Ca sĩ Thanh Lam: “Với tôi, không có gì lãng mạn và hạnh phúc hơn là được hát”

Thứ Bảy, 25/01/2020, 15:57
Tết với Thanh Lam là những khoảnh khắc tĩnh lặng quý giá bên gia đình và những người thân yêu. Chị luôn biết ơn cuộc sống đã cho mình niềm hạnh phúc đó. Và chị cũng đủ từng trải để nhận diện niềm vui, nỗi buồn để không còn bị chi phối bởi nó.


Hơn một năm qua, Thanh Lam thử nghiệm với đam mê mới của mình là ẩm thực. Bếp của Lam, sau hành trình một năm như thế nào?

Khi tôi đến với đạo Phật, tôi hiểu mọi điều xảy ra trong cuộc sống đều có lý do của nó. Khi tôi thử mình trong tất cả công việc khác, tôi thấy trong mỗi công việc, nếu chúng ta đi đến tận cùng hoài bão đều có một vẻ đẹp và sức hút mãnh liệt. Tất cả các ngành nghề đều cần sự sáng tạo và cái sự “điên” đó chính là khao khát muốn làm tốt nhất, chạm đến đỉnh điểm trong ngành của mình. Bếp đã mang lại cho tôi trải nghiệm ý nghĩa đó.

Có vẻ như Thanh Lam của hôm nay đã khác rất nhiều Thanh Lam của ngày xưa, điềm đạm hơn, chín chắn hơn. Điều gì khiến chị thay đổi?

Trước tiên tôi là người nghiêm khắc với chính mình. Con người khi cha mẹ sinh ra có một số vốn nhất định, chúng ta hãy khai thác triệt để nó. Đến tuổi này rồi, tôi vẫn thấy có quá nhiều điều kiện để rèn luyện, phát triển bản thân. Trong lợi có hại, trong hại có lợi, biến cố của cuộc sống là người thầy của mình. Mọi người nhìn thấy sự khác của tôi, đó chính là thành tựu. Cô đơn, đôi khi là một nghịch cảnh, quan trọng nhất là ta đối diện với nó như thế nào, với tôi nó luôn là cơ hội để tôi hoàn thiện mình.

Nhiều người cho rằng, Thanh Lam chưa bao giờ ngừng yêu. Chị là một người tràn đầy năng lượng trong tình yêu. Chị nuôi dưỡng tâm hồn yêu đó như thế nào?

Tôi có một người thầy trong con đường đạo của mình. Có lần tôi hỏi thầy rằng, trong tình yêu, hạnh phúc quá mong manh và đau khổ luôn ở phía trước, nếu con muốn diệt “ái” có được không thầy. Thầy bảo rằng tùy duyên bất biến, hãy thả lỏng mình như dòng nước, mềm mại như chính mình, để mọi thứ tự nhiên, nếu cần tình yêu cứ yêu thôi. Tuyệt vời nhất là ta có một người bạn tri kỷ, họ lớn hơn mình về mọi mặt để nương tựa vào nhau. Tôi nghĩ nương tựa là đòn bẫy của cuộc sống vì trong cuộc sống chúng ta luôn cần nhau. Điều đáng buồn là người đàn ông và đàn bà hôm nay không cần nhau nhiều nữa.

Chị là người đàn bà đẹp. Bí quyết nào giúp chị giữ được nhan sắc không tuổi đó?

Một người phụ nữ thông minh nên biết cách làm cho mình đẹp lên. Nhan sắc là vốn trời cho và nên được bảo vệ bởi công nghệ hiện đại. Điều đó rất tốt cho người phụ nữ trùng tu được cái vốn mà mình có, giống như ngôi nhà luôn phải chăm sóc nhưng không được làm cho mình khác đi.

Nhưng tôi nghĩ vẻ đẹp còn toát ra từ sự lãng mạn của trí tuệ chứ không phải chỉ bên ngoài. Nhiều phụ nữ chỉ đẹp không, khi về già trông họ thương lắm, giống như ngôi nhà bị cũ đi không có người ở trong đó, lạnh lẽo lắm. 

Tôi phát hiện ra, mỗi thời khắc của người phụ nữ đều có vẻ đẹp riêng. Ở tuổi này, vẻ đẹp không nằm ở làn da căng hay bộ quần áo mà đó là vẻ đẹp tổng thể của thời gian, nghị lực sống, từ những giá trị nhân văn toát ra trong tâm hồn mình.

Chị có nghĩ mình đã lên tới một đỉnh cao trong cuộc đời, cảm giác đó như thế nào?

Tôi vẫn luôn nỗ lực để sống tốt nhất trong hiện tại của mình. Tôi không quan niệm mình đã bước lên đỉnh cao nào cả. Khi biết về cuộc sống, tất cả trí tuệ của chúng ta đều là trí tuệ giới hạn, vẫn còn cơ hội hoàn thiện hơn. Với tôi, không có gì hạnh phúc và lãng mạn hơn là được hát. Tôi được cuộc đời cho quá nhiều, được sinh ra trong một gia đình nhà nòi, định mệnh cho một nhận thức tốt để hoàn thiện kiếp người của mình. Các con tôi cũng được thừa hưởng những ưu điểm của cha mẹ, đó là hạnh phúc để sống từng ngày tiếp theo tốt hơn nữa. 

Nhưng trong nghệ thuật, tôi luôn tự chán mình. Nghệ thuật Việt Nam bị hạn chế bởi nhu cầu của người nghe. Họ nghe tôi bằng định kiến của mình. Tại sao không cho nghệ sĩ những cơ hội đột phá, tôi nghĩ mình có thể làm hơn được nữa. Trong sáng tạo có những cái vô lý và những cái hợp lý. Khán giả sao không mở rộng trái tim đón nhận sự sáng tạo của người nghệ sĩ, nhìn thấy khát vọng đổi thay của họ. Quá đáng yêu chứ. Chúng ta đừng nghe theo định kiến, hãy cho các nghệ sĩ cơ hội tự xóa bỏ mình, trong nhiều cái vô lý ta sẽ tìm thấy cái tinh túy của sự hợp lý.

Một năm mới đang đến, nhiều năm nay chị đón Tết một mình, chị có buồn không?

Ở tuổi này, tôi nhận diện được niềm vui, nổi buồn và không bị chi phối bởi nó nữa. Tôi là một nghệ sĩ, niềm vui có thể cao lên, nỗi buồn có thể sâu xuống. Tôi nhận diện hoàn cảnh sống của mình. Điều đó thực sự ý nghĩa. Ngày tết tôi có nhiều thời gian gần các con, có những buổi tối ngồi một mình đọc sách, tập thể thao, thiền, đối thoại với tâm của mình. Tôi thấy thoải mái và dễ chịu.

Chị có kỷ niệm đáng nhớ nào về thời trẻ chạy sô ngày Tết?

Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên, ngày đó mới hơn 20 tuổi, tôi và anh Quốc Trung chơi nhạc cho một club vào đêm 30 tết. Quốc Trung chơi organ còn tôi hát một mình mười mấy bài. Cảm giác hát xong, khi đi trên con đường về nhà, xác pháo nổ đỏ hết cả đường. Về đến nhà đã qua giao thừa. Nếu là một người tiêu cực sẽ buồn, nhưng tôi thấy rất lãng mạn.

Những ngày Tết chị thường làm gì?

Tôi là người yêu ẩm thực, ngày Tết tôi thích nấu những món ăn cổ truyền cho cả gia đình, có lúc cũng giống Thanh Lam khi hát thôi, những món ăn đầy ngẫu hứng. Cả nhà và bạn bè đều thích nhất món cá chép om dưa do tôi nấu.

Tết bây giờ nhiều gia đình có xu hướng đi du lịch. Còn chị thì sao?

Tôi sợ tắc đường, những ngày gần Tết, tất cả con phố ở Hà Nội cứ đông nghịt, mọi người tất bật trên đường, chỉ có chiều 29 và ngày 30 Tết Hà Nội mới vắng lặng, đó là những ngày đẹp nhất của Hà Nội, tôi muốn tận hưởng những khoảng khắc yên bình đó chứ không đi du lịch. Sau giao thừa  tôi thường đi lễ chùa. Những thời khắc một mình rất ý nghĩa để cho ta bình tâm trở lại, suy ngẫm và biết trân quý hơn những lúc được ở bên gia đình, người thân.

Chị nhớ gì về những mùa Tết đi qua?

Mỗi mùa Tết đi qua đều có vẻ lãng mạn riêng, lúc nhỏ, những ngày tết, còn ba, mẹ hay giao cho ba nhiệm vụ xông đất, giao thừa ba đi ra ngoài rồi trở về mừng tuổi cho hai chị em và cầm theo cành lộc mùa xuân, đó là thời khắc tuyệt đẹp của cuộc sống. Những năm gần đầy, Tết không còn ba, cả gia đình thường lên mộ thắp hương cho ông.

Vậy Tết trong ký ức của cô bé Thanh Lam ngày xưa như thế nào?

Lúc nhỏ tôi vẫn nhớ trẻ con đứa nào cũng được phát một đống lá dong đi rửa và phụ mẹ gói bánh chưng, gói xong ngồi quay quần bên nồi bánh chưng, chờ bánh chín và vớt ra, có lần ăn không biết no, em bé có năng khiếu ẩm thực là tôi đã bị bội thực bánh chưng. Tết ngày xưa nghèo nhưng vui, mỗi lần ăn chiếc bánh chưng tự mình làm, tôi có cảm giác mình đang ăn cả giá rét của việc đi rửa lá dong, vo gạo nếp, tôi cảm nhận trong đó không chỉ bánh chưng của gạo hay đỗ xanh mà là những khoảng khắc sống của mình, đó là kỷ niệm tuyệt vời của tuổi thơ.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị, chúc chị một năm mới bình an.

Thủy Phạm (thực hiện)
.
.
.