Thầy giáo mầm non yêu nghề
Sẽ theo nghề cả đời
Câu chuyện về người thầy đặc biệt đang giảng dạy tại trường mầm non xã Vĩnh Hòa lâu nay đã được nhiều người truyền tai nhau như thể một câu chuyện lạ. Đến lớp thầy Nguyễn Xuân Ba chúng tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có mặt tại lớp 3 tuổi D đúng vào giờ thầy Ba dạy các bé múa hát. Những động tác múa thuần thục, mềm mại không thua kém giáo viên nữ, chúng tôi cảm nhận được sự đam mê, nhiệt huyết yêu thương con trẻ của thầy giáo 35 tuổi này.
Thầy Hùng vui vẻ dạy các bé múa trong giờ múa hát. |
Thầy Ba đến với nghề giáo viên mầm non như thể một cơ duyên. Khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc tại trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Dương, thầy có nhiều con đường để lựa chọn. “Khoảng tháng 3-2013, sau khi tốt nghiệp ra trường tôi đã đi làm nhiều chương trình khác nhau. Một lần BGH Trường Mầm non Vĩnh Hòa đến đặt vấn đề nhờ thầy dạy âm nhạc cho các cháu. Tôi không mất nhiều thời gian để suy nghĩ nộp hồ sơ và chính thức theo nghiệp giáo viên mầm non”, thầy Ba kể lại.
Biết tin thầy Ba trở thành thầy giáo dạy mầm non, bạn bè, thậm chí cả người thân ai cũng bất ngờ. Đã có những lời nói không hay, đã có những dè bỉu, chê bai nhưng thầy Ba đã bỏ ngoài tai. “Khi gắn bó với nghề này tôi mới thấy được cái hay, sự vất vả cũng nhưng nhiều điều mà chỉ có người làm giáo viên mầm non như chúng tôi mới biết được”, thầy Ba chia sẻ.
Để trở thành một giáo viên mầm non, bên cạnh những chuyên môn đã được học còn có rất nhiều kỹ năng khác mà không phải ai cũng có được. Đó là chăm sóc con trẻ, giao tiếp với các bé, bởi đây là những bé lần đầu xa vòng tay của cha mẹ. Là một thanh niên mới ra trường lại chưa lập gia đình, việc chăm sóc cả vài chục trẻ mới chỉ ba tuổi là một thử thách không hề nhỏ. Nếu không thực sự yêu thương trẻ con có lẽ thầy Ba đã bỏ nghề ngay sau đó.
Những ngày đầu năm học là ngày ám ảnh nhất, bởi thầy sẽ được nhận một lứa mới, các bé mới chỉ ba tuổi và lần đầu tiên đến lớp. Thầy bảo, các bé đến lớp thì nhớ nhà, nhớ bố mẹ chỉ khóc và khóc… việc dỗ dành, rồi cho ăn, cho ngủ là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, dịu dàng. “Ngày đầu tiên được được tiếp xúc với môi trường lớp học nên các cháu rất sợ. Không những vậy, mỗi cháu lại có một biểu hiện, nên cách “xử lý” lại phải khác nhau. Rồi các cháu chưa biết tự đi vệ sinh, cũng là một thử thách với đàn ông như tôi”, thầy Ba hào hứng kể lại.
Hiện thầy Hùng rất hạnh phúc với công việc nuôi dạy trẻ của mình. |
Những khó khăn ngày đầu với chàng trai chưa lập gia đình tưởng chừng không thể vượt qua được nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Thầy Ba thấy yêu trẻ, yêu cái nghề đặc biệt từ khi nào cũng không hay. Nói đến đây thầy Ba cười hạnh phúc: “Cũng nhờ cái nghề này mà tôi đã tìm được nửa của mình. Hiện hai vợ chồng tôi cùng công tác trong trường. Có lẽ nghề này đã là định mệnh với tôi rồi, có lẽ cả đời sẽ không rời bỏ công việc này”.
Hy hữu trở thành giáo viên mầm non
Ở huyện Ninh Giang vẫn có một người thầy đặc biệt nữa, đó là thầy Nguyễn Đắc Hùng (SN 1988, xã Hồng Dụ). Việc trở thành thầy giáo mầm non không phải ngẫu nhiên mà phía sau câu chuyện ấy là những trăn trở của người thầy từng là người lính.
Nhìn thầy Hùng vui đùa cùng trẻ nhỏ chẳng ai nghĩ thầy đã từng trải qua đời lính. Thầy bảo, dù đã qua 5 năm theo nghề nhiều người vẫn không tin là mình làm thầy giáo mầm non. Đã có lúc tưởng chừng mình không cố được nữa, muốn bỏ nghề nhưng rồi vài câu nói ngây thơ của các bé đã khiến thầy suy nghĩ lại. Và thầy đã quyết định dồn hết tâm huyết, sức lực cho nghề sư phạm mầm non.
Năm 2008, khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên trẻ trở về địa phương tham gia vào Ban Công an xã Hồng Dụ. Cùng thời gian này, chị gái thầy Hùng đang công tác tại trường mầm non cùng Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hồng Dụ khuyên thầy đi học ngành sư phạm âm nhạc. Tuy nhiên khi đang học tại trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Dương, thầy Hùng lại được định hướng học vào ngành sư phạm mầm non để sau này có cơ hội vào ngành. Sau khi được người nhà phân tích, thấy hợp lý thầy Hùng đã quyết định theo ngành giáo dục mầm non.
Hình ảnh này giờ không còn xa lạ với mọi người ở huyện Ninh Giang. |
Đúng ngày nhập học, khi bước vào lớp, thầy Hùng đã bị… yêu cầu ra ngoài vì nghĩ nhầm lớp. Không những vậy, người đánh máy lại đánh nhầm giới tính của thầy Hùng là nữ và cô giáo cũng không nghĩ có nam giới tham gia ngành học này. “Dù có gặp những chuyện dở khóc dở cười, bàn ra tán vào nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, mọi người cũng quen dần với việc xuất hiện một sinh viên nam theo ngành sư phạm mầm non. Thực ra tôi có rất nhiều dự định nhưng rồi vẫn phải theo ngành này, có lẽ đó là cái duyên”, thầy Hùng kể.
Sau những bỡ ngỡ, việc chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày luôn được thầy Hùng hoàn thành và thực hiện đầy đủ như các giáo viên nữ khác trong trường. Đôi khi có những việc "tế nhị" còn khiến thầy e ngại. "Sau lần thi tuyển viên chức năm 2016 không được may mắn khiến tôi chán nản muốn bỏ nghề để đi tìm công việc mới. Do đó, tôi xin với Hiệu trưởng nghỉ 1 tháng không trực tiếp đứng lớp, nhưng vẫn làm công việc khác tại trường. Cùng lúc này, tôi cũng nhận được lời mời của một doanh nghiệp với mức lương khá, chế độ đãi ngộ cao khiến tôi suy nghĩ”.
Nhưng rồi, một lần trên đường đi làm về, thầy Hùng gặp bé học sinh trong trường đang chơi, bé có hỏi: "Thầy đi đâu mà không thấy ở lớp?". Chính câu hỏi ngây thơ ấy đã khiến thầy Hùng suy nghĩ rất nhiều. Và sau một đêm, thầy Hùng đã quyết định không từ bỏ nghề, gắn bó với cấp học này.
Vượt qua nhiều lời ra tiếng vào thầy Ba nhận ra rằng đây chính là công việc phù hợp với mình. |
Nhớ lại ngày đầu thầy Hùng về trường làm việc, cô Trịnh Thị Dịu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Dụ kể rằng, trước đây (khi chưa sáp nhập xã Hồng Dụ và xã Hồng Thái, lúc đó cô Dịu là Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Thái), cô có nghe kể về một giáo viên nam nhưng cô nghĩ mọi người trêu đùa. Nếu thật thì thầy giáo đó chắc cũng chỉ làm văn thư hay công việc khác trong trường, chứ chưa khi nào cô nghĩ thầy giáo đứng lớp dạy học sinh mầm non. Sau khi sáp nhập 2 nhà trường và với cương vị là người đứng đầu thì suy nghĩ của cô hoàn toàn khác khi được trực tiếp dự tiết học, tiếp xúc với thầy Hùng.
"Thầy Hùng là giáo viên nhiệt huyết với nghề, chu toàn, có trách nhiệm với công việc. Thầy không ngại khi tham gia với bất kỳ công việc nào của trường, lớp hay phân công của Ban Giám hiệu. Trong khi đó, bản thân thầy có nhiều năng khiếu và làm được những công việc khác nhau trong trường. Vì vậy, việc thầy Hùng công tác trong trường đã xoá đi khoảng cách và suy nghĩ lâu nay của nhiều người khi cho rằng chỉ có nữ giới mới làm được công việc mầm non", cô Dịu chia sẻ.