Phá Lỗ tướng quân Chiêu đỗng hầu Đinh Văn Cương

Thứ Ba, 22/12/2020, 07:59
Vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nhà Mạc đã cho xây thành lũy kiên cố tại thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn (xưa thuộc Kim Bôi) nhằm chốt chặn con đường quan trọng thông từ Kinh kỳ với miền Hà Trung, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân (Thanh Hóa) mà nhà Lê Trung Hưng làm căn cứ.

Dựa vào thế mạnh nhà Mạc lại có thành kiên cố trên đất Kim Bôi nên có người tên Hoàng An được phong tước An Phú Bá cho quân tràn vào cướp phá, giết người với âm mưu thôn tính vùng mường Động, nơi dòng họ Đinh cai quản đã nhiều đời. An Phú Bá tập trung đông quân tấn công vào vùng Vĩnh Đồng, huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay xã Vĩnh Đồng thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Chống đỡ không nổi, đàn ông trai tráng phải chạy lên rừng chờ thời cơ phản công.

Cổng thành nhà Mạc ở Cao Thắng (Kim Bôi trước đây) nay thuộc Lương Sơn, Hòa Bình.

Giặc họ Hoàng ra tay cướp bóc và tàn sát dân Mường. Bà Bùi Thị Thời vợ nhà lang họ Đinh đang có mang không chạy kịp liền vờ làm người ở vác ống bương ra giếng lấy nước rồi tìm đường trốn sang mường Khang (Lạc Sơn). Những ngày ở rừng, bà Thời để ý những quả khỉ ăn và lấy làm thức ăn sống qua ngày. Đây chính là lý do sau này người Mường họ Đinh kiêng không ăn thịt khỉ. Khi tìm về đến mường Khang, bà Thời ở nhờ một nhà Ậu và mấy tháng sau bà sinh con trai đặt tên là Đinh Văn Cương.

Mấy năm sau, gia đình nhà Ậu thuê thầy đồ miền xuôi dạy chữ nho cho con. Đinh Văn Cương là người ở phải đi chăn trâu. Tuy vậy, thấy con nhà Ậu học chữ, Cương rất thích nên lén học lỏm. Cương nhặt những chiếc mo bương, mo nứa xếp lại rồi lấy những đá chèn cho phẳng thay cho giấy, lấy than củi thay bút và mực viết vào mặt lương của mo. Viết xong, Cương gài giấu những bản mo có chữ vào mái bếp. Khi dỡ gianh bếp để lợp lại, những chiếc mo có chữ nho tung ra làm gia chủ rất ngạc nhiên. Khi biết đó là chữ do Đinh Văn Cương viết, gia chủ cảm mến liền cho Cương học cùng con của họ. Là đứa trẻ ngoan ngoãn, khôi ngô, tuấn tú lại có chữ nên Đinh Văn Cương càng được gia chủ và bà con trong mường thương yêu.

Giữa thời Lê – Mạc giao tranh, trong hoàn cảnh một mẹ, một con phải lánh nạn, Đinh Văn Cương sớm thể hiện là người có chí khí. Vừa làm việc cho gia đình Ậu ở mường Khang, Cương vừa dành thời gian chăm chú học chữ nho và các môn võ. Thấy con say mê học tập bà Bùi Thị Thời rất mừng và gắng sức làm lụng để cho con có thêm thời gian học tập. Người dân mường Khang rất thương quý hai mẹ con bà Thời nên đã chia ruộng nương cho mẹ con bà như người dân trong mường.

Cuộc nội chiến Nam – Bắc triều giữa vua Lê và nhà Mạc đã kéo dài gần 50 năm. Tháng Chạp năm Nhâm Thìn (1592), sau khi Tiết chế Trịnh Tùng diệt được Mạc Mậu Hợp, tình hình trong nước đã nghiêng hẳn về nhà Lê. Tháng Ba năm Quý Tỵ (1593) vua Lê Thế Tông đã từ Vạn Lại, Thọ Xuân, Thanh Hóa kéo ra Thăng Long. Các địa phương nhà vua đi qua đều có tráng đinh chờ đón vừa bảo vệ vừa sung vào đội quân của vua. Thấy mình đã trưởng thành và đây là dịp tốt để tiến thân, ông Đinh Văn Cương xin phép mẹ cho theo đoàn quân của nhà vua. Trước khi Đinh Văn Cương lên đường, bà Bùi Thị Thời dặn con: “Con đi chuyến này sẽ qua cánh đồng Cốc thuộc xóm Đồng Rừng là đất mường Động – quê cha đất tổ họ Đinh của con. Mẹ cầu tổ tiên phù hộ con được mạnh khỏe, trả được thù nhà, nợ nước, lập được công danh cho xứng dòng họ Đinh mường Động”. Ông Cương xúc động cúi đầu từ biệt mẹ rồi hăng hái lên đường.

Một quan lang mường Động xưa.

Khi đoàn tiền quân của nhà vua đến cánh đồng Cốc, nhớ lời mẹ dặn đây là quê hương mường Động của dòng họ Đinh, trước cảnh núi non hùng vĩ, không kìm được cảm xúc, ông Cương đã bật khóc. Viên chỉ huy tiền quân đang trên đường hộ giá thấy thế cho là điềm gở và định đem ông Cương ra xử tội. Vua Lê hỏi rõ sự tình liền khen ông Cương là người hiếu thảo. Lại thấy tướng mạo ông Cương khôi ngô, vóc người khỏe mạnh nên cho theo hầu dưới trướng.

Đoàn quân đi đến Áng Bằng (Miếu Môn) bất thần có 4 tên thích khách chỉ huy quân từ trong bụi rậm nhảy ra định ám hại vua Lê Thế Tông đang cưỡi voi. Quân hộ vệ không kịp chống đỡ, ông Cường liền giằng ngay lấy giáo của một hộ vệ rồi tả đột hữu xung tiêu diệt bọn thích khách cứu vua Lê thoát nạn nên được nhà vua phong ngay chức “Tiền quân hiệu úy”. Về tới Kinh thành, vua Lê cho điều ông Cương sang Dinh Tiết chế Trịnh Tùng để đi đánh giặc lập công. Được trọng dụng, ông Cương rất phấn khởi, hăng hái hướng dẫn dân quân đi đường tắt đánh các cánh quân nhà Mạc đang chiếm cứ một số nơi thuộc vùng Sơn Tây. Nhà Mạc tuy tan vỡ nhưng tàn quân còn lẩn khuất một số nơi đã cấu kết với các đám giặc cỏ nổi lên cướp của và giết hại dân lành. Ông Cương lại được điều sang đạo Kinh Bắc (Bắc Ninh) tiêu diệt giặc cỏ trong thời gian 7 năm. Do lập nhiều chiến công, ông Cương được nhà vua sắc phong “Phá lỗ tướng quân chiêu đỗng hầu”.

Khi tuổi đã cao, ông Đinh Văn Cương xin về nghỉ ở “Bảo Minh Nông”. Nhà vua sắc phong cho ông tước Quận công giữ chức phiên thần cai quản nhân dân 7 xã: Vĩnh Đồng, Hạ Bì, Nật Sơn, Kệ Sơn, Mỗ Sơn, Nhuận Trạch, Tri Thủy (Năm 1960, các xã trên được chia ra như sau: Xã Vĩnh Đồng thành 5 xã: Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến, Hợp Đồng, Đông Bắc, Thượng Tiến; Xã Hạ Bì thành hai xã Lập Chiệng và Hạ Bì; Xã Nật Sơn thành 7 xã Nật Sơn, Tú Sơn, Tú Sáng, Hùng Tiến, Bắc Sơn, Sơn Thủy và Bình Sơn; Xã Kệ Sơn chia thành 4 xã Tân Vinh, Hợp Hòa, Cao Răm, Trường Sơn; Xã Mỗ Sơn thành 2 xã Hùng Sơn và Lâm Sơn; xã Trí Thủy…). Đây là một vùng rất rộng có người Mường sinh sống lâu đời trước khi thành lập tỉnh Mường. Khi ông Đinh Văn Cương về đến làng Chiềng Động (quê nội ông) thì Hoàng Văn An tức An Phú Bá vô cùng hoảng sợ. Biết không thể chống được ông Đinh Văn Cương, Hoàng Văn An đã trốn về thôn Đồi rồi tự đốt mình tránh bị trừng phạt tội chiếm đoạt đất đai Vĩnh Đồng và hãm hại dân Mường.

Nhà thơ Lê Va (tholeva@gmail.com).

Vì biết chữ, nên ông Đinh Văn Cương chính là người đầu tiên viết bản gia phả họ Đinh ở Vĩnh Đồng lấy tên “Vĩnh Đồng xã phiên thần Đinh gia tôn phái bản ký”. Bản gia phả đầu tiên này, ông Cương viết ngược trở lại 7 đời, bắt đầu từ cụ Đinh Như Lệnh sinh 1365 (cuối đời vua Trần Dụ Tông) làm cụ tổ. Do ông Đinh Văn Cương có công được triều đình phong tước Quận công, nên từ đời sau ông (đời thứ 8) trở đi, dòng họ Đinh này bắt đầu đệm chữ Công thay cho chữ Văn thành họ Đinh Công tiếp tục cai quản vùng Vĩnh Đồng và mở rộng ra các vùng mường khác.

Sinh thời ông Đinh Văn Cương lấy 6 bà vợ, sinh 9 con trai và 10 con gái. Trong đó, ông Đinh Công Kỷ là con đầu của bà vợ cả (chính thê) là Bạch Thị Thừa người thôn Vụ ở mường Giắng, xã Nật Sơn nên được kế tập thổ tù, các con trai khác được phân chia đi làm lang các nơi.

Dòng họ Đinh ở Hòa Bình xưa và nay rất lớn và chưa thể xác định khởi thủy từ bao giờ. Chỉ khi chi nào đó bắt đầu viết gia phả thì tính từ đó trở đi. Còn trước khi viết gia phả thì đương nhiên tách thành các nhánh khác. Vì vậy, hiện tại ở Hòa Bình có nhiều họ Đinh như Đinh Công, Đinh Thế, Đinh, Đinh Đăng, Đinh Văn… mà không cùng gia phả. Riêng họ Đinh Công cũng có tới 3 dòng chính khác nhau đó là Đinh Công có nguồn gốc từ Vĩnh Đồng (Kim Bôi); Đinh Công ở Mường Thàng (Cao Phong) và Đinh Công ở Mường Diềm (Đà Bắc).

Lê Va
.
.
.