Đúng tiêu chuẩn và đúng quy trình
- Bầu cử Quốc hội Pháp: Sức hút Macron
- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng theo nghiệp cầu thủ
- Góc nhìn khác về tân Tổng thống Pháp: Có một Macron yêu bóng đá
- Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron: Từ vô danh đến... vụt sáng
Dân Pháp lãng mạn, tò mò, hài hước “tám” về chuyện tình của cặp đôi này. Nào bà đáng tuổi phụ huynh, nào bà có riêng ba con, sáu cháu, nào “phi công trẻ” bị chăn dắt, nào cuộc tình nhiều thử thách, trắc trở…
Chuyện đời tư Tổng thống cứ nổ như bắp rang, chả ai phiền. Dân chúng trố mắt thán phục khi thấy hình ảnh họ hôn nhau đắm đuối, đúng kiểu Pháp, được phô bày nơi công cộng. Họ thích, thiện cảm, chia sẻ, và rồi cảm tình…
Sang vì vợ
Emmanuel Macron thắng ngoạn mục, hẳn một phần nhờ… vợ. Ông được coi là một người đàn ông “rất Pháp”, lãng mạn, hào hoa, rất tình. Người ta tạm quên đi ông là ai, theo đường lối nào, sẽ làm gì nếu làm tổng thống… Cuộc tình của ông như một chiến dịch PR tự nhiên đầy hiệu quả, thu hút đông đảo cảm tình viên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. |
Macron lấy cô giáo cũ dạy tiếng Latin và tiếng Pháp của mình tại trường trung học quê nhà. Hai người gặp nhau lần đầu khi ông mới 15 tuổi, là học sinh ngoan hiền trong lớp bà. Tình cô - trò này, chỉ được chính thức hóa khi ông 18 tuổi, đủ quyền người lớn.
Việc ông đang học trung học ở quê, bỗng chuyển lên thủ đô, hóa ra do cha mẹ ông “điều” đi để tách hai người khi khuyên giải mãi không được về mối quan hệ “không phù hợp” này. Bất chấp gia đình, xã hội, họ vẫn vượt qua, ở với nhau và rồi kết hôn sau khi ông tốt nghiệp năm 2007.
Hình ảnh cặp đôi tươi mát hẳn trong mắt cử tri lúc tranh cử, hơn hẳn đối thủ Marie Le Pen với gương mặt căng thẳng, nói toàn lời cực hữu, giọng cực đoan.
Không ít người nói ông gặp may, sang chảnh lên làm Tổng thống nhờ người vợ… Nếu không có cuộc tình lãng mạn ấy, chắc gì ai để ý, biết đến rồi yêu mến mà bỏ phiếu cho ông.
Tự thân vận động
Muốn tranh cử tổng thống, ứng viên phải dựa hơi một đảng phái chính trị. Nhưng ông Macron chả nhờ, mà tự mình lập một đảng mới toe: đảng Tiến lên (En Marche) vào tháng 4-2016.
Không có bề dày lịch sử, không có kinh nghiệm đấu đá chính trường, không có bộ máy dân vận cồng kềnh… nhưng dân chúng cứ ùn ùn ủng hộ.
Ngỡ ngàng với thành tích “tay không bắt giặc” này, người ta xem lại và thấy trong lịch sử chỉ mới có một người làm được như vậy, là Napoleon Bonaparte.
"Từ rất lâu, tôi luôn có niềm tin rằng không gì quý giá hơn quyền tự do được làm những gì bạn muốn, được theo đuổi mục tiêu bạn đã đề ra, được thừa nhận tài năng của bạn, dù trong bất cứ lĩnh vực gì", Macron viết trong cuốn sách vận động tranh cử mang tên "Cách mạng".
Macron theo chủ nghĩa tự do, kêu gọi đổi mới mạnh mẽ, nhất là tư duy. Thay đổi, tiến lên, mới mẻ, đó là những khẩu hiệu trở thành biểu hiện của "chủ nghĩa Macron".
Không phải việc nhà nước
Tự do về kinh tế và chính trị hài hòa là đường hướng của Macron sắp tới.
Một vấn đề gây tranh cãi trong dư luận Pháp hiện nay là liệu có nên duy trì chế độ làm việc 35 giờ mỗi tuần hay không. Các đảng phái đưa ra các giải pháp, lập luận của mình. Macron đủng đỉnh phủi: Tất cả đều sai.
Ông cho rằng đó là việc của giới chủ và công nhân. Họ cứ việc thỏa thuận với nhau miễn ổn thỏa. Đó không phải việc của nhà nước, chỉ là việc của giới chủ và công nhân, cứ tự do thỏa thuận, linh hoạt trong các điều kiện cụ thể.
Macron là nhà kỹ trị, từng là Bộ trưởng Tài chính, nên hiểu nhiều chuyện cụ thể và cái gốc của nó. Ông hướng tới việc giảm thuế cho doanh nghiệp, hãm đà tăng chi phí bảo hiểm y tế, cải cách bảo hiểm thất nghiệp và áp dụng công nghệ số cho các cơ quan nhà nước.
Cải cách các thủ tục hành chính là một ưu tiên hàng đầu. Macron dự tính cắt các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê. Thí dụ, tại sao xin giấy phép lái xe, phải om tới một năm với chi phí 3.000 – 4.000 euro?
Đầy bằng cấp, trẻ…
Sinh năm 1977 tại Amiens, Emmanuel Macron là con trai một giáo sư bác sĩ thần kinh học tại hai đại học có tiếng. Macron học trung học ở tỉnh nhà rồi được gửi đến học Trường Lycée Henri IV tại Paris.
Tại thủ đô, ông học Triết tại Đại học Paris-Ouest Nanterre La Défense, có bằng DEA. Lấy bằng cử nhân về quan hệ công chúng tại Sciences Po. Năm 2004, ông tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia (École nationale d'administration - ENA) danh giá, nơi đào tạo nhân sự cao cấp cho tương lai.
Cứ theo quy trình đào tạo cán bộ cấp chiến lược, các nhân sự được đào tạo về chuyên môn, kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo tại cơ sở rồi phải đi học Trường ENA. Đúng bài bản, đang làm việc mà được cử đi học trường này, tại chức hay chuyên tu, là một dấu hiệu lọt vào mắt xanh, vào quy trình đào tạo cán bộ tương lai…
Tổng thống Pháp Macron là thần tượng của giới trẻ. |
Tại ENA, Macron nghiên cứu chuyên ngành Thanh tra tài chính, tham gia điều tra nhiều vụ chống gian lận và kiểm toán. Học xong, ông về làm thanh tra tài chính tại Bộ Kinh tế từ năm 2004 đến 2008.
Ở cương vị này, ông rành kinh tế Pháp, hiểu và bắt thóp những vấn đề và kiêm chức báo cáo viên về các vấn đề luật pháp. Năm 2016, ông xin nghỉ chức vụ thanh tra thuế.
10 năm “làm nhà nước”, có 2 năm làm Bộ trưởng, 2 năm làm cố vấn chính phủ, tính ra kiếm được 54.000 euro tiền lương. Nhưng đi làm nhà nước, mấy ai tính tới lương. Đó là môi trường rộng rãi để giao tiếp, nắm vấn đề, thu nhiều kinh nghiệm quý.
Tiếng Anh là một lợi thế
Người Pháp nói được đúng giọng Paris chuẩn được nhiều người ngưỡng mộ. Người Pháp thường nói tiếng Anh với… giọng Pháp. Thế nên, ở Pháp cũng thế, ai nói tiếng Anh chuẩn cũng là một “tiêu chuẩn quan trọng”, đôi khi được đánh giá còn quan trọng hơn cả kinh nghiệm chính trị hay quản lý, theo một khảo sát năm 2016.
Thế nên, chuyện ông Macron diễn trên truyền hình tháng 1-2016 khiến cả nước Pháp bị sốc khi làu làu phát biểu trước Liên minh châu Âu bằng tiếng Anh.
Bằng cấp đầy người, kinh qua các trường xịn, tiếng Anh như gió, kinh bang tế thế, ông Macron không chỉ đáp ứng được các tiêu chí khó mà tỏa một thần tượng mới của giới trẻ.
Tự do đứng giữa
Ba chìm bảy nổi trên thương trường và chính trường giúp ông Macron sớm dày dặn kinh nghiệm.
Năm 2008, Macron làm nhân viên ngân hàng đầu tư tại Rothschild & Cie Banque. Năm 2010, ông dấn thân làm tình nguyện viên trong phi vụ bán lại tờ báo lớn nhất nước Pháp, tờ Le Monde.
Cuối năm 2010, Macron trở thành một cổ đông của Ngân hàng Rothschild thực hiện một vụ lớn khi Nestlé mua lại một phần của Pfizer, trị giá 9 tỉ euro, biến Macron thành triệu phú.
Bước vào Điện Élysée làm Phó tổng thư ký năm 2012, khi khai tài sản, người ta mới biết ông có hơn 2,8 triệu euro trước thuế.
Vào đảng Xã hội năm 2006, chỉ 3 năm sau, năm 2009, ông đã ra khỏi đảng, làm chính trị gia độc lập. Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số của nội các Thủ tướng Valls, ông tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Khi cuộc bầu cử tổng thống 2017 bắt đầu, Macron từ luôn chức Bộ trưởng để chuẩn bị tranh cử cho khối tự do, thành lập đảng riêng.
Emmanuel Macron được coi là người theo xu hướng tự do xã hội có lập trường gắn liền với "con đường thứ ba" như Bill Clinton (Mỹ), Tony Blair (Anh), Gerhard Schröder (Đức), nhưng giải thích rằng chắc chắn "không tự do quá mức", "không thuộc cánh hữu lẫn cánh tả," chỉ xây dựng "một tập thể đoàn kết", ủng hộ thị trường tự do và giảm thâm hụt tài chính công.
Trong cuốn sách “Cách mạng” công bố vào tháng 11-2016, Macron giới thiệu mình chẳng theo phe nào, chỉ “ở giữa”, thích tự do.
Ở giữa, "không quá ủng hộ EU, cũng không chỉ trích. Cách Macron sẽ làm, như đã hứa: tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế quản trị kinh doanh…
Về các vấn đề quốc tế, Macron cũng “đứng giữa” các xung đột, hỗ trợ mở cửa cho người nhập cư, người tị nạn, nói rằng họ có tác động tích cực về kinh tế. Tuy nhiên, ông một mặt kêu gọi rút ngắn đáng kể thời gian xem xét các hồ sơ nhập cư nhưng "tất cả những ai không được công nhận là người tị nạn, phải bị trục xuất ngay lập tức".
Người Pháp lúc này cần lãnh đạo rành kinh tế, có Macron. Cần người trẻ, nắm bắt được xu thế chung, có Macron. Cần giải quyết ngay nhiều chuyện xã hội sát sườn, có Macron… Ông hội đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm lãnh đạo lúc này.
Macron được kỳ vọng là "nhà tiên tri Moses" dẫn dắt nước Pháp tới miền đất hứa thế kỷ 21. Lúc trúng cử, ông nói với cử tri: “Cám ơn mọi người đã chọn tôi, xin lỗi, chọn chúng tôi…”. Ý ông muốn giới thiệu cô giáo cũ của mình, người sẽ đứng sau giúp ông tận tình.
Vợ chồng ông sống cùng 3 người con riêng của bà, trong đó có cô con gái lớn Tiphaine Auziere, 32 tuổi làm luật sư. Cả nhà hỗ trợ ông. Và người ta tin bà sẽ nâng khăn sửa túi cho ông thật chu đáo như cô giáo tận tâm với trò nhỏ thời đi học.