Chuyện đời nghiệt ngã của một “dì ghẻ” nổi tiếng trên sân khấu

Thứ Hai, 16/10/2017, 09:50
Tôi nói vui với nghệ sỹ Hồng Sáp, hồi đầu năm, thấy bà xuất hiện trong MV ca nhạc của ca sỹ trẻ Đinh Bảo Yến, trông rất đẹp lão. Bà bảo: “Trên phim thì vậy thôi. Ngoài đời cực lắm. Con nhìn bà đi. Cả một đời nhìn lại, thấy mình vẫn không thoát khỏi kiếp bần cố nông. Từng này tuổi đầu, tối về nằm ngủ vẫn phải bắt tay lên trán suy nghĩ làm sao đủ tiền thuê nhà hằng tháng”.

1.Trong một lần ngồi nói chuyện với nhau, tôi được một đồng nghiệp chia sẻ về câu chuyện của nghệ sỹ Hồng Sáp. Sau đó, hỏi thăm địa chỉ để đến thăm bà thì được biết: “Muốn tìm nghệ sỹ Hồng Sáp thì cứ qua đình Nhơn Hòa, quận 7, TP. Hồ Chí Minh”.

Nghệ sĩ Hồng Sáp tên thật là Bùi Hồng Sáp, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm lên 8 tuổi, bà đã cùng cha mẹ theo đoàn hát Kim Chung vào Sài Gòn. Sau đó, tuổi thơ của nghệ sĩ là những tháng ngày lang bạt nay đây mai đó cùng cha mẹ trong các đoàn Kim Chung, Nam Hồng, Đức Quy. Bà kể, ngày đó, trên sân khấu, cha đờn, mẹ thì hát, Hồng Sáp bán nước, bán hạt dưa bên dưới sân khấu. Cứ thế, bà lớn lên gắn liền với tiếng hát, với đời nghệ sỹ lúc nào không hay.

Nghệ sỹ Hồng Sáp khoe mái tóc có lần người ta gạ bán để lấy 2 triệu rưỡi.

Theo lời bà, cha bà muốn bà theo tân nhạc nhưng bà lại lỡ mê cải lương. Cấm đoán cũng không được, trời không chịu đất, đất phải chịu trời. Năm 14 tuổi, Hồng Sáp bắt đầu vào nghề bằng các vai “Nghêu, sò, ốc, hến” (vai phụ, minh họa – theo cách nói của bà – PV) trong các vở tuồng. Được một thời gian, mẹ bà qua đời, mấy cha con dắt nhau “dạt chợ trôi sông” từ gánh hát này đến gánh hát khác. Sau đó, cha bà cũng mất trong một cơn bạo bệnh.

Hồng Sáp bước chân vào gánh hát Huỳnh Long năm 28 tuổi, cùng thời với các nghệ sĩ Thiên Kim, Lệ Thẩm, Hùng Minh, Hữu Phước... Bà được khán giả nhớ đến qua các vai đào trong một số tuồng cải lương Hồ Quảng như: “Tấm Cám”, “Lá chắn biên thùy”, “Tình sử A Nàng”, “Sấm dậy hận lòng thơ”, “Hai dòng sữa mẹ”... Sau này, khi sân khấu cải lương qua thời hoàng kim, khán giả lại gặp lại nghệ sỹ Hồng Sáp trong các bộ phim truyền hình như “Dốc tình”, “Xóm cào cào”, “Khóc thầm”…

Nhắc đến nghệ sỹ Hồng Sáp, không thể không nhắc đến vai dì ghẻ trong “Tấm Cám” – vở kinh điển giúp mọi người biết đến cái tên bà nhiều hơn… Bà nhớ lại: “Vai đó vốn là của bà Cẩm Hồng – một cô đào có tiếng thời đó. Nhưng bà ấy làm khó về cat-sê nên người ta mới để bà thay. Nhiều người không tin bà hát được. Nhưng sau khi bà diễn, nhiều người thấy bất ngờ và bảo, Hồng Sáp diễn còn hay hơn Cẩm Hồng”.

Sau vai diễn để đời này, Hồng Sáp hay được mời đóng những vai ác, vai nào cũng bị khán giả ghét hoặc rủa thầm sau lưng. Riêng với vai mụ dì ghẻ trong vở tuồng “Tấm Cám”, bà bị khán giả chỉ trích thẳng vào mặt.

Tối mình diễn trên sân khấu, sáng hôm sau đi chợ có người chỉ mặt nói: “Bà dì ghẻ kia ác lắm”. Có hôm diễn xong, đói quá, chẳng dám đi ăn cơm vì nghe khán giả dọa “nếu gặp con mụ đó ngoài đời, sẽ giết”. Bà bảo, khán giả dễ thương là ở chỗ đó. Đời nghệ sỹ, được khán giả nhớ là hạnh phúc rồi. Có những người làm nghề cả đời, đến khi chết đi, cũng không được ai nhớ.

Công việc chuẩn bị trang phục này cũng tạm bợ và người ta cho bao nhiêu thì nhận thế.

Gần 7 năm nay, nghệ sỹ Hồng Sáp lui hẳn về hậu trường. Bên cạnh dọn dẹp, thắp nhang cho bàn thờ tổ nghề sân khấu ở đình Nhơn Hòa, nếu có ai thuê trang phục để biểu diễn chỗ bà Kim Phượng – con gái bà bầu gánh Huỳnh Long xưa, nhờ bà Hồng Sáp giặt giũ, ủi đồ hộ, người ta cho bao nhiêu thì cho.

Hai trăm ngàn cũng được, một trăm ngàn cũng xong. “Có phải giặt giũ, ủi đồ là xong đâu con. Nhiều khi bà phải đợi cả đêm, để khi người ta diễn xong, lại mang về cất, không lại bị mất. Già cả rồi. Kiếm đồng tiền khó lắm”, bà chia sẻ.

Lâu lâu, có người kêu đi đóng mấy vai quần chúng vừa già vừa xấu, nghệ sỹ Hồng Sáp vẫn nhận. Hoặc thỉnh thoảng, các nghệ sỹ trẻ làm MV ca nhạc muốn mời bà đóng thì bà cũng không từ chối, miễn sao có tiền để trang trải sinh hoạt. Đêm nằm ngủ, lúc nào cũng phải vắt tay lên trán tự hỏi ngày mai làm gì để có tiền trả tiền nhà. Khi đủ tiền trả tiền nhà rồi lại “chết cha, còn tiền điện…”. Trong lúc nói chuyện, có đôi lần đôi mắt bà nhòe đi vì không kiềm chế được cơn xúc động khi nghĩ về cuộc đời của mình.

2.Nghệ sỹ Hồng Sáp lập gia đình lúc 24 tuổi. Chồng bà là nghệ sỹ chơi đàn kìm cùng gánh hát. Sau 5 năm kết hôn, “oằn tù tì”, 7 người con lần lượt ra đời. Chồng bà say rượu, thường xuyên đập đánh. Hai người chia tay, Hồng Sáp một thân một mình bươn chải làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi 7 con nhỏ.

Nhớ lại giai đoạn đó, trên gương mặt người nghệ sỹ già nua lộ rõ một nỗi buồn. “Lúc đó tôi phải rong ruổi bán bắp cải ở khắp các chợ kiếm vài ba đồng lời lo cơm, lo áo cho con. Thương cảm cho số phận của tôi mà Thanh Bạch cho tôi tiền hằng tháng nhưng vẫn không đủ sống. Để kiếm thêm, tôi đi hát mỗi buổi tối nên phải mướn người giữ con. Hằng đêm, tôi vẫn “tha” con đến rạp hát. Mẹ hát trên sân khấu xong, xuống sân khấu cho con bú là chuyện bình thường. Cả gánh hát ai cũng thương. Nhưng 7 đứa thì 4 đứa vì bệnh mà qua đời. Không có nỗi đau nào bằng cảm giác của người mẹ trải qua 4 lần mất con”, bà tâm sự.

Hỏi bà, sao khó khăn mà còn đẻ nhiều vậy? Bà cười như mếu: “Trời ơi, đâu có biết được. Ai mà biết được, mai này, mình sẽ rơi vào tình cảnh này? Bây giờ, lắm khi bà nghĩ, biết thế, hồi đó lấy ai ngoài đường đi, dù khổ vẫn có cái nhà mà ở. Chứ không như bây giờ, cứ nhắm mắt lại thấy chữ tiền đè trên đầu. Lúc nào cũng tiền và tiền. Khổ lắm con ạ. Nhưng cuộc đời đâu biết trước được ra sao hở con?”.

2 người con gái của bà đã đi lấy chồng. Hiện nay bà sống cùng người con trai và một đứa cháu nội (bố mẹ cháu mất sớm). Trong gia đình bà, trừ người cháu nội (được khai sinh theo hộ khẩu nhà ngoại) thì chẳng có ai có bất cứ giấy tờ nào chứng minh tư cách công dân.

Theo giải thích của bà, trước đây, hộ khẩu cả gia đình được khai báo chung với thành viên đoàn Huỳnh Long. Khi đoàn hát lưu lạc và tan rã vào những năm 1990, toàn bộ giấy tờ của gia đình cũng bị thất lạc. Bao nhiêu năm ở trọ, nghệ sĩ Hồng Sáp chỉ có duy nhất tấm thẻ Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu TP. Hồ Chí Minh dùng để đăng ký tạm trú. Suốt 16 năm qua, cả gia đình thuê trọ sống tạm bợ qua ngày dưới chân cầu Kênh Tẻ (quận 1). Từ những ngày đầu, một tháng tiền thuê phòng trọ có 500.000 đồng thì nay đã lên 2 triệu đồng.

Cũng theo lời bà, năm 2015, nhờ chính quyền tạo điều kiện nên gia đình mới có được cái giấy KT3 nhưng vẫn phải đợi tới năm sau thì mới xong xuôi. Con trai bà năm nay 55 tuổi nhưng cũng chưa một lần nhìn thấy tờ giấy khai sinh.

Nghệ sĩ Hồng Sáp gọi tên con là Dĩ An vì bà nhớ sinh con lúc đang lưu diễn ở Dĩ An, Bình Dương. Bà kể, cũng vì không có giấy khai sinh nên con trai bà không thể xin được chỗ làm nào tử tế vì đi đâu người ta cũng hỏi giấy tờ…

Con trai bà hiện là nhạc công nghiệp dư, chơi trống tại các nhà hàng, tiệc cưới... Cát-xê một đêm diễn dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng, nhưng công việc cũng không thường xuyên. Còn người cháu nội, vì nhà nghèo quá nên cũng đã phải nghỉ học năm lớp 6. Đến nay, cháu 20 tuổi và cũng làm thuê, làm mướn khắp nơi.

Hỏi bà, nếu không kiếm đủ tiền trả tiền thuê nhà thì phải làm sao? Bà bảo: “Phải ráng. Bí quá, thì đi mượn. Mà toàn vậy. Mượn chỗ này đắp chỗ kia. Có tháng lo được tiền nhà xong, lại đau đầu vì còn tiền điện, tiền nước…

Trong nhà, nhiều khi không có tiền. Chẳng biết lấy gì để ăn. Có bữa, bà còn tính bán bộ tóc này đi. Người ta trả bà 2 triệu rưỡi đó con. Nhưng bà Kim Phượng không cho bán. Cũng may, bà con chòm xóm, rồi người trong chợ Mối, lúc thì cho gạo, lúc thì cho nước tương. Mẹ con, bà cháu, cứ thế sống…”.

Nhiều năm nay, gia đình Nhơn Hòa là mái nhà thứ 2 sau ngôi nhà trọ của nghệ sỹ Hồng Sáp.

Lúc ngồi nói chuyện với nghệ sỹ Hồng Sáp, thời gian lỡ cỡ sáng và trưa nên tôi mời bà đi ăn trưa. Nói mãi bà mới đi vì bà bảo, bà không đói. Buổi sáng bà ra phụ giúp con gái chủ nhà bưng bê đồ uống cho khách, họ kêu gì cho mình ăn thì mình ăn nấy.

Sau đó, bà qua đình Nhơn Hòa, ở đó cho tới 3,4 giờ chiều rồi về nhà, nấu cơm cho con, cháu cùng ăn. Bà bảo: “Bữa sáng của con có khi là bữa chiều của cả nhà bà. Cả ngày, chỉ có một bữa ăn chính vậy thôi”. Nghe mà thấy thương lắm!.

Không giấy tờ, hoàn cảnh khó khăn, lắm khi giống “màn trời chiếu đất”, gần 90 tuổi, nghệ sỹ Hồng Sáp vẫn là một người lưu lạc như thời bà còn theo cha mẹ từ Hà Nội vào Nam. Hơn 60 năm gắn bó với nghề, chẳng có một danh hiệu nào.

“Đời khổ đau nhưng đời cũng lắm ưu ái, yêu thương, cưu mang bà những lúc khốn khó. Còn việc được phong danh hiệu này hay danh hiệu kia, với bà, không quan trọng bằng tình cảm của khán giả dành cho mình” - nghệ sĩ Hồng Sáp chia sẻ.

Hỏi bà, bây giờ muốn điều gì nhất? Bà nói, bà chỉ mong khỏe mạnh, có tiền đủ trả tiền thuê nhà và sinh hoạt hằng tháng là được rồi. “Mong ước nhỏ nhoi vậy thôi, nhưng sao khó quá con?”, bà hỏi tôi mà như hỏi chính mình.

Đậu Dung
.
.
.