từ văn, triết, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, điện ảnh, sách-tri thức v.v... cho đến chuyện nhà máy điện hạt nhân, sân bay, tàu điện ngầm, ôtô theo một cách rất đời. Cà phê với nhau, sôi nổi đối thọai trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt. Cái này nó khác xa cà phê Lâm ngày xưa.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.