Đạo diễn Dustin Nguyễn: Báo chí đã quá khắt khe với "Lửa Phật"
Không chỉ là bộ phim được trông đợi nhiều nhất trong năm 2013, "Lửa Phật" còn là bộ phim "ồn ào" nhất từ đầu năm đến nay khi thu hút một lượng không nhỏ sự quan tâm của công chúng và những bài viết trái chiều trên mặt báo trong đó có CSTC Cuối tuần (6/8) . Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá thẳng thắn với đạo diễn Dustin Nguyễn về "Lửa Phật" và những dư luận xung quanh bộ phim.
- Đầu tiên, anh nghĩ gì về những ý kiến khen chê cho "Lửa Phật" trong suốt hai tuần qua, kể từ ngày bộ phim công chiếu chính thức ở các rạp? Anh có cho rằng mọi người đang quá khắt khe với tác phẩm đầu tay của anh trong vai trò đạo diễn?
- Tôi làm trong nghề này hai mươi mấy năm, phim nào cũng có ý kiến trái chiều, đó là chuyện bình thường. Phim nào cũng có sự khen chê cả, tôi không ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ có một nhóm bạn báo chí đã quá khắt khe với "Lửa Phật". Họ có quyền được chê phim dở vì đó là quyền và góc nhìn riêng của họ, nhưng giữa những lời chê phim thì cũng có rất nhiều lời khen phim. Tôi chỉ ngạc nhiên là họ chỉ tập trung vào việc chê thôi.
- Và điều đó có vẻ làm anh buồn thì phải. Nếu đánh giá một cách công tâm, theo anh, "Lửa Phật" đã làm được và chưa được những gì?
- Với số tiền tương đối nhỏ so với một bộ phim hành động giả tưởng - một thể loại mà chưa ai làm - tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình và ekip đã đạt được. Dĩ nhiên, nếu có nhiều tiền hơn thì sẽ có những trận chiến đấu vĩ đại chống giặc ngoại xâm, sẽ có nhiều tiền cho kỹ xảo và bối cảnh…
- Nhiều ý kiến cho rằng, anh đã quá "tham" khi kiêm quá nhiều vai trò trong bộ phim này (diễn viên, biên kịch, đạo diễn) và đó cũng chính là một điểm yếu của phim?
- Hãy bàn về chữ "tham" này… Trước hết, nếu tôi có làm nhiều vai trò trong bộ phim thì nó cũng chẳng làm tôi nổi tiếng hơn. Còn nếu vì tiền? Điện ảnh Việt Nam còn quá nhỏ, kinh phí làm phim rất là eo hẹp, thù lao không xứng đáng với thời gian và công sức của ba trách nhiệm mà bạn đã nói. Khi nhà đầu tư bỏ vốn vào phim này, họ đã ra điều kiện với tôi là ngoài vai trò đạo diễn, tôi phải đảm nhận thêm một trong các vai chính trong phim thì họ mới yên tâm đầu tư. Còn kịch bản, nếu tôi có một ý tưởng, muốn làm một thể loại phim mà chưa ai từng làm, chẳng nhẽ tôi cứ ngồi đấy mà đợi một ngày nào đó sẽ có kịch bản hiện ra? Không! Đó không phải là cách của tôi. Khi đã muốn làm gì đó thì tôi sẽ bắt đầu ngay.
- Nhưng anh có nghĩ kịch bản của "Lửa Phật" khá mơ hồ và không liên quan đến tên phim? Người ta khó nhận ra tinh thần "Phật giáo" khi nội dung phim gần như chỉ là cuộc chiến tranh giành tình yêu giữa ba người đàn ông là Đạo (Dustin Nguyễn), Hiền (Thái Hòa), Long (Roger Yuan) và không hiểu tinh thần hoặc nội dung mà "Lửa Phật" muốn chuyển tải là gì?
- Tôi đã nói về chuyện này rồi và tôi muốn nói lại cho rõ: Tôi chưa bao giờ muốn làm một bộ phim chuyên sâu về đề tài Phật giáo, vì đây là một chủ đề rất nhạy cảm. Tôi chỉ muốn đưa ra một số triết lý nhà Phật vào một bộ phim hành động giải trí mà thôi. Đúng, câu chuyện "Lửa Phật" là một cuộc chiến tranh giành tình yêu giữa các nhân vật chính nhưng Lửa Phật không chỉ khai thác về một tình cảm phức tạp giữa một người phụ nữ và ba người đàn ông mà còn khai thác về tình mẫu tử, tình cha con, tình đồng đội… Còn ngọn lửa mà tôi muốn nói ở đây là những điều rất thực tế và gần gũi với cuộc sống.
Chẳng hạn như: "Ánh" mang trong lòng một ngọn lửa về một quá khứ mà cô luôn muốn quên và luôn chạy trốn nó; "Đạo" mang trong lòng ngọn lửa của sự đau khổ và hận thù khi mất đi người con gái mình yêu vì nghĩa vụ; "Hiền" tận sâu trong lòng có một nỗi sợ hãi sẽ mất đi người vợ yêu dấu; "Long" phải sống trong sự cắn rứt lương tâm vì những gì đã làm với "Ánh"…. Những ngọn lửa này thực ra đều ở trong mỗi chúng ta, dù sống ở thời đại nào cũng vậy, nó không quá vĩ đại và to lớn nhưng nếu chúng ta không biết cách kiểm soát thì sẽ khó có được sự bình an trong tâm hồn. Có thể tôi đã không hoàn hảo trong việc truyền tải thông điệp này nhưng cũng có một bộ phận khán giả đã xem phim và nắm được tầng ý nghĩa này của phim
- Cả bộ phim hầu như không có cảnh nào về chiến tranh, về cuộc chiến của những chiến binh chống giặc ngoại xâm?
- Như tôi đã trả lời ở trên, kinh phí của phim không đủ để thực hiện những cảnh vĩ đại của chiến binh chống giặc ngoại xâm. Với kinh phí nhỏ nhoi này, tôi phải tìm cách khác đơn giản hơn.
- Với "cách khác đơn giản hơn" nhưng người xem vẫn cảm thấy có gì đó phức tạp ở "Lửa Phật" khi bộ phim pha trộn nhiều yếu tố văn hóa Âu - Mỹ - Á như: các chiến binh đi xe mô tô nhưng các nhân vật lại đánh kiếm, bối cảnh thì giống miền Viễn Tây, trang phục thì vừa cổ trang vừa hiện đại… Dẫu biết đây là phim giả tưởng nhưng anh có nghĩ khán giả sẽ cảm thấy khó đồng cảm với những sáng tạo "không phản ánh đúng hiện thực" của "Lửa Phật"?
- Nếu "đúng hiện thực" thì còn gì là giả tưởng nữa?! Hai cụm từ này không thể đi chung nhau được. Tôi muốn chia sẻ 2 ví dụ trong phim nước ngoài, đó là: "Sucker Punch" và "Resident Evil". Hai phim này có xe mô tô, có kiếm, có súng, có samurai, rôbốt, có zombies (xác sống), có máy bay…. mà khán giả không hề thắc mắc về sự pha trộn và thời đại của các phim này. Có lẽ "Lửa Phật" là phim giả tưởng đầu tiên ở Việt Nam nên nó quá mới mẻ và mọi người chưa chưa sẵn sàng với thể loại này, chứ với thị trường thế giới, "Lửa Phật" đã bán được cho hơn 20 quốc gia kể cả thị trường đòi hỏi cao nhất thế giới là Bắc Mỹ. Hiện, đây cũng là bộ phim đầu tiên của Việt Nam bán được ở nhiều thị trường quốc tế nhất.
- Lửa Phật được khá nhiều nước trên thế giới mua bản quyền phát hành tại nước ngoài nhưng lại không được nhiều người trong nước ủng hộ. Theo anh, nghịch lý này phải chăng bắt nguồn từ sự pha trộn các yếu tố văn hóa Âu Mỹ trong phim?
- Hollywood sẽ không bao giờ mua một bộ phim dở. Thậm chí, nếu bạn pha trộn tuyệt vời cỡ nào, đó không phải là yếu tố mà họ quan tâm. Họ đánh giá bộ phim về mặt kỹ thuật, thẩm mỹ, nội dung, hành động, giải trí
- Nhưng ngoài yếu tố hành động, tôi nghĩ kịch bản, diễn xuất và thoại trong phim chưa được ổn. Một số nhân vật thừa thãi như Đinh Ngọc Diệp và nhân vật vai anh trai của Diệp, hay câu thoại của các nhân vật trong quán bar Ánh Trăng khá vô duyên, phản cảm (như hai bà hàng xóm của Hiền…). Anh nghĩ như thế nào về điều này?
- Đấy là ý kiến cá nhân của bạn và tôi tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, mỗi người có gu khác nhau vì đã có một bộ phận khán giả xem phim và đánh giá cao về diễn xuất, kỹ thuật, thích kịch bản và không phàn nàn về những chi tiết hài hước. Tôi không muốn nói đây là một bộ phim hoàn hảo nhưng tôi phải nhắc lại, thị trường Hollywood và các nước khác sẽ không mua phim này nếu họ thấy bộ phim có các khuyết điểm như bạn kể trên. Và tôi rất hài lòng với diễn xuất của các diễn viên trong phim.
- Phim hành động giả tưởng là thể loại phim khá mới mẻ tại Việt Nam. Điều gì khiến anh tự tin đầu tư nhiều công sức, tiền bạc cho bộ phim này, trong khi trước đó anh đã rất thành công với những bộ phim hài như "Để mai tính", "Long ruồi"?
- Chẳng lẽ mình cứ tiếp tục quanh quẩn làm mãi một thể loại phim hài thôi sao? Chúng ta phải làm nhiều loại phim mới nữa để đa dạng hóa nền điện ảnh của mình chứ. Tôi tin mình không phải là người duy nhất nghĩ như vậy
- Anh nghĩ gì khi có nhận định: "Lửa Phật" là bộ phim thất bại hoàn toàn cả về mặt danh tiếng lẫn tay nghề đối với Dustin Nguyễn và đánh mất lòng tin của khán giả về những sản phẩm tiếp theo của anh?
- Có vẻ như bạn chỉ tập trung xây dựng một hình ảnh "thất bại" cho "Lửa Phật" nên đã không nhìn thấy hoặc không muốn thấy những lời khen và những điểm đáng công nhận của bộ phim này. Hai từ "thất bại" không phù hợp ở đây khi phim đã có thành công nhất định về kỷ lục bán phim ở nước ngoài. Phim "thất bại hoàn toàn" nhưng được mua ở Bắc Mỹ - một thị trường mà sự cạnh tranh của các bộ phim cũng như sự đòi hỏi của khán giả còn khắt khe hơn rất nhiều so với Việt Nam; và với người mua là một trong 5 nhà phát hành lớn nhất ở Hollywood?
Một cảnh trong phim “Lửa Phật”. |
Tôi nghĩ, bạn có thể nói đây là một bộ phim không hợp gu với một phần của thị trường Việt Nam nhưng bạn không thể nói đây là một bộ phim "thất bại hoàn toàn". Nói hơi quá đáng. Tôi nghĩ, các bạn báo chí có trách nhiệm cung cấp sự thật cho cộng động, rồi để cho họ tự quyết định chứ không nên "bóp méo" sự thật để xây dựng một góc nhìn cá nhân. Như tôi đã nói, bạn có quyền khen hay chê nhưng phải công bằng và nghiêm túc. Những người làm phim, đặc biệt là những người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam ít nhất cũng nên nhận được sự tôn trọng này.
- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có nhận xét rằng "Qua "Lửa Phật", các nhà làm phim có thể đo được thị hiếu của khán giả với dòng phim giả tưởng tại Việt Nam". Vậy với lượng khán giả vào rạp xem "Lửa Phật", anh đánh giá như thế nào về triển vọng của dòng phim này tại Việt Nam?
- Tôi có một niềm tin mạnh mẽ là điện ảnh Việt Nam sẽ chỉ có một hướng đi duy nhất là đi lên mà thôi, nhưng phải có ai đó dám đi những bước đi đầu tiên. Và tôi nghĩ mình nên ủng hộ và phê bình các nhà làm phim Việt trong tinh thần xây dựng chứ không nên chà đạp hay đánh phá.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này