Bác sĩ "nghìn like" và câu chuyện "sống là để cho đi"

Thứ Hai, 06/11/2017, 14:53
Từ một cậu học trò nghèo sinh ra nơi miền Trung nắng gió, chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, anh thầm ước sẽ trở thành một bác sĩ để cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo. Và, khi giấc mơ thành hiện thực, bác sĩ Trần Quốc Khánh tìm đủ mọi cách để giúp đỡ những người bệnh của mình.

Gần đây, mong muốn tất cả mọi người đều được nghe, được tư vấn về bệnh tật của mình, anh đã quyết định quay video trực tiếp (livestream) trên trang facebook cá nhân. Được sự đón nhận nhiệt tình, phản hồi tích cực của rất nhiều người, anh đã được gọi với cái tên thân thương "bác sĩ nghìn like".

Ước mơ trở thành bác sĩ của cậu học trò nghèo

Ít ai biết bác sĩ Khánh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tại một xã khó khăn nhất (xã Thanh Đức) của huyện Thanh Chương, Nghệ An. Nơi đây quanh năm khô hạn, nghèo khó xã nằm giáp biên giới với Lào, nơi mà anh phải đi bộ gần 20km để đến được trường tiểu học.

Lên đến cấp 2, anh đã phải sớm xa gia đình, xa bố mẹ về ở với bà nội tại xã ven biển của tỉnh Hà Tĩnh để tiện cho việc học. Cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt như động lực mãnh liệt khiến cậu học trò nghèo cố gắng vươn lên. Khánh sớm bộc lộ là một trò ngoan và học giỏi.

Bác sĩ Khánh thường xuyên Livestream trên facebook của mình để những người không có điều kiện được tư vấn miễn phí.

Anh từng đạt rất nhiều danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt những năm học phổ thông, anh còn đạt giải quốc gia môn sinh học và được suất tuyển thẳng vào một trường đại học bất kỳ. Cơ duyên đến với nghề y của anh Khánh cũng rất đỗi bình dị và nhân văn.

Trong một lần đạp xe về nhà, anh gặp một bà cụ đang đi bộ và có mời bà lên xe. Trên suốt  đường về, anh được biết con trai của cụ ốm nặng mà không có tiền chữa bệnh, nhà đã bán hết mọi thứ giá trị, chỉ còn con trâu là tài sản cuối cùng cũng có nguy cơ phải bán nốt.

Ngay sau khi nghe câu chuyện ấy, chàng trai trẻ xứ Nghệ đã dâng lên một niềm mơ ước, là phải trở thành bác sĩ để giúp bệnh nhân nghèo. Vì thế Khánh quyết định theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục theo học 3 năm bác sĩ nội trú. Năm 2008, Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Quốc Khánh được chuyển về Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội công tác cho đến nay.

Trong quá trình công tác, bác sĩ Khánh không chỉ được bạn bè đồng nghiệp biết đến là một người có chuyên môn vững, nhiệt huyết mà anh còn được mọi người tin yêu, cảm phục là một thầy thuốc giàu lòng nhân ái. Những năm qua, anh đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức được những đợt khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho người nghèo ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, tham gia chương trình "sách hóa nông thôn"…

Đặc biệt hơn, từ đầu năm 2017, bác sĩ Trần Quốc Khánh được mệnh danh là "bác sĩ nghìn like", bởi anh thường xuyên phát trực tiếp (livestream) trên trang facebook cá nhân tư vấn các vấn đề về cột sống cho người bệnh. Mỗi lần bác sĩ Khánh phát trực tiếp thu hút hàng nghìn người theo dõi, hàng nghìn lượt thích và chia sẻ.

Hiện nay, facebook của bác sĩ Khánh có tới hơn chục nghìn người theo dõi. Thời gian phát trực tiếp đã trở thành giờ vàng của rất nhiều người. Bác sĩ Khánh chia sẻ: "Thực sự bây giờ có rất nhiều người cần tư vấn về bệnh tật của mình nhưng vì điều kiện công việc, điều kiện kinh tế khó khăn mà không thực hiện được.

Tôi mong muốn những người lao động bình thường, bác xe ôm, cô hàng cá, chỉ cần một chiếc điện thoại có sóng wifi là có thể lắng nghe những tư vấn hữu ích của tôi. Tôi sẽ cố gắng duy trì mỗi tháng hai lần phát trực tiếp".

Bác sĩ Khánh dự định sẽ cho ra mắt một kênh Youtube tư vấn sức khỏe cho mọi người các vấn đề về sức khỏe quen thuộc mỗi ngày. Ở đó sẽ có lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia như nên ăn uống ra sao để phòng tránh ung thư, các cách sơ cứu khi bị rắn cắn, ngộ độc như thế nào. Theo bác sĩ Khánh, đó là những câu hỏi rất nhiều người quan tâm nhưng không mấy ai biết được câu trả lời chính xác.

Việc làm này của bác sĩ Khánh nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của người dân. Lần theo những bình luận dưới mỗi clip phát trực tiếp của bác sĩ Khánh, chúng tôi có hỏi chuyện được bác Lê Trọng Lâm, người làm nghề lái xe ôm khu vực bến xe Giáp Bát.

Bác Lâm vui vẻ nói: "Tôi mới biết dùng facebook, đợt về quê con gái có làm cho. Gần đây anh em đồng nghiệp  bàn tán về một bác sĩ phát trực tiếp để tư vấn, nói chuyện với mọi người về bệnh xương khớp. Tôi vào xem thấy bổ ích quá, mấy lần có bình luận hỏi đều được bác sĩ Khánh trả lời tận tình. Mà bác sĩ Khánh sẵn sàng cho chúng tôi số điện thoại để tư vấn trực tiếp. Tôi nghĩ, bây giờ mà có một vị bác sĩ như vậy là rất hiếm, họ không chỉ hiểu được hoàn cảnh của những người lao động nghèo như chúng tôi mà còn rất nhiệt tình, rất quan tâm. Sau những tư vấn của bác sĩ Khánh tôi đã làm theo, hiện nay bệnh của tôi cũng đỡ nhiều rồi".

Bác sĩ Khánh luôn được đồng nghiệp tin yêu.

Cũng là người thường xuyên theo dõi facebook của bác sĩ Khánh, chị Hà Thị Liên (công nhân vệ sinh môi trường khu vực quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Qua người bạn, tôi có biết facebook của bác sĩ Khánh, tôi thường xuyên theo dõi mỗi lần bác sĩ phát trực tiếp, tư vấn cho mọi người. Thực lòng là tôi không có bệnh gì liên quan đến xương khớp nhưng vẫn nghe vì thấy nó rất bổ ích. Từ đây tôi sẽ biết được nhiều kiến thức, phổ biến cho người thân trong gia đình. Bấy lâu nay tôi đã coi bác sĩ Khánh là thần tượng rồi. Thật hiếm có người nào có tài lại có tâm như anh ấy".

Sợ những giọt nước mắt của người bệnh

Trong suốt quá trình khám chữa bệnh của mình, điều khiến anh sợ nhất lại chính là những giọt nước mắt của người bệnh, dù từng giờ, từng phút anh phải đối mặt. Dự định trong tháng 11 anh sẽ thực hiện đêm nhạc ra mắt "Quỹ đầu tư phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo" tại Hà Tĩnh, quê hương anh.

Đó là một dự án đã ấp ủ rất lâu, anh đã kêu gọi bạn bè, người thân quen làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ được 1 tỉ đồng, có thể giúp được 10 trường hợp khó khăn đầu tiên với chi phí phẫu thuật mỗi ca lên tới 100 triệu đông. "Tôi hy vọng số tiền này sẽ tăng lên trong thời gian tới, số tiền càng nhiều sẽ càng giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn"- anh Khánh tâm sự.

Bác sĩ Khánh là người nổi tiếng tham gia những buổi thực tế từ thiện, thăm khám, hỏi thăm những hoàn cảnh khó khăn. Anh và đồng nghiệp đã nhiều lần mang quần áo, thuốc, sách vở tặng cho các bệnh nhân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Yên Bái. Chúng tôi được nghe một câu chuyện xúc động về bác sĩ Khánh qua một người bạn sau một chuyến đi từ thiện.

Hôm đó nhóm của anh có liên hoan, ăn uống, cả hai người đã có men rượu trong người. Thế nhưng, bác sĩ Khánh vẫn nằng nặc đòi đi cho kỳ được, bởi anh đã hứa khám miễn phí cho một người dân nghèo. Đơn giản vì anh không muốn thất hứa cho dù đó là ai.

Người bạn này đưa anh Khánh vào tận một con hẻm sâu của một vùng quê rất nghèo. Đường đi khó khăn, hiểm trở tưởng chừng hai người phải bỏ cuộc. Cuối cùng thì họ cũng đến được gia đình bệnh nhân, đó là một đôi vợ chồng nghèo. Căn nhà rách nát, vườn tược xác xơ, người vợ nằm co quắp, đứa con thơ nằm bên cạnh mẹ buồn bã.

Mọi người lặng thinh chờ đợi, bác sĩ Khánh nhìn hình ảnh chụp xương với tâm thế háo hức của một bác sĩ mới vào nghề. Bác sĩ Khánh im lặng, kìm nén rồi nghẹn ngào. Khi nhìn sang đứa con của người bệnh anh đã bật khóc, ôm đứa bé vào lòng, anh khóc như một đứa trẻ. Anh đã khóc bằng lòng thương, bằng cảm xúc thực sự.

Bệnh nhân bị cây đổ đập vào sống lưng vỡ đốt sống và tê liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống. Đã đi chữa trị  nhiều bệnh viện nhưng đều không có dấu hiệu thuyên giảm. Bác sĩ Khánh đã động viên gia đình bằng tình cảm, vật chất và cả thuốc men.

Bằng những lời khuyên chân thành để chị ấy phải làm quen với 1/2 thân dưới vĩnh viễn sẽ không hoạt động, đơn giản vì khoa học hiện nay chưa có cách nào chữa trị. Anh Khánh đã ôm lấy em bé tiếp tục khóc và nói: "Ngày xưa chú cũng như vậy, khổ lắm, đói lắm, nghèo lắm, vất vả lắm. Phải vượt qua bằng chính nỗ lực của mình thôi".

Với bác sĩ trẻ Trần Quốc Khánh, làm những việc tốt như một bản năng, như một thói quen của mình. Món quà của bệnh nhân đôi khi chỉ là những lời cảm ơn, những cái bắt tay hay chỉ là con gà, cân gạo.

"Tôi còn nhớ như in món quà của một em bé vùng cao mang đến đúng vào những ngày giáp Tết. Một con gà trống nhốt trong lồng tre, em bé ấy bảo đây là con vật em quý nhất, là tài sản quý giá của nhà em. Vì nhớ ơn cứu sống, vì cả gia đình yêu mến nên tặng tôi con gà đó. Thực sự đó là món quà vô giá trong cuộc đời hành nghề y của mình"- anh Khánh xúc động kể lại.

Nhiều người gọi anh với cái tên thân thiện "bác sĩ nghìn like".

Hàng ngày, hàng giờ anh chứng kiến và thấu hiểu nỗi đau của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Anh cảm nhận được sự khát khao muốn kéo dài sự sống bằng cách cấy, ghép tạng, tuy nhiên nguồn tạng lại quá hiếm. Vì vậy cần để chia sẻ với người bệnh, bác sĩ Khánh đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, không kèm theo bất cứ điều kiện nào.

"Khi còn sống thì sẽ cố gắng hết mình vì sức khỏe cộng đồng, còn khi từ giã cõi đời, xin được góp một phần cơ thể để giúp đỡ những người mắc bệnh hiểm nghèo kéo dài thêm sự sống. Quan niệm sống của tôi là "sống là để cho đi", "cho đi khi mình còn có thể" - Bác sĩ Khánh chia sẻ một cách giản dị.

Phong Anh
.
.
.