Hoang mang với giá nước sông Đuống

Chủ Nhật, 17/11/2019, 14:33
Những ngày qua, hàng triệu người dân Hà Nội, những người rồi đây sẽ phải sử dụng nước sinh hoạt từ nhà máy của Công ty CP nước mặt sông Đuống không khỏi hoang mang khi thông tin giá một khối nước có thể sẽ tới 10.000 đồng.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội hôm 12-11, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giá nước sạch tối đa của nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m2, cao hơn các nhà máy nước sạch khác, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà nêu hàng loạt văn bản liên quan đến phương pháp tính tiền, nhấn mạnh việc “phải tính đúng, tính đủ” theo quy định. Nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” cụ thể là chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%... 

Theo ông Hà, mức giá trên chỉ là mức tạm tính tối đa, mức cụ thể được xác định khi nhà máy đi vào hoạt động và được quyết toán. “Giá nước sạch sông Đuống 10.246 đồng/m3 là giá tạm tính tối đa để ký kết thỏa thuận, chứ đây không phải là giá bán đến người tiêu dùng, cũng không phải là giá bán lẻ”, ông Hà khẳng định.

Theo ông Hà, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Vì vậy, “theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước”, ông Hà nói thêm.

Tuy nhiên, sau những giải thích này của ông Giám đốc Sở Tài chính, người dân lại càng thêm hoang mang. Nhiều người cho rằng, nước sông không phải khoan khai thác ngầm nên giá thành rẻ. Còn chủ đầu tư phải có vốn mới làm được dự án sao bắt người dân phải chịu trả lãi cho dự án "Tay không bắt giặc" được? Giá bán nước của công ty nước sạch sông Đà là 5.000 đồng/m3 mà công ty này đã có lãi gộp trên 50%. 

Giá nước của công ty nước sạch sông Đuống không thể quá mức giá bán của công ty nước sạch sông Đà. Tổng đầu tư của Công ty nước sạch sông Đuống lên đến 5.000 tỷ, chưa rõ suất đầu tư có cao quá hay không? Do đó Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cần phải vào cuộc

Câu chuyện giá nước sông Đuống cao chót vót cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh thì cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, điều quan trọng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý, nếu rẻ nhất thì càng tốt và không được để thất thoát. 

Theo ông Sinh, trong mặt bằng chung hiện nay mà giá nước sạch hơn 10.000 đồng/m3 là cao, khi giá nước sạch tại Hà Nội chỉ khoảng 7.000 đồng. Câu chuyện hiện nay là chúng ta mong muốn tất cả các lĩnh vực đều phải minh bạch, phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa thì phải minh bạch. 

“Việc nhà đầu tư muốn đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là việc của ông. Thế nên, cần gì phải bàn là phải trả lãi vay bao nhiêu. Nếu tăng giá thì anh phải có lý giải thuyết phục và giá đó không thể đứng trên mặt bằng chung. Còn nói tăng giá nước do có hơn 2.000 đồng để trả lãi vay thì rất khó chấp nhận”, ông Sinh nhận định.

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), chuyện tăng giá nước hay không là việc của các DN phải tính toán lại. Ông lưu ý thời điểm nhạy cảm này, không nên đề cập đến việc tăng giá nước.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu hàng ngày và người dân không có sự lựa chọn thay thế nhà cung cấp khi hạ tầng đường ống dẫn đã phân vùng cho từng doanh nghiệp cung cấp nước. Vì thế trước khi hạ bút ký giá nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần nghiêm túc lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân. Bởi nếu giá nước sạch không minh bạch sẽ có thể xảy ra nguy cơ người dân phản ứng như tại một số trạm BOT thời gian qua.

Tân Lương
.
.
.