Ca sĩ Xuân Nghi: “Đủ lớn để xác định được chỗ đứng của mình ở đâu”

Thứ Ba, 10/09/2019, 15:04
Cùng với Xuân Mai, “bé” Xuân Nghi là hiện tượng của sân khấu ca nhạc dành cho thiếu nhi một thời. Trở về nước hoạt động âm nhạc khi hào quang cũ đã mờ nhạt, Xuân Nghi đang học hỏi, phấn đấu mỗi ngày để trình diện một hình ảnh tiếp nối của bé Xuân Nghi ngày xưa nhưng trưởng thành, tự tin và cá tính hơn.


Biết ơn "bé" Xuân Nghi

- Ngày xưa nổi tiếng như thế, không ở trong nước để tận dụng danh tiếng, bây giờ, khi cái tên Xuân Nghi không còn hấp dẫn như xưa, bạn lại quyết định trở lại Việt Nam để phát triển sự nghiệp?

+ Lúc còn học cấp ba tôi có diễn cùng một ban nhạc Rock và thường xuyên đi hát quanh bang California (Mỹ). Hết cấp ba, vào đại học tôi học về chuyên ngành sản xuất nên gần như 5 năm nay, tôi không cầm micro. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm tại một công ty tổ chức biểu diễn ở Mỹ trong nửa năm. Làm công việc đứng sau sân khấu, nhìn nghệ sĩ khác lên biểu diễn, tôi cảm thấy chạnh lòng. Tôi nghĩ đam mê hát của mình vẫn còn quá lớn. Nếu tôi không trở về Việt Nam bây giờ thì sau này khó còn cơ hội và sẽ phải hối hận. Trước khi về nước, trong nửa năm qua, tối nào tôi cũng ngồi viết nhạc. Mặt khác, ba mẹ luôn muốn tôi trở về để hoạt động âm nhạc. Đó là lý do sau khi tốt nghiệp và đi làm một thời gian, tôi quyết định về nước tiếp tục hoạt động nghệ thuật.

- Khi nói thế, cũng phần nào thừa nhận Xuân Nghi không “đọ” được với các bạn nước ngoài nên mới quay về?

+ Tôi đủ lớn để xác định được chỗ đứng của mình ở đâu. Ở Mỹ, tôi có một công việc tương đối tốt, với mức lương đủ sống nhưng không có tương lai. Ở một đất nước như Mỹ, một người châu Á, là dân nhập cư, lại là phụ nữ sẽ phải chịu đủ thiệt thòi. Còn khi về Việt Nam, dù bắt đầu lại không tránh khỏi khó khăn, nhưng tôi nghĩ mình vẫn có nhiều thuận lợi hơn các ca sĩ khác.

Ca sĩ Xuân Nghi.

- Trở về Việt Nam hoạt động âm nhạc, Xuân Nghi có bị áp lực bởi chính chiếc bóng của chính mình để lại hay không?

+ Tôi không nghĩ mình bị áp lực, mà trái lại, có cảm giác may mắn và biết ơn nhiều hơn. Những gì đã qua, những gì đã có là tài sản lớn nhất, để Xuân Nghi bắt đầu lại từ đầu nhưng không phải bắt đầu từ con số không. Khán giả cũng dõi theo bước chân của mình và lớn lên cùng mình. Khi trở về, với sản phẩm đầu tiên đánh dấu sự trở lại là “Summer night”, Xuân Nghi “lớn” được mọi người đón nhận. Tôi biết ơn hình ảnh Xuân Nghi thời bé.

 - Khi trở về, bạn có trở về trong tâm thế của một người đã từng rất nổi tiếng hay không?

+ Khi sang Mỹ, mọi người bên đó không biết Xuân Nghi là ai. Cuộc sống, học hành cuốn đi, cũng không có nhiều thời gian để nhớ nhung quá khứ. Bây giờ trưởng thành rồi, điều đó càng không còn quan trọng nữa. Ai nhận ra thì vui, rất cảm ơn, còn nếu không, cũng không vì thế mà buồn. Cuộc sống bên đó dạy cho tôi phải thế.

- Tôi tò mò không biết, với bạn, giá trị trưởng thành nằm ở đâu?

+ Tôi nghĩ trước hết là lối sống, cách suy nghĩ của mình. Hai là, cách nhìn nhận về âm nhạc. Âm nhạc giờ đây không đơn thuần là âm nhạc nữa. Nó không chỉ là đam mê mà còn mở ra cho tôi nhiều cơ hội, cánh cửa khác nữa. Chẳng hạn như sản xuất âm nhạc, viết nhạc, kinh doanh âm nhạc… Tôi muốn làm nghệ sĩ chứ không phải ngôi sao. Đó là điều may mắn, để giờ Nghi hiểu nơi mình thuộc về, mình muốn làm gì?

- Xuân Nghi cũng từng là một ngôi sao "nhí", bên cạnh Xuân Mai đó thôi. Nghệ sĩ và ngôi sao khác nhau như thế nào?

+ Để trở thành ngôi sao có nhiều yếu tố, ngoài giọng hát, âm nhạc, còn có cả một công nghệ lăng xê phía sau… Công nghệ thời nay cũng khác ngày xưa lắm, không so được. Với Xuân Nghi bây giờ, tôi muốn làm nhạc, muốn chơi nhạc đúng nghĩa. Những việc truyền thông xung quanh, tôi không muốn nhúng tay vào. Vì thế, trở về lần này, ngoài việc nghiên cứu thị trường âm nhạc Việt Nam, tôi cũng đang đi học thanh nhạc, vũ đạo… để có thể bắt kịp không khí âm nhạc trong nước.

- Tôi tưởng Xuân Nghi về nước nổi tiếng sẵn, lại được học về nhạc ở Mỹ, hoàn toàn đủ điều kiện để có thể “ăn đứt” không ít những tên nổi tiếng sau một đêm... ở ta hiện nay?

 + Học là một chuyện, thực hành lại là chuyện rất khác nữa. Tôi sẽ cố gắng áp dụng những gì được học vào nhưng không thể áp dụng 100% vì hai thị trường rất khác. Riêng cách làm việc với báo chí, truyền thông xã hội cũng hoàn toàn khác rồi, chưa nói những yếu tố khác nữa. Mà những người nổi tiếng đó, không phải tự dưng đâu. Họ cũng đầu tư nhiều lắm. Giờ đây, ngoài chất giọng, còn những thứ khác nữa như vũ đạo, lăng xê… 

Với Xuân Nghi, trở về Việt Nam là quyết định đúng đắn.

Mong muốn là một người truyền cảm hứng

- Một nhạc sĩ từng nói với tôi, ở Việt Nam hiện nay, nhiều bạn được gọi là ca sĩ nhưng lại không biết nhạc lí. Là một người trở về từ nước ngoài, tôi muốn hỏi góc nhìn của Xuân Nghi…

+ Âm nhạc thú vị hay ho và đặc biệt ở chỗ nó có thể hòa nhập, gắn kết mọi người lại với nhau, từ khán giả cho tới ca sĩ. Có nhiều người may mắn được đi học, họ được hiểu biết một cách bài bản, nền tảng rất tốt để bước vào nghề; nhưng có những người có cảm giác về nhạc cũng rất tốt. Hai dạng này thường kết hợp với nhau để tạo ra sản phẩm tốt. Tôi không hề coi thường những người không biết nhạc lí. Thậm chí, những người “nhảy” vào làm nhạc với một đầu “tươi mới”, đôi khi còn tốt hơn những người được học hành bài bản khác. Còn khi cảm nhận âm nhạc với cương vị người nghe, không nhất thiết phải biết đến công thức, luật đâu. Tôi nghĩ, biết thì tốt nhưng không biết cũng chẳng sao cả. Âm nhạc cũng rộng lớn, nhiều phương diện lắm. 

- Xuân Nghi vừa nhắc đến công nghệ lăng xê. Ở Việt Nam, có những trường hợp, đó là yếu tố quyết định đến sự thành công của một ca sĩ. Bạn thấy công nghệ đó ở Mỹ và Việt Nam khác nhau ra sao?

+ Công nghệ lăng xê là một ván bài kinh doanh. Khi nói vậy, không có nghĩa tôi cho rằng, công nghệ đó chỉ chăm chăm kiếm tiền, mà có những trường hợp, nó có cống hiến vào thị trường âm nhạc một làn gió, một vị âm nhạc khác. Với cương vị là một người sản xuất, đó là một yếu tố tốt. Bây giờ một nghệ sĩ có nhiều thứ, mà thiếu công nghệ lăng xê cũng sẽ rất thua thiệt. Công nghệ đó giúp nghệ sĩ đi lên trở thành một ngôi sao.

- Nhưng có lẽ, nó chỉ tốt khi đó là một người có nội hàm. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của âm nhạc Việt Nam thì thấy, công nghệ đó đang tạo ta những chiếc “vỏ” đẹp, hào nhoáng, thức thời nhưng rỗng ruột?

+ Khó nói lắm. Tôi nghĩ, mỗi người đều có mục tiêu riêng của mình. Với khán giả bình thường, khi họ nhìn ngôi sao đó, chỉ thấy ngôi sao đó thôi. Còn Nghi, Nghi nhìn thấy đằng sau đó là một đội ngũ rất mạnh. Tôi tìm thấy những điều mình có thể học hỏi từ những người đó, thậm chí hơn người đang đứng trên sân khấu kia. Rõ ràng, nhiều người viết nhạc rất hay nhưng họ thiếu một hình ảnh bắt mắt, “ăn nhập” với thị hiếu công chúng nên nhờ những ngôi sao kia để đi lên. Đó là một kiểu cộng sinh mà hai bên đều có lợi. Nếu hợp tác đó có thể đem đến một thứ âm nhạc tốt cho khán giả, tại sao phải phản kháng?

- 25 tuổi, Xuân Nghi nghĩ gì về sự nổi tiếng?

+ Tôi nghĩ nó là một phần quà của mỗi người. Nhưng có một điều quan trọng hơn, đó là ta dùng sự nổi tiếng đó để làm gì và thái độ đối với sự nổi tiếng đó như thế nào. Nếu nổi tiếng mà thái độ chảnh chọe, thiếu tôn trọng người khác thì không được. Sự nổi tiếng nên mang lại một giá trị nào đó, chẳng hạn, có sức ảnh hưởng, truyền đi những việc làm tốt, hoặc năng lượng tích cực. Nghi cũng muốn làm một người ảnh hưởng để truyền tải thông điệp về âm nhạc. Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ đổ xô đi học nhạc để thành ca sĩ nhưng họ không biết rằng, âm nhạc còn rất nhiều điều thú vị khác.

- Cảm ơn Xuân Nghi về cuộc trò chuyện!

Cốc Vũ (thực hiện)
.
.
.