Cuộc đời đặc biệt của nguyên mẫu điệp viên 007

Thứ Ba, 02/07/2013, 16:49

Sidney Reilly là điệp viên người Anh đặc biệt nhất thế giới. Ông được cho là nguồn cảm hứng để cho Ian Fleming hư cấu ra hình ảnh điệp viên James Bond huyền thoại. Cũng giống như Jame Bond, Reilly là một “tay chơi” tiêu xài phung phí và cũng rất lôi cuốn. Reilly được nhiều người mệnh danh là “Quý ông gián điệp” và cũng là một bậc thầy về ngụy trang và lừa dối. Cũng chính nhờ những tài năng này, Reilly đã ghi công trong việc thao túng kết quả cuộc Cách mạng tháng 10 Nga cũng như chấm dứt sự tồn tại của những người Bôn-sê-vich. Tuy nhiên, bên cạnh đó Reilly cũng có nhiều mặt tối trong cuộc sống.

Gian xảo và dũng cảm - hai tính cách trong một con người

Reilly thường được mô tả như một con người gian xảo, chẳng nề hà việc gì cho lợi ích tài chính và chính trị của riêng mình. Nhất là khi ông ta quá lạm dụng những quyền lợi trong công việc để phục vụ cho bản thân, nhiều người đồng nghiệp đã rất không ưa Reilly. Tuy nhiên, con người thực của Reilly vẫn còn chứa nhiều sự bí ẩn. Bản thân Reilly cũng tạo ra hình tượng thần thoại của mình bằng cách phóng đại các thành tích của mình lên, hoặc thâm chí nói dối về chúng. Đó có thể là một hành động để bảo vệ danh tính thực sự của mình, cũng có thể nó chỉ để góp phần vào việc xây dựng một hình ảnh trong công chúng.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, Sidney Reilly là một điệp viên dũng cảm, người có công rất lớn với chính phủ Anh trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng của họ để cố gắng ngăn sự phát triển mạnh mẽ của căn cứ địa Bôn-sê-vich trên mặt trận phía Đông.

Những thông tin về bản thân của Reilly dường như chưa có một sự đảm bảo nào về tính chân thực bởi có khả năng rất lớn mọi thứ đều được thay đổi để che giấu danh tính thật sự của Reilly khi đầu quân cho tình báo của Anh. Tuy nhiên, gần như tất cả các tài liệu chính thức viết về Reilly đều ghi rằng Reilly sinh ra ngày 24/3/1874 tại Odessa, Ukraine. Reilly là con trai duy nhất trong gia đình có 3 người con. Cha ông, Grigory, là một nhà thầu người Do Thái giàu có. Còn mẹ ông, Paulina là một nghệ sĩ piano có tài.

Không có nhiều tài liệu ghi lại chuyện gia đình hay mối quan hệ của Reilly với bố mẹ. Họ chỉ biết rằng, sau khi đem lòng yêu chính người em họ của mình, Reilly bị tách ra khỏi nhà và chuyển đến học tập tại Đại học Novorssiia. Reilly cũng tự nhận mình đã từng học đại học tại Vienna nhưng không có hồ sơ nào chứng minh điều này.

Theo Richard Spence, người viết nên cuốn sách: Thế giới bí mật của Sidney Reilly, điệp viên Reilly đã từng phải rời bỏ nước Nga vì một âm mưu chính trị. Tuy nhiên cũng không có nhiều điều chứng minh thực tế này. Reilly đã từng tới Paris trong những năm 1890 và ở đó trong vòng hơn 1 năm trước khi chuyển tới London. Khi đó Reilly thành lập một cơ sở kinh doanh của riêng mình để bán thuốc.

Công việc làm ăn của Reilly khá tốt, lợi nhuận cao. Thế nhưng những gì Reilly kiếm được không bù lại được số tiền mà ông ta đã tiêu. Reilly rất thích cuộc sống xa hoa, thường đi du lịch tới những địa điểm đẹp, cờ bạc, quần áo đẹp, đồ ăn và khách sạn sang trọng. Người ta tin rằng do chính nhu cầu về tiền bạc, Reilly đã trở thành một người cung cấp tin đặc biệt cho Scotland Yard (Lực lượng cảnh sát trung ương đóng tại London) dưới sự chỉ đạo của Chánh Thanh tra Thám tử William Melville.

Công việc của Reilly với Scotland Yard lúc đó là thu thập thông tin tình báo về những người lưu vong chính trị, những người nhập cư, tội phạm và bất cứ ai mà Melville quan tâm. Chính vì vậy, Reilly đã nắm giữ hầu hết mọi thông tin về người dân trong khu vực. Cũng vì vậy Reilly được trả khoản tiền đáng kể cho công việc của mình. Tuy vậy, việc làm một điệp viên kiêm kinh doanh dược phẩm vẫn không đủ chi trả cho những thói quen chi tiêu của mình.

Tuy nhiên, cuộc sống của Reilly thay đổi vào năm 1897, khi ông ta gặp Margaret Thomas, lúc đó 24 tuổi. Cô là người vợ trẻ người Ailen của mục sư người Anh, Rev. Hugh Thomas, lúc đó 63 tuổi.

Mục sư Thomas bị bệnh thận mãn tính, nếu không được điều trị có thể gây tử vong. Đặc biệt khi ấy các phương pháp điều trị còn rất thô sơ. Mục sư Thomas đã phải dùng nhiều loại thuốc để cầm cự với bệnh tật. Hầu hết các loại thuốc và ông dùng được cung cấp bởi Reilly. Cũng chính từ những chuyến thăm thường xuyên tới nhà mục sư, Reilly và Margaret đã nảy sinh tình cảm và bắt đầu một quan hệ bí mật.

Không lâu sau đó, mục sư Thomas qua đời vì suy tim, để lại một khối tài sản đáng kể cho Margaret. Margaret được giải thoát và đi đến với tình yêu đích thực của mình. Reilly và Margaret đã kết hôn vào tháng 8/1898 và chuyển đến ngôi nhà mới ở công viên Hyde Park, London. Nhưng sau đó không lâu, đôi vợ chồng lại bán nhà và đi du lịch nước ngoài. Cuối cùng họ định cư tại Port Arthur ở Manchuria, trụ sở của Hạm đội Viễn Đông Nga, nơi Reilly làm việc như một đối tác của một công ty kinh doanh gỗ.

Reilly cũng bắt đầu làm việc cho công ty xuất nhập khẩu của một người bạn, Moisei Ginsburg với phạm vi xuất nhập khẩu trên toàn thế giới và cũng là nguồn cung cấp nhiều vật liệu cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Ginsburg và Reilly hình thành mối quan hệ kinh doanh của họ tại một thời điểm đặc biệt quan trọng trong lịch sử. Đó là ngay trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh Nga – Nhật và Port Arthur là một thương cảng quan trọng mà cả Nhật Bản và Nga đều muốn kiểm soát.

Có tin đồn rằng Ginsburg và Reiily tận dụng tình hình và không chỉ giao dịch các vật liệu cần thiết mà còn bán thông tin cho cả Nga và Nhật Bản. Reilly đã tiếp xúc với các quan chức của hai bên, những người mà sau này sẽ giúp ông ta trong công việc mới của mình với chính phủ Anh.

Vào tháng 2/1904, Nhật đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ trên tàu của Nga neo đậu trong cảng Arthur, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc chiến tranh giữ hai nước. Lúc này Reilly rời đến Paris và gặp gỡ với Melville, người làm việc ở vị trí mới như một nhóm trưởng của văn phòng tình báo. Melville có nhiệm vụ xử lý thu thập thông tin tình báo đặc biệt nhạy cảm, bao gồm theo dõi và thu thập tin tức về những người nước ngoài nghi vấn và tuyển dụng những người đàn ông phù hợp để làm gián điệp tại nước ngoài. Một trong những người phù hợp mà ông ta nhắm tới chính là Reilly.

Ngay khi được thu nạp, Reilly đã xử lý ngay thành công một vụ thuyết phục về dầu mỏ mà Melville đặc biệt quan tâm. Chính điều đó đã dẫn đến những nhiệm vụ khác lớn hơn. Thành công trong sự nghiệp nhưng cuộc hôn nhân của Reilly lại tan vỡ vào năm 1904. Đau khổ và tài sản vơi đi gần hết, Margaret trở về Anh còn Reilly tiếp tục phiêu lưu nhiều nơi trên thế giới và tiếp tục kiếm tiền. Họ không bao giờ ly dị nhưng cũng ít khi tiếp xúc. Mặc dù vậy, điều đó không ngăn được Reilly đến với cuộc hôn nhân tiếp theo.

Từ công việc đến ảo tưởng cá nhân

Trong hành trình của mình, Reilly có dừng lại hoàn thành một khóa học về kỹ thuật điện tại Trường Hoàng gia Mines và trải qua hai năm tại Trường Đại học Triniry ở Cambridge. Mặc dù không tốt nghiệp, Reilly thường phóng đại về bằng cấp của mình, bắt đầu bịa ra những nơi mà mình chưa từng học và thậm chí còn luyên thuyên về một bằng tiến sĩ từ Heidelberg. Reilly không chỉ ba hoa về bản thân mình mà ông ta bắt đầu thực sự tin vào chúng và ảo tưởng về bản thân. Nhưng điều đó cũng đã giúp Reilly thành công trong công việc của mình.

Năm 1914 đánh dấu sự bắt đầu của Thế chiến thứ nhất và chiến dịch lớn của Đức chống lại Nga. Vào cuối mùa hè, Reilly đã tìm thấy cơ hội lớn và hành động như một nhà môi giới giữa quân đội Nga và quân Mỹ, Nhật với những nhà sản xuất đạn dược và sau này trở thành nhà cung cấp chính thiết bị quân sự vào thời điểm đó. Reilly đã nhận được hoa hồng rất cao, tài sản tăng lên tới hàng triệu đô la. Mọi thứ để diễn ra tốt đẹp và đời sống tình cảm của Reilly cũng vậy.

Tháng 2/1915, Reilly kết hôn sau một thời gian yêu Nadine Zalessky, một người Do Thái Ukraina gốc Thụy Sĩ 29 tuổi. Cô không chỉ có một vẻ đẹp rạng ngời mà còn có trí tuệ tuyệt vời. Không những thế, Reilly còn say đắm Nadine bởi cô có quan hệ với các quan chức Nga. Điều đó rất có lợi cho việc kinh doanh của Reilly.

Nadine là người vợ thứ hai, nhưng cô chẳng hề biết điều đó. Trong thời gian ấy, Reilly làm việc tại thành phố New York như một quản lý cho một công ty về máy móc cung cấp vũ khí, chi tiết máy và các hàng hóa khác cho các lực lượng đồng minh đóng tại Broadway. Reilly ở đó cho đến năm 1917, khi ông ta rời bỏ vợ mình và đi đến Toronto, Canada, nơi ông ta gia nhập vào Quân đoàn Hoàng gia (RFC). Reilly được đào tạo tại Trường Quân sự Hàng không ở Toronto.

Trong thời gian này, những tình báo bí mật Anh (SIS) đã tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu về Reilly. Mục đích chính của họ là xác định xem ông ta có phải là người họ tìm kiếm để giúp thu thập thông tin tình báo ở Nga. Tại thời điểm đó, đảng Bôn-sê-vích, đứng đầu là Vladimir Lenin vừa nắm quyền kiểm soát chính phủ và tìm cách để tạo mối quan hệ hòa bình với người Đức. Đó là những điều Anh và các đồng minh không mong muốn.

Người đứng đầu SIS đã gặp trực tiếp Reilly và hài lòng về những gì ông ta nói. Vào tháng 3/1918, Reilly được chính thức nhận và cung cấp tên mã ST1 trước khi gửi đến Nga. Đó là nhiệm vụ đầu tiên của Reilly cho SIS và là một trong những nhiệm vụ táo bạo nhất. Ngày đầu tiên Reilly đã bị bắt khi đặt chân đến Murmansk, nơi quân đội Anh đóng quân và kiểm tra thấy Reilly không có những giấy tờ thích hợp. Reilly đã bị giam một thời gian ngắn và chỉ được thả khi đưa ra một thông điệp mã hóa được gửi từ cơ quan tình báo Anh.

Sau đó, Reilly du lịch đến Petrograd và tới Moscow, nơi ông ta tự giới thiệu mình như một sứ giả của Thủ tướng Anh David Lloyd George và yêu cầu thảo luận về mục tiêu tương lai của chính phủ Bôn-sê-vich mới với Lenin. Reilly không bao giờ gặp được Lenin nhưng đã sắp xếp được một cuộc họp với trợ lý của nhà lãnh đạo Vladimir Bruevich. Đây là những điều không có trong kế hoạch của tình báo Anh.

Khi đó, Reilly và một người tên là Lockhart bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ Bôn-sê-vich. Hai người đã lập kế hoạch tấn công cuộc họp tại nhà hát Bolshoi của Nga vào ngày 6 tháng 9 năm 1918 giữa Lenin và một ủy viên nhân dân về vấn đề chiến tranh. Thế nhưng âm mưu này đã bị bại lộ. Hai người bị xử vắng mặt và bị kết án tử hình vì tội âm mưu ám sát Lenin. Tuy vậy, Reilly và Lockart đã chạy thoát khỏi Nga.

Tháng 11/1918, Reilly tìm được đường trở lại London và báo cáo với cấp trên những gì mình khai thác được ở Nga. Trong cuộc họp, Reilly mạnh dạn mong muốn trở lại Nga để tiếp tục nhiệm vụ khác và được cấp trên đồng ý. Theo đó Reilly được chọn một người và đi thu thập thông tin quan trọng về bờ biển Đen và miền Nam Nga. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết, đặc biệt khi chính phủ Anh ở thời điểm đó đang lên kế hoạch giúp đỡ tổ chức Quân đội người da trắng chống Bôn-sê-vich đánh bại chính phủ Nga.

Reilly và người đồng nghiệp của mình, Đại úy George Hill đã tới Nga vào cuối tháng 12. Hai người đã ngay lập tức tập trung vào công việc, thu thập được những thông tin bí mật. Sự siêng năng và lòng dũng cảm của cả hai được đền đáp bằng việc nhận huân chương vào tháng 1/1919.

Nhận được huân chương, Reilly quay trở lại thành phố New York, nơi Reilly đoàn tụ với Nadine. Mặc dù cả hai đều vui mừng vì sự đoàn tụ nhưng cũng không phải không nhận ra đã có những thay đổi đáng kể trong thời gian Reilly vắng mặt. Không lâu sau hai người chia tay một cách êm đẹp.

Cũng trong một vài tháng sau đó, Reilly gặp một người phụ nữ Caryll Houselander, người phụ nữ tiếp theo của cuộc đời mình. Nhưng cũng ngay sau đó, Reilly lại bắt tay vào một nhiệm vụ mới. Dường như Reilly là người không thể ở một nơi nào đó, bên một người nào đó mãi mãi.

Kết thúc cuộc đời và đi vào huyền thoại

Nhiệm vụ mới của Reilly là tới Ba Lan để thu thập thông tin về thỏa thuận ngừng bắn có thể có giữa Ba Lan và Nga. Trong một chuyến đi của mình, Reilly đã gặp một sát thủ chống Bôn-sê-vich và nhà cách mạng Boris Savinkov. Họ đã cùng nhau lập nên kế hoạch lật đổ chính phủ Nga.

Việc chống lại Bôn-sê-vich đã trở thành sự hận thù cá nhân của Reilly và hy vọng có thể nhận được lợi ích chính trị cũng như tài chính từ việc xây dựng chế độ mới. Reilly đã đầu tư khoản tiền lớn của cá nhân mình và cả tiền của những người ủng hộ SIS vào chiến dịch này. Kết cục là Reilly trắng tay và bị SIS tẩy chay xa rời.

Reilly chuyển đến Prague và lại bắt đầu kinh doanh thuốc như trước đây nhưng công việc nhanh chóng thất bại, cũng như mối quan hệ với Carryll. Nếu là một người khác, có lẽ ông ta sẽ suy sụp. Nhưng điều đó không áp dụng được với một người như Reilly.

Reilly và người vợ thứ 3 của mình Pepita.

Trong tháng 12/1922, Reilly được giới thiệu với một người phụ nữ, một quý bà giàu có với vẻ đẹp Nam Mỹ tên là Pepita. Họ nhanh chóng đắm đuối nhau và đã đính hôn ngay sau đó 1 tuần. Reilly đã kết hôn với người vợ thứ 3 của mình. Tuy vậy cuộc hôn nhân này cũng chỉ duy trì được 2 năm, sau khi Reilly nằm trong mục tiêu của chiến dịch “Trust” (Niềm tin).

Trust là một hoạt động của tình báo quân sự Nga bắt giữ những người bất đồng chính trị trao trả về Nga bằng cách giả như một nhóm chống Bôn-sê-vich. Boris Savinkov và Sidney Reilly là hai mục tiêu được quan tâm đặc biệt. Vào tháng giêng năm 1924, họ đã cố gắng bắt Reilly và đưa trở lại Nga, nơi ông ta phải đối mặt với án tử hình nhưng không thành công. Tuy nhiên lúc này họ đã bắt được Boris và giam giữ ông ta tại Nga.

Mặc dù trốn chạy thành công Trust lần đầu tiên, Reilly vẫn không thoát khỏi khi bị lừa trở lại Nga vào mùa thu năm 1925 bởi những người chống Bôn-sê-vich rởm. Ngay khi vượt biên, Reilly đã bị bắt và giam giữ tại nhà tù Lubyanka, nơi Boris cũng bị tống giam.

Bức ảnh về thi thể của Reilly sau khi bị bắn.

Trong những cuộc thẩm vấn, dù đã có nhiều cố gắng họ vẫn không khai thác được ở Reilly nhiều thông tin hữu ích. Vào ngày 5/11/1925, khi được đưa tới quận Sokoliniki, nơi Reilly vẫn thường được đưa đến để đi dạo bởi lúc này Reilly được coi là một tù nhân đặc biệt với những ưu đãi đặc biệt, Reilly đã kết thúc cuộc đời mình ở đây.

Tối hôm đó, bốn sĩ quan của Nga lái xe đưa Reilly đi. Trên đường bất chợt xe bị trục trặc. Họ cho phép Reilly xuống xe. Nhưng đi được vài chục bước sau khi xuống xe, Reilly đã bị bắn chết. Sau đó, cơ thể của ông ta đã được đưa đến một cơ sở y tế để kiểm tra kỹ lưỡng trước khi được chôn cất trong nhà tù.

Chính phủ Anh biết rằng Reilly đã bị giết, nhưng không có bằng chứng nào để khẳng định điều này. Chính vì vậy nhiều tin đồn rằng Reilly vẫn còn sống cũng như đã có thể trốn thoát khỏi nhà tù. Ngay cả sau khi chính phủ Nga công bố các bức ảnh của thi thể sau khi Reilly qua đời, nhiều người đã nghi ngờ và cho rằng đó không phải là Reilly mà là một người khác.

Kể từ đó Reilly trở thành một nhân vật huyền thoại, một “ngôi sao” trong làng tình báo. Và kể cả sau này, Reilly vẫn tiếp tục sống trong văn chương, phim ảnh và trong trí tưởng tượng của nhiều người

Quang Trường – Trọng Hưng
.
.
.