Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương: Giai thoại và những vần thơ

Thứ Ba, 10/11/2015, 16:11
Mới đây, hay tin bức ảnh chân dung Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương của nhiếp ảnh gia Bùi Văn Sơn đoạt giải nhất, trong cuộc thi ảnh: “Chân dung và cuộc sống người Hà Nội”, cũng không mấy người ngạc nhiên vì quả người thầy này có một gương mặt đẹp với bộ râu dài trắng như sương tuyết cùng đôi mắt đầy biểu cảm với thời gian. Nhưng chân dung của ông ngoài cuộc sống còn hết sức sinh động và kèm theo không ít giai thoại rất thú vị. Tôi nhớ...

Giai thoại “Tiến sĩ lợn”

Câu chuyện “Tiến sĩ lợn” đậm chất hài hước đúng với nét dí dỏm “Văn Như Cương” (ông sinh năm 1937). Cách đây khoảng hơn 40 năm, thày giáo Văn Như Cương bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga (Liên Xô cũ-1971); trở về dạy học ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng kinh tế còn khó khăn lắm. Ngày đó để vượt qua cái “sĩ” của mình không phải dễ, nhưng thày Cương không nề hà tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách nuôi lợn kiếm tiền. 

Mỗi lứa lợn, tính toán tiền lãi và tiền cám dư còn được 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một Tiến sĩ ngày đó. Nên thày Cương hay nói vui với đồng nghiệp, nhà có hai tiến sĩ, một là tôi và một là lợn. Nhưng ngẫm ra tiến sĩ người vẫn phải chi phí nào ăn mặc tiêu pha, còn vị “Tiến sĩ lợn” chẳng phải lo đến vải vóc điện nước, lại tốt tính hiền lành chiều thế nào cũng được. Cho cái gì cũng ăn mới hay chứ. Lãi phết. Vậy là lợn nuôi người chứ đâu chỉ có chuyện người nuôi lợn.

Thế rồi, sau những lần bị lập biên bản, về chuyện làm ảnh hưởng môi trường tập thể hay sao đó, thầy Cương chia tay với vị cứu tinh của mình. Khi bạn bè đến chơi, đùa hỏi: “Tiến sĩ nhà thày đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế!? Thày bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho “Tiến sĩ lợn” bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh. Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”. Đúng là hài hước khó có thể tin, một tiến sĩ toán lừng danh hồi đó, còn gặp rắc rối đến thế. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương.

Ai cũng biết Tiến sĩ Văn Như Cương là tác giả hơn 50 cuốn sách giáo khoa. Hàng chục lớp người, các thế hệ đều phải học sách của ông. Vậy mà, có thời ông đã từng phải sống với “Tiến sĩ lợn”, cùng những tiếng kêu eng éc đinh tai, mỗi khi đòi ăn.

Chuyện vui về bộ râu

Chuyện về bộ râu của thầy Cương cũng khá oái oăm, với những giai thoại thú vị, suýt bị mẹ và vợ cắt mất. Bởi vào năm đầu thập niên 70, người ta quan niệm ai để râu ria xồm xoàm, hoặc cạo trọc đầu là có vấn đề, không bất mãn thì cũng bất trị. Nom có vẻ khác đời. Tìm cách thuyết phục vợ không dễ dàng gì. Thầy kiên trì biện bạch rằng, có bộ râu này mà làm việc gì khuất tất, sàm sỡ thì ai cũng biết, có mà đố dám. Nghe như đùa nhưng lại là sự thật nên nói mãi vợ cũng đành chiều theo. Quả nhiên ai cũng nhớ đến thầy Cương ở trường Sư phạm, qua bộ râu dài và đẹp như một bậc trưởng lão.

Lại còn chuyện, cũng nhờ bộ râu dài nom như Tây, mà thầy Văn Như Cương được một chị mậu dịch viên thời bao cấp bán cho hẳn một “tút” thuốc. Chị ngỡ đó là một chuyên gia người Liên Xô, vì thấy ông nói toàn tiếng nước ngoài, chẳng hiểu gì cả. Lúc ấy lại có một người đóng vai phiên dịch cho thày làm chị ta tưởng thật, thế là không bắt thày phải xếp hàng, mua năm điếu một như mọi người mà bán luôn cả “tút”, để phát cho đoàn đi cùng. Nhắc lại chuyện này, thầy Cương dí dủm tự trách mình, đó là vô tình râu lừa người, chứ mình không có ý định buôn thuốc lá đi bán lẻ kiếm lời. 

Vậy là bộ râu thầy Văn Như Cương nuôi từ thời còn đi tu nghiệp ở Liên Xô cũ. Tính đến giờ cũng đã nửa thế kỷ. Đúng là bộ râu đẹp như một ông tiên vậy. Từ ngày đứng ra thành lập trường THPT Lương Thế Vinh, năm 1989 thầy hiệu trưởng Văn Như Cương đã nổi tiếng với bộ râu “tuyết” của mình. Ấy vậy mà thầy vẫn hài hước về nó. 

Có lần một người hỏi vì sao ông có ít tóc nhưng sao râu lại dài thế? Ông nhanh chóng đáp lại, tại cái mồm tôi làm việc nhiều, còn cái đầu tôi làm việc ít. Người ta lại hỏi vì sao ông lại hết lòng vì sự nghiệp trồng người đến vậy, ông điềm đạm vuốt râu đọc mấy dòng thơ tâm huyết: “Ta phải về thôi tuổi xế chiều. Dẫu còn dan díu chút tình yêu. Bài ca sư phạm không đành bỏ. Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo”. 

Ai cũng biết, Trường THPT Lương Thế Vinh nổi tiếng với nguyên tắc ba không: Không họp hành, không bầu bán, không khen thưởng. Chất lượng giáo dục mới là tiêu chí của trường theo đuổi, cùng với phương châm của nhà trường: “Học thật, Dạy thật”. Do đó kết quả tốt nghiệp của học sinh nhà trường bao giờ cũng vào hàng cao nhất nước về mọi mặt, điểm số và chất lượng vào đại học.

Tình yêu và hạnh phúc

Riêng về chuyện hạnh phúc của thầy Văn Như Cương còn đẹp hơn cả một giai thoại với một kỷ niệm của “Lễ cưới vàng”. Tất nhiên khi ấy thầy chưa để râu vì còn thời sinh viên năm cuối. Thầy mạnh dạn, không ngại ngần vào thực tập ở trường Trưng Vương, toàn nữ ngày ấy (năm 1957). Có cô học trò, tên là Đào Kiều Oanh, một tiểu thư Hà thành ở lớp, bất ngờ bị hút hồn bởi anh chàng sinh viên thực tập. Chàng có cách truyền đạt đầy biểu cảm và dễ hiểu. Cô học trò ấy thường xuyên mang sách vở lên hỏi thày, trong các cuộc giao lưu, và rất chăm chỉ học tập. Hai thày trò mến nhau từ đó.

Hai cụ cháu.

Ra trường, thày giáo trẻ Văn Như Cương được giữ lại làm giáo viên trợ giảng. Từ đó tình yêu nảy sinh, chàng giáo viên nghèo này được gia đình cô Oanh chấp nhận và gắn bó. Nhưng có chuyện bất ngờ xảy ra, khi thày giáo Văn Như Cương được nhà trường quyết định cử vào Nghệ An, xây dựng trường đại học đầu tiên ở đây (năm 1959). Và tình yêu càng sâu sắc hơn, khi gia đình đã tin tưởng, giao cô gái rượu đi theo thày giáo trẻ vào Vinh, để tiếp tục học tập. Năm 1961, khi Đào Thị Oanh nhận tấm bằng tốt nghiệp, cũng là lúc thày giáo Văn Như Cương xin cưới. Hai người nên vợ nên chồng từ đó và cùng nghề dạy học. Đến nay đã 54 năm trọn tình, trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời, nhưng hạnh phúc vẫn là mãi mãi trong tương lai.

Thầy giáo Văn Như Cương nhớ lại những kỷ niệm khó quên về hạnh phúc của mình. Thầy kể, khi ấy cưới nhau chưa được bao lâu hai người lại phải xa cách vì phải dẫn học trò của mình đi sơ tán, mỗi người một phương. Tình yêu của đôi vợ chồng giáo viên trẻ ngày càng sâu nặng, và tạo nên sức mạnh cho sự nghiệp và nguyện sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Nỗi nhớ điệp trùng nỗi nhớ. Vượt qua mọi gian lao, đạn bom để thực hiện nhiệm vụ lớn lao của người thày. 

Những vần thơ cháy bỏng đã được thày Văn Như Cương viết ra như sự giải tỏa nỗi niềm thương nhớ người vợ trẻ, đồng thời cũng để bày tỏ nỗi khát khao hiến dâng: “Anh và em, ta yêu nhau mà chẳng được sống cùng nhau. Giữa hai chúng mình hố bom dày chi chít. Trên con đường ta đi, cây trồng những năm xưa nay đều chết hết. Những nhịp cầu đau như những vết thương sâu...”. Tình yêu gắn bó với sự nghiệp là vậy. Một tình yêu đã được dát vàng hạnh phúc với ba cô con gái. Giờ đây họ đều là những cộng sự vững chắc bên cạnh người cha trong sự nghiệp trồng người, suốt hàng chục năm qua.

Cõng mẹ đi chơi

Bên cạnh những giai thoại vui, còn chuyện Tiến sĩ Văn Như Cương về quê cõng mẹ 94 tuổi đi chơi Tết, càng thấy lạ. Chuyện xảy ra cũng đã gần 20 năm. Nghe ngỡ là giai thoại nhưng đúng là chuyện có thật hết sức cảm động. Vào thời gian đó thầy cũng đã vào tuổi “Lục thập hoa giáp”. Chuyện con trai 60 cõng mẹ 90 đi chơi, một hình ảnh thân thương và đẹp như huyền thoại vậy. 

Ai cũng nhớ hôm ấy giời mưa, đường đất rất trơn. Mùng một Tết, theo thường lệ thày theo gia đình ra nhà thờ họ và đi chúc Tết bà con láng giềng, cùng họ hàng. Đường trơn ướt mưa. Mẹ không đi được. Thầy Cương bèn cúi lưng đòi cõng mẹ cho dù trước đó đã bị ngã đau chân. Mẹ từ chối không được, vì người con hiếu thảo này cứ một mực xin được cõng mẹ, đi chúc Tết. Khi tới nhà thờ họ, ai cũng bất ngờ xúc động với hình ảnh người con đã râu tóc bạc phơ, vẫn cõng mẹ đi chơi.

Thấy mẹ nhẹ bỗng trên lưng mình, thầy Cương bồi hồi xúc động vì thương mẹ gày gò, yếu ớt. Ông đã làm bài thơ tâm sự vào cái tết cuối cùng về với mẹ. Những vần thơ chân thực làm xúc động lòng người: “Con sáu mươi cõng mẹ chín tư. Mẹ ơi mẹ nhẹ thế này ư!. Thôi con đừng lo cho mẹ. Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ”.  

Đó cũng là câu chuyện thành thơ cuối cùng giữa hai mẹ con, bởi vào tháng 10 năm đó, thày giáo Văn Như Cương đã phải tiễn mẹ về cõi ngàn thu. Hình ảnh ông cõng mẹ đi chơi Tết đẹp như huyền thoại vậy. Một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Nó dung dị, ẩn chứa nét vô thường về đạo hiếu; đó là phận sự làm con luôn luôn kính trọng, thương yêu cha mẹ, và phải biết gìn giữ nó suốt một đời.

Trên đây là những chuyện có thật ngỡ như giai thoại về Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh mà tôi có thể nhớ lại. Còn nhiều giai thoại khác chung quanh ông. Thiết nghĩ cuộc đời hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cùng với tính cách trung thực và thẳng thắn của ông đã làm nên một chân dung đặc sắc.

 Nằm ngoài bộ râu, hay ánh mắt mà bức ảnh vừa được trao giải nhất (10/2015) về nhà giáo Văn Như Cương, tôi xin tô điểm thêm về nguồn mạch trong sáng nơi trái tim ông, đó là một tấm lòng. Tấm lòng vì nuôi dạy con người. Tấm lòng yêu thương đồng loại. Đúng như thầy Văn Như Cương đã từng muốn học trò của mình trước hết hãy là người tử tế. Nghĩa là người có tấm lòng. Và, như bài hát kia của Trịnh Công Sơn đã từng cất lên: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không. Để gió cuốn đi... Ôi trái tim đang bay theo thời gian...”. Tôi và mọi người ngưỡng mộ ông vì điều đó.

Chung Tử
.
.
.