Người thương binh hơn 20 năm "tiếp lửa" cho giới trẻ

Thứ Ba, 06/10/2020, 11:40
Kết thúc những năm tháng quân ngũ, thay vì chọn cuộc sống an nhàn như nhiều đồng đội, người cựu chiến binh ấy lại chọn "nghiệp" tiếp lửa truyền thống. Với ông, đây là một cách tri ân những người lính, những anh hùng đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng đất nước


Ký ức chiến tranh

Kể lại những năm tháng xưa cũ gắn liền với màu áo lính, ông Niêm vẫn còn nhớ đó là vào tháng 9/1965, khi ông mới 16 tuổi đã theo chân hai người anh trai lên đường nhập ngũ. Thời điểm ấy, cuộc chiến bảo vệ đất nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, chiến trường nơi ông xung trận cũng là tâm điểm của cuộc chiến, đất lửa Quảng Trị anh hùng. Đến năm 1970, ông Niêm bị thương nặng và được đưa ra Bắc rồi nhận công tác tại Thanh Hoá. Năm 1972, ông được cử đi học quân y tại Sơn Tây, rồi về công tác tại Ban chỉ huy Quân sự quận Đống Đa (Hà Nội).

Đến cuối năm 1992, ông Niêm nghỉ hưu và bắt đầu cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng cũng chính những ngày về với đời thường đó, ông thấy lòng mình day dứt khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le của đồng đội.

Đó là anh thương binh ở Bến Tre, cuộc sống khó khăn, hai tay bị cụt mà vẫn cố leo lên cây dừa để hái trái cho vợ bán. Hay một người từng là lính đặc công ở Quảng Trị với biệt danh là vua phá bom mìn nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên phải đi gỡ bom mìn thuê cho những người kinh doanh phế liệu. Và rồi cũng vì nghề này mà người cựu binh này cũng tử nạn tại Quảng Trị, nơi chiến trường đỏ lửa năm xưa.

Ông Lê Xuân Niêm.

Nhớ về đồng đội, ông Niêm nói, nhiều đêm không thể ngủ được vì thương xót cho những anh em đang yên nghỉ ở một cánh rừng xa xôi nào đó, thấy xót xa cho những mẹ già đang lặng lẽ ngày đêm thương nhớ con xa, mong được ấp ôm con lần cuối trong đời, dù bóng dáng thân thương ấy chỉ còn lại là nắm đất vô hồn. Bởi thế, ông ao ước, một ngày nào đó, ông được hoá thân thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, được khoả lấp, an ủi phần nào những niềm đau mà thân nhân liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng đang vướng phải.

Thấu hiểu nỗi lòng của ông, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hải, khi ấy Phó ban Thường trực Ban Khoa giáo TƯ, Chủ tịch Hội Tâm lí Giáo dục Việt Nam, đã gợi ý với ông rằng Hội đang có dự định thành lập Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử, nếu có tâm huyết thì hội sẽ giao cho ông làm. Đề nghị của ông Hải giống như mở bầu tâm sự cho người cựu chiến binh, chỉ trong vài ngày, ông Niêm đã thảo xong đề án hoạt động của trung tâm. Cuối năm 1992, trung tâm do ông làm giám đốc đã chính thức đi vào hoạt động.

Hành trình "thắp lửa"

Khi tại ngũ, ông Lê Xuân Niêm nhiều năm làm công tác chính sách, nên có nhiều thông tin về phần mộ của các liệt sĩ. Tuy nhiên, ông lại không biết cách thông báo đến các thân nhân, gia đình của liệt sĩ. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, ông đề xuất với một số trường học ở Hà Nội phát động phong trào "Uống nước nhớ nguồn, tiếp bước cha anh", tổ chức cho các em học sinh gửi tin tức về phần mộ các liệt sĩ. Và thật bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 3.000 lá thư kèm theo những thông tin về nơi an táng các liệt sĩ, đáp ứng niềm mong chờ của thân nhân các liệt sĩ, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ.

Sự sáng tạo ấy của ông Niêm cũng được đưa vào trong hoạt động của Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử. Và sau gần 26 năm hoạt động, trung tâm đã góp phần khơi dậy hào khí Việt Nam, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nhân lên đạo lý "đền ơn đáp nghĩa", truyền thống anh hùng, đồng thời góp phần tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới. Trung tâm luôn chú trọng giáo dục truyền thống "đền ơn đáp nghĩa" bằng việc thường xuyên tổ chức các chuyến đi "về nguồn", các hoạt động, gắn với các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng.

Để tạo dấu ấn trong mỗi chuyến đi, tránh cách làm sáo mòn, đơn điệu, sau nhiều tìm tòi, thử nghiệm, ông Niêm cùng tập thể tiến hành các hình thức tuyên truyền mới, nhất là giao lưu với các nhân chứng lịch sử, tái hiện những hoài niệm, ký ức cùng đồng chí, đồng đội... Ông Niêm bùi ngùi kể: "Trong quá trình hoạt động, tôi day dứt khi thấy một số gia đình cách mạng và người có công đời sống còn nhiều khó khăn. Tôi và tập thể trung tâm lặn lội tới nhiều vùng, miền để xác minh thông tin và tổ chức tri ân các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, trong đó có "vua bếp" Hoàng Cầm. Tuy nhiên, "vua bếp" này đang ở đâu, cuộc sống ra sao thì không mấy người biết, thậm chí còn có sự nhầm lẫn".

Qua nhiều thông tin, tôi đã đến được nhà "vua bếp", khi đó ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ông Hoàng Cầm khi đó sức khỏe giảm sút, gia cảnh khó khăn. Trung tâm đã tổ chức ba buổi gặp mặt, giao lưu với "vua bếp" Hoàng Cầm. Biết hoàn cảnh của "vua bếp", cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đã cấp cho ông căn hộ ở Hà Nội".

Trung tâm nhận được nhiều bằng khen sau gần 30 năm hoạt động.

Trung tâm cũng mời mế Cà Thị Om ở Sơn La, người đã hy sinh tình mẫu tử để cứu cán bộ Việt Minh thoát khỏi tay giặc; nữ Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên Nguyễn Thị Chiên; Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thành Trung, người đã lái máy bay phản lực F5E của địch ném bom vào dinh Độc Lập ngày 8/4/1975; Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách, người hai lần vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và thân nhân các Anh hùng Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót… về Thủ đô Hà Nội giao lưu với học sinh, sinh viên; qua đó để hiểu thêm những bài học lịch sử, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với thế hệ đi trước, thêm trân trọng và phát huy giá trị lịch sử truyền thống.

Những câu chuyện xúc động như vậy là những kỷ niệm sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nên ông Niêm cùng tập thể trung tâm cố gắng khai thác, tổ chức truyền bá trong cộng đồng. Ông bảo, sau mỗi lần ấy, ông rất vui, trong lòng như trút được gánh nặng tâm tư. Vị Giám đốc còn tự hào "khoe" rằng: "Đến nay, hơn 90% anh hùng và gia đình các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến vừa qua được ghi trong các trang sách học trò, Trung tâm đã mời về Thủ đô để gặp mặt và tôn vinh".

Tâm huyết và trách nhiệm

Giám đốc Lê Xuân Niêm tự hào chia sẻ, từ khi mới thành lập chỉ có hai người làm việc, đến nay Trung tâm đã có một bộ máy chuyên nghiệp với hơn 30 cán bộ, nhân viên và Đội văn nghệ xung kích gồm hơn 20 người. 2/3 quân số là những người đã từng trong quân ngũ, nhiều người là cán bộ trung, cao cấp; một bộ phận trẻ tốt nghiệp từ các trường đại học.

Giờ đây khi công tác giáo dục truyền thống đã trở thành nhu cầu của cuộc sống và thương hiệu của Trung tâm đã được khẳng định khiến vị giám đốc này luôn bận rộn. Ông vừa lo tổ chức sự kiện, ký kết hợp đồng, điều hành các hoạt động vừa phải lo đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên.

Ông Niêm bảo, thu nhập của cán bộ ở đây chưa gọi là lương mà chỉ là phụ cấp và công tác phí. Thu nhập ấy chưa cao, bản thân giám đốc cũng vẫn đi làm bằng chiếc xe máy "cà tàng" nhưng anh chị em đều rất tâm huyết và trách nhiệm với công việc của mình, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau gần 30 năm hoạt động, Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử đã tổ chức hơn 200 cuộc gặp mặt giao lưu truyền thống với hơn 2 triệu lượt người tham gia các chuyến "về nguồn", giáo dục truyền thống; thông báo hơn 8.000 tin tức về phần mộ các liệt sĩ; tham gia tìm kiếm và quy tập, cất bốc hơn 1.500 hài cốt liệt sĩ; trao hàng nghìn suất quà tặng gia đình chính sách và người có công.

Thông qua trung tâm, gần 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ hơn 20 tỷ đồng để tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa; chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Với những hoạt động tích cực, hiệu quả, trung tâm đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; ông Niêm cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba.

Ngọc Trâm
.
.
.