NSƯT Tấn Minh: Suy cho cùng, tôi vẫn là người hạnh phúc

Thứ Hai, 22/05/2017, 09:30
Ca sĩ Tấn Minh nói, đời sống âm nhạc đang không ngừng chuyển động và những giá trị khác biệt vẫn tồn tại song hành. Chỉ có điều, những dòng suối trong lành càng ngày càng thưa vắng hơn. Và người nghệ sĩ, đôi khi thấy hoang mang, đơn độc trước sự thật - giả lẫn lộn, sự đón nhận và nhìn nhận hời hợt của khán giả, của giới truyền thông.


Tôi không hướng tới những sản phẩm mất hút trong vòng 6 tháng

- Lâu rồi anh khá im hơi lặng tiếng, cũng không thấy ra album mới. Trong dòng chảy ồ ạt của âm nhạc đương đại, anh có thấy mình lạc nhịp?

+ Tôi đang làm album với Đỗ Bảo, hy vọng năm nay sẽ xong. Bây giờ xu hướng của các ca sĩ trẻ không thích làm album mà chỉ làm MV và PR hình ảnh. Điều đó hợp với xu hướng của những người trẻ, họ đầu tư vào một bài hát, sau đó đẩy lên thành hit.

Cách làm đó hợp với thời cuộc vì cập nhật và mọi người đón nhận nhanh hơn. Nhưng cá nhân tôi không thích. Tôi muốn một sản phẩm âm nhạc thực sự đầy đặn và được làm những thứ mình thích, không vì điều gì cả. Có lẽ tôi thuộc thế hệ cũ rồi so với các bạn trẻ, không thích cái gì ngoại kích, tôi thích nội kích, có chiều sâu. Dù tôi khá cởi mở, luôn đón nghe những người trẻ để biết thời cuộc đang diễn ra cái gì và nhìn nhận tại sao người ta thích.

Tôi đủ lớn để hiểu một điều rằng, những người trẻ có sự thành công nhất định của họ và ít nhiều họ có giá trị riêng. Có những điều các bạn trẻ làm mà mình không làm được, nó là hơi thở của thời đại, mình phải chấp nhận việc đó. Nhưng mình đủ lớn để không phải loay hoay, chạy theo các xu thế. Và hết sức bình tĩnh, công tâm nhìn nhận mọi vấn đề một cách chuẩn mực để vững vàng hơn trên con đường mình chọn, vẫn trung thành và đắm đuối với thứ âm nhạc mà mình cho là hay, có giá trị bền vững.

Tôi không hướng đến những thứ chỉ khoảng trong vòng 6 tháng là mất hút, dù tôi không đánh giá những thứ đó là sai, cuộc sống có cung có cầu hết sức bình thường. Mỗi người có một sở thích khác nhau, có những người thích chiều sâu, khám phá, có những người quá bận rộn, họ chỉ muốn nghe cái gì đó dễ chịu và không phải nghĩ gì cả.

Tôi chọn cho mình hướng đi như thế, quan trọng là mình thích thôi, đến tuổi này rồi, không có lý do gì để thay đổi cả vì thay đổi sẽ không còn là mình. Quan trọng nhất là những gì cần có mình đã có và bây giờ mình có điều kiện để hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Các bạn trẻ cũng muốn chứ, đó là đích đến cuối cùng của những người làm nghệ thuật, nhưng vì cuộc mưu sinh giằng níu.

- Anh là người khá cởi mở khi nghe những người trẻ, chính họ đang làm nên một làn sóng mới của âm nhạc Việt. Anh có thể nói gì về âm nhạc của họ?

+ Tôi đồng cảm và chia sẻ với các em. Trong vấn đề nghe nhạc, tôi không cực đoan, thậm chí tôi quan sát con mình nghe cái gì, tại sao nó nghe thể loại âm nhạc đó và trao đổi thẳng thắn với nhau tại sao con thích, thích ở điểm gì. Tôi tin mình hiểu vấn đề và có cách định hướng cho các con nói riêng và các bạn trẻ nói chung hướng tới điều tốt đẹp nhất.

Tôi cũng học được ở các bạn những điều mà thế hệ tôi không có để mình lớn mà không bị cũ, sợ nhất là mình bị tụt hậu, không bắt kịp hơi thở của ngày hôm nay. Vì dòng âm nhạc nào cũng đang chuyển động, nó có những sự thay đổi ít nhiều phù hợp với thời đại. Tôi nghiệm thấy giao du với người trẻ rất hay, thời cuộc tạo ra những điều mới mẻ ở họ mà thế hệ tôi không có và năm tháng sẽ giúp họ hoàn thiện hơn.

- Tôi đọc trong một chia sẻ của nhạc sĩ Đỗ Bảo về đời sống âm nhạc, anh nói, đời sống ấy đang chuyển động mạnh mẽ nhưng nó hướng tới việc kiếm tiền, tới những bài hit nhiều hơn là những giá trị. Anh nghĩ sao về nhận định đó?

+ Điều nhạc sĩ Đỗ Bảo nói hoàn toàn đúng nhưng ta phải học cách chấp nhận nó. Dòng chảy đó cứ chảy và không dừng lại được. Vậy những người đang tìm tòi, sáng tạo để có những giá trị lâu bền càng phải vững tâm để cống hiến và nên song hành cùng tồn tại để đem những giá trị tốt đẹp đến cho mọi người. Thực tế vẫn có những người đang theo đuổi những giá trị như Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn, Giáng Son... chỉ tiếc rằng, lực lượng đó không đông và sức lan tỏa không nhanh. Nhưng phải chấp nhận thôi.

Hãy cởi mở. Cuộc sống vẫn vậy, nước từ trên núi chảy xuống sao mà dừng được, cứ chảy thôi, còn trong và sạch đẹp đến đâu cũng do bàn tay con người vun đắp, giữ gìn. Chúng ta thờ ơ với những gì đang diễn ra, thấy đầy rác mà vô cảm, quay lưng đi thì nó sẽ tắc và ô nhiễm, chỉ cần mỗi người có ý thức một chút thôi thì dòng suối sẽ trong và sạch.

- Vì thế mà những dòng suối như vậy trong âm nhạc ngày càng thưa vắng?

+ Tôi vẫn có niềm tin nhất định rồi những dòng suối trong lành đó sẽ lan tỏa sang dòng suối bên cạnh. Có thể phải chờ khá lâu. Nó cũng phụ thuộc vào chính các bạn, những người trong chúng ta, tôi tin khi hai người đứng lên nhặt rác cùng mình thì sẽ có người thứ 3, thứ 4 làm tiếp công việc đó.

Thực tế, có nhiều nhạc sĩ trẻ, khởi điểm là những con người tuyệt vời, tài năng, tôi đặt nhiều hy vọng nhưng chỉ sau vài năm thôi, họ làm mình không còn niềm tin ở họ nữa. Tôi nghĩ, không trách họ được, vì mình ích kỷ muốn họ làm theo cách mình nghĩ, nhưng cuộc sống cơm áo, gạo tiền muôn thuở.

Họ muốn nổi tiếng nhanh, không đủ độ lì, kiên nhẫn... và nhiều cái tên mất hút trong đời sống âm nhạc. Họ đánh đổi sự nổi tiếng bằng những sản phẩm lỏng tay đi. Trong vòng 2, 3 năm nữa, khi bị cuốn vào sự hào nhoáng, họ sẽ trượt thêm.

Để những sáng tạo của nghệ sĩ không đơn độc

- Nhưng dù thế nào thì những người trẻ đang tạo nên một đời sống âm nhạc mới mẻ, mang hơi thở đương đại. Là một người luôn quan tâm đến những giá trị đương đại, anh nghĩ gì về sự lên ngôi của bolero trong thời gian qua?

+ Tôi không đồng ý khi chúng ta dùng từ bolero "lên ngôi". Thị phần của dòng nhạc này rất lớn vì nó đại chúng. Và nó có giá trị riêng trong đời sống âm nhạc, được khán giả đại chúng đón nhận vì nó chạm tới cảm xúc của nhiều người. Việc lên ngôi của bolero là do truyền thông đẩy lên chứ bản chất bolero vẫn tồn tại trong đời sống từ lâu như thế. Không có gì mới mẻ và không cần làm mới với dòng nhạc đó. Chúng ta không cần phải PR cho nó nhiều nó vẫn tồn tại một cách vững vàng. Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến các giá trị khác cần được cổ vũ động viên, khuyến khích sáng tạo.

- Vâng, một nền âm nhạc chỉ có bolero thì thật buồn tẻ và tiếc thay, không có các giá trị đương đại tiếp nối?

+ Trở lại câu chuyện sáng tạo, tôi thấy báo chí cần quan tâm nhiều hơn đến những sáng tạo của nghệ sĩ để khuyến khích, động viên họ. Chúng ta không quan tâm, họ vẫn âm thầm làm việc nhưng họ nhụt chí, hoang mang...

Ca sĩ Cẩm Vân thể hiện ca khúc "Bài ca không quên" trong Giai điệu tự hào, một chương trình truyền hình được nhiều người khen ngợi.

Bây giờ cứ lao vào làm rồi mọi người nghe online hết, tuy thời cuộc như thế chúng ta phải chấp nhận, nhưng hãy quan tâm đến những sản phẩm sáng tạo thực sự. Nghệ sĩ làm album không mong lãi lời gì, hòa vốn đã mừng rơi nước mắt rồi. Đừng để nghệ sĩ quá tồi tệ không thu được đồng nào, ít nhiều làm thui chột ý chí sáng tạo, họ không còn niềm tin bởi những cống hiến của họ bị rơi vào không trung và sự thiệt thòi chính là khán giả. 

- Nhưng nếu nhìn sâu vào đời sống âm nhạc thì những dự án mới không có nhiều. Nhạc sĩ Quốc Trung trong mùa Moonson vừa rồi đã thách thức các nhà báo rằng, hãy chỉ cho tôi các dự án mới của nghệ sĩ, tôi sẵn sàng mời họ tham gia. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng ấy gương mặt đã quá quen thuộc. Vì nghệ sĩ lười hay vì tiếng nói của họ không được đón nhận?

+ Tôi nghĩ, sự khao khát cống hiến luôn thường trực trong tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng họ cần sự tĩnh lặng, sống chậm lại, có thời gian nạp năng lượng và tìm con đường mới, dù khó khăn, biết đi đường hẹp nhưng họ muốn làm, không phải khẳng định với ai mà để vượt qua chính mình.

Trong giới nhạc sĩ hiện nay, họ hoang mang, bất lực, không  biết sự nghiệp của họ sẽ đi về đâu với một trào lưu lan tràn nhiều thứ mạnh mẽ, trong khi những giá trị mà tôi và chị đang nói đến lại manh mún, không tập trung, chỉ có một số cá nhân lao vào như thiêu thân.

Đại đa số các nhạc sĩ chán nản, thật giả lẫn lộn, ranh giới thật giả mong manh, sự nhìn nhận và đón nhận hời hợt, họ không còn nhiều niềm tin để sáng tạo, để cống hiến. Tôi là ca sĩ nhưng luôn tìm cách gieo niềm tin và sự hứng khởi làm nghề cho họ bằng cách này, cách kia và tôi nghĩ, chúng ta cần nhiều hơn điều đó, để có một bầu không khí trong lành hơn.

Khi niềm tin không bị đơn độc, lạc lõng thì chúng ta mới có động lực làm những điều mình muốn. Những người như Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn còn đỡ, họ quyết liệt hướng tới những giá trị, họ đủ bản lĩnh để vượt qua mọi thứ mà họ nhìn thấy trong đời sống.

Để chống chọi với cả một nền âm nhạc như thế không đơn giản nhưng họ vẫn kiên định đi con đường của mình. Tôi chỉ mong những con người như thế tự tin và nhân lên nhiều hơn nữa. Đôi khi nhìn vào đời sống âm nhạc thấy lo lắng, dù mình lạc quan bởi vì mình vẫn nghĩ được và làm được, còn những người nghĩ mà không làm được thì sao? Suy cho cùng, tôi vẫn là người hạnh phúc.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện thẳng thắn của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.