Người chụp ảnh thành cổ

Thứ Hai, 05/09/2016, 14:40
Khoảnh khắc bấm máy như tràng súng máy và ông đã tạc nên những kiệt tác bằng hình ảnh mà không một ngôn ngữ, trang viết nào phản ánh trung thực hơn.

Những bức ảnh của Đoàn Công Tính là sự ghi nhận chân thực hành động quả cảm, tràn đầy lý tưởng cách mạng của con người bình dị trong những thời điểm khốc liệt. Bốn mươi lăm năm sau, cảm xúc dường như vẫn vẹn nguyên với người phóng viên chiến trường.

Phóng viên phải tìm làn đạn để chụp

19 tuổi, Đoàn Công Tính rời quê hương Nam Định để vào bộ đội và trở thành anh lính pháo binh. Trong đơn vị có người bạn sở hữu một chiếc máy ảnh rất đẹp, ông thường lân la đến gần chỉ để ngửi mùi da của bao đựng máy cho thỏa cơn mê.

Ông viết thư về gia đình vận động người thân hỗ trợ và đã mua được chiếc máy ảnh trị giá 30 đồng, lúc đó bằng nửa tháng lương hạ sĩ quan của ông. Cùng với quá trình lăn lộn trải nghiệm thực tế ở các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, tay máy Đoàn Công Tính cộng tác tích cực với Báo Quân đội nhân dân.

Nụ cười những cô gái Quảng Trị.

Những ngày tháng tập luyện trên thao trường, ông luôn mơ về một ngày sẽ được cầm máy ra mặt trận. Nguyện vọng của Đoàn Công Tính rồi cũng trở thành hiện thực, ông được Báo Quân đội nhân dân nhận vào làm phóng viên tác nghiệp ở đường 9 Nam Lào và thành cổ Quảng Trị.

Năm 1970, Đoàn Công Tính được cử vào vùng đất lửa Vĩnh Linh bám trụ để ghi lại những hình ảnh của bộ đội và du kích địa phương chiến đấu. Đây là quãng thời gian mà ông tích lũy kinh nghiệm và làm quen với thực tế bom đạn ở chiến trường. Năm 1971, ông vác máy lên đường tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào với một ao ước sẽ ghi được những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ.

Tại đây, ông đã có những phán đoán chính xác kịp thời khi quyết định bám sát chiến trường Quảng Trị. Những tác phẩm mang hơi thở cuộc chiến của người lính giữ thành cổ đã ra đời cực kỳ sinh động.

Hình ảnh về sự hủy diệt của bom đạn trên rừng Trường Sơn, trên các bản làng và ở đó vượt lên khói lửa là những nụ cười của anh bộ đội, của cô du kích tuổi 20 tràn đầy sức sống.

Hình ảnh chiến sĩ hai nước Việt - Lào sát cánh chiến đấu giải phóng quê hương đã ra đời như: “Trên đồi không tên”, “Đại tá Nguyễn Văn Thọ - lữ đoàn dù bị bắt sống”, “Tiến vào trung tâm cụm cứ điểm Bản Đông”... Các báo đưa tin làm nức lòng nhân dân cả nước.

Chiều 31/3/1972, có mặt trong mũi xung kích đầu tiên tiến vào căn cứ Đầu Mầu, Đoàn Công Tính đã ghi lại được hình ảnh bộ đội ta đánh chiếm căn cứ oanh liệt và hào hùng. Hai ngày sau, căn cứ Tân Lập bị xóa sổ, trong đó có Trung đoàn 56 quân đội Sài Gòn đầu hàng và đi theo cách mạng. Những thước phim đầu tiên ông chụp còn nóng hổi đã nhanh chóng chuyển về tòa soạn phục vụ kịp thời nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.

Đối với phóng viên chiến trường ngoài sự dũng cảm, can trường bằng mọi giá phải chụp cho được diễn biến trận đánh của bộ đội thì yếu tố quan trọng nữa là kĩ thuật bấm máy. Nghệ sĩ Đoàn Công Tính cho biết: “Trước khi bấm máy phải chọn tầm ngắm thích hợp nhất, thuận lợi nhất và phải chụp làm sao lấy được toàn cảnh cuộc chiến.

Trong ảnh phải có khói súng, có xác người và có ngoại cảnh chiến đấu. Chính vì yêu cầu bắt buộc nên phóng viên chiến trường luôn phải đối mặt với sự hy sinh. Trong khi bộ đội tìm mục tiêu để diệt, tìm máy bay để bắn thì phóng viên phải tìm làn đạn để chụp”.

Sự tàn khốc của cuộc chiến, còn nằm ở phía sau ống kính, khiến người nghệ sĩ nhói lòng. Ông vẫn nhớ rõ hình ảnh rơi nước mắt trong một lần đi nhờ xe chở tử thi.

Ngồi sau thùng xe với những thi thể còn ấm, bàn tay còn mềm, trái tim người chiến sỹ thắt lại, tình yêu thương đồng đội đã vượt qua tất cả nỗi sợ hãi. Có những đoạn đường xóc quá, những thi thể cứ tung lên rồi lăn xuống sàn. Thương anh em, ông phải ôm chặt những thi thể ấy vào lòng.

Những ngày hành quân theo đơn vị bộ binh quân giải phóng nhằm thẳng hướng đường 9 Nam Lào, dù vất vả, hiểm nguy nhưng anh em phóng viên luôn được các anh bộ đội dìu dắt, động viên.

Ngoài 70 tuổi, nghệ sĩ Đoàn Công Tính vẫn tham gia nhiều hoạt động của Hội Nhiếp ảnh thành phố.

Có đi mới biết được trong sự ác liệt của chiến tranh vẫn có những hình ảnh thật đẹp, thật hùng vĩ và thấm đậm nghĩa tình của con người Việt Nam. Đoàn Công Tính đã viết: “Chúng tôi gặp nhiều bản Mường, trong đó có người dân tộc hai nước Việt Nam – Lào sống xen kẽ với nhau.

Chúng tôi đã ghi lại trong máy ảnh bản Văn Hinh vừa bị máy bay B52 tàn phá. Khói bom còn chưa tan hết, người dân hai nước giúp nhau sửa lại hầm hào, thu dọn thóc lúa… Cô gái Lào Thoong xinh đẹp đang gắng sức sửa lại cái khung cửi dệt dở tấm váy hoa rất đẹp vừa bị mảnh bom B52 cắt ngang.

Ống kính say sưa của chúng tôi ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp đoàn voi thồ của các dân tộc Nam Lào gặp đoàn văn công dân tộc Vân Kiều. Gặp nhau thân thiết như anh em trong nhà, thế là những cuộc liên hoan bất ngờ ngay giữa rừng Trường Sơn vang lừng tiếng đàn Ta – Lư xen kẽ những điệu Lâm – vông…”

Những tấm ảnh nhuộm máu

Mục đích phá thành cổ tới mức không còn một viên gạch dính vào nhau, Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố, rải chất độc hóa học kéo thành hàng dài trên bầu trời, tỏa dần ra trùm xuống thành cổ một thứ khói vàng nhạt chết người.

Khoảng vài trăm phóng viên các báo, đài có mặt đều muốn biết chiến sĩ ta sống ra sao trong cảnh khói ngút trời đó, nhưng con đường vào thành cổ không hề dễ. Lời khuyên từ bộ chỉ huy mặt trận là không nên để phóng viên vào thành cổ.

Nhưng chẳng lẽ lại ở ngoài nhìn vào trong thì làm sao chịu nổi, có điều gì thôi thúc khiến Đoàn Công Tính phải bằng mọi giá vào bên trong. Sau một hồi lân la, mò mẫm hướng đi nhưng chỉ đụng toàn hố bom và những tàn tích còn nóng bỏng của cuộc chiến, ông vẫn không thể tìm được đường vào.

Gặp các chiến sĩ đang án ngữ bên ngoài, họ khuyên ông nên lui ra, Đoàn Công Tính kiên quyết: “Tôi là phóng viên chiến trường từng chụp rất nhiều hình ảnh về các trận đánh, chẳng lẽ đến đây phải dừng chân. Ngay bây giờ, tôi phải có hình ảnh về thành cổ.

Cả nước muốn nhìn thấy chiến sĩ ta sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B52”. Thấy quyết tâm của ông, hai nữ du kích quyết định dẫn đường. Đường đi phải vượt qua sông Thạnh Hãn trong đêm khó khăn, nguy hiểm, có lúc mảnh bom rơi như mưa, trên mặt sông đầy ánh pháo sáng.

Cảm giác bơi qua sông Thạch Hãn khi tiếng pháo gầm rít trên đầu, lên được bờ mù mịt lửa đạn và những mảnh bom rơi như mưa khiến ông không bao giờ quên. Đêm ấy đang là mùa mưa, nước xiết, nhiều chiến sĩ kiệt sức đã bị nước cuốn trôi.

Bên cạnh Đoàn Công Tính là một người lính trẻ bị tuột mất phao, đang loay hoay với đống đồ nghề của mình, thế là chỉ trong tích tắc người lính ấy bị nhấn chìm xuống dòng Thạch Hãn. Cho đến bây giờ ông vẫn còn cảm giác day dứt, ám ảnh.

Cả đêm ấy, ông thức trắng, cố ghi sâu tất cả những gì mình vừa chứng kiến. Hôm sau, ông gặp được một chiến sĩ thông tin tên là Lê Xuân Chinh, nhân vật trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị”.

Ống kính Đoàn Công Tính bấm được những hình ảnh sống động, chân thực về thành cổ ngày 16/8/1972. Dinh Tỉnh trưởng nát tan, thành cổ sụp lở chỉ còn vài chóp gạch ngổn ngang nhô lên. Mùi khói súng, khói thuốc khét lẹt bay mù trời. Chỉ có nụ cười của người chiến sĩ thành cổ là còn nguyên vẹn và rạng rỡ.

Cảnh hoang tàn sau trận đánh ở thành cổ.

Khi ông đưa ống kính lên, anh em nói: “Có thể ngày mai một số anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước”. Từ lời nói thiêng liêng như lời di chúc của những người lính bảo vệ thành cổ, Đoàn Công Tính thấy thêm trách nhiệm nặng nề.

Trước khi rời khỏi thành cổ mang tài liệu về Hà Nội, ông đã viết một lời “di chúc” phỏng theo lời các chiến sĩ cuốn chặt vào người: “Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang hộ 10 cuốn phim này về giao cho tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Đây là những hình ảnh của người con quê hương thành cổ Quảng Trị”.

Nhưng may mắn đã mỉm cười với Đoàn Công Tính, ông đã trở về an toàn với những thước phim quý giá nhất, sống động và hào hùng nhất về cuộc chiến bảo vệ thành cổ của những người lính anh hùng.

Suốt cuộc đời cầm máy của mình, ông từng bị bom vùi, bị đạn bay ngang người và thậm chí biết cái chết ngay trước mặt nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện lùi bước. Sau này tên tuổi của ông được gắn với những bức ảnh gây tiếng vang ở Việt Nam và trên thế giới. 

Ngọc Thiện – Nguyên Phương
.
.
.