Diễn viên, đạo diễn Quốc Tuấn: Chất liệu không làm nên nghệ thuật

Thứ Tư, 22/06/2016, 08:00
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, và Quốc Tuấn vẫn chưa có ý định dừng lại. Những câu chuyện cuộc sống, chuyện làm nghề, chuyện về những thước phim tử tế ngày càng hiếm hoi. Và về câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim, nơi anh công tác. Quan điểm của Quốc Tuấn dường như đang đi ngược lại số đông, nhưng anh vốn thẳng thắn và không a dua, bởi anh tin, những tiếng nói chân thực sẽ tìm được sự đồng cảm và chia sẻ.


- Sau "Trái tim kiêu hãnh", anh dường như đã khẳng định được vai trò đạo diễn của mình.  Nhìn lại chặng đường 12 năm công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam, vẫn bị coi là đạo diễn trẻ, anh có buồn không?

+ Tôi gác lại cuộc đời diễn viên để bắt đầu vai trò đạo diễn cách đây hơn 10 năm, khi đó tôi còn biên chế ở nhà hát Tuổi trẻ. Cuộc đời tôi vẫn thế, có những ngã rẽ và những quyết định chẳng giống ai. Ngày xưa tôi tham gia đóng phim "12A 4H", mọi người bảo tôi ăn may, rồi sau đó là một loạt những "Luật đời", "Những người sống quanh tôi", "Người vác tù và hàng tổng"… thì mọi người mới thừa nhận khả năng của mình. Tôi nghĩ,  vấn đề quan trọng của nghệ sĩ là tác phẩm sẽ nói anh là người thế nào. Có thể huân, huy chương của anh nhiều, nhưng thử hỏi, anh có tác phẩm  đi vào lòng công chúng hay không? Khán giả có nhớ anh không? Bạn hỏi tôi có buồn không, thú thực tôi không buồn, vì 12 năm qua tôi vẫn làm việc, vẫn lao động và cống hiến. Tôi chỉ tiếc, trong cuộc đời có những sai lầm mà thôi.

Cảnh phim “Người thổi tù và hàng tổng”.

- Vì sao đang là diễn viên ở Nhà hát Tuổi trẻ thời điểm đó (năm 2004) anh lại chuyển sang Hãng phim truyện Việt Nam?

+ Tôi làm sân khấu một thời gian khá dài, nhưng chế độ ngôi sao ở các nhà hát thời điểm đó ghê gớm lắm. Thời đó, tôi ở nhà hát Tuổi trẻ, không có cơ hội nào để vượt qua một số ngôi sao ở đó… Thế nên tôi chuyển qua đóng phim. Tôi phải nỗ lực mạnh mẽ mới có một vài vai diễn có dấu ấn ở sân khấu. Trước khi ra đi, tôi đã tham gia những vở diễn lớn như "Edop" và "Quỷ nhập tràng" do NSND Lê Hùng dựng. Đó là những vở diễn lớn nhưng không mang đi hội diễn, nên nghệ sĩ rất thiệt thòi, vì mọi danh hiệu chỉ căn cứ vào giải thưởng chứ không nhìn vào cống hiến của nghệ sĩ và dấu ấn của họ trong lòng công chúng. 

Sau đó, tôi đi học đạo diễn. Tôi nhìn thấy sân khấu rất đìu hiu, bạn không thể diễn mà phía dưới khán giả lèo tèo. Sự tung hứng của khán giả đối với các nghệ sĩ vô cùng quan trọng, nhưng thử hỏi trong thời đại công nghệ này, còn mấy ai quan tâm đến sân khấu. Tôi chọn về Hãng phim truyện Việt Nam với mong muốn được tự do, và có cơ hội được làm phim nhựa. Tôi về khi hãng phim đang hoạt động cầm chừng. Đó là lựa chọn sai lầm nhất trong cuộc đời tôi. 12 năm làm việc ở Hãng nhưng tôi chưa được giao phim nào. "Trái tim kiêu hãnh" là kịch bản tôi mất hai năm trời ngồi đóng cửa viết, rồi tự tìm đối tác liên kết và mang tiền về cho hãng.

- Nhưng "Trái tim kiêu hãnh"  vẫn là phim truyền hình, tôi thấy mơ ước và đẳng cấp của một đạo diễn ở ta vẫn phải là phim nhựa?

+ Điều duy nhất tôi ân hận trong cuộc đời mình đó là khi Hollywood không làm phim nhựa và hãng Kodak đã đóng cửa, trong khi tôi chờ đợi 12 năm để được làm một phim nhựa. Tôi đã cố chấp, không thức thời. Còn nhớ, hồi phim "Avatar" tranh giải Oscar, 70% khán giả thế giới đều chấm cho "Avartar". Nhưng Viện Hàn lâm Mỹ lại trao cho một tác phẩm khác, không ầm ĩ bằng,  hóa ra họ quá thông minh bởi công nghệ có thể thay đổi, phát triển, họ nhìn ra "Avatar" hấp dẫn chỉ vì công nghệ mà thôi. Người ta nhìn vào giá trị của tác phẩm.

Nhìn lại chặng đường của mình, tôi không hối hận về Hãng phim truyện, nhưng tôi hối hận vì cứ phải chờ đợi để được làm phim nhựa, vì tư duy phim nhựa mới là đẳng cấp. Trong khi xã hội đang phát triển ầm ầm. Làm một bộ phim nhựa tốn tiền tỷ của nhà nước mà không có khán giả xem thì cũng vô nghĩa, thậm chí, anh đang có tội với nhân dân.

- Anh chờ đợi để được làm một phim nhựa, trong khi tôi thấy, rất nhiều phim của Hãng phim truyện khá tốn kém tiền nhà nước, nhưng rồi để cất kho. Với tư cách là một đạo diễn, anh có dám từ chối những kịch bản không tốt hay không?

+ Tôi đã từ chối một vài bộ phim khi được mời làm cùng, bởi tôi thấy ngay từ khâu kịch bản đã không ổn rồi, có những kịch bản tôi đọc trang nào cũng thấy những lỗi rất sơ đẳng, không thể chấp nhận được. Thế nhưng người ta vẫn làm. Tôi quan niệm, không có phim để làm thì thôi, chứ tôi không làm lấy được, làm bằng mọi giá để tiêu tiền nhà nước. Một tác phẩm giá trị phải đến được với công chúng, chứ làm mà không ai xem, đắp chiếu thì bộ phim không thể gọi là một tác phẩm nghệ thuật được. Tôi thấy có nhiều đạo diễn không cần biết kịch bản có hay hay không, mà cứ cắm cúi làm, làm rồi chẳng ai xem. Đó là một thực tế, nó có logic của nó cả, bộ phim mà không ai xem thì đạo diễn cũng phải nhìn lại chính mình. Mà thực tế, có nhiều đạo diễn cứ thế mà làm, chả bao giờ nhìn lại.

Diễn viên, đạo diễn Quốc Tuấn.

- Rõ ràng, chúng ta đã nói mãi câu chuyện có nên duy trì cơ chế nhà nước đặt hàng, khi các bộ phim lấy kinh phí từ đó lại không đến được với công chúng. Câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" chắc cũng phải có căn nguyên của nó?

+ Vì đơn giản, trong danh mục những đề tài nhà nước tài trợ chỉ có phim chiến tranh, cách mạng. Những đề tài đã quá cũ, cách kể cũ, trong khi cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Nền điện ảnh chúng ta mắc phải một sai lầm, là cứ đi kể những câu chuyện đã cũ. Quan trọng là câu chuyện phải có hơi thở của cuộc sống hôm nay. Tác phẩm phải có một thông điệp đương đại, một góc nhìn mới, liên quan đến cuộc sống hiện tại. Tôi nghĩ, việc nhà nước tài trợ không đảm bảo cho chất lượng của một bộ phim. Tôi quan niệm, làm phim, lại là những bộ phim tiêu tốn mấy chục tỷ của nhà nước thì phải ra được rạp, có khán giả mua vé xem. Chúng ta đừng vin vào việc chiếu lưu động cho các vùng đói văn hóa xem mà coi đó là trách nhiệm cao cả của mình. Bài toán này rất khó, thế nên đừng có ào ào khi thẩm định kịch bản, đừng vội làm lấy được. 

- Nếu điểm tên một gương mặt đạo diễn trẻ sáng giá, theo anh sẽ là ai?

+ Tôi nể thế hệ đạo diễn Việt kiều, họ có tư duy làm phim mới, tiếp cận được với  công nghệ hiện đại của thế giới, điều mà thế hệ chúng tôi không có. Họ làm phim hành động khá hay, mang đến một màu sắc mới cho điện ảnh Việt. Còn trong số bạn trẻ trong nước, tôi thích Phan Đăng Di, thích cách nhìn thế giới chẳng giống ai của Di, bản năng và một mình một đường chứ không bị na ná một ai đó.

- Trở lại câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đã ký đơn phản đối về vấn đề này, còn anh thì sao?

+ Cổ phần hóa là một xu thế tất yếu của hãng phim truyện. Đã đến lúc chúng tôi phải thay đổi, để làm những bộ phim tốt hơn, ra được thị trường. Từ trước đến nay cứ mỗi năm làm một phim, tiêu xong tiền nhà nước rồi hết, ngồi chơi. Cơ chế đó không còn phù hợp nữa.

Quốc Tuấn trên trường quay với vai trò đạo diễn.

Vấn đề mọi người phản ứng là vì sao Tổng công ty Đường sông lại mua Hãng phim truyện, và mọi người hoài nghi động cơ của họ. Nhưng những thương hiệu lớn như Vietnam Airline hay Vincom có quan tâm đến Hãng phim không. Ở đây có hai vấn đề, đó là tâm thế cứ nghĩ mình lớn, mình mạnh, chỉ chơi với những thương hiệu mạnh. Nhưng thử hỏi, có ai chỉ cho tôi thấy doanh nghiệp nào quan tâm đến điện ảnh. Nếu chúng ta có tiềm năng, có thương hiệu, tự khắc các doanh nghiệp đã nhảy vào. Phải nhìn vào thực tế rằng, thương hiệu của hãng phim truyện đã thuộc về quá khứ, đó là nền tảng để phát triển, còn hiện tại nó không còn giá trị, đúng là con số không. Chúng ta tự hào nhưng tự hào ngầm bên trong mà thôi. Tôi nghĩ, chúng ta còn phải thấy xấu hổ vì đã không làm cho thương hiệu của mình nổi đình, nổi đám lên được. Hào quang đã thuộc về quá khứ.

Còn hiện tại, Hãng phim không có gì nhiều. Từ lâu rồi, nhân viên của hãng đang ăn 75% của 75% lương cơ bản, cán bộ không có việc làm… Nhiều nghệ sĩ về hưu phản ứng với vấn đề cổ phần vì họ tiếc hào quang của họ, họ sợ bị quên lãng trong khi thực tế anh em trong hãng đang sống với đồng lương chết đói.  Một số ý kiến cho rằng, tại sao lại Tổng công ty Đường sông, vì họ chẳng liên quan gì đến điện ảnh. Tôi nghĩ, phải cảm ơn họ vì họ quan tâm đến điện ảnh mới đúng.

- Nhưng nhiều người lo ngại, việc cổ phần có gì đó không minh bạch, và cái tên Hãng phim truyện sẽ rơi vào quên lãng?

+ Tôi nghĩ cần phải có một cơ chế rõ ràng để ràng buộc đối tác. Họ cũng chịu nhiều áp lực, nhất là áp lực từ dư luận. Chúng ta phải nhìn lại bản thân mình vì sao những doanh nghiệp lớn không tiếp cận với mình. Đó cũng là một câu hỏi lớn. Thương hiệu của hãng phim đã có giá trị về mặt lịch sử mà thế hệ hôm nay không biết khuếch trương, không làm tăng thêm giá trị của nó. Đó là điều thực sự buồn. Có lẽ mọi người phải đi xuống mặt đất, phải nhìn lại một thực tế rằng, bây giờ truyền hình, kỹ thuật số phát triển. Chất liệu không làm nên nghệ thuật mà là tư duy và lao động của người nghệ sĩ.

- Tôi cũng biết 12 năm qua,anh đã đồng hành với con trai chống chọi lại bệnh tật, một hành trình thực sự gian nan. Đến lúc này, ngẫm lại, anh thấy điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời?

+ Tôi tin cuộc sống có số phận, nhưng cách sống cũng có thể làm thay đổi số phận. Con trai tôi vừa trải qua cuộc phẫu thuật quan trọng nhất, giờ mọi chuyện đang ổn dần. Điều quan trọng nhất là mình cứ sống đàng hoàng, tử tế. Nếu anh ý thức về điều đó, sống tử tế, cố gắng làm những điều tử tế nhất, không chạy theo tiền bạc, không chộp giật; hãy quên mọi chuyện, làm những phim tử tế thì tiền bạc, niềm vui sẽ đến. Tôi  nghĩ, làm nghệ thuật phải tử tế. Chúng ta đang có những người làm nghệ thuật không tử tế, bởi họ sẵn sàng làm những bộ phim chẳng để cho ai. Tôi nghĩ, cái gì tồn tại được trong lòng công chúng, đó mới là nghệ thuật. Một bức tranh sơn dầu không có nghĩa hơn một bức giấy dó, tranh lụa. Tôi muốn nhắc lại, chất liệu không làm nên nghệ thuật mà tư duy, lao động, tâm huyết của người nghệ sĩ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.