Ca sỹ, diễn viên Phúc Lâm: Hơn thua cũng chẳng để làm gì

Thứ Năm, 27/10/2016, 16:17
Góp mặt vào nhiều bộ phim truyền hình đình đám và để lại ấn tượng như sê-ri phim "Cảnh sát hình sự", "Đầm lầy bạc", "Những cánh hoa bay", "Sống mãi tuổi xuân", "Truy tìm hung thủ"…, nam diễn viên Phúc Lâm đột ngột chuyển hướng sang âm nhạc. Anh nói rằng, anh đi hát là để trả nợ cho một thời hai mươi mông lung, nhợt nhạt của mình.


- Lâu lắm rồi tôi không thấy Phúc Lâm đóng phim nữa. Nếu tôi nhớ không nhầm thì kể từ năm ngoái…

+  Sau 10 năm gắn bó với phim ảnh, năm nay Phúc Lâm tạm ngừng để tập trung ca hát một thời gian. Một hai năm nữa làm phim cũng chưa muộn. Lúc đó, nếu làm phim, tôi muốn tham gia phim nhựa, không làm phim truyền hình nữa. Điện ảnh là đỉnh cao mà những diễn viên như chúng tôi luôn muốn chạm vào.

Tôi muốn xem quá trình 10 năm qua như là quãng thời gian học nghề, trau dồi. Giờ là lúc tôi muốn dừng vài năm. Để cho những gì mình học được, trải nghiệm được thẩm thấu vào người. Và cũng là để mình quên vai diễn trước đây của mình, không cho nó "ám" vào mình nữa.

Sau đó, nếu có phim nhựa nào bén duyên, nhân vật nào thú vị, chắc chắn Phúc Lâm sẽ không bỏ qua. Và lúc đó, mình sẽ đi theo tâm thế mới. Mình sẽ bỏ hết để thể hiện vai diễn một cách trọn vẹn và tử tế nhất. Chứ như bây giờ, vừa đóng phim vừa ca hát. Mệt lắm. Mình cứ phải chống đỡ, đối phó. Tôi đã ở trong tình trạng không thoải mái đó suốt 10 năm trời. Bây giờ nghĩ lại, cảm thấy sợ.

- Nói như thế, nghĩa là anh đang dồn tất cả để "đánh một mẻ" lớn trong âm nhạc? Đó có thể là một album đầu tay chăng?

+ Sau khi nhóm nhạc Artista tan rã, tôi hoạt động solo và có cơ hội làm nhạc trau chuốt hơn trong những sản phẩm đơn của mình. Còn việc ra mắt album, tôi cũng chưa chắc lắm. Có lẽ, tôi sẽ tập trung ra single, MV nhiều hơn. Ra album giữa thời buổi này cũng khiến tôi suy nghĩ quá.

Việc ra album xưa rồi, bây giờ người ta nghe trên điện thoại thông minh, trên máy tính là chủ yếu. Nghe nhạc online đang là xu thế, đó cũng là cách đi nhanh đến gần khán giả của mình và mức độ phủ sóng cũng lớn hơn. Đó là chưa kể, người Việt mình chưa có thói quen văn minh là bỏ tiền ra mua đĩa. Người ta thường mua một đĩa lậu mặc dù biết đĩa xịn nghe hay hơn.

- Vì sao lại là âm nhạc cho một sự chuyển hướng vậy? Có người nói, làm ca sỹ thì dễ nổi tiếng hơn. Với Phúc Lâm thì sao?

+ Cũng có người từng hỏi thẳng tôi, Phúc Lâm đi hát để mưu cầu sự nổi tiếng chăng? Không phải. Tôi luôn nghĩ là mình sống để làm gì? Sống cho ai? Và tất nhiên mình có gì? Tiền không? Quyền lực không? Không. Mình chẳng có gì ngoài giọng hát và ý tưởng. Và tôi luôn cố gắng thể hiện mình hết sức có thể. Làm được gì cứ làm. Tôi nghĩ, đừng cao siêu quá bất cứ chuyện gì.

- Nhưng "làm dâu trăm họ" cũng mệt đấy, thưa anh?

+ Làm dâu trăm họ mà. Tất nhiên sẽ có khen và cũng sẽ có chê. Có khi bị chửi nhiều, bị chê nhiều thì càng nổi tiếng. Có những người chẳng ai chửi, chẳng ai quan tâm thì sao? Khi xác định đi theo con đường này, tôi đã đón nhận tất cả mọi khen chê đó với tâm thái thoải mái nhất.

Trước đây, tôi chưa có tâm lí ấy thì chẳng dám làm chuyên nghiệp, chỉ dừng ở mức làm văn nghệ (bán chuyên nghiệp) mà thôi.  Khi mình làm chuyên nghiệp, tôi nghĩ, mình phải toàn tâm cho nó. Tôi đã thử đi hát và đi làm đồng thời trong vòng 10 năm và thấy rằng không hiệu quả. Cái gì cũng có vẻ được được, tuy nhiên không sâu. Và để làm được điều mình thích, mình đam mê, cái gì cũng có cái giá của nó chứ!

- Anh đã đánh đổi những gì?

+ Mặc dù những điều tôi muốn làm đều được mọi người ủng hộ. Tuy nhiên, mọi người cũng chỉ ủng hộ về tinh thần mà thôi. Tất cả đều do một mình mình tự trải nghiệm, tự lớn lên. Điều đó cũng có cái hay nhưng cũng dở. Dở ở chỗ mình mất quá nhiều thời gian để trưởng thành. Cái gì cũng có giá của nó. Ai cũng hiểu điều đó nhưng người ta sẽ trả giá cho điều mình mong muốn như thế nào?

Tôi đang trả giá cho những gì mình đang có bằng thời gian, sức lực. Tôi vào nghề muộn. Phải tự mình mày mò tất cả. Cũng không đốt cháy giai đoạn bằng scandal hay những chiêu trò. Tôi có một thời học sinh, sinh viên mông lung lắm, chưa hiểu nổi mình thích làm gì. Hay nói cách khác là làm cái gì cũng được.

Mẹ tôi sợ tôi theo con đường nghệ thuật thì không có tương lai. Việt Nam không như Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc…, nền điện ảnh, ca nhạc chưa phát triển. Mẹ bảo, mình hát hay thì người ta biết vậy, mình đóng phim ấn tượng thì người ta cũng chỉ biết thế mà thôi. Bao nhiêu tấm gương nghệ sỹ cuối đời khổ. Con chỉ nên chơi vui thôi, không khuyến khích đi chuyên nghiệp.

Nghe mẹ nói, tôi thấy đúng nên quyết định thi trường Đại học Mỏ  - Địa chất. Nhưng như tôi nói ở trên, quãng thời gian đó tôi vẫn chưa biết mình muốn làm gì, thích cái gì. Bao nhiêu thời gian bạn bè lo học hành là bấy nhiêu thời gian tôi đi học nhạc ở bên ngoài. Rồi tôi hay tham gia các chương trình văn nghệ của trường. Rồi từ đó không hát không chịu được.

Tôi còn nhớ cảm xúc lần đầu tiên tôi cầm micro hát trên sân khấu là vào năm  1997 trong chương trình chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Lúc đó tôi học lớp 11.  Tôi chọn ca khúc "Người Hà Nội" để hát. Năm đó, ca khúc này do anh Thanh Sự hát và giành giải đặc biệt của Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc (chính là cuộc thi âm nhạc "Sao Mai" bây giờ).

Lúc đó tôi hát lại ca khúc này, tôi biết chẳng đúng kĩ thuật gì đâu nhưng tôi nhận được rất nhiều hoa cũng như những tràng pháo tay không ngớt của thầy cô, bạn bè. Cô hiệu trưởng bảo tôi hát xuất thần, khiến ai cũng nổi cả da gà.

- Lần đầu tiên bao giờ cũng đẹp, thậm chí là duy nhất? 

+ Cho đến bây giờ, khi nghĩ về kỷ niệm ấy, tôi vẫn còn bồi hồi. Đó là lần đầu tiên, tôi đứng trước đám đông. Chân đi giày và cảm giác mình co rúm lại vì run quá. Lưng mồ hôi nước chảy long tong. Mới hát mấy câu thì ở dưới vỗ tay ầm ầm.  Bây giờ, tôi vẫn chưa thể nào tìm lại được kiểu giọng hồi ấy. Chẳng hiểu mình đã hát như thế nào.

Cảm giác được bao nhiêu người tặng hoa, vỗ tay cứ khiến tôi bị ám ảnh mãi. Lần đầu tiên lên sân khấu cũng là lần chạm vào điểm thăng hoa. Bây giờ, tôi hát trong tâm thái khác. Khi mình theo con đường chuyên nghiệp, người sẽ đánh giá mình đủ độ chuyên nghiệp chưa. Thành ra, mình hát phải hát cho đủ độ.

Trước hết, phải hát đúng, hát không sai cái đã, sau mới nói đến chuyện hay. Hồi xưa, hát sai, ngắt nghỉ các quãng không đúng nhưng hay. Bây giờ, bị ảnh hưởng bởi nhạc lí sau đó mới đưa cảm xúc vào nên cảm xúc đến trong câu hát chậm hơn.

Ngày xưa, vào hát là hát. Hát đến đâu, cảm xúc tuôn chảy tới đó.Nhưng về lâu dài, để chinh phục khán giả, phải là yếu tố cảm xúc. Có đi hát rồi bạn mới hiểu, khi chạm vào điểm thăng hoa, cảm xúc như thế nào. Khó tả lắm! Có những ca sỹ, họ theo đuổi con đường này không phải vì muốn nổi tiếng mà cũng chỉ vì ba chữ "điểm thăng hoa" ấy mà thôi.   

- Tôi thấy anh vào nghề này muộn. Lại cứ thong thả đi, chẳng vội vàng gì. Đã thế, lại chọn một tông nhạc "hơi già" để trình diện mình (nhạc trữ tình - PV). Xin hỏi, sao anh không chọn nhạc trẻ để đi, đối tượng khán giả của anh sẽ đông đảo hơn đấy?

+ Với Phúc Lâm, âm nhạc không có giới hạn. Nó là cái gì bất hủ, thậm chí quay vòng. Thật ra, trời cho mình giọng hát là may mắn rồi nhưng không có nghĩa giọng nào cũng hát được tất cả các thể loại. Mình phải biết mình hợp với cái gì.

Và nói cho cùng, giọng hát cũng như một loại nhạc cụ mà thôi.  Những người khác có "cuống họng" hợp với những ca khúc nhạc trẻ, vui vẻ, sôi động thì họ hát. Có những người có "cuống họng" giống như nhạc cụ dân gian, chỉ hát bài phù hợp thôi. Còn tôi, đó là chất giọng trữ tình, hợp với nhẹ nhàng, buồn. Đừng rạch ròi giữa nhạc trẻ và nhạc lớn tuổi.

Nhạc nào cũng có giá trị của nó. Mỗi người có một sở thích riêng. Nghệ sỹ phải biết xác định đối tượng khán giả của mình là ai. Mình đừng vơ đũa cả nắm. Khó lắm. Tôi không dám chinh phục toàn bộ khán giả là vì thế. Sự cầu toàn đôi khi cần thiết nhưng có lúc đừng cầu toàn quá.

Với lại, những ca khúc trữ tình vẫn còn được tiếp tục mà. Đó là những bản nhạc xưa nhưng được hát với tinh thần mới, phối khí mới; thì sẽ là bài mới. Không thể nói là mình sợ mình cũ được. Và tôi sẽ hát những bài mà mình thấy thoải mái nhất.

Còn sự nổi tiếng, tôi không vội. Cái gì đến tự khắc sẽ đến. Tôi không phải kiểu người bằng mọi cách để nổi tiếng. Tôi thích cố gắng để hoàn thiện cá nhân mình hơn. Không cố gắng hơn thua với ai cả.

- Anh được đánh giá sở hữu một chất giọng đẹp, trầm, truyền cảm nhưng hơi buồn. Hát mãi những bài hát buồn, anh không sợ nó vận vào người ư? Anh có tin vào duyên phận không?

+ Âm nhạc cũng giống như duyên phận. Hát mãi sẽ vận vào người. Nhưng biết sao được, trong cuộc sống này, buồn luôn nhiều hơn vui. Và cảm xúc buồn cũng thường trực hơn là vui. Người ta hay tìm niềm vui chứ ai tìm nỗi buồn đâu. Buồn tự đến. Và "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn". Tôi chưa thấy ai bỏ tiền ra mua buồn cả. Chỉ bỏ tiền để mua vui thôi. Và cũng không có ai nâng chén tiêu vui. Chỉ có "nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu thêm".

Những ca khúc đó là do tôi chọn cơ mà. Quyền lựa chọn ở mình. Mình sợ điều gì đây? Trong âm nhạc, mình đưa vào đó những thứ cảm xúc sầu buồn đó nhưng mình sẽ cố gắng vui vẻ trong cuộc sống hằng ngày chứ.

- Anh nói rằng, anh chọn "Phúc Lâm" làm nghệ danh vì nghe hiền hiền, nhẹ nhàng. Nhưng nghệ sỹ thì nên cá tính một chút sẽ dễ gây ấn tượng hơn chứ?  

+ Nghệ danh không cần hoành tráng quá. Tôi vốn là người có cá tính và cái Tôi rất lớn rồi. Cái Tôi, cá tính ấy nên để dành cho những giây phút trên sân khấu. Ở ngoài đời, mình sống nhẹ nhàng, bình thường như người khác thôi. Là người đã đi qua nhiều năm tháng thăng trầm, tôi nhận thấy hơn thua cũng chẳng để làm gì. Bởi nó sẽ không đưa mình đến đâu cả. Quan trọng nhất là khán giả có yêu thương mình hay không. 

- Cảm ơn anh!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.