Những cái nhất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu

Thứ Ba, 24/03/2015, 11:56
Theo thông báo ngày 23/3 của Văn phòng Thủ tướng Singapore, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời hồi 3h18’ ngày 23/3. Chính phủ Singapore quyết định để tang ông Lý Quang Diệu 7 ngày, từ 23 đến 29/3. Lễ tang được cử hành tại Đại học quốc gia Singapore lúc 14h ngày 29/3.

Ông Lý Quang Diệu nhập viện từ hôm 5/2 vì viêm phổi nặng và từ đó đến nay sức khoẻ của cựu Thủ tướng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân Singapore.

Trong khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger coi ông Lý Quang Diệu là "một trong những nhân vật vô song trong lịch sử", học giả người Mỹ Gerry Smedinghoff lại đánh giá, ông Lý Quang Diệu là "nhà lãnh đạo hình mẫu của thế kỷ 21" và là "nhà lãnh đạo chính trị thời bình vĩ đại nhất trong thế kỷ 20".

Ông Lý Quang Diệu, bà Kha Ngọc Chi và 3 người con.

Học giả Gerry Smedinghoff cũng đặt câu hỏi, liệu có bao nhiêu nhà lãnh đạo đủ dũng khí nói ra rõ ràng những suy nghĩ của mình giống như ông Lý Quang Diệu. Còn cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng gửi một nhóm nghiên cứu tới Singapore để học hỏi chương trình hưu trí và tiết kiệm của nước này được gây dựng từ thời cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu lãnh đạo "một hải cảng nhỏ bé, không có tài nguyên, nhưng đã biến đất nước này trở thành một trong những con rồng châu Á", một trong những nước giàu nhất, an toàn nhất và ổn định nhất thế giới.

Giáo sư Andrew Dubrin đến từ Viện Công nghệ Rochester (Mỹ) coi ông Lý Quang Diệu là hình mẫu của Thủ tướng phục vụ nhân dân.

Khi ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền năm 1959, Singapore phải đối mặt với nhiều khó khăn như tỉ lệ thất nghiệp cao, người dân thiếu nhà ở trầm trọng, nạn tham nhũng hoành hành... Nhưng đến thập niên 1980, GDP bình quân đầu người Singapore tăng hơn 10 lần, lên 6.634 USD, tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất, tỉ lệ người dân có nhà ở tăng lên tới 81%, còn nạn tham nhũng được xóa bỏ nhờ luật chống tham nhũng.

Khi mới thành lập, Singapore gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Lý Quang Diệu quyết không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, và quyết xây dựng một chính phủ trong sạch. Khi giải thích với người dân lý do quan chức chính phủ hưởng lương cao, ông Lý Quang Diệu nói: Mức lương thấp chỉ thu hút những kẻ đạo đức giả.

Làm Thủ tướng 31 năm (1959-1990) và 21 năm là Bộ trưởng (1990-2011), ông Lý Quang Diệu đã tạo ra những chính sách "made in Singapore" như cấm kẹo cao su, phạt những ai không dội nước khi đi toilet, phạt người vứt rác, khuyến khích mỉm cười... Ông Lý Quang Diệu từng nói thẳng với tờ Straits Times: "Chúng tôi cứ thấy đúng là làm, chẳng hơi đâu mà quan tâm thiên hạ nghĩ gì!". Ông Lý Quang Diệu thường nói, tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ.

Ông Lý Quang Diệu rút khỏi nội các Singapore năm 2011, sau khi đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền nhận được kết quả thấp nhất trong cuộc tổng tuyển cử kể từ ngày Singapore giành độc lập.

Ngày 14/5/2011, ông Lý Quang Diệu thông báo từ chức và Thủ tướng thứ hai Singapore, ông Goh Chok Tong cũng nghỉ hưu. Ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của Singapore (1959-1990), sau đó ông Goh Chok Tong lên cầm quyền (1990-2004). Và từ ngày 12/8/2004 đến nay, ông Lý Hiển Long, con trai cả của ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng thứ ba của Singapore. Trong nội các của Thủ tướng Goh Chok Tong, ông Lý Quang Diệu là Bộ trưởng Cao cấp, còn trong chính phủ của con trai, ông là Bộ trưởng Cố vấn.

Mặc dù xuất thân trong một gia đình gốc Hoa, nhưng ông Lý Quang Diệu lại có phong cách phương Tây - thẳng thắn, rõ ràng, không vòng vo. Tuy là đời thứ tư sống ở Singapore của dòng họ Lý từng sống tại huyện Đại Bộ, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nhưng ông Lý Quang Diệu lại chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Trung Quốc và tiếng Tamil. Thậm chí ông Lý Quang Diệu còn khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Trung Quốc, tập trung học tiếng Bắc Kinh…

Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923, tại số 92 đường Kampong Java, Singapore. Ông Lý Quang Diệu và vợ, bà Kha Ngọc Chi đã bí mật kết hôn ở Anh và tới tháng 9/1950 khi trở về Singapore, họ mới chính thức làm đám cưới và sinh hạ được 3 người con (2 trai: Lý Hiển Long và Lý Hiển Dương, 1 gái: Lý Vỹ Linh). Năm 2010, bà Kha Ngọc Chi qua đời ở tuổi 89 sau 2 năm nằm liệt giường. Trong cuốn hồi ký dày 400 trang được AFP trích dẫn, ông Lý Quang Diệu bày tỏ: muốn dấu chấm hết cho cuộc sống của mình đến càng nhanh và ít đau đớn càng tốt, và sợ phải nằm liệt giường với dây ống chằng chịt trên người.
Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.