Ca sĩ Phạm Phương Thảo: Cần dung hòa giữa nghệ thuật và giải trí
- Chúc mừng “Chàng vinh quy” của Phạm Phương Thảo, một MV ấn tượng về văn hóa Việt. Vì sao lại có một “Chàng vinh quy” tròn trịa và ấn tượng như thế?
+ Tôi đã viết bài hát này cách đây hai năm và phải chờ đến bây giờ để cho ra đời đứa con tinh thần của mình một cách tròn trịa nhất. Cho đến lúc này, sức lan tỏa của MV ngoài mong đợi bởi ai cũng nghĩ rằng làm về văn hóa rất kén người nghe. Dân trong nghề vẫn nói rằng làm bài gì đó làm cho khán giả phải làm kiểu khác, nhẹ nhàng, giải trí, còn làm cho nghề và đồng nghiệp thì phải đầu tư nghệ thuật cao.
“Chàng vinh quy” có sự hài hòa về nghệ thuật và giải trí. Tôi may mắn khi nhạc sĩ Huỳnh Tú đã cho ra đời một bản hòa âm phối khí hoàn hảo. Đến giờ này, nhiều người đánh giá chỉ nghe nhạc dạo đã thích rồi. Và quan trọng là tôi có cả một êkíp thực hiện khá hoàn hảo, đạo diễn Khải Hưng, quay phim Lý Thái Dũng và nhiều cộng sự.
- Tôi ấn tượng với “Chàng vinh quy” của Thảo bởi đây là một MV cổ trang thuần Việt hiếm có trong phong trào làm MV cổ trang của các ca sĩ. Điều này, với Thảo có khó không?
+ Khi đã làm MV cổ trang thì trang phục rất quan trọng, trang phục phải thống nhất từ đầu đến chân, chứ không phải một đoạn nào đó của Nhật, của Hàn, của Trung Quốc. Tôi nghĩ, nghệ sĩ phải trăn trở và tâm huyết với điều đó mới làm được.
Nhiều người trẻ thích mình đẹp, nên sợ vấn khăn lên đầu sẽ xấu, họ không tìm hiểu kỹ về văn hóa Việt nên các MV làm theo lối cổ trang bị lai căng. Nhưng nếu mình nghiêm túc và có ý thức làm nghề thì phải tìm hiểu kỹ càng. Chẳng hạn mặc bộ đồ tứ thân thì chỉ có thể đi chân đất hoặc guốc mộc thôi chứ đi một đôi giày cao gót lại kệch cỡm.
Tôi tìm hiểu kỹ, rất kỹ những tư liệu văn hóa về trang phục cổ, tự mình lo và thống nhất từng chi tiết với bạn làm phục trang chứ không phải đợi họ đưa đến cái gì mình dùng cái đó. Thậm chí đến ngày quay, bạn phục trang mang đồ đến tôi đã không thích và tự sửa lại cho phù hợp, mộc mạc hơn nữa.
-Chị nghĩ sao về những MV cổ trang hàng triệu view, thậm chí là trăm triệu view nhưng không tìm thấy bóng dáng của văn hóa Việt, nhiều người gọi đó là sự “xâm lăng văn hóa”?
+ Tôi nghĩ, nó nằm trong sự hiểu biết của nghệ sĩ và tinh thần dân tộc của nghệ sĩ đó. Khi làm cổ trang phải đặt tình yêu và sự hiểu biết về văn hóa lên hàng đầu. Nghệ sĩ là người kết nối hình ảnh dân tộc đến với công chúng và ra thế giới. Tôi yêu văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa cổ.
Tôi thích hình tượng Trạng nguyên và tôi đã làm được một việc, nhưng trong đầu còn nhiều thứ nữa muốn làm như viết về đại thi hào Nguyễn Du, Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nhưng muốn làm gì cũng phải có tài chính. Đó thực sự đó là một khó khăn cho nghệ sĩ.
Việc đi xin tài trợ cho các dự án văn hóa rất khó, khán giả hướng tới giải trí nhiều hơn và các dự án văn hóa chắc chắn thua lỗ, chỉ có người nào sống chết với điều đó mới làm. Làm xác định là mất tiền và không được tiếc. Điều thỏa mãn là được làm nghề và nhận được tình yêu, sự nể trọng của đồng nghiệp và khán giả, lấy cái đó làm lãi thôi, nó giúp cho cuộc sống của mình vui hơn, nhiều cảm hứng hơn để làm nghệ thuật.
- Cái tâm thế làm nghề cống hiến đó, dường như rất thiếu vắng trong những người trẻ?
+ Tôi được muốn mình làm được nhiều điều nhất có thể với nghề, làm nghề đúng nghĩa. Dù bây giờ số lượng khán giả đi theo dòng giải trí rất đông nhưng tôi nghĩ, các giá trị văn hóa truyền thống sẽ không bao giờ mất cả, quan trọng là người nghệ sĩ mang đến điều gì cho khán giả để hấp dẫn họ thôi.
Phương Thảo trong MV mới. |
“Chàng vinh quy” là một ví dụ, cứ nghĩ rằng nó sẽ kén người nghe, người xem nhưng đến bây giờ, sức lan tỏa của nó ngoài mong đợi. Đặc biệt rất nhiều bạn trẻ vào nghe và bình luận. Tôi vui vì ngoài việc trình làng một ca khúc, một MV tử tế, chất lượng, tôi còn góp phần lan tỏa được vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam đến với các bạn trẻ.
Tôi đưa bài hát lên kênh Youtube riêng, đến giờ phút này, rất nhiều comment thú vị, mọi người ghi nhận. Trước đó, tôi có nỗi lo về việc mình sử dụng chất liệu tuồng và xẩm khó tiếp cận khán giả và đề tài đạo học cũng xa lạ trong đời sống hôm nay. Nhưng có lẽ tinh thần dân tộc và tình yêu, sự quyết liệt của tôi và một ê kíp làm nghề chỉn chu, tử tế đã truyền được vẻ đẹp đó đến với khán giả.
Thế là thỏa mãn rồi. Làm nghệ thuật cũng cần quan tâm đến công chúng, dung hòa giữa nghệ thuật và giải trí để kéo khán giả đến với mình. Quan trọng là cách làm. Với “Chàng vinh quy”, tôi trăn trở suốt hai năm qua và cũng phải hy sinh nhiều thứ, những gì hưởng thụ cho bản thân để làm nghề. Và cái được là luôn giữ cảm xúc cho tâm hồn mình thăng hoa, không ngừng sáng tạo.
Có người trời cho giọng hát nhưng không cho tư duy làm nghề, họ chỉ biết hát thôi. Có người giỏi, tư duy tốt nhưng ngược lại giọng hát không xuất sắc. Tôi may mắn hội tụ nhiều thứ để có thể làm một nghệ sĩ hoạt động năng động và hiệu quả. Và tôi phấn đấu không mệt mỏi vì điều đó. Tôi tiếp tục thực hiện dự án tiếp theo của tôi để kỷ niệm 20 năm ca hát, tháng sau sẽ giới thiệu tập thơ và tháng 11 là một live show riêng.
- 20 năm là một chặng đường dài để định danh mình trong làng âm nhạc? Với Phương Thảo, chặng đường đó đi qua như thế nào?
+ Khi mình có kinh nghiệm, hiểu biết điều mình cần không phải là kiến thức nữa mà quan trọng là phải có tiền, làm nghệ thuật mà không có tiền không làm được. Làm nghệ thuật thực sự không phải kiếm một bài hát thật hay và hát cho bà con nghe là xong. Họ nhớ đến mình không phải như thế.
Khán giả bây giờ có nhiều lựa chọn, có nhiều món ăn ngon bày sẵn, nghệ sĩ muốn trở thành món ăn ngon được lựa chọn thì phải sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên có một thực tế hiện nay, có người hát một bài đưa lên kênh youtube nổi tiếng và được tung hô, có người lao động vất vả nghiêm túc lại rất lặng lẽ, đó là sự mất cân bằng trong nghệ thuật ca hát.
Ngày hôm nay, với tôi, mọi sự cố gắng đều được đền đáp, đó đã là may mắn. Làm nghệ thuật phải học hỏi đến già. Trừ khi mình không hát nữa hay xấu xí đi thì mới yên phận. Bây giờ tôi cảm thấy mình đang ở giai đoạn sung mãn và nhiều năng lượng nhất để cống hiến và làm nghề. Tôi gọi là giai đoạn vừa sướng nhất và cũng vừa khổ nhất.
- Chị âm thầm sáng tác nhiều năm nay, sau “Chàng vinh quy” chị có ý định theo con đường sáng tác chuyên nghiệp?
+ Đến lúc này tôi rất tự tin. Trong 5 năm trở lại đây tôi viết khá nhiều, có nhiều ca sĩ đặt hàng sáng tác. Sau “Chàng vinh quy” tôi có thể tự tin làm nhiều điều cho sáng tác hơn nữa. Nếu chỉ viết một ca khúc tình yêu, anh yêu em rồi đưa ra thì đơn giản, nhưng tôi luôn quan trọng chủ đề mình lựa chọn. Tôi đam mê văn hóa và thích viết về văn hóa. Tôi cũng từng rất được yêu thích khi viết về tâm linh trong “Đất mẹ ngày về”, “Mười đóa sen thơm”, “Ru em nắm đất Truông Bồn”.
- Tôi biết ngày 20 tháng 9 chị sẽ ra mắt một tập thơ. Ca sĩ, nhạc sĩ, bây giờ là nhà thơ, chị có nghĩ mình ôm đồm quá không?
+ Nếu không có thơ thì trong những bất hạnh của cuộc sống tôi chỉ biết ủ rũ và buồn bã thôi. Thơ nhạc thăng hoa khi tôi buồn. Đến hôm nay tôi nghĩ, tất cả những bất hạnh, đau khổ cũng là một phần đời mình phải trải qua để có một Phương Thảo ngày hôm nay. Tôi cũng không cố gắng làm thơ, hay sáng tác nhạc, mọi thứ đến rất tự nhiên. Thơ là một sự trải lòng của Thảo thôi. Đó là một Phương Thảo sau ánh đèn sân khấu chứ không phải để khẳng định mình là một nhà thơ.
Đạo diễn - NSND Khải Hưng và NSƯT Anh Thái đóng vai bố Trạng trong MV. |
- Nhưng phụ nữ đa tài thì sẽ đa đoan?
+ Tôi cũng như những người phụ nữ khác, muốn có một chốn bình yên cho mình nhưng đến lúc này, khi không còn trẻ nữa, tôi xác định nếu không vui với niềm vui này thì mình chọn niềm vui khác. Có lẽ, cuộc sống của tôi nằm ở nghề chứ không phải là gia đình. Gia đình của mình là anh em, bạn bè, chứ không phải chồng con.
Bây giờ, mình vẫn còn thanh xuân và đam mê thì hãy sống với niềm vui của mình là nghề. Nó hoàn toàn có thể mang lại hạnh phúc cho mình. Đa đoan là phận rồi, mà đã là phận thì nên an nhiên mà sống cùng thôi.
- Cảm ơn chị, chúc cho những dự án của Phương Thảo thành công...