Người lặng thầm góp phần trong những chiến công

Thứ Hai, 07/12/2020, 08:39
Mỗi khi có nhiệm vụ cần gửi điện mật đi cho các đơn vị Công an cấp huyện, bước lên tầng 5, khối An ninh Công an tỉnh qua cầu thang rồi rẽ trái, tôi đứng trước một căn phòng có biển đề giản dị Đội Cơ yếu – Viễn thông PV01, tay khẽ nhấn nút chuông “kính coong” để chờ cán bộ cơ yếu ra mở cửa nhận điện. Nụ cười luôn thường trực trên môi người cán bộ cơ yếu khi nhận điện.


Tôi chưa từng đặt chân vào căn phòng ấy, và hơn một lần tự hỏi có điều gì bí mật phía sau cánh cửa gỗ chắc chắn này, bởi đây là nơi làm việc của bộ phận cơ yếu – một lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Công an tỉnh về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu, góp phần đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng ủy, Công an tỉnh, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng Công an tỉnh Lào Cai trong mọi tình huống, chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tôi gọi họ - những cán bộ, chiến sĩ lực lượng cơ yếu là những người lặng thầm sau cánh cửa gỗ, bởi với nhân dân khi nhắc đến lực lượng Công an, người ta sẽ nghĩ ngay tới những Cảnh sát hình sự, Cảnh sát ma túy dũng cảm, kiên cường trên mặt trận phòng, chống tội phạm, những Cảnh sát giao thông không quản nắng mưa vì sự bình yên của dòng sông, tuyến đường, hay những Cảnh sát khu vực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, quản lý đối tượng. Và người “thủ lĩnh” của lực lượng cơ yếu cũng lặng thầm hơn ai hết. Đó là Trung tá Lê Ngọc Long – Đội trưởng Đội Viễn thông – Cơ yếu Phòng Tham mưu Công an tỉnh.

Đồng chí Lê Ngọc Long (thứ 4 từ trái sang) nhận giải tại Lễ trao giải cuộc thi viết Tìm hiểu Luật An ninh mạng trong CAND.

Trung tá Lê Ngọc Long tốt nghiệp cao học ngành điện tử - viễn thông của Học viện Kỹ thuật mật mã. Nhắc đến Trung tá Lê Ngọc Long – cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhớ tới một người Đội trưởng hiền lành, ít nói, một người thể hiện qua hành động nhiều hơn là lời nói, một cán bộ gương mẫu, mẫn cán, tận tụy với công việc được giao. Trong nhiều năm liền, Trung tá Lê Ngọc Long liên tiếp là chiến sĩ tiên tiến, năm 2008 anh là chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Cơ yếu được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiệp vụ.

Đặc biệt trong năm 2020, Trung tá Lê Ngọc Long giành được giải Ba cá nhân cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật An ninh mạng” trong Công an nhân dân. Đây là hoạt động có quy mô lớn trong Công an nhân dân, là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và tuyên truyền sâu rộng Luật An ninh mạng, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ triển khai thi hành Luật An ninh mạng và nhiệm vụ chính trị được giao.

Ngày 29 tháng 5, tại Hội trường Bộ Công an, Trung tá Lê Ngọc Long đã vinh dự được xướng tên và lên bục danh dự nhận giải thưởng của cuộc thi. Ngắm nhìn bài dự thi rất công phu và đầy tâm huyết, trách nhiệm của người Đội trưởng đã không quản ngại bỏ nhiều công sức và thời gian, tôi không khỏi ngưỡng mộ. Để lọt vào “con mắt xanh” của ban giám khảo “khó tính” – những người “cầm cân, nảy mực” “đãi cát, tìm vàng”, đó là việc không hề dễ dàng, nhất là một cuộc thi cấp quốc gia với nhiều thí sinh là sinh viên ở các trường Công an, hay cán bộ thuộc các bộ phận nghiên cứu, xây dựng pháp luật – có trình độ, kiến thức và tài năng.

Nhưng bài dự thi của Trung tá Lê Ngọc Long đã ngoạn mục vượt qua 123.267 bài dự thi của cán bộ, chiến sĩ vào vòng chung khảo, qua hai vòng chấm thi khắt khe, nghiêm túc, bài dự thi đã được trao giải Ba cá nhân trong số 363 bài dự thi xuất sắc. Trung tá Lê Ngọc Long khi chuyển cho tôi cuốn Kỷ yếu của cuộc thi để tôi viết bài này đã tâm sự chân thành: “Thông qua cuộc thi, nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành Luật An ninh của cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên trong ngành được nâng cao, góp phần thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực An ninh mạng, là lĩnh vực mà tôi đang theo đuổi nghiên cứu, áp dụng thực tiễn công tác và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương của Công an tỉnh. Tôi rất vui vì được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ chung của Công an tỉnh, của ngành”.

Lãnh đạo Phòng Tham mưu bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình đồng chí Lê Ngọc Long.

Trung tá Lê Ngọc Long là một người đam mê đọc sách. Anh chia sẻ thường đọc sách khi rảnh rỗi vào ngày nghỉ, lúc ở nhà. Tôi là người được giao quản lý tủ sách của đơn vị, và anh Long luôn là một độc giả quen thuộc, trung thành. Anh mượn hết cuốn này, đọc xong mới mượn cuốn khác, từ sách lịch sử, văn học, tôn giáo cho đến pháp luật. Mỗi khi trả sách, bên ấm trà tỏa hương thơm ngát, chúng tôi thường trao đổi, luận bàn về bố cục, nội dung, cái hay, cái đẹp trong mỗi văn phong, ngôn từ lấp lánh. Người biết nâng niu, trân trọng cuốn sách là sứ giả của tri thức và đại biểu của khoa học, thật đáng quý lắm thay khi mà văn hóa đọc sách ngày càng có nguy cơ giảm sút, mai một dần theo sự phát triển của thời đại công nghệ số. Anh Long còn là một người thích nghe nhạc. Đôi khi tôi tự hỏi những người lặng thầm như anh và đồng đội anh thì khi hát có ấm áp và ngọt ngào? Và những mật mã của cơ yếu chính xác, khô cứng có bao giờ bay bổng, du dương như muôn giai điệu trong âm nhạc? Nhưng tôi tin rằng, đam mê nào thì cũng giống nhau, sẽ luôn biết cách để tự cất lời. Trung tá Lê Ngọc Long quê quán ở Phú Thọ - nơi rừng cọ bạt ngàn xanh mướt mát, nơi đồi chè tít tắp trải ra cuối trời, và dòng sông Hồng phù sa đỏ nặng chở đầy thương nhớ vắt qua quê hương anh, nhưng anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Cam Đường. Ngôi nhà của gia đình anh ở gần suối Ngàn, mùa mưa về nước lũ dâng cao chảy cuồn cuộn rất hung dữ. Nhìn vợ con sống trong cảnh ngập lụt, chẳng ít lần anh không khỏi chạnh lòng xót xa. Nhưng may mắn đã mỉm cười với gia đình bé nhỏ khi Công an tỉnh tổ chức Lễ khánh thành nhà tình nghĩa cho Trung tá Lê Ngọc Long để anh ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Nhìn ánh mắt hạnh phúc của anh, của vợ và hai đứa con anh trước ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới vừa được bàn giao chìa khóa, tôi thấy niềm vui lan tỏa như lửa ấm trong nụ cười, trên gương mặt của những người đồng đội sâu nặng nghĩa tình. Và bên ngôi nhà khang trang dưới vòm cây rợp bóng, ngoài kia suối Ngàn vẫn đang miệt mài chảy về phía sông Hồng…

Hoàng Anh Tuấn
.
.
.