Danh hài Vân Dung: Tôi là nghệ sĩ dân gian

Thứ Hai, 20/02/2017, 09:39
Gần 20 năm, cái tên Vân Dung chưa bao giờ ngừng "hot" trong các tiểu phẩm hài. Chị nói, phải khó tính và kỹ tính để không ngừng làm mới chính mình.


- Năm nay, chương trình Táo Quân, chị gần như chỉ xuất hiện cho đủ dàn táo chứ không diễn, dù khán giả rất kỳ vọng?

+ Chúng tôi rất buồn, thương mình, thương anh Đỗ Thanh Hải và ê kíp đã quá vất vả và tâm huyết cho chương trình. Nhưng thôi không sao, quan trọng là chúng tôi đã làm hết mình, sống hết mình để phục vụ khán giả, còn chuyện cắt bỏ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Chỉ hơi buồn vì công sức của toàn bộ ê kíp thức đêm thức hôm, tập mất ăn mất ngủ. 14 năm nay, chúng tôi gắn bó với chương trình này, bao vui buồn, kỷ niệm.

- Có lẽ Táo Quân đang bị quá nhiều áp lực?

+ Tôi muốn mọi người hãy nhìn nó như chương trình giải trí vui, hóm hỉnh, như là xem pháo hoa, bánh chưng, rất quan trọng trong ngày Tết. Đấy chỉ là món ăn tinh thần thôi, đừng nghĩ gì to tát quá.

Người làm chương trình rất vất vả vì áp lực của khán giả, áp lực từ nhiều phía, mỗi bên một tí, khiến chúng tôi biến thành con búp bê giật giây, không biết phải đi đâu về đâu. Mọi người hãy nghĩ đó là món ăn tinh thần vui vẻ ngày Tết, đừng gán cho nó những thứ ghê gớm quá, cuối cùng ê kíp khổ, diễn viên khổ và khán giả không được xem cái gì họ muốn.

- Nhưng rõ ràng, cái gì khán giả chờ đợi quá cũng dễ khiến họ thất vọng. Chị nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, bây giờ là thời của hài nhảm, hài nhạt? Phải chăng nghệ sĩ đã cạn vốn?

+ Thực tế ai cũng muốn làm hay, không muốn làm nhạt đâu, nhưng bây giờ không có kịch bản hay, thiếu kịch bản trầm trọng, kịch bản nhạt thì làm sao diễn sâu được. Không làm thì thủng sóng truyền hình. Tuy nhiên, không thể nhìn vào một vài chương trình mà đánh giá hài là nhảm và nhạt được.

Chúng tôi vẫn đang miệt mài lao động, sáng tạo để mang đến tiếng cười cho khán giả. Tôi vừa làm chương trình "Xuân phát tài" đón chào năm mới rất hay. 12h15 tôi mới bước chân lên sân khấu, diễn một mạch 48 phút mà không một ai về.

Đôi khi chính nghệ sĩ cũng phải tự làm mới mình, dám mạnh dạn diễn những vai khác mình. Khi tôi đề nghị được làm vai bà mẹ trong chương trình "Xuân phát tài" chính Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long cũng lo lắng tôi có làm được không, vì vai diễn khác hoàn toàn với chất của tôi nhưng tôi biết mình sẽ làm được, phải làm được. Quyết liệt thế mới mong mình có chút đóng góp mới mẻ cho khán giả.

- Mấy năm nay nở rộ các chương trình giải trí hài trên sóng truyền hình, nhiều chương trình khá nhảm khi hài bị dung tục hóa. Nếu được mời làm giám khảo, chị có nhận lời không?

+ Nếu được mời làm giám khảo chương trình thực tế, tôi phải xem fomat chương trình, nếu hay tôi sẽ làm. Trước hết để giữ hình ảnh của mình, sau nữa đó cũng là cơ hội tìm được những người giỏi làm hạt nhân kế thừa thế hệ chúng tôi. Tôi rất kỹ khi lựa chọn kịch bản.

Bởi cốt lõi của hài là mang đến tiếng cười cho khán giả. Phải lựa chọn những kịch bản an toàn, sạch sẽ, diễn viên phải khó tính và kỹ tính với chính mình. Kịch bản không hay lắm nhưng khi diễn viên khó tính và kỹ tính, họ sẽ góp phần làm cho kịch bản hay hơn. Bản thân nghệ sĩ phải suy nghĩ, nhào nặn, sáng tạo thêm, nếu chỉ diễn thôi thì không bao giờ có được những vở hài kịch hay cả.

- Chị nói về việc tìm những thế hệ trẻ kế cận, sân khấu hài đây đó đã có những gương mặt mới nhưng hình như họ đang bị cuốn theo việc chạy show kiếm tiền, sự nổi tiếng hơn là chú tâm cống hiến, làm nghề. Vì thế, sau thế hệ của chị, của Xuân Bắc, Tự Long, chúng ta vẫn chưa có nhiều cái tên ấn tượng?

+ Chúng tôi ra lò từ năm 1998 đến giờ, từ chương trình "Đời cười" của Nhà hát Tuổi Trẻ và "Gặp nhau cuối tuần" trên VTV. Cũng gần 20 năm rồi.  Nghề này phải có tố chất trời cho và không ngừng học, thậm chí phải đi học mót của nhau và sau đó tìm ra chất riêng của mình.

Vân Dung và Quang Thắng là một cặp diễn ăn ý.

Đi cùng con đường những người nổi tiếng không bao giờ thành công. Phải học hỏi cách nhấn nhả chữ, cách tiếp cận kịch bản, tư duy của từng diễn viên. Mỗi người một kiểu khác nhau. Công Lý diễn rất tinh, còn anh Quang Thắng hễ bước ra sân khấu là khán giả đã cười rồi, phải học được cái duyên của anh ấy. Lấy được tiếng cười của khán giả thì phải diễn tinh như Công Lý, sốc như Xuân Bắc.

Tôi già rồi mà vẫn không ngừng học. Nghề này chẳng ai dạy đâu nhưng sự đào thải thì nhanh lắm. Mình có một cái tên và giữ được bao nhiêu năm rất khó, phải kỹ tính và khó tính trong nghề, không phải cái gì mình cũng nhận bừa được. Kịch bản chưa hay phải làm cho hay, đó là thể diện, danh dự của mình.

- Vì sao các diễn viên trẻ bây giờ, trong thời buổi của công nghệ, của lăng xê lại không có sức bền trong từng vai diễn như thế hệ chị?

+ Các bạn trẻ bây giờ nhiều người giỏi nhưng không ai chỉ đường cho các em. Họ phải chịu khó học. Ở trường không ai dạy diễn hài. Phải tự mày mò, tự học, chứ chúng tôi không thể truyền nghề được, vì nếu truyền nghề lại ra một ông Xuân Bắc phẩy, một Vân Dung phẩy thì rất buồn cười.

Mỗi nghệ sĩ phải có chất riêng của mình, có vị trí hay không cũng vì chất riêng đó. Bây giờ nhiều bạn có tố chất, duyên sân khấu nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Thời bọn tôi không có công nghệ, không biết tự PR, quảng cáo cho mình, nhưng chúng tôi vẫn có vị trí trong lòng khán giả. Đó chính là sự khổ luyện, không ngừng làm mới mình.

- Gần 20 năm, đi qua những thăng trầm của sân khấu, điều gì giúp chị giữ cái tên Vân Dung vẫn chưa khi nào ngừng "hot"?

+ Do mình nỗ lực cố gắng, chăm chỉ, chịu khó và phải có cái riêng của mình. Đến bây giờ, tôi vẫn phải cập nhật những kiểu diễn mới của thế giới, xem phim nhiều, phim nước ngoài để biết các xu hướng như thế nào và phải không ngừng học để lựa chọn cho mình một con đường. Không có con đường nào được rải hoa hồng cả, nếu không nói là nước mắt, là khổ luyện, là cả những vất vả, cay đắng…

- Bạn bè chị bây giờ đều đã là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, còn chị, hình như đứng ngoài những danh hiệu? Chị có buồn không?

+ Tôi không buồn vì vẫn có khán giả rất yêu quý mình. Người nghệ sĩ biểu diễn phải có khán giả xem. Khán giả nâng niu, chiều chuộng, yêu quý và họ nhớ mãi tên tuổi của mình trong cuộc đời, đó là điều quan trọng nhất. Ngày xưa bố Văn Hiệp khi còn sống, ông cũng không màng đến danh hiệu. Khi ông mất đi, khán giả và báo chí mới làm ầm ĩ lên.

Tôi biết, bố Văn Hiệp chỉ có một mong muốn mang tiếng cười và niềm vui cho khán giả mà thôi. Tôi cũng vậy, nhóm Táo Quân hỏi tôi rằng, khi lên sân khấu giới thiệu Dung là gì, tôi cười, tôi là nghệ sĩ dân gian. Thế là vui rồi. Tôi chỉ thích làm vui cho đời thôi. Bàng quan với mọi danh vọng, chức quyền, chỉ thích làm đúng sở thích của mình mà thôi.

- Bây giờ ai bảo nghệ sĩ hài nghèo nhỉ, bằng chứng là nhiều nghệ sĩ đã có nhà ở những khu vip của Hà Nội đấy thôi? Nhiều người bảo chị may mắn mới có cuộc sống đủ đầy hôm nay?

+ Nếu chăm chỉ làm việc, chạy show thì nghệ sĩ hài bây giờ sống tốt bằng nghề chứ. Tuy nhiên, phải nỗ lực ghê lắm. Những gì tôi có được hôm nay đều là nỗ lực không ngừng của mình. Nếu may mắn, tôi đã không vất vả thế này, không phải đánh đổi quá nhiều thứ để có được ngày hôm nay.

Vân Dung trong chương trình Táo quân 2017.

Lúc mọi người được ôm con, ôm chồng, có gia đình hạnh phúc đề huề, thì tôi, chồng một nơi, vợ một nơi. Lúc mọi người được ăn cơm nhà sung sướng thì chúng tôi lang thang, vạ vật, cơm đường, cháo chợ, không nhìn thấy con lớn lên từng ngày vì phải đi diễn triền miên, không được nghe con tập nói bi bô.

Cuộc đời một người mẹ không được chứng kiến điều đó, không được nghe con nói câu ''mẹ'' đầu đời. Cuộc đời phải trả giá, đừng bao giờ nói đó là may mắn. Đó là nỗ lực của chúng tôi, và những gì tôi phải trả giá, hy sinh.

- Lúc nào cũng thấy chị cười vui như Tết, có khi nào chị buồn không?

+ Tôi không có thời gian để buồn, cuộc sống mà, không ngừng lạc quan. Tất cả những khó khăn tôi đều cố gắng, nỗ lực vượt qua. Đến lúc này, tôi đã đi qua hết những lo lắng, buồn phiền của cuộc sống.

Tôi nhìn cuộc sống đơn giản lắm nên có nhiều thứ khủng khiếp xảy ra, nhưng tôi lạc quan, coi đó là những điều hiển nhiên giống như quy luật của cuộc sống, có buồn-vui, có đau khổ-hạnh phúc. Mình phải sống lý trí và mạnh mẽ mới tồn tại để lo cho gia đình, con cái được chứ. Những người không có tay chân còn đi bán vé số kiếm sống, tại sao mình phải buồn phiền…

- Đến một lúc nào đó chị có nghĩ đến việc đoàn tụ gia đình, chấm dứt cảnh chồng Nam vợ Bắc như thế này không?

+ Cũng có thể một lúc nào đó, tôi chưa nghĩ đến. Tôi bây giờ chỉ thích bình yên thôi, những gì làm được mình đã làm rồi. Tết vừa rồi cả gia đình tôi ăn Tết trong Nam, vui vẻ và thư thái. Nhưng tôi thích cuộc sống ở ngoài này hơn. Tôi muốn giữ mãi sự yên bình như thế này. Không nhiều tham vọng về công việc, bởi tôi đứng ngoài những hào quang, sự nổi tiếng.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình làm nghề, mang đến niềm vui cho khán giả và kiếm sống nuôi gia đình. Đợt tới, tôi sẽ có một tour diễn ở các tỉnh miền Tây, khá thú vị đây. Ai bảo hài Bắc hay hơn hài Nam. Còn tôi thì cho rằng, đó là khẩu vị của từng vùng miền. Không thể áp đặt giá trị, khẩu vị mỗi vùng miền cho nhau được, có nơi chỉ ăn bánh tét, không ăn bánh chưng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.