Biên đạo múa Trần Ly Ly đã yêu là sẽ xả thân

Thứ Năm, 05/03/2020, 16:07
Với Trần Ly Ly, trở về Nhà hát Nhạc Vũ kịch là trở về ngôi nhà của mình, ngôi nhà mà từ thuở bé, chị đã lẽo đẽo theo mẹ, ăn ngủ ở nhà hát. Đó là ngôi nhà của chị và dù đẹp, dù xấu, chị cũng sẽ yêu và xả thân vì nó.


Tôi gặp Trần Ly Ly giữa cơn bão “Hồ Thiên Nga” đang gây chấn động giới nghệ thuật trong nước. Nhiều người tò mò tự hỏi, vì sao, sau 36 năm, giấc mơ ballet Việt tưởng như đã ngủ quên lại được đánh thức một cách mạnh mẽ và ấn tượng như vậy. Và phù thủy của những giấc mơ đó, không ai khác chính là cái tên Trần Ly Ly.

Với Trần Ly Ly, trở về Nhà hát Nhạc Vũ kịch là trở về ngôi nhà của mình, ngôi nhà mà từ thuở bé, chị đã lẽo đẽo theo mẹ, ăn ngủ ở nhà hát. Đó là ngôi nhà của chị và dù đẹp, dù xấu, chị cũng sẽ yêu và xả thân vì nó. 

Cũng như nhiều năm trước, chị trở về trường múa, gây dựng những vở múa đương đại ở đó và đào tạo ra nhiều thế hệ học trò giỏi, nắm bắt được các xu hướng mới mẻ của thế giới. 

Đã yêu là không toan tính. Đã yêu là sẽ xả thân. Đó là Trần Ly Ly. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ trở về, chị hiểu mình sẽ phải làm gì. Đời sống đã quá đủ đầy với những game show giải trí. Sau nhiều năm lang thang ở showbiz Việt, chị hiểu điều đó. 

Và đời sống cần nhiều hơn thế, một chương trình giúp con người trưởng thành về tâm thức hơn là chỉ mua vui. Vậy thế mạnh của nhà hát là gì. Bàn tay phù thủy của Trần Ly Ly đã tạo nên một cú hích không tưởng, vở diễn “Hồ Thiên Nga” liên tục cháy vé và được bình chọn là 1 trong 10 Sự kiện Văn hóa, Thể thao tiêu biểu của năm 2019 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. 

Hiện tượng “Hồ Thiên Nga” là một minh chứng cho việc khán giả không hề quay lưng với nghệ thuật hàn lâm. Quan trọng là cách làm như thế nào. Một sản phẩm độc quyền được bảo chứng bằng chất lượng, tình yêu và cả niềm tin, đôi khi bằng cả những giấc mơ có chút “điên rồ” của Trần Ly Ly. 

“Sứ mệnh của tôi là giữ vững mục tiêu phát triển của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thông qua liên tục sáng tạo mới, đưa các tác phẩm nghệ thuật của Nhà hát có tiếng nói chung với thế giới mà trước hết là đến gần hơn với khu vực và châu lục, thông qua việc tổ chức và tham dự các festival nghệ thuật” - NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.

Trần Ly Ly không chỉ là một Tổng đạo diễn, chị còn là một “mama tổng quản” đúng nghĩa, chị phải thò tay vào tất cả mọi việc của nhà hát để set up, vực dậy một nhà hát từ lâu đã quá trì trệ và làm việc theo thói quen quan liêu. 

Từ bữa ăn của diễn viên, từ đôi giày múa hay trang phục, đến bình nước uống, Ly đều muốn phải kỹ và đạt tiêu chuẩn tối đa. Rồi cả vấn đề tài chính và truyền thông. Ly quan niệm doanh nhân cũng là một nghệ sĩ, và nghệ sĩ, đứng ở góc nào đó cũng chính là một doanh nhân. 

“Tôi gần như có mặt và quyết định tất cả mọi các thứ, thời gian truyền thông ra vở thế nào, ngày 15-9 phải hết vé là hết vé và đúng thế, vé ngày 14-15 của tháng 12 đã bán xong trước đó 2 tháng. Tôi đã đặt hàng trước hàng năm với Nhà hát Lớn. Tôi cũng lường trước nếu thành công sẽ là như thế. Tôi cũng không bỏ qua những điều đơn giản như một gói xôi của diễn viên ăn mà thịt còn cứng hay một đôi giày múa bẩn. Có hàng tỷ thứ như thế vẫn diễn ra và tôi phải bao quát hết. Được cái trời thương, tôi không lo sợ, trong trái tim chưa bao giờ lo sợ và cứ thế bước đi thôi”.

Tôi hỏi Trần Ly Ly, chị có quá bất ngờ trước cơn sốt “Hồ Thiên Nga”. Ly cười, tâm thế của chị không bất ngờ, “thắng không kiêu, bại không nản”. Bởi chị luôn nhìn trước những khó khăn trên con đường mình đi, có chăng chỉ là cảm giác hài lòng tạm thời mà thôi. Vì thế, làm việc với chị khá áp lực. Sự áp lực đến từ việc đòi hỏi chỉn chu và hoàn hảo nhất có thế. Diễn viên và toàn bộ Nhà hát Nhạc Vũ kịch bị cuốn vào guồng xoay của Trần Ly Ly. Vất vả, luyện tập ngày đêm không nghỉ để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất có thể.

Trần Ly Ly vốn là một người sáng tạo, người đầu tiên tạo ra định hướng mới cho múa đương đại ở Việt Nam. Vậy làm thế nào chị cân bằng được giữa con người sáng tạo và con người quản lý. 

Ly chia sẻ: “Hai não của tôi khá cân bằng vì thế tôi không có gì mâu thuẫn. Nó là một tổng thể. Tôi chỉ đặt chế độ tắt bật thôi. Có những người nghĩ rằng họ chỉ làm được nghệ sĩ, vì họ chưa mở cánh cửa kia ra thôi vì đối với tôi, một doanh nhân cũng là một nghệ sĩ, vì họ cũng giỏi lắm. Tôi tiếp xúc với doanh nhân giỏi, họ cũng đầy tính nghệ thuật trong đó; và tiếp xúc với những nghệ sĩ thực sự giỏi, họ cũng đầy kế hoạch và khoa học. Chỉ có điều mọi người có mở cánh cửa đó ra không hay cứ mặc định mình chỉ làm được một việc thôi”. 

Ly nói, chị cho mình 3 năm để gây dựng lại thương hiệu của nhà hát. Sau ballet sẽ là nhạc kịch và những vở kinh điển của thế giới. Chị tin vào khán giả, tin tình yêu của chị đã nhận được sự sẻ chia và đồng cảm của nhiều người. Xung quanh chị rất nhiều bạn bè sẻ chia và thấu hiểu. Nhiều người sẵn sàng hỗ trợ một phần tài chính như giày dép, quần áo cho diễn viên. Cứ yêu thương đi, sẽ nhận được tình yêu. Và chị tin, xã hội vẫn còn đó nhiều sẻ chia ấm áp, yêu thương.

Chị dành cho mình 3 năm để set up lại nhà hát. Bởi tôi hiểu, người nghệ sĩ sáng tạo trong chị vẫn tràn đầy năng lượng. Tôi nhớ, có lần, trong một chương trình họp báo về một dự án vẽ tranh dành cho trẻ tự kỷ mà Ly tham gia, chị có nói rằng, đôi khi, nghệ sĩ đừng bắt họ sống như một người bình thường. Ở họ, có đủ sự “điên rồ”, đôi khi “hoang tưởng”, thậm chí là “tự kỷ”, bởi đó chính là những thời khắc của sáng tạo. Vẫn còn đó rất nhiều giấc mơ nhưng chị không vội. 

“Tháng 3/2021, tôi sẽ quay lại sáng tác hoặc làm cái gì khác mang tính cộng đồng lớn hơn. Những gì tôi đang làm như mới chỉ dọn được một bờ ao, không ăn thua đâu. Giấc mơ vẫn lớn hơn và còn ở phía trước”. 

Bởi tôi và nhiều khán giả vẫn nhớ Trần Ly Ly của những vở múa đương đại gây chú ý như: “Một ngày”, “Cuộc sống trong những chiếc hộp”, “Sắc sắc không không”… Những vở diễn gây dấu ấn trong làng múa bởi một tư duy mới mẻ, sáng tạo và tiên phong.

Làm nghệ sĩ, đứng đầu một nhà hát với đủ thứ công việc bộn bề, liệu chị có thể sống như một người phụ nữ bình thường. Chị thú nhận, rất khó khăn để làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ. Nên chị chắt chiu những khoảnh khắc ít ỏi bên gia đình, nấu cơm, cắm hoa, chơi với con. 

Đó là những khoảnh khắc chị cân bằng cuộc sống bởi hơn ai hết, chị hiểu nội tâm của mình khá phức tạp. Nếu không biết cân bằng, chị sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, stress. Cân bằng để tiếp tục với những sáng tạo và những cống hiến mới trong năm 2020, một năm hứa hẹn sẽ bùng nổ với những dự án lớn của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam mà linh hồn của nó, không ai khác chính là Trần Ly Ly.

NSƯT Trần Ly Ly sinh năm 1978, tốt nghiệp Trường đại học công nghệ Queensland,  Australia năm  2003. Chị là đạo diễn, biên đạo múa và hiện là Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. 

Trần Ly Ly là nhân vật chủ chốt và nổi tiếng trong làng ballet và múa đương đại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, chị làm việc tại Pháp một thời gian. 

Khi còn là diễn viên múa, chị từng biểu diễn rất thành công nhiều tác phẩm do các biên đạo nổi tiếng ở Việt Nam và quốc tế dàn dựng như: “Cứu bạn", "Paquita"- của Maurice Bejart, “Xin chào” của biên đạo người Australia, "Under skin" và "Body armour" của biên đạo người Pháp - Regine Chopinot, "Venus ở Hanoi" của Felix Ruckert (Đức)... 

Chị cũng tham dự nhiều Festival múa đương đại quốc tế ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Đức, Ba Lan... Chị từng giành giải thưởng Tài năng trẻ Việt Nam. 

Là biên đạo, chị đã có nhiều tác phẩm thành công, được Việt Nam và quốc tế ghi nhận như múa đương đại “Một ngày”, tác phẩm được chọn trình diễn tại Những ngày châu Âu tại Việt Nam năm 2007, “Sống trong hộp” năm 2008. Năm 2012, chị biên đạo tác phẩm “Zen” và “7X”. 

Năm 2016, chị làm tác phẩm “Có có không không” lần 2, một vở múa nói về những người đồng tính, thể hiện khát vọng được là chính mình của họ. Một số tác phẩm múa hiện tại đang được trình diễn như “Ionah”, “Làng chài”...

Việt Linh
.
.
.