Biên đạo múa Tấn Lộc: Nhiều khán giả nhầm lẫn gameshow là nghệ thuật

Thứ Năm, 21/09/2017, 11:50
Không bài bác gameshow, cũng không phủ nhận yếu tố giải trí như một yếu tố cần và đủ. Cũng không gay gắt với câu chuyện nghệ sỹ múa đi event để kiếm tiền, nhưng Tấn Lộc cho rằng, những diễn viên đó sẽ chỉ dừng lại ở giới hạn nào đó mà thôi…


Nguyễn Tấn Lộc là cái tên quen thuộc của nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra ở trong và ngoài nước. Anh cũng là người sáng lập Liên hoan múa đương đại quốc tế TP. Hồ Chí Minh - một liên hoan định kì tại TP. Hồ Chí Minh được khởi sự từ năm 2013 với sự tham gia của hơn 30 diễn viên, biên đạo múa đến từ nhiều nơi trên thế giới. 

Bên cạnh đó, cùng với Arabesque, Tấn Lộc đã sáng tạo nên những vở diễn "Chuyện kể Những chiếc giày", "Mộc", "Tích tắc". "Sương sớm", "Rơm"… mang đến một hơi thở mới cho nghệ thuật múa tại Việt Nam, cả về sáng tạo và thưởng thức. 

Ngoài tham gia đào tạo các diễn viên chuyên nghiệp làm việc tại Arabesque và tham gia các kỳ thi quốc tế, các liên hoan quốc tế cũng như nhận học bổng từ các công ty múa ở châu Âu để tu nghiệp, anh cũng là biên đạo của các chương trình hiện đang công diễn tại Nhà hát thành phố như "Sương sớm", "À ố show"... 

Năm 2015, Tấn Lộc là một trong hai biên đạo Việt Nam được Cirque Du Soleil của Canada mời tham gia biên đạo cho vở "Toruk the first flight". Anh cũng mới ngồi vào vị trí cố vấn nghệ thuật cho chương trình "The Ballerina", được công diễn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 đêm 23 và 24 - 9 tới đây.

- Giữa thời buổi cứ làm show múa là lỗ như hiện nay, với "The Ballerina", một chương trình múa dành để tri ân NSƯT Nguyễn Thụy Tố Như - một hiện tượng hiếm của làng múa Việt Nam hiện nay, có vẻ nhóm múa đương đại Arabesque của anh đã mạnh tay chỉ để chơi một cuộc lớn? 

+ Trong thời buổi như bạn nói, có lẽ, Arabesque đã chơi một cuộc lớn thật. Chúng tôi biết rằng, với mức kinh phí cũng như công sức bỏ ra, dù có bán hết vé 2 đêm diễn, và giả sử bán với giá cao thì ai cũng đều biết rằng, sẽ chỉ có lỗ và lỗ. 

Chưa kể, trong thời buổi gameshow vẫn đang ngự trị và chi phối gu thưởng thức của phần đông khán giả hiện nay, việc người ta bỏ tiền ra mua vé đi xem múa đã là một cái gì đó hơi… hoang đường và xa xỉ rồi. Nhưng chúng tôi vẫn làm. Lại làm lớn. Đó không phải là câu chuyện kinh tế, mà là câu chuyện làm nghệ thuật để thỏa mãn chính bản thân chúng tôi cái đã. Chúng tôi không sợ vé bán có được hay không, chỉ sợ không có nhiều khán giả được chứng kiến thành quả nghệ thuật mà chúng tôi bỏ ra suốt thời gian qua.

- Anh vừa nói tới câu chuyện gameshow chi phối gu thưởng thức của phần lớn công chúng hiện nay. Theo anh, nó có tác động như thế nào đến ngành múa hiện nay?

+ Đó không chỉ là một bất lợi cho ngành múa mà nhiều ngành nghệ thuật khác nữa. Ngày xưa, tổ chức một chương trình như kiểu Duyên dáng Việt Nam, khán giả mua vé đi xem và nghe rất đông. Hồi đó, người ta cũng mua vé đi coi kịch rất nhiều. Bây giờ còn không? Rõ ràng là không. Người ta quen được coi miễn phí qua tivi mất rồi. 

Tôi còn nhớ, ngày xưa truyền hình chiếu những chương trình nhạc giao hưởng, múa ba-lê thì bây giờ hễ mở tivi ra lại gặp gameshow. Tôi không trách gameshow. Tôi nghĩ, đó là một cách tốt để nghệ sỹ tiếp cận công chúng. Nhưng nó cũng có tác hại ngược trở lại, đó là làm cho phần đông khán giả nhầm lẫn cho rằng gameshow là nghệ thuật. Đâu phải vậy. Gameshow có phải là nghệ thuật đâu?

Biên đạo múa Tấn Lộc.

- Không là nghệ thuật thì nó là gì, thưa anh?

+ Nó là giải trí. Chúng ta phải sòng phẳng và rõ ràng điều này. Hiện nay, chúng ta đang nhập nhèm giữa các vùng giá trị và khái niệm. Khi nói điều này, tôi không có ý bác bỏ gameshow hay yếu tố giải trí. Tôi cũng tham gia biên đạo cho một số gameshow đấy thôi. Cuộc sống rất cần yếu tố giải trí, cần tiếng cười, sự thoải mái mà nó mang lại. Nhưng nghệ thuật không chỉ có thế. Nghệ thuật thay đổi cuộc sống, tư duy, suy nghĩ của con người rất nhiều. Nghệ thuật không thể là thứ xem một lần rồi thôi.

- Là người sáng lập Liên hoan múa quốc tế TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là "chủ xị" của nhiều vở múa đương đại gây tiếng vang không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài trong thời gian qua như "Tích tắc", “Sương sớm", "Rơm", chuỗi chương trình "À ố show"…, theo anh, múa đương đại Việt Nam đã có khán giả và thị trường của mình chưa?

+ Khán giả thì có nhưng thị trường thì theo suy nghĩ của tôi, đang còn rất nhỏ hẹp. Những chương trình múa đương đại được tổ chức diễn thường xuyên như Festival  Huế vừa qua, mọi người đi xem cũng vì miễn phí. Những đoàn múa đương đại ở nước ngoài sang biểu diễn ở Việt Nam, chương trình cũng là biểu diễn miễn phí. Đó là một thực trạng không chỉ ở thị trường múa Việt Nam. 

Nhiều nước trên thế giới cũng đang trong tình trạng tương tự. Vừa rồi tôi có tham gia chấm thi một Liên hoan múa đương đại bên Hàn Quốc, tôi có nói chuyện với nhiều bạn bè đồng nghiệp của mình và chúng tôi đều phải thừa nhận một điều rằng, thị trường đương đại chưa phải là một thị trường hấp dẫn. Nghệ thuật đương đại đến với công chúng có những thuận lợi nhất định và cũng có những hạn chế nhất định. So với thế giới, ở Việt Nam, múa đương đại còn quá non trẻ. Bản thân nghệ sỹ Việt cũng chưa thực sự tìm được tiếng nói riêng của mình. Nhưng, cũng không thể trách được nghệ sỹ của ta. Đó là việc làm càng nhiều càng lên, chứ Lộc không thể ngồi đây mà nói được. Với "The Ballerina", nhóm của Lộc xác định dù lỗ nhưng khi làm, phải làm bằng tất cả công sức của mình. Để được ghi nhận, phải thử hết cách này đến cách khác, liên tục thử và hết mình.

Chương trình "The Ballerina".

- Nhưng có phải lúc nào, trồng cây cũng có ngày đậu quả đâu? Nhất là giữa thời buổi hiện nay, phần đông thị hiếu vẫn nghiêng về những cái ăn xổi?

+ Mình không làm việc đó để người ta phải ghi nhận. Mình nghĩ việc đó đúng, và mình nên làm thì mình cứ làm thôi. Trong nghệ thuật, có người ghi nhận và cũng sẽ có người không ghi nhận. Luôn song hành điều đó. Đây là một lĩnh vực mà ta không thể nói rằng cái nào hay cái nào dở. 

Bởi với người này, cái này là hay nhưng với người kia có khi lại dở. Mình không thể nào ép người ta thích sản phẩm của mình nhưng việc đầu tiên, mình phải cố gắng hết sức mình cái đã và may mắn thì cái gì đó mà mình tìm kiếm có thể trúng với sự yêu thích của người khác.

- Nhưng chúng ta không thể duy trì một điều gì đó mãi bằng đam mê được? Tình yêu đôi khi nuôi dưỡng nhưng lắm lúc cũng là một thứ hủy diệt…

+ Đúng rồi. Thực ra để làm được việc đó rất khó. Đây là nghề không chỉ một người, mà là nghề của nhiều người. Từ đạo diễn, diễn viên, biên đạo,… cho đến những người làm công tác hậu đài, phục trang... Trong quá trình đó, tự bản thân mỗi người sẽ thấy quá trình làm nghệ thuật của mình có ý nghĩa hơn. Có những người đã phải bỏ cuộc vì miếng cơm manh áo. Và ngay cả những người như chúng tôi cũng phải đánh đổi làm những chương trình theo kiểu event để lấy ngắn nuôi dài.

- Trình độ múa của diễn viên Việt Nam hiện nay ra sao?

+ Tôi thấy nhiều em trẻ có tài năng, rất giỏi và nhiều tiềm năng. Nhưng tôi cũng thấy có một hiện tượng thế này: khi họ bắt đầu đủ độ giỏi, lại không trau dồi. Đây là một nghề mà năng khiếu thôi chưa đủ, năng khiếu đó phải đi đôi cùng trau dồi, luyện tập, và phải đi cùng với nhau rất dài. Nếu có năng khiếu, bạn sẽ chỉ mãi dừng ở đó: một học sinh giỏi tốt nghiệp.  

Để thành một nghệ sỹ giỏi, bạn phải trải qua cả một quá trình, làm việc và cống hiến lâu dài. Cống hiến ở đây không phải là tôi cống hiến cho người này hay người kia. Cống hiến ở đây là bạn cống hiến cho chính bạn trước, đã làm được gì cho chính nghề của bạn. Đã làm được gì với những người cùng nghề với bạn? Đã làm được gì cho khán giả yêu thích nghề của bạn và những người chưa biết đến nghề của bạn. Tôi nghĩ, đó là một con đường rất dài.

- Người ta từng đặt ra vấn đề lối thoát nào cho ngành múa ở Việt Nam hiện nay. Tấn Lộc sẽ trả lời ra sao?

+ Câu hỏi lớn quá, tôi không trả lời nổi. Xin phép, để dành cho những người có thẩm quyền trả lời. Còn với những người làm nghề như Lộc, bản thân mình chỉ biết cố gắng làm tốt nhất trong khả năng mình có, trong cộng đồng nhỏ mà mình đang có và những người quan tâm tới công việc của mình. Bản thân Tấn Lộc không đủ sức để gắn với một sứ mệnh gì to tát cả. Để giải quyết, để thoát ra, cần một chủ trương lớn từ trên xuống.

- So với thế giới, ngành múa Việt Nam khá non trẻ. Nhưng tôi thấy, nhiều chương trình do các nghệ sỹ trẻ làm trong thời gian qua đã bắt đầu gây tiếng vang. Có một đặc điểm dễ nhận ra, hầu hết trong số đó vin vào yếu tố gốc, tức là yếu tố Việt để tạo sự khác biệt, cá tính cho tác phẩm của mình?

+ Cá nhân mình thấy rằng, Việt Nam có nhiều yếu tố có thể tác động, thay đổi được cách làm nghệ thuật. Vấn đề là người ta có đi theo những người đi trước đã đi hay không mà thôi.

- Xin cảm ơn anh!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.