Nhạc sĩ Hoàng Long: Bỏ nghề kỹ sư vì quá đam mê âm nhạc
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, anh đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Anh cũng là người có duyên với các giải thưởng âm nhạc, cứ thi là có giải.
- Chào anh Hoàng Long, thông thường người ta lựa chọn con đường sự nghiệp cho mình ở tuổi đôi mươi, tuổi nhiều nhiệt huyết nhất. Anh đã trở thành một kỹ sư, gắn bó hơn 20 năm với ngành giao thông vận tải, rồi bất ngờ ở tuổi ngoài 40 thì bắt đầu lại bằng cách theo đuổi sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Đó quả là một sự lựa chọn liều lĩnh. Điều gì đã giúp anh đủ nội lực để theo đuổi một con đường mới ở thời điểm không còn trẻ về tuổi đời như vậy?
+ Tôi vốn yêu âm nhạc từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên tình yêu đó rất âm thầm, như một ngọn lửa nằm sâu trong trái tim mình. Do những điều kiện khách quan của gia đình, môi trường học tập mà tôi không được tiếp cận, học hành sớm về âm nhạc.
Từ năm học cấp 3 tôi đã ấp ủ dự định mình sẽ phải theo đuổi âm nhạc, nhưng bố mẹ tôi khuyên tôi nên thi vào một trường đại học để học một cái nghề, sẽ ổn hơn cho cuộc sống sau này. Thậm chí bố tôi còn hứa sẽ mua cho tôi một cây đàn ghi ta nếu tôi thi đỗ đại học.
Khi tôi đỗ vào trường đại học, với cây đàn bố mua tặng, tôi theo học âm nhạc tại nhà thầy Văn Nhân (nhạc sĩ Văn Nhân). Học ghi ta ở thầy, sau đó tôi còn đi học thêm buổi tối và các ngày nghỉ ở các thầy giáo nhạc viện khác. Tôi học đàn violin, rồi học lớp ký xướng âm, kết bạn bè với rất nhiều nghệ sĩ lĩnh vực âm nhạc.
Công việc kỹ sư ngành giao thông của tôi khác với công việc sáng tác âm nhạc nhiều lắm. Dù vẫn say sưa với công việc đó, nhưng dường như tôi vẫn chờ đợi một thời điểm đủ chín nào đó, mình sẽ quay trở lại với âm nhạc. Tôi cảm thấy tôi là chính mình khi ở trong âm nhạc.
- Và anh đã rời bỏ nghề kỹ sư như thế nào?
+ Từ lâu tôi âm thầm sáng tác. Đến một thời điểm tôi mạnh dạn chia sẻ các sáng tác của mình với một số bạn bè, thầy giáo. Được động viên, khích lệ, tôi bắt đầu công bố tác phẩm của mình đến với khán giả bằng nhiều cách.
Tôi gửi bài cho các ca sĩ mình quen biết để họ hát. Tôi gửi tác phẩm đi dự các cuộc thi...Và tôi nhận ra, những sáng tác của mình có thể có đời sống trong khán giả. Những giải thưởng dù nhỏ trong vài ba cuộc thi sáng tác, hay những ca khúc được phát sóng trên các kênh phát thanh, truyền hình để lại dấu ấn trong công chúng khiến tôi có thêm niềm tin vào con đường mình sẽ đi.
Tôi nhận ra, làm âm nhạc sẽ giúp tôi có thể đóng góp cho cuộc đời nhiều hơn, nhờ sức lan tỏa của nó. Tôi nên làm công việc gì mà tôi cảm thấy say mê hơn. Âm nhạc từ lâu đã ở trong trái tim tôi rồi. Và tôi chọn âm nhạc. Dù thời điểm để rời bỏ cái này, chọn lấy cái kia tôi không còn trẻ nữa. Nhưng tôi nghĩ, trẻ hay không là chuyện của trái tim chứ không phải tuổi tác. Chúng ta không nên tự giới hạn mình. Bất kể lúc nào cũng có thể bắt đầu.
- Khi anh bỏ một công việc ổn định, dễ kiếm tiền hơn để đến với một công việc mà nhìn về phía trước bấp bênh, không biết mình có thành công thực sự hay không, đấy là chưa nói, dù thành công có thể vẫn nghèo, gia đình anh có ủng hộ?
+ Lúc đầu, gia đinh, người thân của tôi phản ứng ghê lắm. Ai mà có thể yên tâm cho được chứ, khi tôi đang có một công việc ổn định thì bất thần tôi bỏ, để theo đuổi đam mê âm nhạc. Nhưng tôi vẫn quyết tâm bước đi, vì tôi có một niềm tin vào lựa chọn của mình. Tôi không thích kiểu vẫn làm công việc cũ, rồi xem âm nhạc như một cuộc chơi tay ngang.
Tôi muốn toàn tâm toàn ý cho sáng tác. Tôi nghĩ nếu mình tận hiến cho một công việc, chắc chắn mình sẽ có thành quả. Làm âm nhạc vẫn có thể sống được bằng nghề, nếu anh tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khán giả, chẳng qua là anh có đạt được đến điều đó hay không mà thôi.
Nhạc sĩ Hoàng Long nhận giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành GTVT do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ GTVT tổ chức. |
- Nhưng trong thực tế, có nhiều nhạc sĩ tên tuổi lớn, có nhiều ca khúc được công chúng mến mộ qua nhiều thế hệ vẫn đang phải sống hoàn cảnh không dư giả gì?
+ Tôi hiểu thực tế đó. Ở nước ta, đang có một sự chênh lệch lớn giữa người sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn. Người sáng tạo ra tác phẩm là cái gốc. Họ như con ong làm mật cho đời. Mật ngọt của họ chính là chất liệu để cho người nghệ sĩ biểu diễn lựa chọn, thuyết phục công chúng và xây dựng tên tuổi. Tuy nhiên, những gì người sáng tác nhận được rất khiêm tốn, chưa tương xứng với đóng góp của họ cho nghệ thuật.
Tiền tác quyền không đáng là bao, không đủ để họ tái tạo sức sáng tạo. Trong khi đó, thu nhập của nghệ sĩ biểu diễn lớn hơn nhiều lần. Một đêm diễn của ca sĩ nổi tiếng có thể được trả cát-xê hàng trăm triệu. Tôi mong muốn người sáng tạo được đãi ngộ tốt hơn.
Người làm nghề cần phải sống được bằng ng4hề thì mới lâu dài được. Cá nhân tôi, dù hiểu được điều đó vẫn muốn dấn thân vào con đường sáng tác, vì tôi biết ở đó, có những giá trị tinh thần mà ngay cả tiền bạc cũng không thể mua được. Lòng đam mê của người sáng tác còn cao hơn cả tiền bạc là vì vậy.
-Việc anh mở studio là để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, hay là để có thêm phương tiện để kiếm tiền bằng âm nhạc?
+ Sau khi xác định mình sẽ đi con đường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi nghĩ ngay đến một studio. Đó sẽ là nơi để tôi chơi nhạc, thỏa mãn tôi trước tiên đã. Sau đó, nó sẽ là nơi để tôi gặp gỡ bạn bè, những người cùng niềm đam mê với mình. Các ca sĩ chuyên nghiệp và cả những người yêu âm nhạc có thể đến với tôi, cùng giao lưu, học hỏi. Lẽ dĩ nhiên, nếu studio trở thành một dịch vụ để phục vụ bất kỳ ai yêu âm nhạc để tôi có thể kiếm được tiền, thêm thắt vào để nuôi nghề sáng tác thì cũng rất tuyệt vời.
- Có thể thấy trong vài năm trở lại đây, anh sáng tác rất nhiều ca khúc, dự nhiều cuộc thi và gặt hái giải thưởng, thậm chí được nhận giải của Hội nghề nghiệp nữa. Nếu nói về sự cần cù, chăm chỉ, thì anh là một ví dụ. Nhưng liệu trong nghệ thuật, chỉ có cần cù, chăm chỉ thì đã đủ chăng?
+ Cần cù, chăm chỉ không bao giờ là đủ trong nghệ thuật cả. Anh phải có tài năng, có tâm lớn mới làm được nghệ thuật. Tôi luôn tự nhắc mình phải không ngừng tìm tòi, khám phá, để có được những ý tưởng sáng tạo mới.
Nhạc sĩ Hoàng Long (thứ 4 từ phải sang) và các nghệ sĩ trong liveshow mini của anh mang tên “Người trở về”. |
- Thường trong sáng tác có 2 khuynh hướng khá rõ rệt. Một số người chỉ viết cho mình, nghĩa là viết những điều họ cảm thấy thích thú thực sự, không quan tâm đến thị hiế khán giả, được chấp nhận hay không không quan trọng.
Một số người khác lại rất quan tâm đến thị hiếu công chúng. Họ theo đuổi những điều công chúng yêu thích, và viết sao cho hợp thời, trúng vào mong muốn của số đông khán giả. Anh thuộc tuýp nào trong số đó?
+ Tôi không xem thường thị hiếu công chúng. Tôi vẫn luôn quan sát, lắng nghe và viết những gì phù hợp với tinh thần của cuộc sống đương thời. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ quên những giá trị cốt lõi của âm nhạc, của nghệ thuật và có ý thức gìn giữ những giá trị bền vững đó.
Nếu người sáng tạo chỉ chạy theo những thứ nhất thời thì sớm hay muộn anh cũng bị lãng quên. Nhưng cũng không nên cực đoan quá, vì tác phẩm là phải có sự chia sẻ, đón nhận của công chúng. Theo tôi nên hài hòa các yếu tố đó thì sáng tác của mình sẽ cân bằng hơn.
- Giờ đây thói quen nghe nhạc của công chúng đã có nhiều thay đổi. Công nghệ phát triển và người ta nghe nhạc trên internet nhiều hơn là trên các phương tiện truyền thống như đĩa CD...Anh có dự định đưa tác phẩm của mình đến với công chúng theo các hình thức mới của thời kỳ công nghệ số?
+ Chúng ta không thể phủ nhận sức lan tỏa mạnh mẽ của hình thức nghe nhạc trực tuyến. Công nghệ số đã thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của số đông. Là một người sáng tác, tôi không thể đứng ngoài xu hướng tất yếu đó.
Theo tôi, thay vì thụ động, người sáng tác cần phải chủ động hơn trong việc đưa tác phẩm đến với người nghe. Tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, sử dụng các kỹ năng nghe nhìn mới này để đưa các tác phẩm của mình đến với khán giả một cách hiệu quả nhất.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện.
Nhạc sĩ Hoàng Long Sinh năm 1967 tại Nam Định Hội viên Hội nhạc sĩ Hà Nội Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2017 Giải nhất cuộc thi sáng tác âm nhạc chào mừng 70 năm ngày Thành lập ngành Giao thông vận tải cho ca khúc "Người chiến sĩ giao thông" Tác giả của những ca khúc được yêu mến như "Thời áo trắng", "Trở lại trường xưa", "Ngày không anh", “Khúc nhạc đồng quê”, “Thương mẹ”, “Người chiến sĩ giao thông”.... |