Đừng ném, dù đó là hoa hồng

Thứ Năm, 11/04/2013, 09:49

Từng nghe ai đó nói câu đại ý thế này: Nếu muốn ném cái gì vào một người phụ nữ, bạn đừng ném gì khác ngoài hoa hồng. Nhưng ngay cả là hoa hồng đi nữa, thì tôi vẫn không thích động từ "ném". Phụ nữ họ là hoa hồng rồi. Bạn đừng ném hoa hồng.

Đời sống showbiz có cái lạ, là đôi khi bạn ném (không phải hoa hồng đâu nhé, có khi là đá, có khi cả rác rưởi nữa) thì nhân vật bị ném có thể vẫn được hưởng lợi, đó là sự nổi tiếng. Lại có người chủ động tạo ra sự ném nào đó, để sau cơn giả vờ u đầu mẻ trán, nghiễm nhiên chễm chệ ngồi lên hàng ghế sao.

Nhưng ở câu chuyện Thái Thùy Linh, tôi chắc chắn cô không có nhu cầu nổi tiếng kiểu đó. Kiểu mà sau một đêm ngủ dậy, chuyện đời riêng của mình đã thành món ăn trên bàn nhậu của hàng ngàn người.

Việc mang vấn đề làm mẹ đơn thân của một ca sĩ, hay của bất kỳ một người phụ nữ nào khác ra để bàn luận, phán xét, thực chất là một chuyện ít nhiều khôi hài. Nó nhắc chúng ta một điều đáng kể, rằng, cho dù chúng ta đang sống trong một xã hội hướng tới văn minh và bình đẳng giới, thì vẫn có một sự thật phải chấp nhận là không ít người khoác áo trí thức, có vị trí trong xã hội vẫn còn chưa thể "bóc gỡ" ra khỏi đầu óc mình những suy nghĩ lạc hậu, thiển cận về người phụ nữ. Họ có thể là những người đọc rất nhiều sách liên quan đến quyền con người, nhưng họ lại cũng chính là người đưa ra những phát ngôn vi phạm nhân quyền.

Và cũng từ câu chuyện liên quan đến ca sĩ Thái Thùy Linh, tôi hình dung, phía sau cánh cửa của nhiều ngôi nhà Việt, vẫn còn những người phụ nữ phải chịu đựng không ít thiệt thòi. Họ chưa được sống như mình muốn.

Nhà báo Vĩnh Quyên (VOV) viết trên một diễn đàn: "Việc một người phụ nữ như Thái Thùy Linh chọn sinh con một mình, xét đến cùng, đó là quyền được lựa chọn hạnh phúc, quyền được làm mẹ và quyền quyết định cuộc sống của họ. Những người đàn ông, những người phụ nữ đóng vai đoan chính lên án những người mẹ đơn thân phải chăng là đang mong muốn tất cả những người phụ nữ phải chấp nhận một cuộc hôn nhân cho dù không tình yêu, với một lão chồng say rượu bét nhè, thi thoảng tẩn cho một trận?".

Thái Thùy Linh bình tâm sớm hơn mọi người tưởng, cô đã quên đi câu chuyện này để tiếp tục công việc của mình, đưa áo ấm, đồ dùng học tập đến trẻ em vùng cao, mang âm nhạc đến những em bé đang phải tạm quên tuổi thơ để nằm trong bệnh viện, chịu đựng sự đau đớn bệnh tật.

Thái Thùy linh trong một chuyến từ thiện ở Sơn La.

Bạn có thấy khôi hài không, khi hình dung cảnh này, một người mẹ đơn thân để con ở nhà cho ông bà, người thân, rồi tất bật trên đường với lỉnh kỉnh đồ dùng, sách vở, quần áo, thực phẩm, thuốc men, và cả giọng hát nữa, để đến với những em bé nghèo, có hoàn cảnh không may, trong khi có không ít người lại đang ngồi trong phòng máy lạnh, gõ vào bàn phím và ném những thứ gì đó (không phải là hoa hồng) vào cuộc sống riêng tư của người mẹ ấy?

Thật sự là có những khôi hài làm ta rơi nước mắt.

Nhưng, nhìn kỹ vào câu chuyện này, dường như là chúng ta đang được nhiều hơn mất. Bạn có thể cau mày. Nhưng tôi tin Thái Thùy Linh hiểu điều này. Sự mạnh mẽ của cô khi vượt qua cơn sóng gió vừa rồi là một niềm an ủi, một sự tiếp sức cho không chỉ những bà mẹ đơn thân, mà cho tất cả những người phụ nữ có mong ước được làm chủ cuộc sống của mình, tự do lựa chọn cuộc sống cho mình.

Cũng qua câu chuyện này, Thái Thùy Linh biết, luôn có rất nhiều người bên cạnh cô, không chỉ đơn thuần là ủng hộ cá nhân cô, mà ủng hộ cho những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Cộng đồng cư dân mạng cũng nhận được một thông điệp không rẻ chút nào, mạng là ảo nhưng ảnh hưởng của nó là thật. Những kiểu tư duy dị hợm, đi ngược với số đông, sẽ bị tẩy chay, lên án.

Nếu lòng nhân ái được ví như hoa hồng, thì mỗi ngày, ca sĩ Thái Thùy Linh đang mang hoa hồng tặng cho rất nhiều cuộc đời mà cô gặp. Cô cũng đang trồng hoa hồng ở nhiều vùng đất, nơi mà cô đến, bằng những hoạt động thiện nguyện của mình. Vậy, nếu có thể, bạn hãy tặng hoa hồng cho cô ấy. Ném vào cô ấy là không nên. Ngay cả khi đó là hoa hồng đi nữa…

B.N.T.

.
.
.