Lee Kun - hee - ông vua không ngai trong "đế chế" Sam Sung

Thứ Tư, 28/10/2020, 15:28
Có lẽ ít người biết rằng khối tài sản trị giá 21 tỉ USD của Lee Kun-hee - chủ tịch tập đoàn Sam Sung qua đời mới đây bắt đầu từ cửa hàng bán đồ khô với số vốn 25 USD của cha ông là ông Lee Byung-chul.

Ngày 25-10-2020, ông Lee Kun-hee, người đã đưa Samsung từ một công ty chuyên chế tạo đồ điện tử rẻ tiền và kém chất lượng trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới về điện thoại thông minh, tivi và linh kiện máy tính, đồng thời cũng là người đã hai lần bị kết tội hối lộ rồi lại được tha bổng, đã qua đời tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào tuổi 78. Samsung không đưa ra nguyên nhân qua đời của ông Lee, nhưng được biết sức khoẻ của ông đã bắt đầu giảm sút sau cơn đau tim vào năm 2014. 

Cố tỷ phú đã nắm giữ danh hiệu người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc từ năm 2007 đến năm 2020, và tập đoàn của ông đóng góp tới 17% vào tổng GDP Hàn Quốc. Ngoài thiết bị điện tử, tập đoàn Samsung còn tham gia kinh doanh đồ tiêu dùng xa xỉ, công ty giải trí, công viên vui chơi, khách sạn hạng sang, bảo hiểm, quảng cáo, đóng tàu và cả… vũ khí. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng khối tài sản trị giá 21 tỉ USD của Lee Kun-hee bắt đầu từ cửa hàng bán đồ khô với số vốn 25 USD của cha ông là ông Lee Byung-chul.

Sự lựa chọn số phận

Lee Kun-hee sinh ngày 1-9-1942 tại Daegu, khi Hàn Quốc đang bị Nhật Bản xâm lược. Cha của cậu là ông Lee Byung-chul vừa thành lập Samsung - lúc đó mới chỉ là một cửa hàng bán cá khô và hoa quả - vài năm trước đó. Đến năm 1945, Công ty Samsung bắt đầu phát triển và dần dần tiến tới việc vận chuyển hàng hoá khắp trong và ngoài nước và chỉ 5 năm sau, Samsung đã là 1 trong 10 doanh nghiệp quy mô nhất Hàn Quốc.

Sau khi quân đội Triều Tiên chiếm được Seoul, ông Lee Byung-chul buộc phải chuyển công ty về Busan làm ăn. Một năm rưỡi sau, quân đội Mỹ tràn vào Busan mang theo vũ khí và hàng hoá đã khiến công ty của ông Lee Byung-chul làm ăn còn phát đạt hơn trước. Khi Tổng thống Park Chung-hee đoạt được quyền lực sau cuộc đảo chính ngày 16-5-1961, ông Lee đang ở Nhật và đã từ chối quay lại Hàn Quốc. Cuối cùng, Tổng thống Park và ông Lee đạt được thỏa thuận trong đó ông Lee sẽ quay lại Hàn Quốc, nhưng ông sẽ phải giao cho chính phủ của Tổng thống Park quyền kiểm soát những ngân hàng mà Samsung đã thâu tóm được, và sẽ phải đi theo các chỉ đạo kinh tế của chính quyền. Tuy nhiên, Samsung vẫn tiếp tục phát triển thịnh vượng, và bắt đầu mở rộng sang kinh doanh nhiều lĩnh vực khác từ năm 1963. 

Năm 1966, con trai thứ 2 của ông Lee Byung-chul là Lee Chang-hee bị phát hiện nhập lậu 50 tấn chất tạo ngọt nhân tạo vào Hàn Quốc và sức ép dư luận khiến người sáng lập Samsung phải từ chức. Theo đúng như truyền thống ở Hàn Quốc, Samsung nhanh chóng thuộc về người con trai cả là Lee Maeng-hee vào năm 1967. Khác với người cha, vốn là một lãnh đạo rất được cấp dưới yêu quý cũng như kính trọng, thì ông Lee Maeng-hee bị cả đồng nghiệp lẫn cấp dưới ghét bỏ vì phong thái lãnh đạo căng thẳng và nóng nảy. Bản thân ông Lee Byung-chul cũng không hề hài lòng với con trai; chính ông đã khẳng định Lee Maeng-hee đã khiến cả Samsung hỗn loạn chỉ sau 6 tháng tại vị. 

Cũng trong khoảng thời gian đó, người con trai thứ 2 của ông Lee Byung-chul là Lee Chang-hee đã tiết lộ với tổng thống về một quỹ tiền bất hợp pháp của gia đình. Nghi ngờ rằng hai con trai Lee Maeng-hee và Lee Chang-hee đang cùng lập mưu hạ bệ mình để giành hoàn toàn quyền kiểm soát Samsung, ông Lee đã gạch tên cả 2 con khỏi danh sách người thừa kế. "Kẻ phản bội" Lee Chang-hee sau đó chuyển sang Mỹ sinh sống, bị cả gia đình từ mặt. Cú "ngã ngựa" của hai người anh đã dọn đường đưa người con trai thứ 3 là Lee Kun-hee lên làm Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung vào năm 1979 và người đứng đầu Tập đoàn Samsung sau khi ông Lee Byung-chul qua đời vào năm 1987.

Ông Lee Kun-hee (ngoài cùng bên trái) cùng người con trai cả Lee Jae-young.

Xây dựng đế chế

Lee Kun-hee tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế của đại học Waseda danh tiếng ở Nhật Bản vào năm 1965. Sau đó, anh tiếp tục theo học thạc sĩ tại Đại học George Washington nhưng sớm bỏ ngang để quay về Hàn Quốc tiếp quản việc kinh doanh của gia đình. Lee Kun-hee bắt đầu sự nghiệp tại công ty phát thanh Tongyang - một công ty con của Tập đoàn Samsung - vào năm 1966, và sau đó là công ty Samsung C&T chuyên về xây dựng. Sau khi trở thành người đứng đầu Samsung vào năm 1987, ông kế thừa từ cha nỗi ám ảnh về việc chuẩn bị cho những viễn cảnh của Samsung, kể cả vào những lúc tập đoàn đang kinh doanh phát đạt nhất.

Ngay sau khi nhận chức, ông Lee Kun-hee đã khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với tờ Forbes: "Chúng tôi đang tiến hành một cuộc chuyển đổi cực kì quan trọng. Nếu chúng tôi không chuyển sang những ngành công nghiệp tập trung vào huy động vốn và công nghệ, tập đoàn sẽ không thể sống sót".

Khao khát làm mới Samsung của ông Lee đã được chứng tỏ rất rõ ràng khi ông triệu tập toàn bộ hàng ngũ lãnh đạo của Samsung đến một khách sạn xa xỉ ở Frankfurt, Đức vào năm 1993. Suốt hàng chục ngày liền, ông liên tục tổ chức các buổi học cho họ và ra rả rao giảng việc tất cả phải thay đổi cả lối tư duy lẫn làm việc: "Thay đổi tất cả mọi thứ, trừ vợ con các anh ra".

Lúc này, ông Lee quyết tâm khiến Samsung tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì thị phần. Quan trọng hơn, tập đoàn phải chiêu mộ được những nhân tài từ nước ngoài về, còn các lãnh đạo cấp cao phải ngay lập tức hiểu rõ thị trường nước ngoài cũng như cách sống sót trong các thị trường này. Vào năm 1995, để nhấn mạnh vào nỗ lực củng cố chất lượng sản phẩm, Chủ tịch Lee đã tới kiểm tra nhà máy ở thị trấn Gumi sau khi nhận được tin nhà máy đã sản xuất ra một loạt điện thoại kém chất lượng. 

Theo như cuốn sách mang tựa đề "Samsung và cuộc chiến giành quyền lực trong ngành công nghiệp điện tử" của tác giả Tony Mitchell, ông Lee đã tập hợp 2.000 nhân viên của nhà máy, yêu cầu tất cả phải đeo băng đô mang dòng chữ "Đặt chất lượng lên hàng đầu", còn bản thân ông cùng ban lãnh đạo ngồi dưới một tấm khẩu hiệu "Chất lượng là phẩm giá của chúng tôi". Tiếp theo, ông yêu cầu các công nhân đập vụn và đốt sạch nhiều lô hàng bao gồm điện thoại, máy fax và nhiều thiết bị điện tử khác trị giá 50 triệu USD. Tất cả mọi người phải ở lại cho tới khi mọi thứ đã cháy thành tro, và nhiều công nhân đã bật khóc. Phương pháp điều hành cứng rắn của ông Lee Kun-hee trên thực tế đã rất hiệu quả: Samsung từ một công ty bị thị trường phương Tây coi thường vì chuyên môn sản xuất điện thoại kém chất lượng cùng lò vi sóng giảm giá đã vươn mình trở thành một tập đoàn trị giá 326 tỉ USD và là đối thủ lớn nhất của Apple.

Sự nghiệp của ông Lee dĩ nhiên không phải là không có sai lầm. Trong những năm 1990, tin rằng thiết bị điện tử sẽ trở thành một phần quan trọng của xe hơi, ông đã cho thành lập Công ty Samsung Motors - một doanh nghiệp làm ăn không thành công và đã bị bán đi vào năm 2000. Một thất bại khác của ông Lee là vào năm 1995, khi nhà sản xuất phim huyền thoại Steven Spielberg liên hệ với ông để cùng hợp tác mở một công ty sản xuất phim. Bản thân là một người vô cùng yêu thích phim ảnh, ông Lee Kun-hee đã đồng ý mời ông Steven Spielberg đi ăn tối, tuy nhiên suốt cả bữa tối, ông Lee chỉ thao thao bất tuyệt về… linh kiện máy tính. 

Sau này, nhà sản xuất Spielberg đã mô tả lại bữa tối như sau: "Lúc đó tôi đã nghĩ, làm sao họ có thể hiểu được bất kì điều gì về ngành công nghiệp điện ảnh khi mà họ lại bị ám ảnh với linh kiện bán dẫn đến mức này cơ chứ? Buổi tối hôm đó đúng là phí thời gian". Đến năm 1996, ông bị cáo buộc tội hối lộ hai cựu Tổng thống Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo, nhưng được tha bổng bởi Tổng thống King Young-sam vào năm 1997.

Samsung bước vào giai đoạn chinh phục toàn cầu vào năm 2000 bằng việc sử dụng những thiết bị được thiết kế tinh xảo cùng những chiến dịch marketing hiện đại để có thể được biết đến hơn ở thị trường Mỹ. 

Năm 2007, Trung Quốc nổi lên như một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực sản xuất linh kiện giá rẻ, Nhật Bản thì dẫn đầu về công nghệ tiên tiến, trong khi các công ty của Hàn Quốc - bao gồm cả Samsung - lại chới với ở giữa. Giữa lúc đang cố gắng tìm hướng đi cho Samsung, ông Lee bị cáo buộc đã trốn thuế hàng tỷ USD và bỏ túi chỗ tiền này. Thay vì cố gắng chống lại hàng loạt cáo buộc, ông tuyên bố từ chức trên sóng truyền hình trực tiếp vào năm 2008.

Ngày 16-7-2008, ông bị kết tội trốn thuế, bị xử phạt 7 năm tù và phải nộp phạt 350 tỉ won (khoảng 312 triệu USD). Cuối cùng, toà án chỉ yêu cầu ông nhận mức án treo 3 năm và nộp phạt 1/3 số tiền ban đầu. Cuối năm 2009, Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố tha bổng cho ông Lee Kun-hee để ông có thể… tiếp tục tham gia vào Ủy ban Olympic quốc tế. Trong phiên toà xử Lee Myung-bak, sự thật đã được tiết lộ: Lee Kun-hee đã hối lộ Lee Myung-bak để được tha tội, và đó chỉ là một trong nhiều lần người đứng đầu Samsung "đi đêm" với vị cựu tổng thống.

Từ trái qua: 3 người con của cố chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Seo-hyun, Lee Boo-jin và Lee Jae-young.

Ai sẽ quản lý Samsung?

Mặc cho những bê bối này, ông Lee Kun-hee đường đường chính chính quay lại ghế Chủ tịch Samsung vào năm 2010. Sau cơn đau tim vào năm 2014, con trai của Lee Kun-hee là Lee Jae-young trở thành chủ tịch cũng như gương mặt đại diện của Samsung. Ngoài Lee Jae-young, ông Lee Kun-hee còn có hai người con gái với người vợ Hong Ra-hee là bà Boo-jin và Seo-hyun. Con gái út của ông là cô Lee Yoon-hyung đã tự tử tại New York vào năm 2005 khi mới bước sang tuổi 25.

Sau khi ông Lee Kun-hee qua đời, báo giới Hàn Quốc cho rằng cuộc chiến giành quyền kiểm soát Samsung sẽ trở nên cực kì khốc liệt. Dù ông Lee Jae-young là Chủ tịch Samsung, công chúng trong nước lẫn quốc tế vẫn coi bà Boo-jin, người được mệnh danh là "tiểu Lee Kun-hee", là lãnh đạo thực sự của Samsung. 

Ông Lee Jae-young vốn đã không được tín nhiệm bởi Samsung sau khi gây ra thiệt hại trị giá 18 tỉ won sau một thương vụ thất bại, lại càng bị công chúng ghét bỏ vì sử dụng quyền lực để đưa con trai vào một trường trung học danh tiếng. Trái ngược lại, bà Boo-jin lại nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối khi mang lại doanh thu 3.000 tỉ won cho chuỗi khách sạn xa xỉ của Samsung.

Huyền Thi
.
.
.