Vươn lên từ đôi chân tật nguyền
Tưởng rằng cuộc đời anh sẽ khép lại trên chiếc xe lăn, nhưng khi được nghe những câu chuyện vượt lên số phận từ những thương binh khu điều dưỡng thương binh Yên Nam (Duy Tiên) - nơi bố mẹ anh công tác - anh quyết tâm theo học nghề đông y để tự mưu sinh. Nhóm tự lực của người khuyết tật đầu tiên ở tỉnh Hà Nam do anh khởi xướng thành lập, nay là Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam đã và đang hoạt động tích cực, góp phần tạo động lực, niềm tin cho những người khuyết tật vươn lên.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với lương y Trần Quang Dũng (thị trấn Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam) là nụ cười nhân hậu, cách nói chuyện đầy lạc quan, tự tin. Mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi khang trang cùng một gia đình hạnh phúc. Gương mặt anh rạng rỡ khi nhắc đến gia đình thân yêu của mình.
Lương y Trần Quang Dũng. |
Anh bảo, có được ngày hôm nay, người anh biết ơn nhất chính là người bác họ từng cõng anh đi học suốt thời gian hai bác cháu theo học lớp đào tạo nghề do Trung ương Hội Đông y Việt Nam mở ở thành phố Phủ Lý và người vợ hiền thảo đã bất chấp mọi sự ngăn cản của gia đình để nguyện làm hậu phương vững chắc suốt đời cho anh.
Sinh ra bụ bẫm, khoẻ mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng lên 2 tuổi, anh Dũng gặp một trận ốm nặng khiến đôi chân tê mỏi và teo dần. Dù ông nội là lương y nổi tiếng đã tìm mọi thứ thuốc tốt nhất để điều trị nhưng bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm. Suốt thời thơ ấu là những tháng ngày anh được cha mẹ lặn lội đưa đi khắp nơi và các bệnh viện lớn để chữa trị. Cứ ai mách ở đâu có thuốc hay là ông bà lại đưa con tìm đến.
Điều thiệt thòi nhất của anh là tuổi thơ không được đến trường như các bạn cùng lứa vì bệnh tật triền miên. Thương con, bố mẹ anh tự mua sách về dạy học cho con, lớn lên một chút thì mời thầy đến nhà dạy. Không có điều kiện đi học đại học, anh Dũng tự lên mạng mày mò, học hỏi nhiều kiến thức về khoa học, công nghệ để củng cố thêm kiến thức cho mình.
Không muốn phụ thuộc vào gia đình, 16 tuổi, anh quyết tâm theo học nghề Đông y gia truyền của ông nội với mong muốn sau này trở thành một lương y giỏi, vừa chữa bệnh cứu người, vừa giúp anh mưu sinh. Thật may mắn cho anh, năm 2002, Trung ương Hội Đông y Việt Nam mở khóa đào tạo nghề ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam), anh và bác ruột của mình đều đăng ký tham gia học. Anh là học viên khuyết tật duy nhất của lớp.
Lớp học ở tầng 3, nhưng ngày nào bác anh cũng không quản ngại cõng cháu lên rồi lại cõng cháu xuống xe. Cho đến hôm nay, anh vẫn nói với mọi người rằng, người anh biết ơn nhất chính là bác anh, bởi nhờ có bác mà anh mới hoàn thành được khoá học và mở được phòng khám riêng cho chính mình ngay tại thị trấn Đồng Văn.
Anh Dũng tâm sự, trong nghề đông y, không ai có thể khẳng định là mình giỏi, chữa được nhiều bệnh, bởi học chỉ là một phần, quan trọng là luôn luôn phải trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ. Bệnh nhân có khỏi được bệnh hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Anh quan niệm "theo nghề đông y là nghiệp của mình".
Với những bệnh nhân ở xa gọi điện tư vấn sức khoẻ và xin cắt thuốc, lương y Trần Quang Dũng luôn thận trọng không dám khẳng định là có chữa được hay không, nhưng anh luôn hứa sẽ cố gắng hết sức. Và thường anh sẽ biếu bệnh nhân 5 thang thuốc đầu tiên, nếu có chuyển biến mới tiếp tục điều trị.
Với những bệnh nhân ở gần, anh luôn khuyến khích họ đến phòng khám để bắt mạch, kê đơn cho chuẩn. Với người khuyết tật, sức khoẻ của họ sẽ ngày càng yếu đi bởi những khiếm khuyết về cơ thể ảnh hưởng lớn tới xương, cốt, tim, phổi…
Người làm nghề y như anh hiểu được điều đó nên biết cách tự giúp mình đỡ bị ảnh hưởng phần nào, nhưng với những người không có điều kiện chăm sóc tốt thì càng lúc cơ thể càng ốm yếu hơn. Làm sao tìm được những phương thuốc hữu hiệu cho sức khoẻ người khuyết tật là điều anh luôn trăn trở và kiếm tìm.
Một hoạt động của Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam do anh Dũng làm Chủ tịch. |
Điều hạnh phúc nhất với anh là chị Lê Thị Mai Duyên, vợ anh luôn thấu hiểu và chia sẻ mọi công việc cùng anh. Suốt thời gian mở phòng khám Đông y, chị luôn là người hỗ trợ tích cực cho anh. Kể lại câu chuyện tình cảm động của mình, anh chỉ tủm tỉm cười. Sau khi kết thúc khoá học lớp đào tạo Đông y, một người bạn của anh khai trương phòng khám và anh tình cờ gặp chị trong buổi lễ khai trương ấy.
Được người bạn giới thiệu, hai người thường xuyên gặp gỡ, nhắn tin chuyện trò rồi tình cảm nảy nở lúc nào không hay. Nhớ những ngày đến nhà chị chơi, xe máy ba bánh của anh không vào được tận nơi, dù bạn anh ngỏ ý muốn cõng anh vào vì ở gần nhà chị nhưng anh không đồng ý. Nhà có hai chiếc xe lăn, anh mang gửi nhà người bạn một chiếc, hằng ngày đi xe máy xuống lấy xe lăn tự đi vào.
Lúc đầu gia đình chị Duyên phản đối nhiều lắm, nhưng rồi sự chân thành cùng nghị lực vượt khó của anh và sự quyết tâm của chị đã dần khiến mọi người thay đổi suy nghĩ. Sau khi cưới, chị Duyên nghỉ hẳn việc ở cơ quan cũ để ở nhà giúp đỡ chồng mọi việc. Và hiện giờ chị là người đóng vai trò rất quan trọng ở phòng khám của chồng bởi mọi việc thái, phơi, xao tẩm, gói… thuốc đều một tay chị đảm nhận.
Bản thân là người khuyết tật, chịu nhiều thiệt thòi nên lương y Trần Quang Dũng rất cảm thông với những người có cùng cảnh ngộ. Năm 2005, anh Dũng đã mạnh dạn xây dựng đề án thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam, khi ấy cả nước chỉ có 4 tỉnh có Hội Người khuyết tật hoạt động. Anh Dũng được tin tưởng bầu làm Chủ tịch hai nhiệm kì liên tiếp.
Điều đặc biệt là Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam được điều hành bởi 100% là những người khuyết tật, thành lập không phải mục đích để kêu gọi từ thiện, tìm kiếm công việc cho những người khuyết tật mà là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ tìm kiếm các cơ hội việc làm, văn hóa, thể thao… để những người khuyết tật cảm thấy tự tin hơn về bản thân, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong quá trình hòa nhập với xã hội.
Thời gian mới thành lập Hội, một mình anh Dũng với chiếc xe lăn tự bắt xe ôtô đi khắp nơi như Hà Nội, Hà Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…để học hỏi mô hình, kinh nghiệm hoạt động của các tỉnh cũng như tham gia các khoá đào tạo, xây dựng kế hoạch, thuyết trình… Lúc đầu, nhiều người nhìn anh ái ngại, không muốn cho lên xe, lên tàu, nhưng rồi hình ảnh người thanh niên khuyết tật nhưng vui vẻ, dễ mến, từ chối mọi sự ưu tiên, giúp đỡ, tự lực làm mọi việc khiến nhiều người cảm động và nhìn anh với đôi mắt thiện cảm.
Gia đình hạnh phúc của anh Dũng. |
Anh Dũng tâm sự: "Người khuyết tật như chúng tôi chịu thiệt thòi về nhiều thứ. Không phải ai cũng có xuất phát điểm tốt để có thể thành công, nhưng đừng lấy bệnh tật của bản thân để nhận lấy sự thương cảm của xã hội và đòi hỏi xã hội phải ưu tiên mình hơn những người lành lặn. Như thế chỉ làm xấu thêm hình ảnh người khuyết tật trong mắt mọi người và người khuyết tật càng khó có cơ hội tự khẳng định mình. Hãy cố gắng tự làm mọi việc bằng khả năng của mình, đừng nhờ vả, phiền lụy đến người khác, những chính sách ưu đãi của Nhà nước và xã hội luôn tạo ra nhiều cơ hội nhằm hướng tới một xã hội không rào cản và vì quyền con người của người khuyết tật". Đó cũng là thông điệp mà anh muốn gửi đến những người tật nguyền như anh trong những lần đi thuyết trình ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Suốt thời gian vợ anh sinh cô con gái đầu, ông bà nội vẫn còn đang công tác tại khu điều dưỡng thương binh Yên Nam, anh vừa tham gia công tác Hội, vừa lo cơm nước chăm sóc cho vợ. Bà ngoại dù ở gần nhưng chỉ tối đến anh mới lái xe sang đón bà về ngủ cùng vợ để tiện trông cháu. Khi vợ sinh cậu con trai thứ hai cũng là lúc bà nội đang đi công tác nước ngoài, ba tháng sau mới trở về. Trong ba tháng ấy, anh Dũng vừa đưa đón cô con gái lớn đi học, vừa khám bệnh, cắt thuốc, vừa lo cơm nước chăm vợ. "Đồ đạc ở trên cao nếu không lấy được, tôi lại bế cô con gái lớn đứng lên với cho bố. Cô con gái lại là người giúp đỡ bố rất nhiều trong việc chăm mẹ, chăm em", anh Dũng cười tươi kể lại những kỉ niệm khó quên của mình.
Với những cống hiến to lớn cho cộng đồng người khuyết tật, lương y Trần Quang Dũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và là điển hình tiên tiến của tỉnh Hà Nam tại các kì Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc cũng như Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam.