Angela Merkel - tiếp tục là “Bà đầm thép”?

Thứ Năm, 09/03/2017, 10:31
Là nữ Thủ tướng đầu tiên của Ðức, bà Angela Merkel nhận được nhiều lời ngợi khen khi tỏ ra rất thành công trong việc nâng cao vị thế của Berlin ở châu Âu và thế giới. Nước Ðức dưới sự lãnh đạo của bà Merkel từ năm 2005 đến nay ngày càng hùng mạnh cả về kinh tế lẫn ảnh hưởng chính trị. Chính vì thế, nhiều người gọi bà là “Bà đầm thép” của Ðức.


Tháng 2 vừa qua, đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) đã tiếp tục bầu bà Merkel là ứng cử viên thủ tướng trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức vào ngày 24-9-2017. Liệu bà sẽ một lần nữa đem lại chiến thắng cho liên minh, tiếp tục xứng danh là “Bà đầm thép”?

Từ khoa học gia thành chính khách

Angela Dorothea Merkel sinh tại Hamburg, Đức ngày 17-7-1954. Bà là con gái của Horst Kasner, một mục sư Giáo hội Luther. Năm 1954, Horst Kasner đến quản nhiệm một nhà thờ ở Quitzow, gần Perleberg, và gia đình dời đến ở Templin. Merkel lớn lên ở vùng quê chỉ 80km phía Bắc Berlin, thuộc lãnh thổ của Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức).

Merkel theo học vật lý tại Đại học Leipzig từ năm 1973-1978, sau đó làm việc và nghiên cứu tại Viện Hóa Lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đông Đức từ năm 1978-1990. Sau khi tốt nghiệp với học vị Tiến sĩ Vật lý, Merkel làm việc trong lĩnh vực hóa lượng tử.

Năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Merkel tham gia phong trào dân chủ, gia nhập đảng Demokratischer Aufbruch mới thành lập. Sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Đông Đức, bà trở thành phụ tá phát ngôn của chính quyền lâm thời tiền thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Lothar de Maizeiere.

Trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào tháng 12-1990, sau khi đất nước thống nhất, Merkel đắc cử vào Bundestag (Quốc hội). Đảng của bà sáp nhập với đảng CDU của Tây Đức và Merkel trở thành Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trong nội các của thủ tướng Helmut Kohl.

Năm 1994, Merkel được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Môi trường và An toàn lò phản ứng hạt nhân, vị trí này giúp bà trở thành một nhân vật được nhiều người biết đến và cung cấp một diễn đàn giúp bà xây dựng sự nghiệp chính trị.

Ngoài tiếng mẹ đẻ, bà Merkel còn có thể nói tiếng Anh gần như hoàn hảo và nói tiếng Nga lưu loát. Năm 1977, bà kết hôn với Ulrich Merkel, một nhà vật lý, rồi họ ly dị năm 1982. Từ năm 1998, bà kết hôn với một giáo sư hoá học ở Berlin tên Joachim Sauer và cho đến nay vẫn chưa có con.

Bà đầm thép

Khi chính phủ Kohl thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998, Merkel được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Đảng CDU. Hai năm sau, ngày 10-4-2000, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ ghế Chủ tịch đảng CDU, gây kinh ngạc cho nhiều nhà quan sát.

Ở vị trí này, Merkel nhận được sự ủng hộ đáng kể từ người dân Đức để trở nên nhân vật thách thức Thủ tướng Gerhard Schroder trong cuộc bầu cử năm 2002. Tuy vậy, bà không được ưa thích ngay bên trong đảng, đặc biệt trong đảng anh em CSU.

Vì vậy, mãi đến ngày 30-5-2005, Merkel mới giành được sự đề cử của liên minh CDU/CSU để trở thành đối thủ của Thủ tướng Gerhard Schroder (đảng SPD) trong cuộc tổng tuyển cử năm 2005.

Kết quả cuộc bầu cử toàn quốc ngày 18-9-2005 là bất phân thắng bại cho liên minh CDU/CSU của Merkel và đảng SPD của Schroder. Sau đó, 2 bên đi đến thoả thuận theo đó Merkel sẽ là Thủ tướng trong khi SPD nắm giữ 8 trong số 16 vị trí trong nội các. Merkel được bầu vào chức vụ thủ tướng bởi đa số phiếu của đại biểu (397-217) trong kỳ họp của Bundestag ngày 22-11, song có đến 51 thành viên của liên minh cầm quyền bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống.

Merkel cho biết mục tiêu chính của chính phủ là giảm tỷ lệ thất nghiệp, và chính phủ nên được đánh giá qua sự thành bại trong nỗ lực này. Merkel ủng hộ nghị trình cải cách liên quan đến hệ thống xã hội và kinh tế nước Đức, bà được xem là thiên về thị trường tự do; bà vận động sửa đổi Luật Lao động, dỡ bỏ những rào cản trong quy trình sa thải nhân viên và gia tăng số giờ làm việc trong tuần, bà cho rằng luật lệ hiện hành làm suy giảm tính cạnh tranh bởi vì các công ty không thể kiểm soát giá thuê mướn nhân công khi công việc kinh doanh đình trệ.

Bà Merkel thường được so sánh bởi các nhà báo Đức cũng như Anh, với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Nhiều người thích gọi bà với biệt danh "Iron Lady" hay "Iron Girl"; song ngoại trừ biệt danh, các nhà bình luận chính trị nhận thấy ít có sự tương đồng giữa các nghị trình chính sự của hai nữ chính khách này.

Người phụ nữ quyền lực nhất

Ngày 30-11-2005, trong bài diễn văn chính phủ đầu tiên, Merkel công bố mục tiêu cải thiện nền kinh tế Đức và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Đầu năm 2006, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Angela Merkel, sau 100 ngày cầm quyền, đã giành được sự ủng hộ cao nhất trong số các thủ tướng lãnh đạo nước Đức kể từ năm 1949.

Nhiều nhà phê bình kinh tế thường nhắc đến thuật ngữ "nhân tố Merkel" như là nguyên nhân của sự gia tăng nhanh chóng trong mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng và mức chi tiêu trong thị trường.

Trên cương vị Thủ tướng Đức, có thể thấy, những gì mà bà Merkel đã làm được cho nước Đức kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2005 là rất ấn tượng. Việc tạp chí Forbes 6 lần vào các năm 2006, 2007, 2008, 2013, 2015 và 2016 bầu chọn nhà lãnh đạo nước Đức Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của bà đối với nhiều vấn đề khu vực và thế giới.

Theo Forbes: “Với GDP 3.300 tỷ USD, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nỗ lực cải tổ của Merkel đã giúp phục hồi kinh tế và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp (dù niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm). Bà nâng cao tuổi về hưu, bổ nhiệm thêm phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong chính quyền, tăng phụ cấp cho người chịu sinh thêm con.

Có quan điểm cứng rắn trong các cuộc tranh luận, bà tiếp kiến Dalai Lama, trừng trị Mugabe và muốn đồng euro thủ giữ vai trò quan trọng hơn trong thị trường tài chính trong lúc đồng đôla đang suy yếu. Bà cũng cố biến nước Đức thành một quốc gia thân thiện hơn với môi trường bằng các biện pháp cắt giảm khí đốt nhà kính. Người dân Âu châu đã bỏ phiếu chọn bà là chính trị gia có nhiều ảnh hưởng nhất”.

Tiếp tục được tín nhiệm

Ngày 6-2 vừa qua, bà Merkel đã được cả đảng CDU và đảng CSU chọn làm ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. Trước đó, tại Đại hội đảng CDU diễn ra ngày 6-12-2016, Merkel đã được bầu lại làm Chủ tịch CDU với tỷ lệ phiếu bầu 89,5%. Việc được bầu lại vào cương vị Chủ tịch đảng CDU đã giúp bà Merkel trở thành ứng cử viên thủ tướng Đức của đảng trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.

Theo một chuyên gia Đức tại Berlin, thành công nhất của Thủ tướng Merkel chính là lĩnh vực kinh tế. Minh chứng cụ thể là trong bối cảnh các nước châu Âu, kể cả Pháp, phải điêu đứng vì vấn đề nợ công và thất nghiệp, kinh tế Đức lại hầu như không bị ảnh hưởng trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của bà. Điều này khiến chính phủ của Thủ tướng Merkel luôn giành được tín nhiệm cao.

Trong vai trò là nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu, chính sách “viện trợ đi kèm với thắt lưng buộc bụng” của bà Merkel, dù đã vấp phải không ít chỉ trích nhưng thực tế các gói cứu trợ của bộ 3 chủ nợ EU, ECB, IMF do Đức khởi xướng đã góp phần làm dịu khủng hoảng và đưa khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dần phục hồi.

Theo các chuyên gia phân tích, dưới thời Thủ tướng Merkel, nước Đức đã vươn lên giữ vị thế quan trọng nhất châu Âu; đồng thời có tiếng nói trên trường quốc tế. Đặc biệt trong nhiệm kỳ thứ ba từ tháng 12-2013, Chính phủ Đức đã áp dụng Luật lương tối thiểu ở mức 8,50 EUR/giờ và lần đầu tiên kể từ năm 1969, nước này đạt cân bằng ngân sách và không có nợ mới trong ngân sách liên bang.

Đây là một trong những thành quả đáng tự hào nhất của Thủ tướng Đức Merkel. Mặc dù phải đối mặt với khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của bà, ước tính nền kinh tế tăng trưởng 1,8% trong năm 2016 và dự báo 1,4% trong năm 2017.

Ðe dọa từ SPD

Tuy nhiên tháng 3-2016, đảng cầm quyền CDU của Thủ tướng Merkel đã hứng một cú sốc lớn khi để đảng SPD dẫn đầu tại cuộc bầu cử Nghị viện ở 3 bang gồm: Rheinland-Pfalz, Sachsen-Anhalt và Baden-Würtemberg.

Đầu tháng 9-2016, đảng CDU lại tiếp tục hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện bang Mecklenburg-Vorpommern. Cuối tháng 9, trong cuộc bầu cử Nghị viện bang tại Berlin, CDU cũng chỉ nhận được 18% số phiếu - thấp nhất kể từ năm 1990 và giảm so với con số 23,3% trong cuộc bầu cử tương tự năm 2011.

Các cuộc bầu cử Nghị viện bang vốn được coi là phép thử quan trọng đối với các đảng tại Đức trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vào năm 2017. Qua đó, có thể thấy chính sách người tị nạn của Thủ tướng Merkel đã khiến uy tín của đảng CDU cũng như của bà bị giảm sút. Một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 24-2 cho biết, SPD đã lần đầu tiên vượt lên trên CDU trong suốt một thập kỷ qua.

Nếu bà Merkel giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới và giữ ghế Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ 4 năm, bà sẽ tái lập kỷ lục làm Thủ tướng Đức của ông Helmut Kohl; đồng thời trở thành nữ lãnh đạo lâu năm nhất tại châu Âu. Người giữ vị trí này trước đó là nữ cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher với 11 năm tại vị liên tiếp.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh bất ổn gia tăng sau khi cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, và thách thức từ làn sóng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu, trong đó có mối đe dọa về an ninh, bà Merkel được kỳ vọng là một nhân tố giúp duy trì sự ổn định ở lục địa già.

Vĩnh Ðông (Tổng hợp)
.
.
.