Họa sĩ Hiền Nguyễn: Sơn mài là nguồn sống của tôi

Thứ Tư, 17/04/2019, 17:10
Khi vẽ sơn dầu, họa sĩ lưu cảm xúc rất nhanh, hoàn thiện cũng rất nhanh. Nhưng với sơn mài, cảm xúc đó phải được đẩy lên hằng ngày. Ủ và vẽ, vẽ và mài, rất nhiều công đoạn trong đó, nhưng làm sao để giữ cảm xúc đó và đẩy ý tưởng đó bao giờ trọn vẹn thì thôi.


Đó là sự khác nhau giữa sơn mài và các chất liệu khác. Nó khiến mình kiên trì, có cả chờ đợi, thậm chí có cả thất vọng nữa. Nhưng họa sĩ Hiền Nguyễn nói, ngay cả những thất bại đó, cũng là một dạng trải nghiệm thú vị.

Chỉ sơn mài truyền thống mới chịu "ủ"

- Họa sĩ Hiền Nguyến vốn dĩ học đồ họa. Tại sao chị lại rẽ ngang qua sơn mài truyền thống, thưa chị?

+ Vốn dĩ tôi học đồ họa nhưng bị màu sắc của sơn mài mê hoặc. Khi nhìn những sắc màu của sơn mài, tôi cảm giác mình cũng muốn vẽ ra được như vậy. Suốt 15 năm thực nghiệm và tìm tòi chất liệu này, tôi thấy, mỗi bước đi của mình đều là quá trình tìm cho mình một con đường sáng tạo qua nhiều khuynh hướng thể hiện khác nhau. 

Tôi muốn qua hội họa, qua những tác phẩm của mình, chia sẻ được với mọi người cái nhìn và những cảm xúc riêng của tôi dành cho cuộc sống này. Và càng làm việc, càng thấy gắn bó với nó, càng say mê hơn, càng thỏa mãn. Càng tìm tòi, nghiên cứu, đến hôm nay, tôi thấy, mình có thể làm được nhiều thứ với chất liệu đó với những khía cạnh rất truyền thống.

- Sơn mài có gì thú vị mà thu hút chị đến thế?

+ Sơn mài mang đặc tính âm nhưng cũng mang đặc tính dương trong đó. Sơn mài tôi sử dụng là chất liệu sơn ta, được chiết xuất từ cây sơn, là một nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Đặc điểm nổi bật của sơn mài truyền thống là màu sắc, chi tiết trên tranh, ban đầu ẩn hiện dưới nhiều lớp sơn then (màu đen) dung môi, theo thời gian sẽ dần hiện ra khi từng lớp sơn trở nên trong hơn, như màu đen đã tan biến vào không khí. 

Khi làm sơn mài, muốn lớp sơn vừa vẽ được khô, tranh phải được ủ trong buồng ủ kín gió và có độ ẩm cao. Mài chính là “vẽ” chỗ muốn hiện ra, không mài hoặc mài nhẹ chỗ muốn ẩn đi. Sơn mài là dự kiến, là tìm khả năng phối trợ nhiều lớp màu được chồng đè, với độ dày mỏng khác nhau. 

Kĩ thuật và tay nghề khi mài, làm phẳng, chính là công đoạn thể hiện cá tính sáng tạo của nghệ sĩ rõ nhất. Kĩ thuật cộng với cảm xúc sáng tác khi mài làm lộ rõ thứ lớp của nhiều lớp màu, sau đó, khi tranh được đánh bóng thì hiệu quả theo chiều sâu tăng thêm, không một chất liệu nào sánh kịp.

Một góc triển lãm “Ủ” diễn ra hồi đầu năm 2019.

- Chị nói, hơn cả lúc vẽ, hơn cả lúc mài, ủ là một công đoạn thú vị mà bí hiểm. Cụ thể ra sao?

+ Ủ là bọc lấy một vật bằng năm bảy lớp vỏ lá hay vải hay liếp hay rơm, che chắn để không có gió thổi vào, để những vi sinh sinh sôi nảy nở, khiến không khí quanh chúng hừng hực, hầm hập, mà vì thế, vật được ủ biến thành một chất khác - như nho thành rượu, thóc nảy mầm, lá cây ải thành mùn hăng nồng…

Không như bất kì một chất liệu nào muốn khô là phải phơi nơi khô thoáng, sơn mài muốn khô thì phải ủ trong buồng kín, thêm khay nước để hơi nước bốc lên tạo độ ẩm. Cái tính khác thường này là đặc tính của nhựa cây sơn, một loài thực vật đặc hữu của Đông Nam Á, gặp hơi nước là nóng lên, bay hơi cùng nước, ngào tan những phân tử màu tạo một lớp màng căng trong vắt.

Trong buồng ủ tối om, sơn mài như một thực thể sống cần nước, âm thầm biến đổi, bắt đầu hành trình độc đáo của mình. Trong buồng ủ, như con ngài trong kén, sơn mài thường cần ba tháng để se mặt sơn, 6 tháng để đanh mặt then, sớm một chút là đục màu, non một chút là bệt màu. Nữ họa sĩ vừa kiên nhẫn chờ đợi, vừa nghiền ngẫm cái ý tưởng chị đang theo đuổi cả chín tháng mười ngày, đợi lúc đưa nhát mài dứt khoát chỗ này, buông lơi nhẩn nha chỗ kia.

Trong cuốn ghi lại 10 năm hoạt động nghệ thuật của tôi, tôi từng nói rằng, chỉ sơn mài truyền thống, với lớp sơn ta chắt từ nhựa cây mới chịu “ủ”.

Một tác phẩm của Hiền Nguyễn.

Hội họa là cách tôi hình dung rõ ràng về cuộc sống

- Quy trình làm một bức tranh sơn mài diễn ra từ 3 tới 6 tháng, thậm chí lâu hơn. Kĩ thuật lại khó, đòi hỏi trường sức. Số lượng họa sĩ nam vẽ tranh sơn mài thì nhiều nhưng họa sĩ nữ lại đếm trên đầu ngón tay. Chị không ngại khó, ngại khổ ư?

+ Người nghệ sĩ sơn mài, ngoài tôi luyện khả năng, kiến thức chất liệu, còn phải rèn luyện được khả năng giữ vững ý tưởng sáng tác với tác phẩm từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Vì thế, cảm xúc sáng tác không phải đơn thuần chỉ là một cơn hứng khởi hay ý tưởng thoáng qua, mà phải là một thứ được nuôi dưỡng tìm tòi khám phá trong một thời gian dài. Tôi thấy mình giống một nhà khoa học thích khám phá, trải nghiệm. Sơn mài khó khăn và vất vả nhưng hoàn toàn xứng đáng với công sức nghệ sĩ bỏ ra vì sự lôi cuốn, tính biểu cảm vô cùng phong phú của chất liệu. 

Tôi chọn cuộc chơi này vì tôi am hiểu luật chơi, vì tôi là người thiết lập trò chơi. Hơn nữa, khi bạn yêu thích một cái gì, nặng nhọc chẳng là cái gì cả. Nó là nguồn sống của tôi. Để rồi, khi hoàn thành một tác phẩm khiến mình hài lòng, tôi cảm thấy sung sướng, yêu quý và không muốn nó rời xa mình. Mặc dù, khi mình hoàn thành tác phẩm cũng là lúc nó không còn của mình nữa rồi.

Hiền Nguyễn nói, hội họa là cách chị hình dung về cuộc sống.

- Trong căn phòng kín, lúc mài, lúc ủ đó, đã bao giờ Hiền Nguyễn có cảm giác cô đơn chưa?

+ Tất cả chúng ta đều có khao khát được chia sẻ. Thế nhưng, ngay trong một gia đình, không phải cái gì ta cũng có thể chia sẻ được, kể cả người thân thiết nhất với mình. Vì thế, nhiều lúc cô đơn, bạn sẽ chỉ còn cách tìm sự chia sẻ trong công việc. 

Khi làm việc, bạn sẽ cảm thấy được giải tỏa, giải phóng bản thân, tìm được sự cân bằng. Tôi từng trải qua nhiều giây phút hạnh phúc, thăng hoa trong công việc. Khi vẽ, có những tác phẩm, cảm hứng, cảm xúc của mình được đẩy lên một cách cao độ đến mức, có khi cả làm cả hát mà không hề biết. Tôi nghĩ, đó là giây phút lắng đọng nhất, được chìm vào thế giới riêng của mình mà mình đã chia sẻ thông qua tác phẩm của mình. 

Tôi yêu cái khung cảnh này đó, tôi muốn lưu giữ lại khoảnh khắc đẹp đẽ đó, và cái gì giúp tôi lưu giữ, tôi có thể chia sẻ với bạn điều này không? Điều tôi quan tâm là thế đấy. Hội họa là cách tôi hình dung rõ ràng về cuộc sống. Nó không chỉ là cái mình thấy rõ mà còn là những thứ vô hình, những nhịp sống đô thị, một khoảnh khắc mà mình cảm nhận được. Tôi đều muốn lưu lại trong tác phẩm của mình.

- Xem tranh chị, thấy hoa lá nhờ đi, tan rữa vô hình vô dạng, không còn hình khối, hình thù gì rõ rệt…

+ Mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau khi đứng trước một tác phẩm. Và trong cuộc sống, hẳn ai cũng trải qua những giây phút bế tắc, buồn khổ, tối tăm nhất. Nhưng dù cuộc sống khắc nghiệt như thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn nhìn mặt tích cực trong đó. Tôi muốn thể hiện trong tác phẩm của mình tình yêu, màu sắc và êm dịu trong đó nữa.

- Cảm ơn họa sĩ Hiền Nguyễn! 

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình:

“Hiền Nguyễn đã đi dần từng bước từ hiện thực, biểu hiện qua trừu tượng. Trung thành với phương pháp và kĩ thuật truyền thống, đồng thời, vượt ra khỏi những định kiến xưa cũ, sử dụng bảng màu phong phú, làm cho tác phẩm của mình trở nên bay bổng, phóng khoáng.

Bằng kĩ thuật của mình, cô đã chứng minh sức biểu cảm của chất liệu và kĩ thuật truyền thống là vô hạn, không nhất thiết phải đi tìm sự phối ghép, đôi khi không ăn nhập, với những chất liệu phi truyền thống. Đặc biệt, việc sử dụng chất liệu công nghiệp (như polysite) không đạt được hiệu quả độc đáo khi sử dụng kĩ thuật chồng màu, qua công đoạn ủ và mài. Những lớp màu chồng lấn lên nhau, tan hoặc tách ra, ẩn hiện, tạo hiệu quả, chiều sâu thu hút.

Tháng Sáu (thực hiện)
.
.
.