Dấu ấn tranh Lê Trí Dũng

Thứ Bảy, 17/02/2018, 15:20
Mỗi năm, không ngạc nhiên khi mở ấn phẩm báo Tết, sẽ có minh họa in trang bìa là tranh vẽ về 12 con giáp của các năm, mà tác giả là họa sĩ Lê Trí Dũng.


Năm nay, họa sĩ Lê Trí Dũng không có nhiều thời gian dành cho việc vẽ bìa Tết, dù đã nhận được một số lời đặt hàng. Một trong những lý do ông đưa ra, đó là việc ra đời của cháu nội, với ông, đó mới là "tác phẩm" tuyệt vời nhất trong cuộc đời ông mà ở giai đoạn này ông cần nâng niu, chăm bẵm...

Họa sĩ Lê Trí Dũng sinh năm 1949 trong một gia đình làm nghệ thuật, cả bốn anh em trong nhà đều theo nghiệp vẽ. Cha là hoạ sĩ sơn mài nổi tiếng Lê Quốc Lộc.  

Lê Trí Dũng từng bảo rằng, nếu nói con đường thì không đúng, vì nó không có sự bắt đầu và không có sự kết thúc. Đối với ông, hội họa thực chất là duyên nghiệp. Ông kể rằng, cuộc sống khá khó khăn nên trong gia đình ông, bố đi cày thì con cũng đi cày, đi học về để kiếm sống. 

Mẹ và các anh em đều phải làm những đồ quà tặng để đi bán. Những khi bố ông làm tranh sơn mài thì các con cũng lưng trần can bản hình bản nét, mài phá, đánh bóng... là những công đoạn thô ráp để chuẩn bị cho một sản phẩm được bán ra trên thị trường. 

Họa sĩ Lê Trí Dũng chia sẻ: "Nghề vẽ với tôi là nghiệp kiếm cơm, lối mưu sinh bắt buộc chứ chả có con đường nào cả. Những rèn luyện tấm bé giúp tôi rất nhiều trong sinh kế thời bao cấp sau này. Nhưng trong toàn bộ cuộc vật lộn tranh pháo ấy, có lẽ vẽ con giáp là giây phút sung sướng nhất! Ngày xưa vẽ con Giáp chỉ để tặng. Giống như hồi 10 tuổi tôi đến trường toàn phải mang theo nhưng ảnh tranh Quan Công, Trương Phi… để đổi lấy những đồng hào cái, những đồng xèng, những hòn bi ve để đánh đáo chơi khăng...
Họa sĩ Lê Trí Dũng.

Họa sĩ Lê Trí Dũng cho rằng, một trong những ảnh hưởng sâu sắc của ông trong việc vẽ con giống là từ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Chả là ông Nghiêm có nhà 30 mét vuông ở sát vách nhà họa sĩ Lê Trí Dũng. 

Hồi ấy ngày nào Dũng cũng sang xem họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ con giáp. Đã có lúc Lê Trí Dũng về xưởng vẽ của mình thử "Vẽ theo lối ông Nghiêm" nhưng không thể nào được. Thế nên mình chỉ có thể vẽ "Theo lối mình" mà thôi.

Họa sĩ Lê Trí Dũng có một mảng đề tài nổi bật đó là ký họa chiến tranh. Có thể đó là do những năm tháng ông làm lính xe tăng thiết giáp năm 1971, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. 

Năm 1977, ông xuất ngũ, làm việc tại xưởng Mỹ thuật Quốc gia, cộng tác vẽ minh họa cho các báo, ông cũng tham gia dạy học rồi triển lãm, thành công với đề tài 12 con giáp.

 Ông đoạt HCB Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Nhắc về những năm tháng ấy, ông chia sẻ: Năm đó là tháng 12/1971. Đúng ra là dính sang năm 1972 vài ngày rồi, Lê Trí Dũng đang là sinh viên năm thứ 5 Đại học Mỹ thuật Việt Nam đang làm bài thi tốt nghiệp dở dang thì được lệnh nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, nghe mang máng là Sư đoàn sinh viên bổ sung cho mặt trận Quảng Trị... 

Sư đoàn rất đông, quá nửa là sinh viên Đại học Bách khoa và Đại học Tổng hợp, còn lại là các trường Thuỷ lợi, Xây dựng, Thể dục Thể thao, Nông nghiệp... Lính Mỹ thuật của các anh có 9 người, ít nhất Sư đoàn 338... Tuy quân số chỉ có 9, nhưng lại là lực lượng được ưu ái nhất toàn Sư. 

Những khi anh em đi lấy củi theo quân lệnh cho bếp ăn thì tụi "Lính hoạ sỹ " được ở nhà vẽ bích báo cho đại đội. Chính vì thế, 9 ông bị xẻ ra 9 nơi như mỳ chính cánh. Thôi thì biết làm sao, lăn lê bò toài cả ngày, đào hầm cả ngày, đeo đá 20kg tăng dần leo núi cả ngày thì một phút xả hơi cũng quí ý. Cái lộc ấy gọi là tài lẻ trời cho. 

Nhớ nhất là cái tết năm ấy, đơn vị đóng quân ở Thạch Thành, Thanh Hoá, những khi nghỉ, Lê Trí Dũng cùng hai anh sinh viên Đại học Bách khoa người Nghệ An là Đường và Yến la cà vô xóm, một xóm người Mán... thưa thớt. Giáp Tết, năm ấy rét thấu xương...

Bức họa 12 con giáp của họa sỹ Lê Trí Dũng.

Toàn Sư rét và đói vì chưa quen gian khổ, những sinh viên tháng trước  tràn đầy sức sống, sau một tháng rèn quân đã rắn rỏi hẳn lên. Yến bảo Lê Trí Dũng, hôm qua mình vô một nhà có hai ông bà già mở quán nước, nghe ông nói Tết đến muốn trang trí lại cái bàn thờ cho khang trang, hay anh Dũng trổ tài kiếm tý cho vô dạ dày đi? 

Nếu bạn đã từng trải qua cơn khốn cùng vì đói thì chả phải bảo vẽ bàn thờ mà bảo vác đá để có ăn cũng phải làm, ba thằng vô nhà ông bà già, nhà có cô con gái tên Hoá, nhanh nhẹn... 

Liếc qua quán nhỏ thấy lèo tèo nải chuối, hộp chè lam, cái siêu nước trà xanh, nhưng rất nhiều bánh tẻ, còn gọi là bánh răng bừa. Lấy vẻ đạo mạo của lính trí thức, nhiệm vụ đặc biệt giao cho Yên, đeo kính nho nhã và nói rất khéo đặt vấn đề thì được biết ông bà rất muốn có một cái cuốn thư, tưởng gì, vẽ cuốn thư là sở trường của Lê Trí Dũng khi đi thực tập ở các vùng nông thôn Bắc Bộ. 

Hai cụ nói “chúng tôi chả có tiền bạc chi mô, chỉ có bánh răng bừa ni là công đó, các chú cứ ăn thoả thích”. Vậy là ăn bánh thôi cũng đủ no những ngày Tết giá rét. Sau này, Lê Trí Dũng trở thành người lính tăng của lữ đoàn xe tăng nổi tiếng đã đi đầu và đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 sau này: Lữ đoàn 203.

Họa sĩ Lê Trí Dũng là người miền Bắc, lại có một tâm hồn khá nhạy cảm và cô đơn ẩn bên trong vóc dáng khá xù xì, gân guốc của người lính trận, nên ông hay có những hoài niệm Tết. Năm hết Tết đến, nhất là cái Tết xứ Bắc bao giờ cũng làm ta bồi hồi hoài cảm bởi cái lạnh tê tái. 

Ông cũng vậy, dù bây giờ thời buổi hiện đại không còn cảnh Tết đến cả nhà ngồi quanh bếp lửa canh nồi bánh chưng to như cái thùng phi (thùng phi thật) hay giao thừa đốt pháo mừng xuân... 

Thời nay là chỉ đi một loạt cơ sở đặt hàng là có tất, chả phải đụng chân đụng tay... Tiện và tiết kiệm công sức và thời gian nhưng là con người hoài cổ, họa sĩ Lê Trí Dũng vẫn tiếc thương cái không khí Tết xưa  mà biết sẽ không bao giờ quay trở lại...".

Thời gian gần đây, Lê Trí Dũng ngoài vẽ, ông mê say viết văn. Với ông, đó chỉ là những "Viên sỏi nhặt dọc đường" nhưng là một cách lưu giữ khác về đời sống không giống hội họa. 

Đó là những trải nghiệm câu chữ mà ông cũng rất muốn thử nghiệm ngoài những lúc vung bút lên trên toan màu để vẽ nên những tác phẩm hội họa có dấu ấn với từng chặng đường của năm mới, của Hội họa Việt Nam. 

Năm nay, mùa xuân Mậu Tuất, ông vẫn vẽ vài bức tranh chó, với tâm niệm "Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang". Và con chó trong nét vẽ của ông cũng sẽ có những nét khác lạ, bởi vì con chó với ông là con vật dễ thương gần gũi thân thiết nhất trong các loài động vật với con người. 

Và trong năm Mậu Tuất này, ông cũng đang có nhiều dự định thực hiện để tạo được một dấu ấn riêng mang tên Lê Trí Dũng...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.