Ca sĩ Tân Nhàn: Hát từ những ký ức buồn
Tân Nhàn khá kín tiếng trong giới truyền thông. Bởi với chị, sự nổi tiếng, ồn ào chỉ là phù du, bọt bèo, nổi đấy rồi cũng chìm mà thôi. Vì thế, lặng lẽ, đôi khi đơn độc, Tân Nhàn đi con đường riêng của mình, con đường trở về với âm nhạc truyền thống trong những giá trị hiện đại. Như một giọt nước, cứ miệt mài chảy, sẽ có lúc ra đến dòng sông, gặp đại dương…
- Từ đâu mà Tân Nhàn có ý tưởng kết hợp chèo và jazz trong đĩa mới Yếm đào xuống phố của mình?
- Tôi vốn mê dân ca. Không biết từ khi nào nữa, từ khi tôi biết hát, biết nói, những làn điệu dân ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam 12h trưa, tôi đã nghe rất nhiều. Và những làn điệu hằng ngày đi vào trong tôi rất tự nhiên, thấm vào tôi tự lúc nào không biết. Hồi đó là những năm 1982, 1985 ở vùng quê Hà Nam nghèo, chỉ có phương tiện duy nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam. Khó khăn đó cũng là một may mắn khiến tôi được nghe nhiều hơn.
Bây giờ, truyền thông, Internet, có lẽ tôi không có may mắn đấy. Mẹ chồng tôi trước đây là nghệ sĩ hát chèo. Dù không còn hoạt động trong lĩnh vực ca hát nhưng mẹ tôi bằng nhiều cách đã khiến chúng tôi quan tâm tới chèo, bà có đĩa nhạc tự thu tặng mọi người. Tôi thường nghe đĩa chèo của mẹ, nó khơi dậy niềm đam mê chèo từ xa xưa của mình. Tôi tự hỏi, tại sao mình không hát chèo nhỉ, nhưng mình sẽ không hát chèo với nghệ thuật truyền thống mà sẽ hát chèo với jazz. Phải có gì mới lạ, như hai thái cực, làm thế nào người nghe có thể cảm thấy đối nghịch ngay từ đầu.
- Mọi người rất tò mò khi jazz và chèo kết hợp với nhau sẽ thế nào nhỉ?
- Với phần phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng thì phần hát của tôi cũng chỉ là một nhạc cụ thôi, trong một bản phối khí tổng thể. Nhạc cụ hay ca sĩ không phải là chủ thể, để khán giả nghe vẫn cứ chèo và vẫn cứ jazz. Dây thanh đới của tôi cũng trở thành một nhạc cụ trong bản tổng thể phối khí. Đó là sự tài tình của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
Đây chỉ là một thử nghiệm thôi, chúng tôi rất cố gắng giữ cái khung chuẩn mực của chèo cổ. Với những khán giả ruột của chèo cổ hãy coi đây là một thử nghiệm thôi, có thể thành công, có thể không. Thêm một món ăn ngon trong bữa tiệc âm nhạc. Nếu những người nghe khó tính, quen chèo cổ mà không chấp nhận thì họ có thể quay lại với chèo. Còn khán giả của tôi, họ sẽ thấy thêm một thử nghiệm mới. Tuy nhiên, một cá nhân không thể làm thay đổi, hay biến dạng cả một truyền thống mà các nghệ sĩ đã gìn giữ từ lâu đời.
- Nhiều người e sợ, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ làm biến dạng cái cũ và khó nghe.
- Tôi đã đưa cho nhiều nghệ sĩ nghe. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cố gắng làm nhẹ bớt tính jazz, tôi hát chèo cũng nhẹ bớt. Có sự hài hòa giữa phần âm nhạc và giai điệu, không quá phá cách, không băm nát những quy chuẩn của chèo mà vẫn giữ khoảng 80% giai điệu của chèo cổ. Khác ở chỗ, tôi dùng kỹ thuật thanh nhạc để hát chứ không phải hát theo hơi thở của nghệ sĩ chèo. Đưa kỹ thuật hát giả thanh của opera mà không bị khiên cưỡng, đó là cố gắng của tôi.
Tiêu chí của tôi không phải trở thành nghệ sĩ chèo thực thụ, không phải là những làn điệu chèo cổ mà là một sản phẩm mang tính thời đại, đó là một sản phẩm hiện đại mang tính tuyền thống.
- Đĩa nào của Tân Nhàn cũng rất kỳ công và tốn tiền. Chị coi âm nhạc như một cuộc chơi, nhưng xem chừng cuộc chơi này tốn kém quá. Chị có nản không khi mọi người đang quay lưng với âm nhạc truyền thống?
- Các sản phẩm âm nhạc đều do tiền từ các show diễn tôi tích cóp lại. Mặc dù không có khả năng tái đầu tư. Đa số làm đĩa đều lỗ. Nhưng là nghệ sĩ, tôi vẫn làm. Đó là một cố gắng để bứt phá làm mới mình của tôi. Thử nghiệm đó cần thời gian. Nếu thành công, tôi muốn góp một phần nhỏ của mình lôi kéo khán giả trẻ đến với âm nhạc truyền thống. Và với tư cách là một giảng viên âm nhạc, tôi muốn có những sản phẩm để cho sinh viên thấy rằng, nghệ sĩ không ngừng sáng tạo và thử nghiệm.
- Trong đĩa nhạc này, có rất nhiều bài khó hát vì nó là kinh điển của chèo cổ. Hẳn chị đã rất kỳ công luyện tập.
- Tôi ấn tượng với làn điệu Quân tử vu dịch, trong vở Lưu Bình - Dương Lễ, rất khó hát, tôi mất 5-6 tháng để thuộc làn điệu này... Bình thường tôi chỉ mất 2, 3 tháng để thuộc cặn kẽ một bản mà không bỏ sót nốt nào. Nghe xong thu xong và nghe mãi mới thấy hay. Tôi đã thử nghiệm, tại sao không mời một nghệ sĩ chèo, tôi song ca với nghệ sĩ Quốc Phòng. Một nghệ sĩ hát chèo rất tài năng, là hiện tượng của làng chèo thời gian vừa qua, vì bạn ấy còn rất trẻ, để mình kiểm chứng xem sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cụ thể có bị kênh nhau hay không. May mắn là tôi nghe tổng thể và thấy rất nuột nà, tròn trịa, và mọi người cũng khó nhận ra khoảng cách giữa một nghệ sĩ được đào tạo hát opera với một nghệ sĩ chèo.
Ngoài ra có một bài một số người rất thích như bài xẩm Mục hạ vô nhân. Trước đây mọi người thường nghe nghệ sĩ Văn Ty và một số nghệ sĩ lão luyện hát. Tôi đã dám hát lại bài rất nổi tiếng của những nghệ sĩ lão làng trong lĩnh vực này. Làm sao ra được tinh thần của xẩm. Đó cũng là một thử thách mà tôi đã vượt qua.
Hát từ những ký ức tuổi thơ buồn
- Nhưng sự kết hợp mới mẻ của Tân Nhàn phải kể đến đóng góp của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Vì sao chị được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng "ưu ái" vậy? Mối duyên đó bắt đầu từ đâu?
- Có lẽ từ lâu lắm rồi, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng luôn có mặt trong các sản phẩm của tôi với tư cách là nhạc sĩ phối khí, và gần đây nhất là nhạc sĩ sáng tác khi anh viết bài Quê mẹ tặng tôi trong đĩa Giọt thời gian. Đây là ca khúc rất khó hát, và quá hay. Là một thử thách với các nghệ sĩ. Và đó là ca khúc độc quyền của tôi. Ta lưng trâu về nghe lời mẹ gọi/ Đơn sơ mái tranh nghèo cò thương con dại lặn lội phương xa/vách núi gió ùa về đêm co ro ngồi nghe mưa đông lạnh thương ai mong ai/phận đời nào chênh vênh cơ cực nhiều lam lũ gió sương/nơi quê xưa nghèo lắm đêm năm canh mòn mỏi/ngày tha hương xứ người từng đêm vẫn nhớ thương. Tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào anh Hùng. Một nghệ sĩ lớn, làm việc bằng cả trí tuệ và đam mê. Anh sống lặng lẽ, xa khỏi sự ồn ào và rất giản dị.
- Năm 2013 là năm "maraton" của Tân Nhàn- đêm nhạc riêng của chị và chồng, ca sĩ Tuấn Anh ở Hà Nội, 2 album mới, thấy nỗ lực không ngừng của Tân Nhàn để tiến vào thị trường.
- Trong thời buổi mọi người đang cố thu vén mình lại vì khó khăn, thì tôi vẫn bung hết những gì mình có để cống hiến cho âm nhạc. Đó là một hành trình bền bỉ, không mỏi mệt.
- Bởi vì chị có một điểm tựa vững chãi trong cuộc đời là gia đình bình yên và được bố mẹ chồng bao bọc.
- Cho đến thời điểm hiện tại, tôi đang có một gia đình bình yên. Tôi được gia đình nội ngoại ủng hộ. Thế nên, khi nhận show, tôi cũng có sự chắt lọc. Bởi công việc chính là làm thầy giáo, và cả vì truyền thống của gia đình đều là nhà giáo, từ bố mẹ chồng, các em của chồng đều là những giáo viên. Không kiếm tiền nhiều bằng nghề hát mà sao nhãng việc học, nghiên cứu. Nên năm sau, hai vợ chồng tôi quyết định sẽ làm tiến sĩ, một đôi bạn cùng tiến.
- Nhưng tôi biết, Tân Nhàn có một tuổi thơ buồn, mà nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng thốt lên rằng, "Tuổi thơ em đẹp và dữ dội như một bản Sonat". Tuổi thơ đã ở đâu trong cuộc sống đủ đầy của chị hôm nay?
- Tôi có một tuổi thơ dữ dội. Tôi vẫn nói rằng, cảm ơn mẹ đã sinh ra tôi, cho tôi xuất hiện trên cuộc đời này, cảm ơn tuổi thơ dữ dội đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, và cảm ơn cuộc đời đã cho tôi lớn, và trưởng thành. Cây đa, bến nước, sân đình, đi mót lúa trưa hè, mò cua bắt ốc, rồi những buổi chiều trên thung lũng. Tất cả những điều đó đã nuôi dưỡng tôi khi tôi còn nhỏ. Tôi có được ngày hôm nay, là vì tôi có một tuổi thơ như vậy. Cho tôi sự nhạy cảm và khác biệt. Điều đó giúp tôi hát chạm tới khán trái tim của khán giả.
Đến bây giờ, trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy mình khóc khi đang hứng nước mưa trong cái nhà giột ngày xưa. Những ký ức luôn đi theo mình, nó là một phần máu thịt của mình.
- Điều chị muốn hướng tới là gì. Một ca sĩ nổi tiếng hay một giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia?
- Tôi hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi không hướng tới sự nổi tiếng hay những ồn ào. Mà điều tôi hướng tới là việc chiếm lĩnh những tri thức. Đó là những giá trị chống hao mòn. Đường còn dài lắm. Tất cả mới chỉ bắt đầu thôi.
- Cảm ơn Tân Nhàn