Cha đẻ Sherlock Holmes là ai?

Thứ Năm, 22/10/2020, 10:07
Không chỉ những tín đồ đam mê tiểu thuyết trinh thám mà những người thích đọc sách trên thế giới, ít nhiều đều biết đến tập truyện Sherlock Holmes. Tác phẩm này được cho là sáng kiến lớn nhất, "cây cao bóng cả" trong lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám. Có nhiều người chỉ biết đến tác phẩm trinh thám bậc nhất mọi thời đại là Sherlock Holmes mà lại không biết đến cha đẻ của tác phẩm ấy - quý ngài Conan Doyle.


Cuộc đời

Arthur Conan Doyle sinh ngày 22/05/1859 trong một gia đình Công giáo giàu có tại Edinburgh, Scotland. Mặc dù gia đình thượng lưu và rất nổi tiếng trong giới nghệ thuật nhưng Conan Doyle lại có một người cha nghiện rượu nặng.

Ngược lại, mẹ của Conan Doyle là quý bà Mary lại là một người phụ nữ học thức, hoạt bát, có sở thích đọc và sưu tầm sách. Conan Doyle ảnh hưởng nhiều từ người mẹ đáng kính của mình, ngay từ nhỏ Conan Doyle đã thường xuyên được mẹ kể cho nghe những câu chuyện kỳ lạ mà bà gặp phải hoặc đọc được. Học thức, trí tuệ của bà đã khơi dậy được trí tưởng tượng của cậu bé Conan Doyle nhỏ tuổi.

Để sau này, khi ghi vào bìa sách tiểu sử của mình, ông có viết: "Trong thời thơ ấu của tôi, khi tôi bắt đầu có thể ghi nhớ được, những câu chuyện sống động và kì thú mà mẹ kể khiến cho tôi tưởng tượng nhiều hơn. Điều đó làm cuộc sống thường ngày của tôi trở nên thú vị và muôn màu".

Tác phẩm của Conan Doyle rất đa dạng từ hình thức đến thể loại, nhưng tất cả đều có điểm chung về nội dung có một lượng lớn các tri thức liên ngành khác nhau.

Đến năm 9 tuổi, Conan Doyle bé nhỏ phải rời vòng tay của cha mẹ để chuyển đến Anh, theo học trường Hodder Place, Stonyhurst - đây là trường nội trú nổi tiếng của nước Anh. Sau đó, Conan Doyle tiếp tục học tại trường Stonyhurst College thuộc nước Anh. Đối với Conan Doyle, việc học ở trường nội trú là cực hình, nhiều bạn bè cùng lớp bắt nạt cậu, còn nhà trường thì áp dụng hình phạt thể xác tàn nhẫn lên học sinh.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Stonyhurst năm 1876, cha mẹ của Conan Doyle gợi ý con học nghệ thuật để theo nghiệp gia đình, nhưng họ rất ngạc nhiên vì Conan Doyle lựa chọn học y khoa của Đại học Edinburgh thuộc Scotland, phía Bắc Ireland. Tại trường y, Conan Doyle gặp được vị Giáo sư Tiến sĩ Joseph Bell - một người có khả năng quan sát nhạy bén, đây cũng là người đã truyền cảm hứng cho Conan Doyle tạo ra nhân vật thám tử hư cấu nổi tiếng Sherlock Holmes sau này.

Khi còn là một sinh viên y khoa, Conan Doyle đã bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình với truyện ngắn "Bí mật của Thung lũng Sasassa", tiếp theo là tác phẩm "The American Tale" (tạm dịch: truyện về nước Mỹ) được xuất bản trong Hội Luân Đôn. Đến khi học năm ba trường y, Conan Doyle được đi thực tập làm bác sĩ phẫu thuật trên tàu đánh cá voi tới Vòng Bắc Cực.

Chuyến đi này đã đánh thức niềm đam mê phiêu lưu mạo hiểm của ông, là cảm hứng để Conan Doyle viết nên cuốn tiểu thuyết "Thuyền trưởng của Ngôi sao Cực". Sau khi ra trường, Conan Doyle bắt đầu làm bác sĩ trên tàu thuyền, rồi chuyển về mở phòng khám trên đất liền.

Tại đây, Conan Doyle bắt đầu phải lựa chọn sự nghiệp sáng tác với nghề y, bởi cả hai công việc rất bận rộn. Nhưng lúc này, Conan Doyle vẫn muốn kiêm cả hai. Khi vẫn còn chưa nổi tiếng với nghiệp sáng tác, năm 1885, Conan Doyle kết hôn với Louisa Hawkins. Hai vợ chồng trẻ chuyển đến sinh sống tại đường Upper Wimpole, Luân Đôn, nước Anh và sinh được hai người con một trai một gái.

Năm 1890, Conan Doyle tốt nghiệp thêm chuyên ngành Mắt tại trường Y, ông đến Luân Đôn (Anh) để mở phòng khám về nhãn khoa. Viết trong tiểu sử của mình: vì phòng khám có rất ít người lui tới nên ông có nhiều thời gian cho sự nghiệp sáng tác.

Năm 1893, người vợ Louisa Hawkins bị chẩn đoán mắc bệnh lao phổi. Đến năm 1897, Conan Doyle gặp một cô gái trẻ tên là Jean Leckie, ông vừa gặp đã yêu cô gái này nhưng hai người vẫn chỉ duy trì mối quan hệ thuần khiết bởi ông luôn chung thuỷ với người vợ đang bệnh tật của mình.

Cuối cùng, năm 1906, bà Louisa Hawkins đã ra đi trong vòng tay người chồng yêu quý của mình bởi căn bệnh lao phổi. Một năm sau đó, Conan Doyle đã tái hôn với Jean Leckie, cặp đôi sống hạnh phúc và có với nhau hai người con trai, một cô con gái.

Sự nghiệp sáng tác

Năm 1886, Conan Doyle vừa kết hôn với người vợ đầu, lúc này ông chưa nổi tiếng. Conan Doyle bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết "A Tangled Skein", hai năm sau, tác phẩm được đổi tên thành "A Study in Scarlet" và xuất bản trên tạp chí Beeton's Christmas. Trong cuốn tiểu thuyết này đã xuất hiện thêm nhân vật Thám tử Sherlock Holmes và trợ lý của anh ta - bác sĩ Watson. 

Tác phẩm tạo nên một tiếng vang lớn và được đón đọc nồng nhiệt. Cuốn tiểu thuyết này là câu chuyện đầu tiên trong số 60 câu chuyện mà Conan Doyle viết về hành trình phá án của Sherlock Holmes - nhân vật đi cùng với sự nghiệp văn đến cuối đời của ông. Từ năm 1887 đến năm 1916, Conan Doyle cho ra đời ba cuốn sách mà các chuyên gia đánh giá rằng cả ba tác phẩm có độ chân thực lớn như thể là tự truyện của Conan Doyle. 

Ba tác phẩm bao gồm: Beyond the City (1893 - ngoài thành phố), The Stark Munro Letters (1895) và A Song (1899 - tạm dịch: một điệp khúc ca). Sau khi đạt được nhiều tiếng vang lớn, Conan Doyle quyết định từ giã ngành y và chuyên tâm cho sự nghiệp sáng tác. Từ năm 1890 đến đầu năm 1900, Conan Doyle ra liên tục bốn tác phẩm về chuỗi hành trình phá án của Sherlock Holmes, gồm: Dấu hiệu của bộ tứ (1890), Cuộc phiêu lưu của Shelock Holmes (1892), Hồi ức của Shelock Holmes (1894) và Chó săn Baskervilles (1901). 

Độc giả của ông càng lúc càng đông, tất cả đều đổ dồn đến nhân vật Shelock Holmes, điều này vô hình tạo ra áp lực cho Conan Doyle. Các độc giả luôn trông ngóng hành trình mới của Shelock Holmes. Tháng 11/1891, Conan Doyle đã viết thư thổ lộ tâm tư cho người mẹ của mình, trong thư ông có viết: "Con nghĩ đến việc cho Holmes ra đi vĩnh viễn. Holmes điều khiển đầu óc con làm con không thể suy nghĩ thêm về những tác phẩm khác".

Học thức, trí tuệ của người mẹ đã khơi dậy được trí tưởng tượng của Conan Doyle từ khi nhỏ tuổi.

Mẹ của Conan Doyle đã phản hồi lại rằng: "Con có thể làm những điều mình cho là đúng đắn nhưng độc giả sẽ không dễ dàng đồng ý đâu". Đến tháng 12/1893, Conan Doyle đã cho nhân vật Holmes rơi xuống một thác nước trong tác phẩm The Final Problem (tạm dịch: Vấn đề cuối cùng). Việc kết thúc Holmes để Conan Doyle chuyên tâm vào viết cuốn tiểu thuyết lịch sử. Ông cho ra đời một số tiểu thuyết lịch sử: The Great Shadow (1892 - viết về Kỷ nguyên Napoléon) và cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của ông "Rodney Stone" (1896).

Một số sự thật, mẩu truyện

Khi ở tuổi 23, Conan Doyle đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình và gửi nó cho một nhà xuất bản, thật không may đã bị thất lạc. Cuối cùng, Conan Doyle phải viết lại cuốn tiểu thuyết đó. Không chỉ là một nhà văn, Conan Doyle còn là một vận động viên xuất sắc, ông là một tay quần vợt loại ưu thuận tay phải và thỉnh thoảng Conan Doyle còn lấn sân sang vận động viên bóng ném. 

Chưa dừng tại đó, ông còn là một cầu thủ kì cựu, Conan Doyle đảm nhận vị trí thủ môn với biệt danh AC Smith cho đội tuyển Portsmouth FC. Có một sự thật, Conan Doyle thừa cân nặng, vì vậy ông không đủ tiêu chuẩn vào quân đội tham gia cuộc chiến Boer. Vì vậy, Conan Doyle đi tình nguyện làm bác sĩ trên tàu đến Châu Phi. Conan Doyle còn từng phá án, không chỉ có Holmes - nhân vật tưởng tượng của ông, có thể phá án mà Conan Doyle cũng tự mình phá giải được vụ án ngoài đời thực. 

Ông từng sử dụng phương pháp suy luận mình đã viết tạo nên Holmes, để giải quyết vụ giết người ở Marion Gilchrist. Conan Doyle còn từng tranh cử vào Quốc hội ở Edinburgh, lần 1 năm 1900 và lần 2 năm 1906, tuy cả hai lần đều được số phiếu tốt nhưng ông đều không trúng cử.

Ra đi

Conan Doyle được chẩn đoán mắc chứng Angina Pectoris - tạm gọi là cơn đau tim, đau thắt ngực xảy ra khi sự cung cấp máu chứa oxy đến vùng nào đó của tim bị giảm, bác sĩ khuyên ông không nên đi xa hay hoạt động mạnh nhưng Conan Doyle vẫn muốn du lịch đến Hà Lan năm 1929. Conan Doyle bắt đầu có những cơn đau ngực dữ dội đến mức phải đưa vào bờ gấp và gần như nằm liệt trên giường tại nhà riêng ở Crowborough, Anh. Ngày 7/7/1930, Conan Doyle cầm một bông hoa trên tay và thốt lên với vợ mình rằng: "Em thật tuyệt vời", sau đó, ông ra đi mãi mãi.

Ngọc Hà (tổng hợp)
.
.
.