Ca sĩ Thanh Lam Tôi xứng đáng được yêu
Thanh Lam lúc đầu khiến tôi có cảm giác khó gần, nhưng khi trò chuyện, chị lại rất chân tình và thẳng thắn trước mọi vấn đề trong cuộc sống. Một người đàn bà đẹp, có tri thức và từ tâm với nghề khiến những lùm xùm về chị trở nên bé nhỏ và dễ bỏ qua... Và chị luôn kiêu hãnh khi sống trong cuộc đời này.
- Mẹ chị đang rất buồn vì bài báo đưa thông tin sai về chị và gia đình. Còn chị thì sao?
- Tôi chỉ nói với mẹ một câu rằng, cuộc sống của con đang yên ổn. Mẹ tôi đã bị sốc và trốn luôn cả tôi không dám nghe điện thoại. Bà rất buồn và bị tổn thương. Một người già mà cũng không được yên. Bài báo hoàn toàn sai sự thật.
Tôi chỉ muốn nói rằng, các nhà báo, hãy đặt cái tâm của mình lên trên, đừng làm báo ăn xổi, câu view như thế. Quá khứ đã ngủ yên và tôi đã có một cuộc sống khác. Tôi luôn luôn trân trọng quá khứ và sống trong cuộc đời với cái tâm sáng nhất của mình. Nên không có gì phải ân hận.
- Nhiều người không hiểu vì sao chị tham gia làm giám khảo Đồ Rê Mí mà không phải là một chương trình đang hot như The Voice chẳng hạn?
- Cuộc thi Đồ Rê Mí là một cuộc thi của thiếu nhi đã nhiều năm nay, có uy tín, hơn nữa tôi là người rất yêu trẻ con và mong muốn đóng góp cho các cháu nhỏ thẩm mỹ về âm nhạc. Các bé là những lớp người mới trong xã hội cũng như trong nền âm nhạc Việt Nam.
Khi tham gia Đồ Rê Mí tôi thấy để tìm kiếm một nhân tài ngay từ nhỏ rất là khó, không hề đơn giản, trong cuộc chơi này, ta cũng phải định hướng thẩm mỹ, giáo dục thẩm mỹ cho các cháu. Nếu mang tính thị trường nhiều quá sẽ hỏng hết, hỏng đầu tiên là sự hồn nhiên của trẻ thơ.
- Chị từ chối tham gia The Voice vì không muốn chạm mặt Đàm Vĩnh Hưng sau những lời nói thẳng thắn của chị với báo chí về nghệ thuật, nhất là với chương trình The Voice?
- Việc tôi không tham gia The Voice không hề liên quan đến Đàm Vĩnh Hưng mà vì chương trình này có những tiêu chí chưa thực sự phù hợp với con đường của tôi.
Cho dù thế nào tôi vẫn tôn trọng sự nghiệp của Đàm Vĩnh Hưng và Hà Hồ, 2 bạn ấy là đỉnh cao của con đường họ chọn. Đàm Vĩnh Hưng đã đạt tới đỉnh cao của dòng bình dân, “ông vua” của sự bình dân. Còn Hồ Ngọc Hà, cô ấy đã đạt đến đỉnh cao của dòng nhạc thị trường và giải trí.
Nhưng tôi thấy rất đáng lo khi chúng ta sẽ đào tạo ra một lớp người nghĩ rằng âm nhạc là một thứ để chơi, không cần học, không cần được đào tạo. Tâm huyết và ngu ngốc là đáng sợ nhất. Bởi chúng ta sẽ có những bản sao giống như vậy nhưng lại mờ nhạt hơn thì sẽ sinh ra một lớp người rất bệnh hoạn - bệnh hoạn về tư duy sống, chứ không phải là bệnh hoạn về âm nhạc, đấy mới là cái chúng ta đang lo.
Hình như chương trình truyền hình thực tế bây giờ chỉ yêu cầu những giọng hát phù hợp với thị hiếu chứ không cần được đào tạo. Họ không nghĩ rằng, vô tình, hay cố ý, họ đã tạo nên một xu hướng sống lệch lạc cho giới trẻ trong quan điểm thẩm mỹ. Điều này rất đáng lo ngại. Tôi có thể không tham gia những chương trình mang tính lợi nhuận cao, nhưng tôi sẵn sàng tham gia những chương trình nhà nước với tình yêu trẻ. Bởi lớp trẻ là nền móng của sự văn minh của xã hội.
- Sao chị không cho các con tham gia các cuộc thi âm nhạc này?
- Tôi nghĩ rằng con mình không phải cứ sinh ra trong gia đình âm nhạc thì đã có khả năng đặc biệt. Nghệ thuật không có nghĩa là bố mẹ hát thì con cũng phải hát, phải nối nghiệp rồi hát hay hơn cả bố mẹ.
Nghệ thuật rất khó. Tôi muốn hướng cho các cháu đi theo đúng khả năng của mình. Nhiều bậc phụ huynh hiện nay có những hoang tưởng về con cái của mình. Như ngày xưa, bố mẹ tôi bắt tôi học đàn chứ không bao giờ nghĩ tôi có thể hát. Nếu tôi không phải là người cá tính, không quyết liệt thì không bao giờ chọn được nghề mình mong muốn. Rút kinh nghiệm, tôi không bao giờ ép con làm những điều chúng không mong muốn.
- Chị quá bận rộn, lại không sống cùng các con. Chị có nghĩ mình là một người mẹ tốt?
- Hà Nội bé xíu mà, chúng tôi vẫn gặp nhau thường xuyên. Cô con gái đầu khi đi hát karaoke với mẹ thì hát hay, nhưng không khi nào dám thể hiện trước mặt mẹ. Nó rất xinh xắn, cao ráo, chơi piano rất hay nhưng không thích đi theo con đường này.
Cô bé thứ hai, bé Thiện Thanh, để nói là có khả năng đặc biệt thì chưa thấy. Còn Đăng Quang là đứa có khả năng nhất trong 3 đứa. Nhưng tôi cũng chưa thích các cuộc thi đó để cho bé tham gia. Nó chẳng có gì đặc biệt.
- Năm nào cũng thấy Thanh Lam bùng nổ với những dự án. Năm nay, chị có vẻ im lặng vậy?
- Tôi đang làm CD mới với anh Quốc Trung và hoàn thành album với Tùng Dương. Tôi luôn muốn tìm ra những sáng tạo trong con đường nghệ thuật. Tìm tòi những điều gì đó vượt qua chính bản thân mình, đó là tiêu chí của tôi.
Trong album mới sẽ có những tác phẩm mới của nhạc sĩ chỉ viết đặc biệt dành riêng cho CD của Lưu Thiên Hương, nhạc sĩ Hoài An, Quốc Trung. Còn sự kết hợp với Tùng Dương sẽ có những điều mới vì Tùng Dương và Quốc Trung là hai con người luôn có sự vận động trong đó. Đây sẽ là một CD đặc biệt với nhạc sĩ Lê Phi Phi và Trần Mạnh Hùng và hát cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Và sẽ hát nhạc xưa.
- Lại nhạc xưa. Tại sao cứ quanh quẩn với những bản nhạc xưa. Rõ ràng chúng ta đang có một đời sống âm nhạc đương đại, mà chị là một trong những ca sĩ làm nên những dấu ấn. Một người luôn phá cách, nổi loạn như chị có thấy bế tắc?
- Cái khó của người nghệ sĩ là phải đem đến cho khán giả những bài hát mới tinh, công chúng Việt Nam thì nghe nhạc theo thói quen đó cũng chính là áp lực rất lớn đối với nghệ sĩ.
Tôi từng tham gia những chương trình với anh Quốc Trung, hát những tác phẩm mới, nhưng rất khó để lôi kéo người nghe. Nhưng làm bài hát quen thuộc thì lại rất dễ có khách. Điều đó thật đáng lo ngại!
Tôi thì quen rồi, còn anh Quốc Trung không phải va chạm nhiều nên chưa hiểu. Mình phải thông minh, từ từ thả vào những giọt sáng tạo, không thể nào giội một cơn mưa ào xuống chết hết cây cỏ được. Tôi vẫn nói với anh ấy như thế.
Anh Quốc Trung cần tham gia những cuộc thi như thế này để biết được xã hội hiện nay họ thích cái gì. Khi tôi muốn “lừa” ai thích thì tôi phải bán cho họ 40% thứ họ thích, 60% là mình “gài” vào, chứ không thể bán cho họ 100% cái tôi thích.
Dễ thương khi làm giám khảo “Đồ Rê Mí”. |
- Nhiều người không thích cách chị hát nhạc xưa, nhiều biến tấu hoa mỹ quá, họ thích cái gì đó mộc hơn và giản dị hơn.
- Tôi mong muốn, dù là những tác phẩm kinh điển thì sản phẩm của mình cũng không phải là những bản photocopy. Tại sao mình lại phải hát nhạc xưa với sự định kiến, bắt buộc phải theo khuôn mẫu. Bất kỳ bản nhạc nào, thời điểm nào, vị trí nào, tôi đều muốn nó có một nét gì đó là biểu cảm của mình. Tất nhiên phải cân bằng nhu cầu của người nghe với mong muốn sáng tạo.
Người nghệ sĩ đáng thương ở chỗ, luôn muốn sáng tạo, không muốn giống của người nào cả. Không phải mình cố tình hát khác. Bản nhạc đó khi vào mình, nó được nhào ra như vậy, chứ không buộc phải làm điều kì dị để tạo ra sự khác biệt. Tôi luôn hát bằng trái tim, tri thức riêng của mình nên nó luôn luôn khác với người khác.
Thanh Lam của 2013 phải khác so với người phụ nữ hát nhạc xưa của những thập niên 60 chứ. Nghệ thuật luôn luôn phải được sáng tạo. Chỉ có thể là chưa đúng thị hiếu hay thói quen của đám đông. Người nghệ sĩ khi sáng tạo nghệ thuật luôn chấp nhận mặt trái.
Vì thế trong cuộc sống khi mình lựa chọn cũng phải chấp nhận cái giá: sẽ đi một con đường khó khăn hơn. Tôi là người dám làm, dám vượt qua dư luận. Nghệ sĩ cần một chút gàn để thành công.
- Chị đã ở trên đỉnh cao, chị có bao giờ hối tiếc điều gì không?
- Tất nhiên con người luôn có những ước vọng, những khao khát, những nuối tiếc. Thế nhưng, khi trải qua những thử thách cuộc sống, tôi thấy việc được - mất trong cuộc đời rất đúng, chẳng ai có hết và cũng không ai mất hết. Nếu phải đánh đổi để có những thứ mình đã đạt được thì tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc.
- Chị đến với đạo Phật từ khi nào vậy, phải chăng vì cuộc sống riêng quá nhiều nỗi bất an?
- Tôi đi khá nhiều. Nhưng không phải là bất an thì mình mới theo, mà đấy là cái duyên. Hồi xưa khi cuộc sống bất an, tôi cứ tưởng rằng khi vào chùa, đi lễ rồi cầu xin là được, nhưng không phải như vậy. Những khó khăn trong cuộc sống mình vẫn phải trải qua để trả hết nghiệp của kiếp trước. Hiểu được điều đó, mình không còn sợ những khó khăn nữa.
Buổi sáng thức dậy, tôi cầu nguyện: Con xin nguyện là con sẽ làm những điều tốt cho chúng sinh. Chưa chắc là mình đã làm được hết nhưng đó là mong muốn của mình, là một cách sống rất nhân văn. Nếu có duyên sớm hơn với Phật giáo thì tôi đã biết quý hơn tuổi trẻ của mình. Lúc còn tuổi trẻ, đã có lúc mình không biết trân quý cuộc sống.
- Hiện tại chị có đang yêu?
- Trong cuộc sống làm sao mà sống không có tình yêu được. Phải yêu chứ. Tình yêu là cội nguồn cảm xúc sáng tạo. Nếu để nói về một hạnh phúc hoàn hảo thì mình chưa, nhưng những hạnh phúc bình dị thì tất nhiên mình phải có chứ.
- Chị có nghĩ về một mái ấm khác không? Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói “tình đến rồi tình đi, mọi thứ chỉ là phút chốc, hôm nay là thật nhưng ngày mai sẽ chỉ là ảo ảnh thôi”, chị nghĩ thế nào?
- Thực ra tôi luôn luôn có một mái ấm. Một tình yêu vĩnh hằng thì tôi nghĩ không có. Chỉ có những khoảnh khắc. Trong cuộc sống mình tìm được một người sống với mình, yêu mình như chính cha mình, đó mới là tình yêu lớn. Và tình yêu lớn thì không đòi hỏi.
Trong xã hội quay cuồng vật chất, danh vọng này, để tìm thấy tình yêu lớn tôi thấy hơi khó đấy. Nhưng mình sống tốt thì mình phải được nhận những thứ tốt đẹp. Tôi nghĩ là mình xứng đáng được yêu và luôn hạnh phúc với những gì tôi đã sống và dám sống.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!